5.9.13

Đạo nhạc: Bất thường đã thành Bình thường



Chống đạo nhạc như Don Quixote chống cối xay gió

.
Con người ta có hàng tỷ người như nhau. Dù màu da , chủng tộc khác nhau đều có tay chân, mắt mũi như nhau . Nhưng đó là nhìn tổng thể, khi đi vào cái cụ thể , cái chi tiết thì khác nhau. Chủng tộc này khác chủng tộc kia. Dân tộc kia khác dân tộc nọ. Thậm chí anh em một nhà cũng phân biệt rõ sự khác nhau.

“Một vài nốt giống nhau, vòng hoà âm giống nhau, cảm giác (ambience, feeling) giống nhau không có nghĩa là bài hát giống nhau”.

Dựa trên lý luận này nhiều người viết nhạc thiếu lương tâm lại thừa khôn ngoan biến cái người khác thành của mình với một kỹ thuật thông thường trong âm nhạc là biến tấu (Variation). Đây là sự ăn cắp tinh vi kiểu như lấy chiếc xe người khác về sơn phết lại màu khác, thay một vài phụ tùng khác rồi nhận là của mình, người ta nhìn qua có cảm giác quen quen nhưng rõ ràng nó có màu khác từ cái vỏ xe cho đến yên xe, hoặc mấy con decal dán lên xe thì khác nhau kia mà(!?). Nếu thật thà thì nhận là mình PHÓNG TÁC. Nhưng gọi là SÁNG TÁC thì kiêu hãnh hơn nhất là khi mình là người có bằng cấp cao về âm nhạc. Thà dối trá mà được tôn vinh còn hơn thật thà mà mất giá ( giá thị trường)!
Thật ra sự giống nhau trong âm nhạc có hai cấp bậc : Ảnh hưởng và Bắt chước.

- Cấp bậc đầu thì không ai tránh khỏi . Ngay cả thiên tài bậc nhất là Beethoven còn bị ảnh hưởng người khác trong một vài sáng tác đầu tay của mình .Nhưng đó chỉ là ban đầu và nhất thời, và hoàn toàn không nằm trong những sáng tác tiêu biểu được nhân loại tôn vinh của Beethoven. Sự ảnh hưởng này giống như nhiều tác giả thanh minh: “cảm giác (ambience, feeling) giống nhau không có nghĩa là bài hát giống nhau”. Điều này chỉ có tiềm thức giải thích rõ ràng mà thôi.

- Cấp bậc thứ hai thì có Bắt chước thô kệch và Bắt chước tinh vi. Sự bắt chước thô kệch thường là của những ai ít học về sáng tác hoặc mù nhạc. Lúc đó họ như con sáo vậy thôi. Còn bắt chước tinh vi thường là của người có học về sáng tác. Bằng cấp hoặc sự học càng cao sự tinh vi càng đáng sợ và đáng…nể. Cũng dựa trên lý luận “cảm giác (ambience, feeling) giống nhau không có nghĩa là bài hát giống nhau”, những người tiểu nhân có trình độ cao về âm nhạc tha hồ mà lấy của người khác làm của mình sau một quá trình gia công – thêm bớt – vẽ râu- thêm lông công phu.

Đáng tiếc là từ trước đến nay, chuyện đạo nhạc ở VN đã trở thành chuyện bình thường. Nền ca nhạc đương thời của nước ta là thời kỳ của những kẻ tiểu nhân đang hãnh tiến. Những người đi tố cáo chuyện đạo nhạc được/bị xem là những người lỗi thời, kẻ bên lề và lữ khách cô đơn trên con đường âm nhạc VN không thiếu những lô-cốt đạo nhạc nhân danh những dự án xây dựng và phát triển nền ca nhạc nước nhà. Từ trước đến nay, những vụ phanh phui nạn đạo nhạc đều là cuộc chiến đấu lạc loài và lẻ loi, chỉ có người phanh phui phải trả giá vì hành động của mình.

T.M.P

Back To Top