4.9.13

CHIM PHƯỢNG HOÀNG BAY LÊN TỪ TRO TÀN?


                                                     Nhạc Việt xưa
       Ngày 6/7/1938 bài hát “Kiếp Hoa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên (đồng thời cũng là giọng ca ténor đầu tiên của cả Đông Dương đương thời)đã được trang trọng đăng trên tờ báo Ngày Nay.Lịch sử âm nhạc Việt Nam đã đánh dấu đây là tờ giấy ”khai sinh”ra nền ca khúc Việt Nam hiện đại mà ta vẫn quen gọi là tân nhac hay âm nhạc cải cách.Tính từ đó cho đến nay nền âm nhạc đó đã được hơn 65 tuổi.Trong suốt một chặng đường dài bằng cả đời người này,ca khúc luôn là gương mặt đại diện cho cả một nền âm nhạc(những thể loại âm nhạc bác học như nhạc thính phòng,giao hưởng…thì phát triển với qui mô hẹp hơn) của đất nước với nhiều dòng chảy khác nhau và trãi qua 3 thời kỳ phát triển chính:thời kỳ nhạc tiền chiến,thời kỳ phân chia đất nước với 2 dòng rẽ lớn(dòng ca khúc cách mạng,yêu nước rực rỡ ở miền Bắc và dòng ca khúc ở các đô thị miền Nam thuộc Mỹ)và thời kỳ sau giải phóng miền Nam.Mỗi thời kỳ đều có những đặc trưng và thành tựu riêng.Riêng nhạc trẻ tuy chỉ là một nhánh chảy của ca khúc -xuất hiện vào khoảng thập niên 60 ở SàiGòn –đã trở thành một thể loại âm nhạc chi phối phần lớn các “kênh”nghe-xem nhạc lúc đó và cho đến sau này ,bỡi một lẽ đơn giản người thưởng thức ca nhạc đông nhất vẫn là giới trẻ.

Đến khoảng giữa thập niên 90 nhạc trẻ Việt Nam đạt đến một cao trào mới được cả nước tụng ca là:”Cuộc lên ngôi của nhạc Việt”. Để hiểu cụm từ lên ngôi này phải nhìn lại thị hiếu và thị phần ca nhạc trước đó hầu như bị chi phối của nhạc ngoại và nhất là nhạc Hải ngoại(của cộng đồng người Việt ở nước ngoài)nhưng sau đó nó phải nhường”ngôi vị” của mình lại cho những ca khúc và một thế hệ nhạc sĩ,ca sĩ mới trong nước.Tuy nhiên cao trào này chỉ tồn tại khoảng hơn nửa thập niên và bắt đầu thoái trào vào những năm đầu thiên niên kỷ mới.

Khi bình tĩnh nhìn lại cao trào này là lúc người nghe nhận ra những hạn chế của nó bên cạnh những đóng góp mang tính kỹ thuật hiện đại mà nó đã mang đến cho nhạc Việt.Và cơn bùng phát dữ dội nhất mang tính bước ngoặt là sự lên án về sự “sản sinh vô tính” những bài hát và nặng nề hơn là nạn “đạo nhạc” đã chính thức tước đi”ngôi vị” của nhạc trẻ Việt trong lòng khán giả yêu nhạc.

Vậy bản chất của nền nhạc trẻ Việt vừa qua và hiện nay là gì?

Không thể phủ nhận những mặt tích cực của nó đã kéo người nghe nhạc trở lại với chính dòng nhạc trẻ “made in Việt Nam” cũng như đã tạo ra những gương mặt nhạc sĩ và ca sĩ tiêu biểu của giai đoạn này mà chắc chắn sẽ được ghi lại trong nhạc sử Việt Nam.Song,khi phân tích tận cùng bản chất của nó sẽ không ai ngạc nhiên khi thấy ánh hào quang ngắn ngủi đó chỉ như sự lung linh ngũ sắc nhưng dễ vỡ của bong bóng xà phòng.Vâng,nền nhạc trẻ đó thực ra mới phát triển được ở diện rộng nhưng còn thiếu chiều sâu ở sự thẩm thấu văn hoátài năng cũng như là lòng tự trọng sáng tạo.


                                              Hào quang như bong bóng của nhạc Việt

Văn hoá
Đó chính là sự thâu tóm hiệu quả “cái ta có” và “cái của người ta” và sau đó là tính giao thoa của các thành tố đó để tạo nên cái nền văn hoá mà ta vẫn thường hô hào là dân tộc-hiện đại.Một số nhạc sĩ làm tốt”cái ta có”với sự kế thừa triệt để nhưng không phát triển gì nhiều cũng như thiếu vắng hơi thở của thời đại nên không còn hấp dẫn mấy với giới trẻ.Một số khác lại quá nhiệt tình với “cái của người ta” tạo nên một diện mạo rất đương đại nhưng lại vất đi các yếu tính Việt nên các tác phẩm của họ khá lai căng dù có được biện minh là học hỏi,thâu thái các dòng nhạc tiên tiến của thế giới.Do vậy nó chỉ sinh ra một dòng chảy ca khúc mang tính chất” ốc mượn hồn” mà thôi.Nếu chỉ có vậy thì khó được xem là một tác phẩm hoàn chỉnh và giá trị.

