Cho dù mọi đánh giá về bolero Việt có khác nhau hay trái ngược nhau của mọi tầng lớp xã hội VN thế nào thì chắc chắn bolero vẫn luôn có một chỗ đứng quan trọng và không thể thiếu của âm nhạc Việt từ xa xưa, bây giờ và sau này. Nó đã , đang và sẽ tạo nên một âm quyển bolero trong không gian sống của người Việt. Đó là điều ai cũng thống nhất.
Nền âm nhạc VN là nền âm nhạc của ca khúc làm chủ đạo, dù từ lâu
chúng ta đã dày công xây dựng một nền âm nhạc bác học song hành với nó. Nhưng
do yếu tố lịch sử, thói quen văn hóa và nhất là thông lệ giáo dục ở VN chưa bao
giờ đưa được nhạc bác học vào nếp nghe nhạc của người Việt hoặc tạo nên một âm
quyển cao cấp. Nó chỉ tồn tại trong một nhóm rất thiểu số mà nhóm đó
trong chỉ số cảm thụ loại nhạc này cũng cho thấy chưa rộng và sâu như các nước
phát triển khác.
Sống trong một âm quyển triền miên như vậy thì tất yếu sẽ còn rất
lâu và rất lâu chúng ta mới tạo được một tầng lớp công chúng âm nhạc cao và
rộng cho các thể loại âm nhạc khác có hàm chứa chất xám cao hơn.
Quay lại với ca khúc, dù gì đi nữa thì nó vẫn là một thứ nghệ
thuật có giá trị riêng nếu nó được sáng tạo tử tế và có một tầng lớp thưởng
thức tử tế. Trong đó, bolero có thể nói là một dòng chảy mạnh trên cả bề mặt
lẫn mạch ngầm xã hội. Nhưng quan sát và phân tích chúng trên ý nghĩa xã hội học
cũng như tâm lý học thì bolero thật sự được diễn giải, được hát lên, được nhắc
đến không phải như một ý nghĩa nghệ thuật không mà nó còn như một tập quán giải
trí và giải sầu mang tính dân gian của người Việt rất cao. Đây mới là sức mạnh
vô địch của bolero so với các thể loại ca khúc khác. Nó đã đi vào tâm linh của
đại đa số người Việt như một cá tính dân tộc.
Ví dụ nhỏ thôi, người ta tụ tập trà dư tửu hậu thế nào , trong
hoàn cảnh nào, dù là nhóm xã hội nào(trí thức , bình dân , thậm chí là dân nhạc
có học…)thì ở đó ít nhiều bolero lại vang lên trong đủ mọi tâm thế từ là thần
tượng bolero hay coi bolero là phương tiện giải trí cho đến những người trong
nhìn nhận chính thống là coi thường thứ nhạc này là của người ít học …
Có nghĩa là người ta có nhìn nhận bolero dưới góc độ lý tính hay
trí tuệ gì thì bolero đã ăn sâu trong tiềm thức trong máu của mỗi người vì
bolero là một thứ âm quyển đã tồn tại từ lâu và dai dẳng như lời ru của mẹ vậy.
Người ta không chỉ nghe bolero đâu mà người ta thường hồi tưởng mọi thứ thông
qua âm quyển của bolero!
Cho nên giá trị của bolero không chỉ còn nằm trong thang giá trị
của nghệ thuật cao thấp thế nào mà thực tế nó đã hình thành nên một nét tập
quán văn hóa Việt. Gía trị tham khảo cũng như là giá trị thiêng liêng của nó
chính là chỗ đó.
Vì thế tôi tin rằng bolero sau này nó sẽ tồn tại như một thứ dân
ca không khuyết danh, là một thứ âm nhạc dân gian của tương lai. Và thứ âm
quyển nó tạo ra sẽ còn là một ám ảnh thanh âm của hoài niệm.
Trên thực tế đó chúng ta phải có sự đối xử với bolero vừa thuận
tình vừa thuận lý.Không còn đứng trên góc độ nghệ thuật nữa mà là góc độ xã hội
và tâm linh.
Dĩ nhiên một nền nghệ thuật âm nhạc đương đại Việt hiện nay không
thể tiến xa và đối thoại với thế giới bằng thứ âm quyển bolero này nhưng cũng
không vì thế mà không nhìn nhận tầm quan trọng sâu sắc mà âm quyển bolero đã và
đang mang đến cho đa số công chúng Việt một cuộc sống tâm linh rất quê hương.
Mọi
ngã đường nghệ thuật khác , mọi âm quyển nghệ thuật khác có được mở ra hay
không đang thuộc về phần lớn trách nhiệm của những nhạc sĩ đương đại.
===================================
(* )Âm quyển: khái niệm của nhạc sĩ
Iannis Xenakis- ám chỉ một
môi trường, không gian mà một thứ âm thanh, âm nhạc chủ đạo khiến người ta nghe
một cách có ý thức đến vô ý thức. Ông là một trong những nhà soạn nhạc xuất sắc
của âm nhạc Hy Lạp thời kỳ Hiện đại. Các tác phẩm: Persephassa, Nomos Alpha, Evryali, Herma…
T.M.P