4.9.13

Chuyện máy hát và thợ viết nhạc

Nhạc trẻ Việt Nam sau những giai đoạn thăng trầm khác nhau đã đạt đến một giai đoạn phát triển mới có thể gọi là hoàng kim vào hậu bán thập niên 90 (khoảng năm 96,97)và chỉ kéo dài được hết năm thứ nhất của thiên niên kỷ mới.Thời kỳ này là “thời đại vàng”của các giọng ca xuất thân từ Hà Nội nhờ một kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện cộng với những làn hơi mạnh mẽ đến mức có thể “làm xiếc” với giọng hát của mình, và sau đó là sự đổi ngôi cho một thế hệ ca sĩ ở Sài Gòn muốn làm sống lại lối hát chân phương của người miền Nam cộng với lối thể hiện của cơn sốt”TeenPop”đang là thời thượng trên thế giới.Còn những nhạc sĩ của giai đoạn này có khá nhiều người  cố gắng tạo được những phong cách riêng ở những trình độ khác nhau đã góp phần tạo nên một dòng chảy tươi mới mà họ đã học hỏi,hấp thu hoặc bắt chước một cách khéo léo từ các loại ca khúc hiện đại trên thế giới(Chủ yếu là Âu-Mỹ và sau này là một phần của Bắc Á).Sự tương tác giữa “người hát” và “người viết” khá điệu nghệ đã đưa nền nhạc trẻ giai đoạn này đạt đươc một thành công nhất định với một gương mặt đa diện có thể gọi là một sang trang mới giúp đẩy lùi bớt dòng nhạc hải ngoại đã từng chiếm lĩnh những chiếc máy Cassett-CD một thời gian dài trước đó.
     Tuy nhiên,thời”trăng mật”của nhạc trẻ qua mau dưới những cơn sóng cuồn cuộn của thị trường.”Người viết” và “người hát”mới xuất hiện một hai năm trở lại đây đã không còn đủ tỉnh táo,bản lĩnh và tâm hồn để duy trì một phong độ viết và hát rất nghệ sĩ như lúc ban đầu nữa.Nhạc trẻ sinh ra từ thị trường và trở thành nạn nhân của thị trường bởi tính thụ động và sớm vội hưởng thụ của người hát và viết nhạc mà đa phần họ còn quá trẻ và vô tâm để nhận ra điều đó.



     Người hát từ vô tình đến tự nguyện biến hình tượng người ca sĩ trở thành cái máy hát đầy năng lượng gom tiền và săn lùng danh vọng tột độ bằng mọi giá.Họ bị biến thành một con rối đúng nghĩa trên sân khấu.Ban đầu là cái mini-disk nhiệm mầu phù phép một con chim sẻ thành hoạ mi và biến khán giả thật thà trở thành người nghe đĩa với phần “múa minh hoạ” của người nhép miệng.Tuyệt vời quá, lip-sync !!! Sau đó,mini-disk bị kết án”đồng phạm”với lip-sync giúp ca sĩ ”móc túi” khán già và biến mình thành ngôi sao ảo.Có hề gì người hát vẫn cứ hát và bây giờ khi buộc phải chia tay với “cái đĩa nhỏ phù thuỷ” họ tìm cách lấy lòng khán giả trẻ bằng chiêu bài ”FansClub”để huyễn hoặc người nghe trẻ(cũng rất non nớt đến quá vô tư) và tự “bơm mình”để”tăng trọng”như những con gà thịt bị bơm nước ở ngoài chợ.Trình độ âm nhạc và sự chạy show liên tục, sự tính toán quỷ quái để cạnh tranh,giành giựt fan không phải bằng giọng ca làm sao có thể giúp người hát có được trái tim xúc cảm và nhân cảm để hát không giống như một robot hoặc con rối duới sự điều khiển của cơ khí hoặc một người nào khác không phải chính họ?

