4.9.13

TỪ “NGƯỜI TÌNH” BƯỚC SANG “NGƯỜI HÙNG”

Bài 7:

Như ở bài 1 đã nói,Tân Nhạc  qua năm 1944,bên cạnh những tình khúc lãng mạn đã xuất hiện thêm những bài hùng ca,đáp ứng và sản sinh ra cho và bởi hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc đó:Cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.Việc rẽ nhánh này chỉ là sự phân chia về dòng chảy tác phẩm chứ không phải là mặt bằng tác giả.Bởi vì hầu hết các nhạc sĩ TN sau khi là “người tình lãng mạn” họ đã lao vào cuộc trường chinh của dân tộc với vai trò là “người hùng của ca khúc” để làm chiến sĩ bằng những giai điệu hào hùng và sắc xảo của mình.Dòng nhạc này bắc cầu từ năm 45 qua năm 54 rồi tiếp tục phát triển ở miền Bắc XHCN bằng những bài ca cách mạng cho đến năm 75.

Trước khi bùng nổ cuộc kháng chiến Nam bộ,Lưu Hữu Phước(1921-Cần Thơ) nổi lên như một nhạc sĩ tiền phong của những bài hùng ca-tiền thân của những cách mạng ca sau này-với tác phẩm đầu tay”Giang sơn gấm vóc”(1936)nhưng đó là nhạc soạn cho đàn nguyệt.Chỉ khi ca khúc”Bạch Đằng Giang”(lời Mai Văn Bộ-Nguyễn Thành Nguyên)ra đời thì Lưu Hữu Phước mới được xem như người cầm chịch cho dòng nhạc hùng ca.Giữa khung cảnh mùa thu heo may của tình ca bỗng xuất hiện những ánh nắng rực rỡ và khoẻ khoắn của”Xếp bút nghiên”,”Lên đàng”(Lời Huỳnh Văn Tiểng)nhưng đặc biệt là”Tiếng gọi thanh niên”(1941 còn gọi là Tiếng gọi sinh viên) là hồi kèn thúc giục lên đường hoành tráng nhất đã trở thành bài hát “nhị trùng”:Nó trở thành bài quốc ca của chế độ Cộng Hoà Sài gòn sau khi bị đổi lời đi!Ngoài đề tài Lịch sử và Thanh niên,Lưu Hưu Phước còn viết những bài hát thiếu nhi rất nổi tiếng như:”Reo vang bình minh”,”Thiếu nhi thế giới liên hoan”…Ông còn là tác giả bài”Hồn tử sĩ nổi tiếng” đã trở thành bài tưởng niệm ca của Việt Nam.

Nguyễn Xuân Khoát là nhạc sĩ lớn tuổi nhất của thế hệ thứ nhất(1910-Hà Nội),ông là cha đẻ của nhạc hài hước(dùng nụ cười để chuyển tải những thông điệp của triết lý cuộc sống) mà sau này ở miền Nam Trần Văn Trạch nối tiếp rất thành công.Giữa những rừng giai điệu mượt mà lúc đó,nhạc của ông tách hẳn ra với âm điệu thô nhám nhưng vui tươi,ghồ ghề nhưng tươi tắn.Có thể kể:”Con cò mà đi ăn đêm”,”Thằng Bờm”.”Con voi”…trong đó”Con Voi”là bài hát cho thiếu nhi đầu tiên của Việt Nam.Sau này ông chỉ chuyên tâm viết khí nhạc nhiều hơn.

Sau những “Trên Sông Hương”,”Đêm đông”(Đến bây giờ vẫn được hát nhiều) rất lãng mạn và u buồn Nguyễn Văn Thương(1919-Huế)đóng góp cho nhạc cách mạng một bài hát nổi tiếng khác:”Bình Trị Thiên khói lửa”.Nhạc của ông buổi đầu bị đánh giá là ảnh hưởng phương Tây quá nặng nhưng càng về sau ông chú ý khai thác chất liệu dân tôc nhiều hơn,nhất là trong khí nhạc-một phần lớn sự nghiệp ông nằm ở đó.

Lê Yên(1917)là một nhạc sĩ lãng mạn với bài”Bẽ bàng”phổ biến vào buổi bình minh TN(1935)bắt đầu tách khỏi cái gọi là”nhạc ta lời Tây”;sau”Nghệ sĩ hành khúc”(1937)bắt đầu có hơi hướng khoẻ khoắn ông chuyển sang nhạc hùng với bài hát nổi tiếng”Ngựa phi đường xa”(còn có tên Đoàn kỵ binh Việt Nam)và tiếp đó là tầm cao khác;”Bộ đội về làng” đựơc đánh giá là một trong các bài hát phổ thơ tài hoa nhất của TN.

