Showing posts with label Về tôi. Show all posts
Showing posts with label Về tôi. Show all posts

15.8.16

"Mổ Xẻ" Nghi Án Sơn Tùng, Cát Tường Đạo Nhạc


(Trả lời phỏng vấn báo Giao Thông)

Nhạc sĩ Trần Minh Phi, người có uy tín trong giới âm nhạc đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với Báo Giao thông về hiện trạng âm nhạc, cũng như những nghi án đạo nhái đang ầm ĩ hiện nay.

Ca sĩ chỉ hát vì tiền và danh

Nhìn lại 2 thập kỷ qua, anh đánh giá thế nào về sự thay đổi của âm nhạc Việt Nam?

Theo tôi, hai thập niên qua âm nhạc Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Các tác giả và ca sĩ trẻ có nhiều điều kiện tiếp xúc, tiếp thu những cái mới của âm nhạc thế giới, từ phong cách âm nhạc đến công nghệ làm nhạc. Sân chơi âm nhạc được mở rộng, tha hồ bay nhảy. Khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới ngày càng được kéo gần. Nền âm nhạc trong nước vì thế cũng đa dạng, phong phú và hiện đại, giàu tính kỹ thuật hơn.

Tuy nhiên, hạn chế là âm nhạc trong nước đang mất đi tính hồn nhiên lẫn cảm xúc thật và chiều sâu. Âm nhạc bị chi phối quá nhiều bởi tính thị trường và các bề nổi danh vọng nhất thời. Nó ồn ào mà hời hợt. Số lượng phát triển mạnh nhưng chất lượng lại nông, không còn chút bản sắc nào. Tính nghệ thuật bị hạ thấp.

18.10.13

Xã hội ít tử tế thì làm sao có âm nhạc tử tế

Trả lời phỏng vấn báo Lao Động
Là một trong số ít những người dám nói thật, nói thẳng về nạn đạo nhạc, nạn thương mại hóa ca khúc, nhưng rốt cuộc, nhạc sĩ Trần Minh Phi đành rút lui vào im lặng, vì bị “bầm giập”, hoài nghi. Khá lâu rồi, anh mới đưa ra nhìn nhận về tình hình nhạc Việt hiện đại.

Anh có thể cho biết suy nghĩ của mình trước những lời nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về showbiz Việt và thị trường âm nhạc hiện nay?

Đó là những nhận xét trung thực và thẳng thắn cần phải có cho thị trường âm nhạc hiện có xu hướng tự ''đánh bóng'' lẫn nhau. Tôi tự hỏi tại sao mỗi lần sự thật được gọi đúng tên là lại nổi lên “sóng thần” và “bão táp” dư luận?

Sợ gắn bó với ca sĩ


Trả lời báo Thể thao-Văn hóa

"Bây giờ tốt nhất là hãy phòng ngừa từ xa: tránh nảy sinh tình cảm với ca sĩ. 99% là tôi tránh được, nếu 1% kia là tình yêu thực sự thì không thể nói trước được", nhạc sĩ Trần Minh Phi bộc bạch.

- Anh nói đang muốn tìm một giọng hát riêng biệt để thể hiện sáng tác của mình, chuyện đó đến đâu rồi?

- Không, tôi không đi tìm. Ca sĩ thời nay thực dụng lắm, họ coi đi hát là phương tiện kiếm tiền, sẵn sàng hát cái người khác thích và chỉ thích hát cái gì được khán giả hưởng ứng liền. Ca sĩ, như quan niệm của tôi phải yêu bài hát đến mức hát vì sự yêu thích đó, hát vì đó là bài hát của họ, không phải vì người khác thích hay không thích. Tôi đang chờ một ca sĩ như vậy, như chờ tình yêu, chờ duyên số của mình.

Những học trò tôi đang dạy có mơ ước thành ca sĩ, nhưng vào học, tôi đã nói luôn: tôi dạy âm nhạc, dạy để xóa mù nhạc thôi, không hứa hẹn sẽ giúp họ thành ca sĩ. Nếu trong số này, phát hiện ra giọng hát tôi cần tìm, lúc đó sẽ tính. Bài hát phải có người hát, người hát đôi khi trở thành tác phẩm của mình luôn, thậm chí người đó là cảm hứng viết cho mình. Ca sĩ vô cùng quan trọng, họ là đôi cánh của bài hát, nếu gặp được đôi cánh lý tưởng, bài hát có thể bay lên trời xanh chứ không lật đật dưới mặt đất.