Tài năng
Thước đo đồng thời là điều kiện cơ bản để tạo ra những tác phẩm xuất sắc,tiếc thay lại rất thiếu hiện nay đã khiến cho nền nhạc trẻ Việt kém chiều sâu chinh phục.Chúng ta thiếu những nhạc sĩ phối hợp tốt việc thâu tóm dân tộc tính và các giá trị ngoài biên giới để hoà trộn lại thành những tác phẩm hiện đại mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân.Khi đã có một dấu ấn cá nhân thì tất yếu sẽ có một dấu ấn văn hoá mà chính gốc rể dân tộc của cá nhân đó mang lại trong tác phẩm của họ.Chúng ta thiếu đến độ nhiều khi sự học hỏi của chúng ta chỉ dừng lại ở cấp bậc vay mượn không qua một tầng lớp thẩm thấu nào.Chúng ta thiếu đến mức bất lực trước kho tàng âm nhạc dân gian còn đang chìm dưới tầng sâu của quên lãng và thờ ơ,mà có người còn ngộ nhận nó không còn gì để khai thác cho các ca khúc đương đại nữa(!?).Chúng ta kém đến nỗi ngây thơ chỉ biết thu phục những giá trị âm nhạc kém cõi thay vì những tinh hoa thực sự, đó là sự “ăn”những hoa trái sượng sùng của họ mà cứ ngỡ là đỉnh cao;hoặc đó là việc chạy theo trào lưu “cắt,dán” âm nhạc vô tội vạ mà chỉ biết thực hành như một anh thợ thủ công chứ không phải là một quá trình sáng tạo.

Lòng tự trọng sáng tạo.
Bài học đầu tiên của người sáng tác là gì? Đó là viết không lặp lại người khác và chính mình. Đó là tự trọng sáng tạo của mình và tôn trọng sáng tạo của người khác.Nhân tố này chúng ta cũng chưa được trang bị đầy đủ nên đã dẫn đến hệ quả tất yếu là “sự kiện long trời lỡ đất” vừa qua.Thôi không nói đến sự đạo nhạc trắng trợn làm nên những đứa con song sinh,vì đó chỉ là một số rất ít,chúng ta chỉ nói đến xu hướng cắt,dán được một số nhạc sĩ cổ xuý và bắt chước nhưng tiếc thay nó chỉ là sự nguỵ trang cho sự vay mượn,hợp pháp hoá việc đạo nhạc mà sau này bị phát hiện họ mới công khai lấy trường phái cắt dán tung ra để biện minh.

Nên lưu ý khi xảy ra trường hợp cắt,dán trong các tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ trên thế giới,họ đều để tên tác giả kép(nhạc sĩ có tác phẩm bị “cắt” và ns có tác phẩm được“dán”).
Ví dụ: Bach - Gunô trong bài hát Ave Maria (Gunô chỉ lấy phần hòa âm trong Prelude cung đô trưởng của Bach rồi viết một giai điệu khác,vậy mà ông vẫn đàng hoàng để tên Bach ở phía trước).
Mozart-Lizst : trong tác phẩm Don Giovani (Phóng tác của Lizst viết cho piano trên chủ đề opera Don Giovani của Mozart.Trong bài này Lizst chỉ “dán” một ít giai điệu và hòa âm từ Don Giovani của Mozart rồi biến tấu khác đi tới 9 phần 10 nhưng vẫn trang trọng ghi tên Mozart)…
Còn các tác giả ở Việt Nam?Xin thưa hoàn toàn không mà có khi tác phẩm của họ “dán” tới 40,50% của người khác!

Cho nên cơn địa chấn trong làng nhạc trẻ vừa qua là một đường dây nhân-quả không thể tránh.Tuy nhiên như câu nói nổi tiếng của Henri de LuBac:”Thời đại nào xấu nhất thì chính đó là thời đại đẻ ra những việc lớn lao”.Qua cái nhìn lạc quan có thể thấy một vận hội mới đang đến với nhạc Việt từ những cuộc phê phán lớn vừa qua dù có người bi quan cho đó là một cuộc lật đổ các giá trị(các giá trị nào!?thật hay ảo!?) sẽ dẫn đến việc thui chột một thị trường âm nhạc trong nước(!?). Điều đó là không thể!vì chính qua biến động này,người nghe nhạc sẽ nâng dần thị hiếu mình lên với những yêu cầu cao hơn so với cuộc lên ngôi nhạc Việt trước đây.Còn giới viết nhạc,nhất là các nhạc sĩ trẻ,sẽ thấm thía cho mình một bài học về sáng tạo đắt giá cũng như những ý thức về sự thẩm thấu văn hoá,tính thâu thái,học hỏi và lòng tự trọng của nghệ sĩ để viết ra những tác phẩm và góp phần vào nền nhạc trẻ Việt thời kỳ mới mang được dấu ấn cá nhân,văn hoá dân tộc hài hoà với tính đa văn hoá trong thời đại toàn cầu hoá này.Một lực lượng người viết tài hoa và có lòng tự trọng nghề nghiệp cao sẽ được gạn lọc.Tất cả sẽ thành hiện thực khi những điều kể trên được dần dần thay đỗi và cải thiện đi để chúng ta được chứng kiến cảnh chim phượng hoàng bay lên từ tàn tro hôm nay.Tất cả nằm trong tay các nhạc sĩ hiện tại và thế hệ ngày mai cũng như trong cái nhìn của công chúng ngày một sâu sắc hơn về nền nhạc trẻ Việt đương đại.

T.M.P

(-Bài liên quan:
http://www.tin247.com/ca_nhac_den_co_the_gay_ung_thu_ve_tam_hon-8-21258797.html)

Back To Top