4.9.13

TƯƠNG LAI NÀO CHO NHẠC VIỆT?

Bài 11(Bài cuối):

Như vậy chúng ta đã lướt qua gần 70 năm Nhạc Việt(1938-2004).Cái hôm qua và hôm nay đã được nhận diện lại- dù chỉ là cưỡi ngựa xem hoa.Những nét phác thảo đó với  một vài cận cảnh -tuy rời rạc- chắc cũng tạm đủ để ta hiểu được phần nào nền âm nhạc của người Việt(Nhạc ở đây được hiểu là ca khúc)với những hoa trái(ngọt lẫn đắng),những mùa màng bội thu,những mùa màng thất bát và cả những rào cản trên cánh đồng đang cày bừa cùng những con sâu buồn như những nốt trầm lạc phách…

Học tập = Bắt chước?

Tân nhạc giai đoạn đầu(1934-1945)là cả một sự khai phá trong ý nghĩa mở ra một thời đại âm nhạc tiên tiến của Việt Nam.Đến lúc này ở Việt nam mới có khái niệm nhạc sĩ,người viết nhạc(Trước đó,những tác phẩm âm nhạc là vô danh,được truyền khẩu trong dân gian với các dị bản với các thêm bớt mang tính tập thể).Cái xác định được ngay là nền Tân nhạc đó chịu ảnh hưởng lớn của nhạc Tây vì vay mượn nhạc học của họ.Nhưng hoàn toàn không có sự bắt chước trong các tác phẩm tiêu biểu của những gương mặt xuất sắc Tân nhạc.Những cái gì là bắt chước đã mau chóng bị đào thải vào quên lãng.Những bậc tiền bối của Tân nhạc như Văn Cao,Đặng Thế Phong,Nguyễn Văn Thương,Nguyễn Xuân Khoát,Lê Thương…cho thấy họ đã học tập như thế nào,bị ảnh hưởng như thế nào nhưng không hề bị nghiêng ngã hoặc bước sang bên kia ranh giới của sự bắt chước(Xem bài 3-45).Các tác phẩm của các bậc tiền bối này nếu so sánh với Tây Phương có thể không hơn,nhưng nó cũng không hề thua kém bao nhiêu trong việc vận dụng kỹ thuật với một nguồn cảm hứng chân thành.

Giai đoạn 45-54,yếu tố dân tộc được khai thác với một ý thức mạnh mẽ hơn và thành quả to lớn của nó chính là biến âm nhạc thành một thứ vũ khí đấu tranh chính trị lợi hại và những tình tự quê hương của nó.Đó chính là gợi ý,là mẫu mực cho nền âm nhạc cách mạng miền Bắc trong thời kỳ 54-75 đã đẻ ra hàng loạt bài ca cách mạng điển hình đã trở thành kinh điển và truyền thống với giá trị như một nhật ký lịch sử sống động.Nhiều nhạc sĩ đã chịu ảnh hưởng nhạc Nga,Nhạc Trung quốc(Được nhà nước gửi đi đào tạo chính qui)nhưng chính những tác phẩm học tập không bắt chước mới được kính trọng và lưu truyền rộng rãi lâu dài(Xem bài 6)

                                             Nhạc sĩ Phạm Duy-Cây cổ thụ của nhạc Việt

Cũng thế,khi nhạc thương mại lần đầu tiên xuất hiện vào cuối thập niên 60 tại Sài gòn tạm chiếm thì bên cạnh những dòng nhạc vô giá trị,vô thưởng vô phạt vẫn xuất hiện những điểm son của một loại tình ca học Tây nhưng không giống Tây theo kiểu”Ngả nón chào người quen”.Đó là các tác phẩm nổi bật của Phạm Duy,Trịnh Công Sơn và một số nhạc sĩ tên tuổi khác của Sài gòn.

Gía trị nghệ thuật, giá trị nhân sinh và giá trị thương mại.

