Câu hỏi tưởng như ngớ ngẩn phải không?
Nghe bằng tai chứ nghe bằng gì!
Nhưng không. Nghe bằng tai chỉ mới là nghe để nhận thông
tin. Mà nghe nhạc đâu chỉ nhận thông tin mà chủ yếu là nghe để cảm xúc, để
phiêu linh. Nó là khoái cảm thẩm mỹ của trái tim. Vì vậy, nghe nhạc là nghe bằng
trái tim!
Lâu nay chúng ta vẫn thường than thở rằng nhạc hiện đại dường
như chỉ để nhìn. Người ta quen dùng cụm
từ “xem nhạc” hơn là “nghe nhạc”. Có lẽ nhạc từ vai trò là nghệ thuật của thính
giác đã nhường chỗ cho những khoái cảm về thị giác. Mà buồn hơn không phải là
khoái cảm thẩm mỹ gì cho cam, mà hầu hết là khoái cảm về…nhục cảm( ca sĩ ăn mặc
gợi cảm, động tác mời gọi, lắc lư. Còn phụ thêm dàn vũ công cũng hết sức hấp dẫn,
gần như là những đoàn thoát y vũ. Rồi ánh sáng, phông màn sặc sỡ, khói màu mê
muội kèm theo những chiêu trò giật gân rất bắt mắt!). Thế là người ta tập trung
cho đôi mắt thỏa mãn thị giác còn lỗ tai thì lấp đầy bằng thứ âm thanh gì cũng
được, miễn là có âm thanh!
Nhưng xem nhạc hoài
cũng chán. Ai đó thích nghe nhạc thuần túy bỗng thấy mình thèm được nghe. Nên họ
quay sang đáp ứng nhu cầu đó bằng thứ nhạc
hoài niệm của ngày xưa. Nhạc xưa đúng là nghe mà thấm trong tim. Nghe mà nhắm mắt
càng thấy hay( chứ nhạc bây giờ nghe mà nhắm mắt thì đúng là điên!)
Nhạc sĩ hiện đại ở đâu?
Họ ở đây. Họ cũng đã và đang chuyển mình cố gắng đưa âm nhạc
hướng vào đúng đối tượng của nó-lỗ tai người nghe. Một bộ phận nhạc sĩ đã ý thức
được chân lý đó nên đã bắt đầu có những tư duy sáng tác rất đơn giản mà lâu nay
trở thành xa xỉ: viết nhạc để nghe.
Họ cũng được sự hỗ trợ tích cực của những cơ quan truyền
thông vì lợi ích dân trí và văn hóa cao tạo điều kiện và môi trường để đầu tư
và lăng xê nhằm tạo một đối trọng với thứ nhạc để xem (đang xưng hùng xưng bá
trên thị trường hỗn mang-chỉ giả tạo tử tế ở phần nổi nhỏ nhoi, còn phần chìm
khổng lồ thì toàn bê bối).
Và một dòng nhạc để nghe cũng đã ra đời nhờ vào bà đỡ nói
trên.
Nói không ngoa ngôn- đó là dòng ,là phong cách của “Bài Hát
Việt”.
Nói cho hồn nhiên, nó tuy chưa nhiều nhưng cũng bắt đầu gây
chú ý. Đi kèm với nó là một lực lượng tác giả tinh khôi, phơi phới và đầy khát
khao cùng tham vọng đổi đời âm nhạc Việt.
Và ta hãy nghe họ…
Ồ không, nhắm mắt lại ta nghe nhạc trôi qua tai ta thật đấy
nhưng sao nó cứ luẩn quẩn trong tai rồi từng dòng suối thanh âm cứ thế xô đẩy
nhau rồi cuối cùng đầy trong tai rồi đổ ào hết ra ngoài. Ta cố nghe bằng trái
tim mà cớ sao không thể?
Vậy thì ra thứ âm nhạc mới và đầy nhiệt huyết cách tân đó hầu
hết cũng chỉ dừng lại ở “nghe ở tai” chứ chưa “nghe ở trong tim” được. Nghĩa là
nó chưa vào được khu vườn tâm hồn của người nghe.
Đó là thứ nghệ thuật âm nhạc vô hồn.Chưa chạm được trái tim.
Vậy nó có đóng góp gì ý nghĩa? Có chứ.
Nhạc để đi thi!
Không tin ư?