Thứ lỗi cho tôi nếu ai đó buồn lòng.


Trả lời Nguyệt san Thế giới Nghệ sĩ

Sau làn sóng của thế hệ nhạc trẻ lớp trước như Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang... thị trường âm nhạc Sài Gòn lắng xuống một thời gian dài. Mãi đến đầu thập niên 90, nó mới cựa quậy đứng dậy một lần nữa và lớn mạnh, chủ yếu về lượng. Trần Minh Phi là một nhạc sĩ có đủ chất và lượng cũng như phong độ để theo kịp thị trường. Thế nhưng gần đây, anh hoàn toàn im lặng.

- Vì sao anh lại im hơi lặng tiếng như thế?

- Im lặng là một điều bình thường vì người sáng tác có nhiều giai đoạn khác nhau, lúc này tôi vẫn viết nhưng không còn sung như trước. Bây giờ, tôi không thể nhắm mắt chạy theo thị hiếu mãi dù viết vẫn được. Có những đơn đặt hàng rất quái đản, tôi không nhận, vì viết như thế thì sẽ không còn bản sắc của mình. Đời người như dòng sông, lúc lên lúc xuống, đã tới lúc tôi muốn nghĩ về mình nhiều hơn.

- Anh không luyến tiếc những hào quang mà mình đã có sao?

- Làm văn nghệ ai không thích hào quang, ai không thích sự nổi tiếng. Nhưng khi đạt được nó rồi, biết được cảm giác ồn ào biết được nhiều khẽ, biết được những mặt trái, người ta lại thích sự yên lặng.

Viết được nhạc buôn bán, viết nhạc theo đặt hàng... cũng giống như người làm thuê rẻ mạt, có bài nào lóe lên một chút, thì ca sĩ hưởng chứ mình có được gì đâu. Chưa nói, có chút hư danh, đời tư mình hay bị moi móc, thổi phồng...

Đừng mất bình tĩnh trước đồng tiền


"Tôi chấp nhận lời nhận xét nhạc của mình bình dân  nhưng đó là của mình còn hơn được bình luận là sang trọng và quý phái mà đi cóp nhặt ở đâu đó. Tôi buồn nhất là khi đứa con mình lại giống ông hàng xóm, điều đó sẽ ám ảnh mãi trong tôi", anh tâm sự.
- Các ca khúc của anh đều sáng tác cho giới trẻ, anh lấy cảm hứng từ đâu?
- Tôi cũng không rõ điều đó nhưng những bài nào tôi viết tự nhiên bằng tình cảm thân thành thì thường được yêu thích hơn là một bài phải vận dụng nhiều lý trí và kỹ thuật để khoe khoang sở học.
- Vài năm trước anh đã lên án chuyện đạo nhạc, vì sao lúc đó anh lại tự tin nhận xét nhạc của người khác đến vậy?
- Tôi có chứng cứ thì tự tin thôi. Lúc đó, tôi bị một số người trong giới tẩy chay và cô lập, nhưng tôi vẫn tin vào lưới trời lồng lộng và tri thức khách quan của quần chúng. Bây giờ, những ý kiến đó đã được công chúng ủng hộ nhưng vẫn bị một số người trong giới ghét và cho rằng quần chúng a dua không đáng tin. Tôi cho rằng đây là trò nguỵ quân tử, khi được khán giả tung hô thì họ khen là đáng yêu và tuyệt vời, khi bị phê phán thì họ tỏ vẻ miệt thị khối đại quần chúng.
- Anh có sợ sau khi bị "đấu tố" liên tiếp, nhiều nhạc sĩ sẽ bị cạn kiệt nguồn sáng tạo?
- Ảnh hưởng là chuyện tất nhiên ngay cả với những thiên tài thế giới huống hồ là những tài năng cấp quốc gia. Tôi nghĩ sức sáng tạo của các nhạc sĩ đã cạn kiệt lâu rồi chứ đâu cần đến khi bị "đấu tố", bởi vậy, mới xảy ra sự vay mượn ở trình độ thấp, được che đậy bằng chiêu bài ảnh hưởng, học tập, hội nhập.
- Ngoài sáng tác, anh còn là nhạc sĩ đào tạo cho nhiều ca sĩ tiềm năng, anh nhận xét thế nào về công việc này?
- Tôi mới thử nghiệm đào tạo những ca sĩ hát không vì tiền nhưng xem ra thấy mình liều và giống như đang ở cõi trên. Đào tạo cho họ mặt lợi là mình nổi danh theo học trò và mặt hại là mình cũng lãnh đủ tai tiếng từ họ. Làm việc này đòi hỏi phải có con mắt tinh đời, trái tim nhạy cảm và đừng mất bình tĩnh trước đồng tiền. Từ trước cho đến thời điểm này tôi đã nhìn lầm một người và chưa nhìn ra được một ca sĩ tiềm năng nào vừa ý.
(Theo Người Đẹp)


