Thời gian gần đây lại rộ lên những rắc rối quanh chuyện tranh giành nhau ca khúc đã được bán độc quyền trên thị trường âm nhạc . Sỡ dĩ nói “ lại rộ lên “ vì đây không phải là chuyện bê bối lần đầu tiên xảy ra trong chuyện mua bán độc quyền ca khúc .
Thi thoảng mấy năm trước đây cũng thấy những người trong cuộc kéo nhau đi kiện tụng trên báo chí về những chuyện sỡ hữu bài hát . Chuyện phản ánh chi tiết về những vấn nạn đó nhiều bài báo đã đề cập nhiều , trong bài viết này không muốn nhắc lại nội dung đó . Người viết chỉ muốn đưa vấn đề ra bàn luận quanh chuyện nên hay không nên độc quyền ca khúc.
Nhân việc không mấy đẹp mắt quanh chuyện mua bán độc quyền bài hát , có một số ý kiến gay gắt cho rằng một sản phẩm văn hoá - nghệ thuật thì không nên mua bán sòng phẳng , cân đong đo đếm như thế ; rằng trong lúc chúng ta đang chống độc quyền trong sản xuất kinh doanh thì cớ gì để xảy ra trường hợp tương tự như vậy trên thị trường âm nhạc ; và rằng một bài hát khi phổ biến thì nó được quyết định và vì thế thuộc về xã hội , cho nên ai hát cũng được cớ sao chỉ có duy nhất một ai đó được quyền hát?...
Chúng ta sẽ bàn luận từng vấn đề một.
Sản phẩm văn hoá-nghệ thuật (VH-NT) thì không nên mua bán?
Hãy nhớ lại rằng chúng ta đang sống trong thời đại của thị trường và tiêu thụ . Mọi sản phẩm VH-NT,nhất là văn hoá nghệ thuật đại chúng như ca khúc chẳng hạn lại “ hướng tiêu thụ “ nhiều hơn hết thảy . Đó không chỉ là ý kiến riêng của những người làm văn hoá đại chúng , ngay cả những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm , bác học cũng có nhận định tương tự như quan điểm của nhạc sĩ Hans Zender-chỉ huy dàn nhạc quốc tế EIC , Paris : “ Âm nhạc hiện nay là một sản phẩm của một xã hội tiêu thụ “ . ( Nhận xét này đã được đưa ra cách đây hơn một thập niên rưởi ! ). Không ai có thể đi ngược lại những xu thế thuộc về quy luật của thời đại nếu không muốn đứng bên lề lịch sử , vậy thì ý niệm về mua - bán trong nghệ thuật không có gì phải mặc cảm hoặc xấu hổ hay e ngại sẽ làm giảm giá trị văn hoá của tác phẩm đi .
Những tác phẩm hội hoạ của Van Goh , Picasso chẳng hạn , với giá bán được niêm yết hàng triệu đến hàng chục triệu đô la cũng không thể làm nó kém giá trị nghệ thuật khi so sánh với thời điểm nó được vẽ ra mà cha đẻ của nó chỉ đổi được vài ổ bánh mì hoặc chỉ bán được một số tiền kém hơn cả ngàn lần ! Một tác phẩm kiệt xuất có thể là vô giá về mặt giá trị nhưng về mặt hiện kim thì phải có mức hạn , và mức hạn này có thể dịch chuyển lên xuống tuỳ vào sự ưa chuộng của giới thưởng lãm trong một thời đại nào đó . Cho nên việc mua bán ca khúc hiện nay với những cái giá vài ba triệu đồng hoặc vài trăm đô , đến cả ngàn đô cũng không khác mấy chuyện mua bán tranh về mặt bản chất thương mại ( Người viết không hề có ý so sánh về mặt giá trị sáng tạo ).
Mua – bán ca khúc còn giúp đẻ ra cái gọi là nền âm nhạc chuyên nghiệp . Và chỉ có cái gì chuyên nghiệp mới tạo ra được nhiều sản phẩm văn hoá ổn định và giá trị cao ( nghiệp dư vẫn có thể làm được như thế nhưng lại kém ổn định và số lượng ít hơn )
Muốn chuyên nghiệp thì một trong các yêu cầu quan trọng là người làm nghệ thuật phải sống được bằng tác phẩm của mình . Nhìn lại lịch sử nghệ thuật thế giới ta sẽ hiểu điều đó hơn , từ các nghệ sĩ cổ đại sống bằng bổng lộc của các vua chúa , thần quyền để “ hầu hạ “ họ cho đến các nghệ sĩ thời bao cấp được nhà nước nuôi bằng lương để phục vụ chính quyền và xã hội , rồi khi bước sang kinh tế thị trường thì chính cơ chế thị trường nuôi nghệ sĩ thông qua việc mua – bán tác phẩm VH – NT.
Đang chống độc quyền trong kinh doanh sản xuất sao lại chấp nhận ca khúc độc quyền?