Mời bạn theo dõi những cuộc thi hát, thi tìm ca sĩ triển vọng
từ mức độ vi mô là cơ quan xí nghiệp, trường học…cho đến tầm cỡ vĩ mô là cuộc
thi Tiếng hát truyền hình này kia, gameshow kia nọ…bạn sẽ thấy những bài hát
nghe bằng tai kia chiếm ít nhất cũng là gần phân nửa số lượng bài thí sinh đăng
ký dự thi.
(Mà dễ hiểu thôi, bản thân những bài hát đó đa phần cũng là
sản phẩm của những cuộc thi sáng tác, cho nên tác giả phải tận dụng kỹ thuật để
mà khoe khoang và ban giám khảo cũng muốn căn cứ trên kỹ thuật để chứng tỏ mình
là dân nhạc có học vấn cao, hơn là thể hiện một anh nhạc sĩ có tâm hồn nhạy cảm).
Điều này nói lên một sự thật:
Nhạc để nghe bây giờ trọng “kỹ” quá mà không trọng “nghệ”.
Cho nên nó là một công cụ đắc lực để ca sĩ khoe giọng như con công xòe đuôi để
chinh phục ban giám khảo hơn là những lời chân tình tâm sự với trái tim. Nhạc
vì thế nghiêng về lý, thích vuốt ve não trạng hơn là nghiêng về tình để mơn trớn
con tim.
Hãy thử phân tích chung dòng nhạc này: Ngôn ngữ âm nhạc hiện
đại. Kỹ thuật hàn lâm. Hình tượng đương đại. Đề tài mới. Hòa âm trí tuệ. Dĩ
nhiên là chưa có gì xuất sắc, cũng chỉ ở mức là học hỏi và tiếp thu thuộc bài
âm nhạc đương đại của phương tây (Những yếu tố mà loại nhạc để xem làm gì có hoặc
rất nghèo nàn).
Nhưng như thế chưa đủ cho một tác phẩm âm nhạc có hồn. Có hồn
là cảm xúc thẩm mỹ cao nhất của nghệ thuật!
Muốn sáng tác phải có kỹ thuật nhưng sáng tạo mà lệ thuộc kỹ thuật quá thì nghệ thuật sẽ chết, hay nói đúng hơn là cái hồn của tác phẩm sẽ không tồn tại trong những dòng chảy thanh âm quá trọng kỹ.
Muốn sáng tác phải có kỹ thuật nhưng sáng tạo mà lệ thuộc kỹ thuật quá thì nghệ thuật sẽ chết, hay nói đúng hơn là cái hồn của tác phẩm sẽ không tồn tại trong những dòng chảy thanh âm quá trọng kỹ.
Sáng tác phải quên kỹ thuật đi như ta đang sống mà không nhớ
rằng mình đang thở. Khi mình đang nhớ mình thở là mình đang sống không tự
nhiên. Viết nhạc cũng vậy.
Kỹ thuật thì có thể dễ dàng học từ trường lớp, sách vở, tài
liệu, đồng nghiệp,internet…Nhưng tâm hồn biết học ở đâu?
Có đấy! Chính từ cuộc sống. Mà tâm hồn dường như là bẩm
sinh. Chỉ cần biết gieo trồng là linh hồn nảy nở. Chính linh hồn này sẽ làm cho
tác phẩm mang tính nhân văn và cảm xúc chân thành từ tình yêu đôi lứa, đến tình
yêu cuộc sống , thiên nhiên và nhân loại.
Có khi nào cuộc sống hiện đại quá thực dụng và tôn thờ vật
chất là mảnh đất cằn cỗi không gieo hạt giống của tâm hồn được?Nên viết cho có
hồn là điều bất khả thi, nên chỉ có thể vay mượn kỹ thuật để thể hiện cái vỏ
bên ngoài của tâm hồn mà thôi?
Nhạc để nghe bây giờ mắc cái bệnh đó nên không nghe bằng
trái tim được. Tuy là nghe được rồi đấy nhưng mới chỉ nghe bằng tai.
Con đường từ tai nghe đến trái tim tuy ngắn nhưng là đoạn đường
rất xa thăm thẳm nếu viết nhạc rất hay mà không có hồn để lay động con tim.
Cái công thức : Muốn nghe bằng trái tim phải viết bằng trái
tim- thấy đơn sơ sao lại nan giải nhỉ!
Trong lúc chờ đợi để nghe nhạc bằng trái tim, người yêu nhạc
Việt cũng tủi thân an ủi : Đã bắt đầu có thứ nhạc hiện đại để nghe, dù chỉ nghe
bằng tai,dù chỉ là nghe nửa vời…
T.M.P