Tôi bị nhiều người trong giới tẩy chay


“Do những vụ lùm xùm đạo nhạc vừa qua mà tôi là người lên tiếng trước và mạnh mẽ nhất, nên tôi bị nhiều người trong giới tẩy chay...”, nhạc sĩ Trần Minh Phi tâm sự.


Thời gian vừa qua, anh "biến" đi đâu vậy?

Nói chung là ở nhà và làm những việc bình thường của một nhạc sĩ. Vẫn sáng tác, nhưng không thấy có điều kiện cũng như thời điểm thích hợp để phổ biến tác phẩm. Tôi phải đi dạy nhạc và làm những việc linh tinh khác nên không có thì giờ tụ bạn.

Vậy như thế nào mới là đủ điều kiện và thời điểm thích hợp để phổ biến tác phẩm?

Thứ nhất là thẩm mỹ của đa số người nghe bây giờ không phù hợp với cách viết nhạc của tôi. Thứ hai là do những vụ lùm xum đạo nhạc thời gian qua mà tôi là người lên tiếng trước và mạnh mẽ nhất, nên tôi bị giới showbiz hầu như tẩy chay, các nhà sản xuất cũng không muốn cộng tác với mình vì họ chỉ quan tâm tới lợi nhuận cũng như sự đòi hỏi nhất thời của thị trường.

Anh vốn là một nhạc sĩ đồng thời cũng là một nhà báo, sao anh không viết báo nữa?

Với tôi làm nghề báo phải trung thực 100%, nếu vậy thì phải sống khổ sở với nó, nhưng kể cả những người thân của mình cũng không chia sẻ được, họ bảo mình dại. Có lẽ tôi cực đoan quá chăng?

Nhạc sĩ Trần Minh Phi nói về ca khúc đặt hàng



Trả lời báo Thể thao-Văn Hóa

"Nhiều người nghe thấy ca khúc vận động, ca khúc đặt hàng là dị ứng. Nhưng với người sáng tác chuyên nghiệp thì viết theo đặt hàng cũng có điều thú vị, dù nó có thể khiến bản thân bị gò bó không thể tung hoành thoải mái kỹ thuật, cảm xúc", nhạc sĩ Trần Minh Phi tâm sự.

- Anh thường viết theo đơn đặt hàng của ai?

- Đặt hàng của ban tổ chức, tức là tham gia các cuộc vận động sáng tác, tôi mới dự thi viết ca khúc cho đám cưới (báo Tuổi Trẻ), ca khúc sinh nhật (báo Mực Tím)... Còn chủ yếu là viết theo đặt hàng của ca sĩ như Thanh Thảo, Nguyễn Phi Hùng, Minh Thuận, Đan Trường, nhóm Ngẫu Nhiên và một số ca sĩ mới vào nghề khác...

Tự Bạch


"Với tôi, giọt lệ phụ nữ là một thứ acid đặc biệt ăn mòn khủng khiếp mọi thứ, nhất là trái tim đàn ông, ngoại trừ chính đôi má mịn màng của nàng. Nước mắt - đó là món trang sức trên đôi má hồng đào, nhưng lại là nhát dao khoét vào trái tim tôi", nhạc sĩ Trần Minh Phi thổ lộ.