Thoạt nghe câu hỏi thì tưởng là hợp lý nhưng xét đến bản chất thì không đúng.
Chúng ta chắc chưa quên khoảng gần một thập niên trước , khán thính giả và báo giới từng than phiền về việc phải nghe một bài hát có quá nhiều ca sĩ “ nhai đi , nhai lại “ đến phát nhàm . Người ta gọi đó là nạn “ chung chạ “ một ca khúc và mong các ca sĩ hãy cố tìm bài hát riêng của mình chứ đừng thay nhau dẫm chân lên cùng một bài hát đang ăn khách . Trên cơ sở đó cộng với các yêu cầu khác của thị trường ( như muốn nghe bài hát nào thì chỉ có thể tìm thấy trong đĩa của ai đó ,hoặc của trung tâm , hãng sản xuất nào đó…) đã phát sinh ra hiện tượng độc quyền trong ca khúc . Thật ra , hiện tượng này cũng chỉ là học lại từ các nước có nền âm nhạc phát triển khác của Âu - Mỹ , như chúng ta từng biết Micheal JackSon đã mua lại độc quyền một số các bài hát của The Beatles hoặc một số hãng sản xuất băng đĩa đại gia như Sony chẳng hạn mua quyền sở hữu các bài hát nổi tiếng để kinh doanh…( Những ví dụ như thế là vô số.)
Sự độc quyền này không phải là vô hạn vì nó nằm trong yếu tố vừa nói ở trên “ …để kinh doanh “.
Vì vậy thắc mắc : “ Một bài hát khi phổ biến thì nó được quyết định và vì thế thuộc về xã hội , cho nên ai hát cũng được cớ sao chỉ có duy nhất một ai đó được quyền hát ? ” không có cơ sở . Bởi vì - đơn giản - bạn yêu thích bài hát nào bạn cứ hát thoải mãi bất kể bạn là ai , ở Trung Đông hay Trung Phi , ở Tân thế giới hay cựu lục địa , ở Hà nội hay ở Sài gòn…( Và tác giả những bài hát đều mơ ước được như thế ) nhưng khi bạn hát nó để thu tiền ( tất là hoạt động nghề ca sĩ ) thì không được phép . Bạn sử dụng nó cũng tuỳ nghi ở bạn ( cho ai nghe , nghe ở đâu , khi nào cũng được ) nhưng khi quyền sử dụng đó gắn với hoạt động kiếm lời ( nghĩa là kinh doanh âm nhạc gián tiếp hoặc trực tiếp ) thì bạn sẽ bị cản ngăn ngay. Những điều qui định này nằm trong bộ luật về bản quyền và nó được thiết lập trên cơ sở quyền lợi của tất cả mọi bên : chủ sở hữu , quần chúng , người kinh doanh – nghĩa là cho toàn bộ lợi ích của xã hội chứ không đặc quyền đặc lợi cho cá nhân nào.
Ngoài ra , thông thường một ca khúc độc quyền luôn được giới hạn ở một thời gian sở hữu nhất định ( thường là 1 , 2 năm ) nên sẽ không có chuyện chỉ có một ca sĩ được vĩnh viễn hát nó , còn ca sĩ khác thì không . Ca khúc độc quyền vĩnh viễn hay không thuộc về tài năng người ca sĩ hát nó quyết định . Nếu anh ( chị ) ca sĩ nào hát thật tuyệt vời bài hát nào đó mà không có một cá nhân thứ hai nào đạt đến hoặc vượt qua thì tự nhiên bài hát thuộc về “ độc quyền “ của họ mà không cần phải “ ký độc quyền “ . Trong lịch sử âm nhạc chắc chúng ta quá biết nhiều cái tên ca sĩ – bài hát độc quyền đi đôi với nhau như thế nên không cần nhắc thêm trong bài viết này.
Mua – bán và độc quyền ca khúc không có tội.
Qua những phân tích sơ lược ở trên chúng ta đã thấy phần nào sự cần thiết của mua – bán và độc quyền ca khúc trong cơ chế thị trường như thế nào . Còn những vấn nạn rắc rối quanh hiện tượng này không phải xuất phát từ bản chất của nó . Mua – bán và độc quyền ca khúc không có tội từ bản thân nó . Tất cả tội tình , nếu có , đều thuộc về những người thực hiện hành vi thương mại ca khúc . Đó là sự bất tín , vô lương tâm , thiếu tôn trọng pháp luật , sự tham lam đồng tiền quá trớn không đặt trên giá trị lao động của chính bản thân và là kết quả của một lối làm việc không khoa học , không giấy tờ , không hợp đồng , không khế ước .Tất cả chỉ dựa vào niềm tin mơ hồ - mà niềm tin trong thời đại thị trường hoá này luôn là kẻ yếu đuối trước đồng tiền vạn năng.
Những hành vi như thế xảy ra chung cho cả mọi hoạt động thương mại chứ không chỉ riêng cho thương mại ca khúc.
T.M.P