4.9.13

NHỮNG GƯƠNG MẶT TÂN NHẠC: VĂN CAO-NGƯỜI TÌNH TRƯƠNG CHI



Văn Cao-chào đời ngày 15/11/1923 bên bờ sông Cấm(Hải Phòng)là  một nhạc sĩ đa tài và đa dạng.Ông là người phát triển tính lãng mạn tình ca của Đặng Thế Phong lên đỉnh cao trong nhạc Việt với hai siêu phẩm:Thiên thai và Trương Chi.Ông cũng là người nối tiếp dòng hùng ca mà kiệt tác là bài Quốc ca Việt Nam(Tiến quân ca).Cha đẻ của thể loại trường ca Việt cũng chính là Văn Cao với tuyệt phẩm Trường ca Sông Lô.Nhạc của Ông có ca từ đẹp như thơ và giàu hình ảnh của một bức tranh sinh động.Không có gì ngạc nhiên bởi chính ông cũng là một thi sĩ(Tập thơ Lá)và họa sĩ đầy tài hoa.Đa tài thường đa truân.Cuộc đời ông lận đận và có gần 30 năm không màng đến sáng tác vì u uất một điều gì đó tựa hồ như nỗi buồn của chàng Trương.




Tình Ca

Đầu thập niên 40 là thời của nhạc tình lãng mạn thay nhau ra đời,Văn Cao cũng nằm trong dòng chảy đó.Ông bắt đầu viết những bài nhạc tình đầu tay mang nỗi buồn của thời đại Thu cô liêu,Buồn tàn thu nhưng với một phong thái rất Á đông chứ ít chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn Pháp trong văn học như một số nhạc sĩ khác.Trái lại,ông chịu ảnh hưởng của thơ Đường.Chính ông từng viết ở bản in bài Thiên Thai năm1944:Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên thai và Đào Nguyên.Người sông Ngự đã lạc mất cảm xúc rồi!(Văn Cao tự nhận mình là người…Huế qua biệt danh người sông Ngự).

Thu cô liêu được viết đầu tiên nên còn nặng hồn vía Tây phương nhưng đến Buồn tàn thu thì ông đã bắt ngũ cung phải lên tiếng(Không hiểu sao nhạc tình của buổi đầu TN các nhạc sĩ thường nói về mùa thu).Tiếp đó Văn Cao viết tiếp một tình ca buồn có hình ảnh mùa thu thấp thoáng:Suối mơ(bài này có một tên khác là Bài thơ bên suối).Đây là một trong những bài hát được nhiều thế hệ ưa thích được viết ở điệu thứ hoà âm với “cú pháp” trưởng-thứ song hành rất tự nhiên(nhạc Văn Cao chuộng sử dụng bán âm).Không chỉ viết mùa thu,trong nhạc của Văn Cao còn nói đến mùa xuân nữa.Nhưng Xuân của ông là xuân buồn như trong bài Cung đàn xưa.Xuân nhưng mà là xuân tàn vì”sầu vắng cung đàn”.Nếu không buồn thì cũng man mác như bài “Bến Xuân”(Về sau đổi lại là Đàn chim Việt)hoặc ”Mùa xuân đầu tiên”được viết sau này.Nếu chỉ với những tình ca ngắn đó(có bài như đoản khúc)thì Văn Cao cũng được xem là một người tình của ca khúc rồi.Nhưng ông là đệ nhất nhân tình.Bởi vì ông còn hai tuyệt phẩm khác là tinh hoa tình ca của ông và của cả nhạc Việt:Thiên thaiTrương Chi.

Với Thiên thai(Lời ca viết chung với Hoàng Thoái),Văn Cao không chỉ làm người nghe sững sờ vì những giai điệu quá đẹp,bay bổng mà xét về khúc thức sáng tác này của ông còn tạo được một bước nhảy xa trong sáng tạo so với thời bấy giờ.Đó là lối viết nhiều đoạn với các bối cảnh nhạc khác nhau(Bài này có tới 94 khuôn nhạc).Đây chính là manh nha cho thể loại trường ca của ông sau này:Sông Lô.Thiên thai được viết trên âm giai ngũ cung rất Việt dù mượn chuyện Lưu Nguyễn lạc đến Đào Nguyên.Dù là ngũ cung nhưng ông vẫn sử dụng bán âm như yêu thích của mình để tạo nên sự lã lơi trong cõi phàm và cõi tiên.

