4.9.13

THỬ BÀN VỀ HIỆN TƯỢNG “ỐC MƯỢN HỒN”TRONG CA KHÚC VIỆT HIỆN NAY



Trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFI(Pháp) vào lúc 22g30 ngày 19/4/2004,tôi đã ví von:”Nhạc Việt lên ngôi cách đây 6,7 năm và cho đến nay thực chất chỉ là một hiện tượng “Ốc mượn hồn”,nghĩa là công chúng chỉ thoả mãn lòng tự ái dân tộc trên những giá trị ảo mà đa phần các bài hát được ký tên bởi tác giả Việt nhưng chất liệu và màu sắc âm nhạc không phải là của họ hoặc ít mang dấu ấn sáng tạo của cá nhân và càng ít hơn nữa diện mạo văn hoá Việt(chỉ xét về mặt âm nhạc,còn phần lời ca chưa đề cập đến)”

Phạm vi của bài viết này không nói đến sự đạo nhạc trắng trợn-sự tranh luận và chứng minh sự “đạo” hay không “đạo” hãy để cho công luận và lịch sử tiếp tục phán xét-mà chỉ xin bàn đến sự thẩm thấu văn hoá của tài năng (âm nhạc) để tạo nên một nền âm nhạc (chỉ đề cập đến lãnh vực ca khúc-một hình thức nhỏ của âm nhạc nhưng gần như là diện mạo chính của Nhạc Việt) phát triển trên nền tảng “ảnh hưởng” hay là “sao chép” những yếu tố ngoại lai.

Sự ảnh hưởng trong các nền văn hoá là tất nhiên, âm nhạc không đứng ngoài quy luật đó. Đấy là nói đến tính vĩ mô,còn ở tính vi mô thì sự ảnh hưởng giữa các cá nhân sáng tạo lại càng rõ rệt hơn nữa.(Một Beethoven thiên tài còn phải chịu ảnh hưởng của Mozart trong những tác phẩm đầu tay của mình để từ đó phóng xa hơn vào không gian sáng tạo)

Hãy bắt đầu từ tổng thể âm nhạc Việt từ thuở sơ khai,chúng ta đã thấy ngay cha ông ta đã chịu ảnh hưởng của một trong 2 nền âm nhạc lớn nhất châu Á là Trung Hoa(nền âm nhạc kia là Ấn Độ), điều chứng minh trước hết nằm trong cơ sở lý luận cũng như nền tảng kiến thức nhạc học Việt hầu hết là dựa theo nhạc học của cường quốc phương bắc này(Có thể nhận thấy điều đó khi xem Vũ Trung Tuỳ Bút-Phạm Đình Hổ hoặc Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn- một trong rất ít các tài liệu về nhạc học Việt),sau đó là một số giai điệu cổ truyền Việt đều chịu ảnh hưởng một số lòng bản nhạc Hoa.



Tiếp đến giai đoạn hiện đại với thời kỳ tân nhạc Việt những năm 30 của thế kỷ trước, âm nhạc Việt lại tiếp tục du nhập âm nhạc phương tây từ nhạc lý,ký âm pháp,hình thức cho đến thể điệu.

Sự vay mượn và ảnh hưởng như thế cứ tiếp tục trên cái sườn phát triển của âm nhạc Việt cho đến những tháng năm đương đại này.Vậy thì cao trào phê phán nhạc trẻ Việt lai căng trong thời gian vừa qua có quá nặng tay và ấu trĩ cho một nền âm nhạc vốn dĩ đã chịu ảnh hưởng ít nhiều các tác động ngoại lai?

Câu trả lời là không!

Bản thân của văn hoá là sống động và phát triển từ các sự tương tác và thẩm thấu.Trong quá khứ cha ông ta đã vay mượn ngũ cung Hoa để thẩm thấu thành ngũ cung Việt(Hò,xự,xang,xê,cống từ cung,thương,giốc,chuỷ,vũ) rồi du nhập thất cung(do,re,mi.fa,sol,la,si)của Tây phương kết hợp với ngũ cung Việt với sự tiết chế các bán âm để tạo nên một gương mặt tân nhạc có đầy đủ tâm hồn và nét văn hoá Việt trên các công cụ ngoại lai, đó là sự Việt hoá thành công ít nhiều(tuỳ từng tác giả) nền âm nhạc du nhập từ bên kia Thái bình dương.Do vậy,chúng ta đã có một nền âm nhạc -vẫn thừơng đươc gọi là nhạc tiền chiến-làm “của riêng” trong gia tài của Văn hoá Việt.