Ca khúc là một thể loại âm nhạc của quần chúng.Nó cắm rể sâu vào nhạc Việt khi tìm thấy giá trị nhân sinh qua việc dùng âm nhạc để động viên cho cả hai cuộc kháng chiến trường kỳ.Do vậy,dễ hiểu khi ca khúc nghệ thuật không phát triển tương xứng với ca khúc phổ thông.Cả yếu tố chiến tranh liên miên và đói nghèo cũng không cho phép các nhạc sĩ có điều kiện thể nghiệm những ý tưởng nghệ thuật cao siêu ngoài những dự án nghệ thuật rất phổ thông.Tuy nhiên giá trị khai phá không phải vì thế mà không có trong các ca khúc phổ thông của những tên tuổi lớn đã kể trong các loạt bài trước.(Ngược lại có những ca khúc viết theo hình thức nghệ thuật nhưng lại không có giá trị sáng tạo nào đáng kể!)Nghệ thuật vị nghệ thuật ít có chỗ đứng trong Tân nhạc ngoài những thông điệp nhân sinh mà nó gửi gắm qua lời ca bằng sự chuyển tải của một dòng giai điệu không quá phức tạp để phù hợp với tai nghe của quảng đại quần chúng.

Nhạc thương mại là con đẻ của Tư bản qua hình thức kinh tế thị trường.Khi Việt Nam tiếp xúc với Tư bản bằng sự thống trị của người Mỹ thì âm nhạc lập tức được định hướng như một sản phẩm tiêu thụ đúng như đã diễn ra ở phương Tây.Đó là một mặt bắt chước đúng nghĩa.Tuy nhiên,những tác phẩm “hướng tiêu thụ”này không chỉ đẻ ra những mặt hàng chợ hàng loạt mà còn có những nhạc phẩm thương mại có giá trị cao theo kiểu hàng hiệu.Nhạc Sài gòn xưa(Xem lại bài 8)là một minh chứng cho hai kiểu”hướng tiêu thụ”cấp cao và cấp thấp.

Ngũ cung và chuyện giả lập dân tộc và giả lập hiện đại.


                                                                          Đàn tì bà

Không phải cứ đem ngũ cung vào nhạc học của thất cung là có đông–tây giao hoà.Pha một ly nước chanh đơn giản là thế mà vẫn có người pha dở pha ngon.Chuyện “mix” ngũ cung và thất cung không khéo có thể là giả lập dân tộc-hiện đại.Cách pha chế của các nhạc sĩ Tân nhạc bậc thầy là một ví dụ của lối pha chế tài hoa(Dĩ nhiên tính hiện đại lúc ấy khác bây giờ.Tính hiện đại hôm qua không là gì cả so với tính hiện đại hôm nay).Và không phải cứ viết ngũ cung là dân tộc khi yếu tố đó kém giá trị sống động mà cứ đứng im với cái ngày hôm qua đã chết.Cũng không thể đem chuyện nhạc sĩ phương Tây đi thâu thái ngũ cung châu Á để khuyến khích việc vứt bỏ hoàn toàn dân tộc tính để viết nhạc thuần Tây phương.Họ(những người phương Tây)đến với âm nhạc da vàng với tư cách người chinh phục khi đã tường tận hết và khai thác triệt để nhạc tính của họ.Trong khi đó,ta chưa am hiểu hết và khai quật hết những “mỏ âm thanh” của dân tộc và đến với âm nhạc da trắng với vị thế người đi học.Cho nên,không biết người,biết ta mà bắt chước mù quáng sự thâu thái của họ ta có thể rơi vào tình trạng giả lập hiện đại.Như thế nó còn tệ hơn anh bảo thủ chỉ biết khư khư ôm lấy cái quốc nội.

                                                                        *******

Tương lai của nhạc Việt đang nằm trong tay các nhạc sĩ trẻ của thế hệ hôm nay hay ngày mai hoặc ngày mai nữa,không quan trọng.Nó được quyết định bởi cách nhìn của họ-trên cái nền tài hoa của mỗi người-về những vấn đề trên.

T.M.P


Back To Top