4.9.13

Lại Chuyện “Thầy Bói Xem Voi”

Sẽ không có một thứ suy diễn chung nào cho mọi nền âm nhạc hoặc từng thể loại âm nhạc,cũng như khộng thể lấy một quan niệm mỹ học của một nền văn hoá kia làm chuẩn mực cho nền văn hoá nọ.Ngay cả một hệ thống học thuật dù đã được chứng minh và đưa vào trong sách giáo khoa cũng bị lật nhào vì những giá trị mỹ học mới nhưng không phải vì thế mà nó trở nên vô giá trị.Chẳng hạn học thuật về Hệ thống bình quân luật của Bach vĩ đại là thế cũng đến lúc bị  musique sérielle (hệ thống 12 âm phi cung thể) được khởi xướng bởi A.Schönberg phủ định,rồi đến lượt nó bị âm nhạc nghiệm tác (experimental music)của John Cage không chấp nhận.Nhưng tất cả những phát kiến trên đều được xem là những tài sản văn hoá của nhận loại và giá trị của nó chẳng mất đi gờ-ram nào.

Bởi vậy vấn đề ở chỗ chúng ta cần chứng minh những công việc làm nhạc của ta có sáng tạo, có nghệ thuật không chứ không phải đi “cãi” giùm cho những nền học thuật,những hệ thống mỹ học đã được chứng minh giá trị sáng tạo tuyệt vời mà thế giới đã làm bởi những đầu óc vĩ đại hơn là cái khối óc(xin lỗi) đang rất nông cạn và lạc hậu của chúng ta ở cái xứ sở còn rất khiêm tốn trên bản đồ âm nhạc thế giới này.
 
Chuyện những nhạc sĩ tài hoa của phương Tây(mà không phải số đông,chỉ một số thôi) viết nhạc trên cơ sở lấy chất liệu phương đông (vậy mà có người ở Việt Nam chê các nền âm nhạc châu Á là xoàng,không đáng thâu nạp?!)để tạo nên một thứ âm nhạc mà người nghe không thể nhận ra quốc tịch của họ là chuyện xưa như trái đất và cũng không thể để biện bạch cho một người Việt Nam viết nhạc như Tây.Cái cốt tuỷ của vấn đề là Sting viết nhạc phương đông nhưng đó vẫn là nhạc của Sting chứ không phải là nhạc của tác giả nào ở phương đông!Còn ở ta thì nhạc sĩ “thâu tóm” nhạc Hoa,nhạc Tây đều có đủ cả(còn hơi bị nhiều) nhưng lại không nghe ra nhạc của Nguyễn văn X,văn Y nào cả mà lại giông giống với các tác phẩm có tên có tuổi của John X,Taylor Y nào đó!Trong khi  một vài nước châu Á khác các nhạc sĩ như:Ravi Shankar (Ấn Độ), Isang Yun( Hàn Quốc)Toru Takemitsu, Toshiro Mayuzumi(Nhật) Chou Wen-Chung(Trung Hoa)…vẫn tạo nên một cá tính sáng tạo của họ khi thủ đắc những chất liệu của âm nhạc phương Tây!

Chuyện tiết tấu bị vay mượn hay không và tại sao không gọi là “ăn cắp” như hai giai điệu giống nhau thì lại hơi bị…dở hơi.Nền lý luận nhạc học tiên tiến của thế giới đã công nhận tiết tấu giống nhau là chuyện nhỏ,vấn đề là ở chỗ giai điệu có bị”song sinh “với nhau hay không.Bởi vậy trong lịch sử âm nhạc thế giới người ta chỉ đề cập đến “sự cố”giai điệu và  chưa bao giờ chúng ta được chứng kiến chuyện hai nhạc sĩ đưa nhau ra toà vì tiết tấu giống nhau.Vậy thì tranh luận làm gì chuyện tiết tấu xưa và nay khi nó đã có kết luận?Bạn có thấy rách việc không?Sao không lên mạng tìm kiếm tài liệu và chứng cứ về chuyện đó mà đọc?

Những lý luận không chính danh,việc nọ xọ việc kia trong nhận định về âm nhạc(và tất cả mọi việc)càng làm cho mọi việc trở nên hỗn mang hơn.Chẳng hạn vấn đề biến tấu trong thể loại Variation không thể áp đặt vào ca khúc.Một đằng là hình thức âm nhạc lớn và phức tạp,một đằng là hình thức nhỏ và giản đơn hơn nhiều.Trong Variation với hàng ngàn nốt nhạc được phát triển chỉ từ một chủ đề vay mượn khoảng từ mười đến vài mươi nốt nhạc được phát triển mênh mông ra với hàng loạt thủ pháp từ nhắc lại(đơn giản,có thay đỗi) đến mô phỏng(soi gương,chia cắt,tăng,giảm)rồi triển khai rồi đối tỷ…thì chất lượng sáng tạo phải cao và nặng ký hơn nhiều so với ca khúc chỉ có khoảng  trăm nốt nhạc khi phát triển trên một chủ đề đã chiếm đến gần một chục nốt hoặc hơn.Bởi vậy,trong khí nhạc có hình thức Variation nhưng trong ca khúc thì không(nó chỉ có thủ pháp biến tấu mà thôi).Cho nên viết ca khúc mà cứ chăm bẳm đi mượn chủ đề âm nhạc của người khác để làm”variation”chứ không tự mình tạo nên chủ đề độc đáo cho mình thì rất dễ bị khả nghi về “tư cách” người viết bài hát lắm.

Điều đáng lo là gần đây, lợi dụng một vài nhận xét sai lầm về một hai bài hát”song sinh”không có căn cứ, bắt đầu xuất hiện những luận điểm bênh vực cho những giai điệu giống nhau(ít hoặc nhiều)dựa trên cơ sở “trùng hợp ngẫu nhiên” hoặc là “điều không thể tránh khỏi”-đồng thời “khai quật” những tài năng âm nhạc lớn lên ngồi cùng chiếu với những tài năng âm nhạc nhỏ chưa được lịch sử thẩm định để làm bình phong- song song với thái độ khinh thị những nhận xét còn lại về các bài hát giống nhau(cho dù đó là những thẩm định của những vị nhạc sĩ mang hàm giáo sư khả kính)trong khi vẫn sang sảng cho rằng đạo nhạc là có thật.Một chiến dịch tung hoả mù và mỵ dân chăng?

Đã là ngẫu nhiên thì sự gặp nhau chỉ xảy ra một vài lần trong các sáng tác.Nhưng có còn ngẫu nhiên chăng khi mà sự tương đồng đó diễn ra nhiều lần trong cùng một tác giả trong khi những tác giả khác không ai đào ra được(hoặc rất ít)sự “ngẫu nhiên”khác?

Và có là quá đáng không, khi một đằng thì lên án nền ca nhạc nước ta đang sản sinh ra những bài hát na ná chất liệu âm nhạc của nhau thì một đằng lại khẳng định và ủng hộ một phương pháp sáng tác theo kiểu remix những chất liệu âm nhạc có sẵn mà không dám bàn đến remix theo trình độ nào?


Và phải chăng cần phải làm một cuộc đại phẫu thuật thứ hai về nạn đạo nhạc khi mà cuộc phẫu thuật thứ nhất đã tỏ ra bị”lờn” thuốc?Hay đó chỉ là sự dãy dụa của thây ma đạo nhạc và những “đồng thanh tương ứng” của nó trong hành trình”ngưu tầm ngưu,mã tầm mã”?

T.M.P

Back To Top