                                          Fans là lá bài lật ngửa của ca sĩ-thợ hát ngày nay

    Trong tình hình đó đáng buồn thay”những cái máy hát” lại đi tìm sự hợp tác từ những “nhạc sĩ” đang biến mình thành một “người thợ viết nhạc”.Sự kết hợp giữa hai cái “gien” này tất yếu đã tạo ra những đứa con nhợt nhạt,ốm yếu là 9/10 những”sản phẩm”đang lưu hành trên thị trường hiện nay được đánh giá là một loại hàng hoá rẻ tiền chứ không được coi như là hàng hoá cao cấp, là “hàng hiệu” như vài năm trước đây!
     Chỉ có ai cực đoan mới ngộ nhận và phê phán tính thị trường của nghệ thuật.Đó là một yếu tính của mọi thứ trong xã hội hiện đại.Trong khi nền điện ảnh đang loay hoay tìm một lối ra trong thị trường,coi đó như một cái phao cứu sinh tạo một bước nhảy vọt để lôi kéo khán giả đến xem phim Việt Nam ở các rạp hát và trước màn hình vô tuyến, thì hà cớ gì chúng ta lại tìm cách “ngáng chân” một thị trường ca nhạc đã được tạo lập ở đây?Không có sự huỷ hoại nào đáng kể ngoài chính những người trong cuộc là những người viết nhạc trẻ!Vâng,sự thật cay đắng đã chỉ ra chính những bài hát ngày càng khô cạn về cảm xúc và nghèo nàn về sự sáng tạo và cá tính của chúng ta là một trong những nguyên nhân chính đã đưa giá trị và danh dự của nhạc sĩ ca khúc đến bờ vực thẳm.
     Từ một vài bài hát xuất thần,được cưu mang và sinh thành ở trái tim đưa một số trong chúng ta lên đỉnh vinh quang rồi từ đó duới áp lực của “đơn đặt hàng”và sự mê say danh tiếng và cạnh tranh với nhau xem ai giành giựt “miếng bánh” nhiều hơn,cái chữ “sĩ ” kia đã vơi bớt hoặc không còn nữa trong tâm niệm của người viết.Sự chai sạn cảm xúc,sự lười biếng tư duy đã tăng tốc sự thoái hoá từ học hỏi,bắt chước đi dần đến việc chấp nhận “chôm chĩa âm nhạc” do vô ý thức hoặc có ý thức chẳng giúp chúng ta nổi tiếng hơn mà chỉ là tai tiếng hơn,làm cho vai trò người viết nhạc trẻ trở nên rẻ tiển như chính những bài hát sản xuất hàng loạt mang màu sắc sinh sản vô tính của mình.
     Tôi nhớ mãi hình ảnh “đau lòng” trong lần trao giải Làn Sóng Xanh gần đây nhất.Những kỳ trao giải của mấy năm trước ,lễ trao giải diễn ra tương đối trang trọng dành cho người viết với việc xướng tên và trao giải cho từng người được giải.Lần này thì không,cả “một đống”tác giả được nêu tên và xếp hàng lên nhận “huân chương”cùng một lúc.Cảnh lộn xộn đã diễn ra và các tấm giấy khen đã trao nhầm tên tác giả lung tung!Chao ôi,một giải thưởng như của LSX,được xem như chỉ là một sân chơi cục bộ,là thị hiếu nhất thời, là thị trường nay cũng không còn trân trọng mấy dành cho những người viết ca khúc thương mại như xưa nữa huống hồ gì là những giải thưởng nghề nghiệp uy tín khác.Chẳng trách được ai vì khi mình kém tự trọng thì người khác cũng bớt tôn trọng mình mà thôi.
      Có lẽ còn lại một niềm an ủi và hy vọng chăng khi nghĩ rằng thà chúng ta có những “người máy hát” nghe xuôi tai còn hơn nghe ca sĩ dở hát;và thà làm một anh thợ nhạc “khéo tay hay làm” còn hơn một chàng nhạc sĩ vụng về không biết xu thời,biết xoay sở lăng-xê?
  
T.M.P

Back To Top