Ba mẹ tôi là người Huế. Tôi cũng được sinh ra tại Huế, nhưng xa Huế từ khi còn ẵm ngửa, theo ba mẹ vào Nam sinh sống. Tôi hấp thụ hai tính cách Trung Nam, vừa khó tính, lo xa, vừa bộc trực, thẳng thắn. Khi còn đi học, tôi là một học trò trung bình, dốt toán và kém văn, không có gì nổi bật ngoài cái tật nhút nhát và hay mơ mộng. Cô giáo rất cưng vì cô bảo tôi dễ thương như con gái. Bạn bè khen tôi vẽ đẹp, làm thơ hay, nhưng lạ lùng vì khi lớn lại chẳng theo nghề hội họa hay thi ca. Học điện ảnh và kinh tế rồi chẳng bao giờ đụng tới nó. Đi học nhạc thì thày khuyên nên học thứ khác. Vậy mà giờ đây tôi đang sống bằng nghề bán nhạc và bán chữ. Tôi không biết cuộc đời hiểu lầm tôi, hay tôi đã nhầm lẫn quá nhiều cuộc đời này?

Mọi người ưu ái gọi tôi là nhạc sĩ, nhưng thâm tâm tôi nghĩ mình chỉ là người viết ca khúc. Tôi không đến trường lớp học nhạc mà chỉ tự mình tìm tòi học hỏi, viết ca khúc như viết nhật ký để một ngày kia bỗng thấy vài bản nhạc của mình được mọi người yêu thích. Nhưng dòng đời xô đẩy, tôi buộc lòng viết nhạc để kiếm sống.

Đôi lúc tôi buồn khi nhìn mình như một con rối, chạy theo bao ham muốn với hư danh tháng ngày. Tôi từng làm báo 10 năm, cười đau khóc hận cũng nhiều, nhưng có lúc tự dưng buông bút vì thấy sao nhiều người ghét mình dù mình chẳng ghét ai. Chẳng qua tôi chỉ dám nói thật, nói thẳng chính kiến của mình về những gì chướng tai, gai mắt mà quên không pha ít gia vị bợ đỡ ai. Tôi cứ tự hỏi lòng mình có gì hèn nhát khi làm điều đó không?

17.10.13

NS Trần Minh Phi trao cả "gia tài" cho Nhạc Việt


Trong sự cẩn thận, nhạc sĩ Trần Minh Phi đã giao cho Nhạc Việt hơn 70 bài hát anh đã phổ biến từ trước đến nay.

Nhạc sĩ Trần Minh Phi tốt nghiệp khoa Quản lý kinh tế của trường ĐH Tổng hợp TP.HCM cũ (Nay là ĐH Khoa học - Xã hội & Nhân Văn TP.HCM) và Lý luận điện ảnh Trường Điện ảnh Việt Nam (Nay sáp nhập thành trường Cao đẳng Sân khấu - Điện Ảnh). Nếu không có âm nhạc, chắc anh sẽ trở thành một nhà lý luận điện ảnh hoặc nhảy vào kinh doanh.

Trở thành nhạc sĩ, anh nhanh chóng được biết đến qua ca khúc: Hôn môi xa, Góc phố dịu dàng, Sông ngân êm đềm, Cổ tích chuyện tình... Phương châm sáng tác của anh: "Đơn giản, chân thật không màu mè, kiểu cách, khoe khoang học thuật nhưng không tầm thường và phải có cá tính, bản sắc riêng. Nhạc của tôi lấy trái tim làm cứu cánh chứ không phải sợi dây thanh quản".

Hoạt động nghề nghiệp: Bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 1988. Ca khúc đầu tay “Góc phố dịu dàng”(Tháng 1/1988). Bài báo được đăng đầu tiên trên báo Tuổi Trẻ năm 1988 là một bài phê bình điện ảnh. Từ năm 1991-1997 làm báo tại báo Khăn Quàng Đỏ và là Hội viên Hội nhà Báo Việt Nam. Năm 1997, xin thôi việc. Từ đó đến nay hoạt động âm nhạc và viết báo tự do. Năm 2000 VAFACO sản xuất và phát hành album “Sông Ngân Êm Đềm”(10 ca khúc: Gửi Đôi Mắt Nai, Hôn Môi Xa, Tình Yêu Long Lanh, Hè Muộn, Thiên Nhiên, Sông Ngân Êm Đềm, Phố Biển Tình Hè, Sài Gòn Tôi Với Tôi, Bồ Câu Phương Xa, Góc Phố Dịu Dàng.

Back To Top