Còn hiện nay chúng ta đã làm gì để tiếp tục thẩm thấu và phát triển những vốn liếng đó của cha ông?”

“Con hơn cha là nhà có phúc”.Ngôi nhà âm nhạc Việt đã gần như mất nóc khi thế hệ hậu sinh lại thụt lùi một bước so với các bậc tiền bối.Chúng ta vay mượn mà không có một sự thẩm thấu nào cả để”lọc” nên một tâm hồn và bản sắc Việt.Từ sự chịu ảnh hưởng,chịu tương tác để học hỏi và phát triển của cha ông chúng ta rơi xuống cấp thấp hơn, đó là sự vay mượn vụng về và bị động theo gần đúng với hành vi sao chép.Trong khi đó xét trên góc độ cá nhân thì ngay cả một dấu ấn cá tính của âm nhạc(yếu tính tạo nên cá nhân sáng tạo)trong các sáng tác hiện nay cũng rất mờ nhạt chứ chưa nói đến dấu ấn của một nền văn hoá.Có thể thông cảm cho một nền tảng sáng tác đang bị thị trường làm chao đảo(Nhân tố này chưa xuất hiện hoặc chỉ hiện diện mờ nhạt trong các giai đoạn âm nhạc Việt trước đây)nhưng cũng không thể hợp lý khi biện minh cho tài năng và lòng tự trọng của người viết nhạc hiện nay phần lớn đang ở điểm số dưới trung bình mà gần một thập niên sau khi được ca tụng thì ánh sáng của sự thật đã cho thấy đó chỉ là một nền ca nhạc của bong bóng xà phòng mà thôi.Thực trạng của nền âm nhạc hiện tại cho thấy nó càng lúc càng hỗn loạn(mất phương hướng hoặc định hướng sai lầm) và rỗng tuếch(về thái độ sống và làm nghệ thuật).Chúng ta đau lòng khi phải nhận định rằng đa số các tác giả viết nhạc chỉ là những “người thợ làm nhạc khéo tay” chứ không phải là “người viết nhạc có tâm hồn nghệ sĩ”



Cũng có người xuê xoa rằng một nền âm nhạc chủ đạo là ca khúc mà lại là ca khúc phổ thông hơn là ca khúc nghệ thuật thì sự đòi hỏi sáng tạo là chuyện viễn vông và quan trọng hoá mọi sự việc vượt quá bản chất của nó.Tôi không đồng ý như thế cũng như hiện thực khách quan và lòng tự trọng của người làm văn hoá không cho phép suy nghĩ như thế.Ca khúc phổ thông cũng là một diện mạo văn hoá mà văn hoá không thể không có dấu ấn sáng tạo(cho dù ca khúc phổ thông “hàm lượng”chất xám có ít hơn so với ca khúc nghệ thuật) trên một mẫu số chung là nét văn hoá riêng và cá tính riêng trong sự tương tác,rồi thẩm thấu và phát triển bởi sự ảnh hưởng,học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn hoá(dù đơn phương hay đa phương). Đó cũng là cũng là một cứu cánh của một nền văn hoá toàn cầu mà dòng chảy của một nền âm nhạc không biên giới(World music) đâ và đang hướng tới:Thâu tóm đại đồng rồi phát triển dị biệt!

Tôi tin trong cơn đau đớn của cuộc đại phẫu thuật vừa qua nhạc Việt sẽ tỉnh giấc và hồi sinh.Nó thực sự sẽ lên ngôi với những giá trị thật chứ không còn sống kiếp “Ốc mượn hồn” nữa.

T.M.P
                                                                                             
                                                                                                   
Back To Top