16.9.13

LÂU ĐÀI TRÊN CÁT

Khoảng 15 năm trước khi tôi viết bài cho báo âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam về sự giống nhau giữa ca khúc “Tình thôi xót xa” của nhạc sĩ Bảo Chấn và ca khúc I’ve been to me của Charlene người Mỹ (viết năm 1982). Sau khi phân tích tôi đã kết luận Bảo Chấn đã “đạo” ca khúc này.

Điều làm tôi kinh ngạc là cách làm báo rừng rú của họ lúc đó! Chuyện gì đã xảy ra?

Họ đã đưa bài viết của tôi (chưa đăng báo-đang còn viết trên tờ giấy A4 của tôi) cho Bảo Chấn xem rồi bảo: Ông viết bài đánh lại đi!

Thế là một chuyên cực kỳ cục và cực hi hữu đã xảy ra là số báo sau đó đã đăng cùng lúc cả 2 bài của tôi và Bảo Chấn, mà lẽ ra nó phải đăng ở 2 số báo khác nhau.

Điều đó nói lên văn hóa làm báo và tiếp nhận phê bình rất thấp qua 2 sự việc:

1 - Đưa bài phê bình của tôi cho người bị phê khi chưa đăng rồi kích động đánh lại.

2 - Bảo Chấn phản biện lại bằng cách đánh giá tôi là : ngu dốt không biết gì về âm nhạc! Ngựa non háu đá!


(Và cũng trong số báo đó có đăng thêm một bài có vẻ như bênh vực cho B.C với nội dung là phân tích một vài sự giống nhau giữa 2 bài hát không phải là “đạo” nhạc. Như vậy, là bài của tôi khi chưa đăng có thể đã đến tay một người khác nữa!)

Khoảng 3 năm sau thì xảy ra vụ kiện của tác giả Keiko Matsui về việc Bảo Chấn đạo bài “Frontier” của họ. Sự kiện này đã thực sự gây chấn động làng nhạc. Mặc dù, tiếp theo đó lại nổi lên một vấn đề là cả 3 bài “TTXX”, “I’ve been to me” (Tác giả Charlene) và “Frontier” lại giống nhau đến 90%! Việc này dẫn đến vấn đề thực sự là ai ăn cắp của ai?

Sau khi phân tích và tìm kiếm chứng cứ cũng như tư liệu về bản thảo thì hội đồng thẩm định của Hội NSVN chứng minh được Bảo Chấn viết ca khúc này sau rất nhiều năm khi 2 bài hát trên được phổ biến.

Chưa cần phải chứng minh được ai là người thật sự sáng tác chứ không bắt chước giữa Charlene và Matsui, nhưng người ta đã kết luận được Bảo Chấn đã đạo một trong hai bài hát kia.

Kết luận đó là của Hội nhạc sĩ Việt Nam vào tháng 5/2004, và Bảo chấn đã thừa nhận và phát biểu: “thực sự lấy làm tiếc và xin lỗi bạn nghe nhạc”.

Một lời xin lỗi muộn màng sau khi đã bị vạch rõ sự thật bằng cứ liệu. Nhưng không thấy B.C xin lỗi người mà mình phê là :” ngu dốt, ngựa non háu đá” cũng như BBT báo âm nhạc lúc đó của Hội nhạc sĩ VN không biết có thấy áy náy đã hành xử với người phê bình bài hát trên khoảng 2,3 năm về trước rất thô thiển và thiếu văn hóa. Hình như động cơ của họ lúc đó là mượn người phê bình để tạo nên sự kiện để PR cho tờ báo ( lúc đó bắt đầu có chủ trương kinh doanh lấy lãi chứ không chỉ lưu hành nội bộ như xưa).Tiếc hơn nữa đó là một hội chuyên ngành!

Tưởng đã xong thì khoảng năm 2011, trên báo Thể thao-Văn hóa lại bất ngờ đăng bài báo bênh vực lại B.C như một nhạc sĩ tài hoa bị oan và người phê bình ông này đạo nhạc là sai và có lẽ xuất phát từ sự ngộ nhận thấp kém nào đó hoặc là động cơ cá nhân. Và cho rằng B.C là một tượng đài âm nhạc đã bị bôi đen và đánh sập vì một sự ấu trĩ hay đố kỵ nào đó! Đặc biệt, bài này nằm trong loạt bài xét lại một giai đoạn âm nhạc VN từ lúc lên ngôi và đánh giá những thành quả cũng như tôn vinh một số gương mặt. Dĩ nhiên, trong đó B.C là bài được tô đậm nhất! Có thể nói B.C có đạo nhạc mấy bài đi chăng nữa thì vẫn có những bài chắc là sáng tác thuần của ông và vẫn được công bằng nhìn nhận nếu nó có giá trị. Tuy nhiên, vấn đề đã dược đẩy lệch sang việc nhấn mạnh ông bị hàm oan bất chấp những minh chứng rành rành ra đó. Họ chỉ dựa trên cơ sở duy linh: chắc một sự trùng hợp ngẫu nhiên trong lịch sử âm nhạc!

Có lẽ loạt bài này dựa vào sự kiện Trịnh Công Sơn bị quy kết bài “Con mắt còn lại” của ông đạo bài "The Syncopated Clock" của Leroy Anderson để lật lại sự kiện B.C nhưng lại thiếu ý thức với hành động duy linh đó đã vô tình bênh vực luôn cho các trường hợp đạo nhạc khác đã phát hiện hoặc chưa phát hiện.

Có thể nói sự kiện này như cái phao cứu sinh cho trào lưu đạo nhạc ở VN. Người ta lý luận rằng T.C.S mà còn bị quy là đạo nhạc thì còn ai mà không bị!

Thế là sự ngẫu nhiên vô hình trung đã được xem là kết luận khả dĩ cho vấn đề đạo nhạc. Nhưng, sự ngẫu nhiên nếu có thì đó chỉ là sự việc rất hiếm và không thể xảy ra thường xuyên. Còn ở VN và ở bản thân một số tác giả thì sự ngẫu nhiên đó là phổ biến và lặp lại như một bản chất thì có còn là ngẫu nhiên?!

Nhưng xét thật kỹ về ca khúc “Con mắt còn lại” thì dễ dàng nhận thấy cái tội thuộc về người làm hòa âm chứ không phải chỉ riêng bản thân bài hát. Nhưng có lẽ đó sẽ là một bài phân tích chi tiết khác sẽ đề cập đến trong bài viết sau.

Những hồi ức nhỏ này cho thấy, ở Việt Nam người ta thường nhìn nhận vấn đề không phải trên khoa học và logic mà là dựa vào cảm tính cũng như sự thân sơ. Nó cũng hàm chứa sự cuồng tín, nghĩa là ai mà đã được thần tượng thì không thể phạm lỗi lầm. Đó là biểu hiện của văn minh phê bình kém cũng như quán tính nô lệ trong tư duy và cả sự duy tâm mù quáng theo kiểu nước cứ chảy theo khe.
Phê bình cũng như là Luật pháp : bất vị thân. Không ai có ngoại lệ cho dù đó là một tượng đài vĩ đại. Cho dù đó là...Thánh!

Một nền phê bình nếu có trên cơ sở đó thì chẳng khác nào xây lâu đài trên cát!

T.M.P
Back To Top