1.9.13

NHẠC NGOẠI LỜI VIỆT: Chuyện Nhỏ Mà Không Nhỏ!


                                                                                
Nhạc ngoại chuyển soạn lời Việt không phải là hiện tượng âm nhạc của bây giờ.Cách đây 70 năm nó đã xuất hiện trong phong trảo”Nhạc Tây lời ta”để chuẩn bị khai sinh ra nền Tân nhạc Việt.Và trong suốt chiều dài lịch sử đó,những bài nhạc ngoại lời Việt vẫn xuất hiện đó đây.Vậy thì hiện tượng này đang diễn ra trong sinh hoạt nhạc trẻ hiện nay có gì lạ để mà bàn đến?

Số lượng cao và chất lượng thấp

Đi xem một chương trình ca nhạc ở tụ điểm sân khấu hay phòng trà.Bật Tivi lên theo dõi các chương trình nhạc trẻ.Mở máy nghe các đĩa nhạc thời thượng,bạn sẽ được”thưởng thức”khoảng 1/3 có  khi là phân nửa chương trình là các bài hát ngoại lời Việt.Đủ quốc tịch cả nhưng phổ biến nhất là nhạc của các nước Bắc Á(Hoa,Hàn,Nhật)hoặc Thái Lan(đã hạ sốt rồi).Ít hơn là nhạc Âu-Mỹ.(Đó chỉ là sự hình dung căn cứ trên âm điệu vì hầu hết đều ghi chung chung:Nhạc ngoại)Tỷ lệ đó có lẽ còn cao hơn nếu không có sự khống chế của cơ quan cấp giấy phép(Sở VHTT)với qui định chỉ cho phép có 3/10(Con số này có khi “linh động”đến 5/10!?).Với liều lượng này nếu đem so với các giai đoạn âm nhạc trước đây thì có thể gọi là nhạc Việt đang bùng nổ nhạc ngoại lời Việt.Vì sao vậy?Các ca sĩ và biên tập giải thích,đại ý:”số lượng bài hát mới bây giờ không đáp ứng đủ nhu cầu của hằng hà ca sĩ mới xuất hiện(chỉ muốn hát bài mới và độc quyền) và rất nhiều chương trình ca nhạc lẫn các album nhạc đang…đói bài,nhất là bài hay.Vậy thì “mượn”nhạc ngoại để cân bằng cung-cầu là lối thoát duy nhất cho cơn đói đó của thị trường ca nhạc bây giờ”.Nghe rất có lý.

Sẽ chưa có gì đáng báo động nếu số lượng kể trên cân bằng với chất luợng của nó.Thế nhưng làm một con số thống kê ta sẽ dễ thấy rằng những bài nhạc nào có ca từ tệ nhất thì hầu hết đó chính là các ca khúc nhạc ngoại lời Việt!Chọn những giai điệu đẹp của bốn phương để chuyển soạn sang tiếng mẹ đẻ cũng là một việc làm tích cực trong ý nghĩa giao lưu và thâu thái văn hoá lẫn nhau.Trong ký ức âm nhạc của chúng ta hẳn vẫn chưa quên những bài ca bất hủ nước ngoải với những lời Việt đã trở nên gắn bó với nhau như máu thịt,và ở góc độ cảm thụ nó đã Việt hoá những bài hát đó một cách rất tự nhiên và đầy tính thẩm mỹ.Nhưng ca từ chuyển soạn trong các ca khúc bây giờ không những ít thể hiện được tinh thần bài hát mà có khi còn phản nghịch lại nó với những lớp ca từ đầy những khẩu khí sáo mòn,văn phong dễ dãi và nghèo nàn về từ ngữ một cách…không thể nghèo hơn.Nhiều người vẫn nghĩ rằng chuyển soạn lời việc cho ca từ là một việc làm đơn giản nên mới xảy ra hiện tượng tác giả đặt lời xuất hiện một cách lạm phát.Cả ca sĩ cũng tham gia vào đội ngũ này trong khi trình độ về văn học và tầm kiến văn lại quá  hạn chế ở mức cho phép.Có người còn tự hào đó là…”sáng tác” của mình và ngây thơ“tự tin”là mình đang theo kịp trào lưu mới trên thế giới là ca sĩ hát bài của chính mình sáng tác(!?)