Sau trường ca”Sông Lô” mang nét lãng mạn cách mạng(Văn Cao)thì ”Du kích sông Thao”của Đỗ Nhuận(1922-Hải Hưng)là một ca khúc tiếp nối được tinh thần đó tuy nó có oai nghiêm hơn.Ông là một trong những nhạc sĩ ứng dụng dân ca tài tình nhất vào trong các tác phẩm của mình mà bài”Hành quân xa”là một điển hình.Nhắc đến ông là nhắc đến hai bài hát nổi tiếng cùng thung lũng Điện Biên:”Chiến thắng Điện Biên”,”Trên đồi Him-Lam”.Sau 54 ông lại có:”Việt Nam quê hương tôi” và”Trồng cây lại nhớ đến người”…Ông là Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1956-1983.

Người cuối cùng của TN lãng mạn là Nguyễn Văn Tý(1925-Nghệ Tĩnh).Ông viết bài”Dư âm”nổi tiếng vào tận năm 1949,sau khi kháng chiến đã diễn ra được 4 năm và các nhạc sĩ TN khác đã chuyển sang viết hùng ca.Nhưng ông là một trong các tác giả có chiều dài thành công lâu nhất với các tác phẩm nổi tiếng viết sau năm 75 như”Dáng đứng Bến Tre”,”Cô đi nuôi dạy trẻ”.Trong kháng Pháp ông có”Vượt trùng Dương”.Trong kháng Mỹ ông có”Mẹ yêu con”,”Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”…Nhạc của ông sử dụng nhuầ nhuyễn rất nhiều các làn điệu dân ca như:hát ví,hát dặm,hát xoan,hát chèo,hát ghẹo…

Cũng có chiều dài thành công qua nhiều giai đoạn như Nguyễn Văn Tý là Phan Huỳnh Điểu(1924-Đà Nẵng).Nhạc của ông chỉ xuất hiện khi diễn ra cuộc cách mạng mùa thu tháng tám 45.”Đoàn Giải phóng quân”là bài ca kháng chiến rất được yêu thích đã tạo nên tên tuổi của ông.Sau 54 ông toả sáng với hàng loạt bài:Tình trong lá thiếp,Những ánh sao đêm,Bóng cây Kơ-nia(thơ Ngọc Anh)…và sau năm 75 là:Anh ở đầu sông em cuối sông(thơ Hoài Vũ),Sợi nhớ sợi thương(thơ Thuý Bắc),Thuyền và Biển(thơ Xuân Quỳnh)…Nhạc của ông trữ tình và thường gián tiếp nói về tình yêu.

Những nhạc sĩ nêu trên thuộc thế hệ thứ nhất của TN(Trong phạm vi bài này chỉ nêu được một số gương mặt mà thôi)Thế hệ này chủ yếu thành danh trước 45 và sau đó là 9 năm kháng chiến chống Pháp.Thế hệ thứ hai trưởng thành và gây dựng sự nghiệp âm nhạc trong cuộc lên đường chống Mỹ và giải phóng miền Nam:

                                                                  Ns Hoàng Việt

Hoàng Việt nổi tiếng với Tình ca(Có một bản Tình ca khác nhưng là của Phạm Duy)Nhạc rừng,Lá xanh,Lên ngàn.Ông còn mang cái tên khác là Lê Trực trước 54 với bài hát lãng mạn:Tiếng còi trong sương đêm.Đó là Trần Hoàn xuất hiện vào năm 46 với bài”Hồn nước”.Ông được nhắc đến với các ca khúc:Tình ca mùa xuân,Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh.Rồi Hoàng Hiệp(Câu hò bên bờ Hiền Lương,Cô gái vót chông,Trường sơn đông-Trường sơn tây…),Xuân Hồng(Bài ca may áo,Xuân chiến khu,Tiếng chày trên sóc Bom bo,Người mẹ của tôi…).Văn Ký(Bài ca hy vọng…)Nguyễn Đức Toàn(Biết ơn Võ Thị Sáu,Chiều trên bến cảng)Hoàng Vân(Người chiến sĩ ấy,Hát về cây lúa hôm nay…)…

Và còn nhiều nhạc sĩ tên tuổi nữa mà trong phạm vi bài này không thể nói hết.Tất cả họ là những người kế thừa khá xuất sắc nền Tân nhạc Việt Nam và làm tròn vai trò lịch sử của mình trong việc biến bài hát thành một thực tiễn sinh động trong đấu tranh để tạo nên một giai đoạn nhạc Việt khó quên.Đóng góp nổi bật nhất của họ là ý thức khai thác tính dân tộc rất cao và có nhiều bài hát được xem là mẫu mực về chuyển tải dân ca trong kỹ thuật của nhạc học Tây.Do điều kiện của chiến tranh việc tiếp thu các tinh hoa âm nhạc hiện đại trên thế giới của lớp nhạc sĩ này phải chịu nhiều hạn chế ngoài việc học tập và thấm đượm được một số kỹ thuật của hai nền âm nhạc Nga(Liên Xô cũ)và Trung Quốc.

Một giai đoạn âm nhạc khác sẽ được tiếp nối.Nhưng đó là một bài viết khác.

T.M.P

(Kỳ sau:Bài 8- Nhạc Sài gòn Xưa)


Back To Top