Đây là một bài hát hư ảo,vừa thanh thoát vừa nhục cảm vừa thần tiên vừa lơi lã;rất đặc biệt trong lịch sừ âm nhạc Việt.

Trương Chi(mượn chuyện cổ tích Việt)mang tính hiện thực hơn trong cái lãng mạn của tình yêu oan trái của một giọng ca đẹp mà dung nhan cực xấu như kiểu éo le của thẩm mỹ bi kịch”Người đẹp và Quái thú”hay”Thằng gù Quasimodo với nàng vũ nữ Tzigan xinh đẹp Esemandra”.Tính chất âm nhạc của Trương Chi là một tiếp tục cảm hứng của Thiên thai nhưng là ở trong trạng thái đang ở trên mây rơi xuống đất!Nhạc thì uyển chuyển với những bước chuyển giữa thứ- trưởng dặt dìu.Văn Cao đã viết hai lời cho bài hát dài này nhưng không hiểu sao lâu nay người ta thường chỉ biết và hát một lời mà thôi.

Trương Chi cũng có thể hiểu như một tâm trạng của Văn Cao-một người lận đận trong cuộc đời chỉ còn biết vui trong khói thuốc và men rượu.

Hùng ca và trường ca.

Khi kháng chiến bùng nổ(1945)thì chàng lãng mạn Văn Cao cũng trở thành người hùng!Từ nhạc tình ông bước sang địa hạt hùng ca một cách rất tài tình.Hàng loạt ca khúc sôi nổi tính chiến đấu ra đời:Đống Đa,Vui lên đường,Gío núi,Thăng Long hành khúc…Tuy nhiên,giai đoạn này ông vẫn đem chất lãng mạn tình ca của mình vào những bài kháng chiến ca chẳng hạn như bài Làng tôi(1947) là một ví dụ.Đây là một bài valse nghe rất Việt và rất tuyệt.Ông có đầy đủ những bài hát hay về Công-Nông-Binh với nhiều binh chủng:Chiến sĩ Việt Nam,Công nhân Việt Nam(Đã từng được chọn làm bài ca truyền thống của Tổng Công đoàn Việt Nam)Hải quân Việt Nam,Không quân Việt Nam.Nhưng đỉnh cao nhạc hùng của ông chính là bài Tiến quân ca.Ông hạnh phúc trong ngày 13-8-1945 khi hôm đó Hồ chủ tịch chính thức chọn Tiến quân ca làm quốc ca Việt Nam(Và trải qua một cuộc thi quốc ca rầm rộ vào thập niên 80 thì Tiến quân ca vẫn tiếp tục vẫn là quốc ca Việt vì nó đã trở thành linh hồn và xương máu của một dân tộc)

Năm 1947 Trường ca Sông Lô được viết ra,sau này có một “cây đại thụ âm nhạc Việt” khi nhìn lại dòng lịch sử nhạc Việt đã không tiếc lời ngợi khen:”Đó là tác phẩm vĩ đại…chẳng thua bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây phương…Bài này đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc”(Phạm Duy).
Dấu ấn này là độc nhất vô nhị lúc bấy giờ,và sau này các nhạc sĩ Việt khi viết trường ca thường lấy Sông Lô làm chuẩn mực vừa để học tập vừa để…”né” tầm chi phối của nó.Sông Lô đã trở thành kinh điển(dù vẫn còn chịu ảnh hưởng của châu Âu nhưng chỉ là về mặt tinh thần của nhạc học mà thôi)với bố cục nhiều đoạn với các tempo (tốc độ âm nhạc) khác nhau và linh hoạt.Sự chuyển tiếp và liên kết trong các đoạn rất chặt chẽ,đầy cảm hứng.Giai điệu hào hùng mà trữ tình,khoẻ khoắn mà rất thơ,hoành tráng nhưng rất tinh tế.

Tân nhạc Việt đã được Văn Cao cắm một cột mốc mới với lá cờ lãng mạn,hào hùng,trữ tình rất đầy đặn Đông phương trong chiếc áo phương Tây đã bắt đầu mờ phai ít nhiều.

T.M.P

(Kỳ sau:Bài 6-Những gương mặt Tân Nhạc:Lê Thương)
Back To Top