Nhạc sĩ đặt lời Việt như thế nào?

Nói đặt lời thì chính xác hơn là dịch lời hoặc chuyển soạn lời,vì hầu hết đều là viết lời mới cho các giai điệu nước ngoài.Vì vậy chuyện“phản phé”nhau giữa âm nhạc và lời ca là chuyện tất nhiên.(Thật ra nếu có sự nhạy cảm tinh tế ta cũng có thể viết được một ca từ phù hợp với giai điệu mà không cần biết nội dung của nó,nhưng bây giờ giữa trào lưu thực dụng thì sự nhạy cảm của tâm hồn như thế hiếm lắm).Âm nhạc nước ngoài thì không phải lúc nào cũng được chọn lựa kỹ càng.Nhiều bài hát bình thường thôi nhưng xem ra thị hiếu người nghe có vẻ ưa chuộng hơn,nhưng chỉ với loại bài như thế các nhạc sĩ trong nước còn phải hụt hơi chạy theo bắt chước để sáng tác cho kịp với thời đại.Và phần lớn các nhạc sĩ không được chọn bài viết lời.Hầu hết họ viết theo đơn đặt hàng của ca sĩ(đưa bài cho nhạc sĩ và yêu cầu đặt lời,có khi còn ra cả đề tài cụ thể).Sự hấp dẫn của đồng tiền dễ kiếm cộng với mặt bằng văn chương không khá lắm đã đẻ ra những ca từ ba xu.

Sự lố bịch của loại ca từ ho hen đó thể hiện rõ hơn khi một số tác giả bạo gan viết lại lời cho một số ca khúc nước ngoài với những ca từ nổi tiếng nhiều thập niên trước(như”Giàn thiên lý đã xa”,”Ngày Tân hôn”…).Không hiểu họ nuôi tham vọng”cách mạng”gì hay chỉ là làm theo sự”nhõng nhẽo”của ca sĩ?

Có một vài nhạc sĩ chuyên tâm và chủ động viết lời cho nhạc nước ngoài.Nhưng họ cũng chỉ chọn được bài có giá trị thương phẩm(vì bản thân họ cũng chỉ sáng tác nhạc thương phẩm mà không phải là loại thương phẩm hàng hiệu,chỉ là hàng chợ mà thôi).Vì vậy một nhạc sĩ trẻ kia đã từng tự hào tuyên bố trên báo chí rằng anh đã viết được lời cho nhạc nước ngoài(chủ yếu là nhạc Hoa)hơn cả trăm bài trong vòng hơn một năm!?(Nhưng chẳng có bài nào ra hồn,chỉ nhờ ăn theo giai điệu).Cuối cùng các sáng tác của anh cũng nhiễm Tàu luôn.Kết quả người ta khó phân biệt bài nào của anh và bài nào của người ta.Kết quả nhiều bài của nước ngoài được khán giả gán luôn cho anh,và anh cũng không cần nhiệt tình đi đính chính làm gì,mà còn ỡm ờ đánh trống lãng vì nó hoàn toàn có lợi cho việc đánh bóng tên tuổi của anh.Và anh không phải là một trường hợp duy nhất.(Có người còn cho ra album với phân nửa bài của mình và nửa kia là…đặt lời!Vậy mà dám gọi là album!?)

Cũng xin góp ý với các chương trình truyền hình,các chương trình băng đĩa,sách nhạc in ấn và một số M.C khi giới thiệu bài hát nên nói cho đúng rõ nguồn gốc.Có nhiều bài là nhạc nước ngoài mười mươi mà vẫn vô tư chạy chữ(hoặc giới thiệu)là sáng tác của X,Y,Z trong nước nào đó(Khi có người thắc mắc,bên giới thiệu đổ lỗi tại tác giả không rõ ràng.Tác giả trách bên kia làm ẩu.Không biết tin đằng nào?).Vô hình trung sự cố này tạo thói quen ăn theo rồi ăn sẵn và biết đâu sẽ nuôi mộng đạo nhạc của ai đó khi thấy những sự việc trên“không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới”.

Chuyện nhỏ mà không nhỏ.”Lỗ nhỏ có thể gây đắm tàu”là vì vậy.

T.M.P
Back To Top