25.9.13

NHẠC TỬ TẾ: CÓ TÂM NGHỆ THUẬT NHƯNG CHƯA ĐỦ TẦM SÁNG TẠO


Nhạc tử tế không có nghĩa là nhạc hay về chất lượng nghệ thuật. Nó tử tế là vì được đánh giá cao về cách làm , cách sẻ chia, cách thể hiện vì một mục đích tốt đẹp nào đó của nghệ thuật thôi. Cho nên, đừng nghĩ mình làm một tác phẩm hay một chương trình tử tế là tất nhiên mình đạt được một tầm sáng tạo nghệ thuật cao. Đừng ngây thơ ngộ nhận hay đánh đồng hai khái niệm đó như vậy. Nghĩa là ta có cái tâm nhưng có khi chưa đủ tầm. Tử tế chỉ là yếu tố”cần” chứ không phải là yếu tố "đủ" để tạo nên phẩm chất nghệ thuật.

Trên nguyên lý đó, những chương trình âm nhạc nghiêm túc và tử tế gần đây được thực hiện mới được ghi nhận ở cái tâm chứ không được đánh giá cao về cái tầm nghệ thuật mà người nghe sành điệu mong muốn.

Mong cửa sổ 3 sẽ được mở ra với chất lượng nghệ thuật đáng ghi nhận hơn ngoài cái tâm tử tế


Ví dụ gần đây nhất là chương trình “Cửa sổ âm nhạc”, dù được khâm phục về sự đầu tư chất xám cũng như tâm huyết tạo ra một bộ mặt âm nhạc tích cực cho nước nhà thì vẫn mang dấu ấn nghệ thuật và sáng tạo khá mờ nhạt.

Nó có những nhược điểm sau:

-Cửa sổ số 2 mang tên: Tôi mơ một giấc mơ, đã làm người ta nhớ đến bài hát bất hủ: “I have a dream” của nhóm ABBA và bài phát biểu nổi tiếng về nhân quyền của mục sư Martin Luher King. Cái tên không quan trọng mấy nhưng chọn cái title trùng với những cái tên quá bất tử và phổ biến như vậy là một việc làm không đáng có.

-Với ý đồ gì không biết, khi bên cạnh những tác phẩm của các nhạc sĩ thiên tài thế giới là sự”cùng chung chăn chiếu” của một nhạc sĩ Việt Nam, tuy cũng có tên tuổi đương thời nhưng trong lịch sử nhạc Việt  không  thể là một gương mặt hàng đầu tiêu biểu. Đó là một sự so vai khập khiễng quá mức chịu đựng khi phải nghe hai loại đẳng cấp âm nhạc khác xa nhau như một trời một vực cùng vang lên trong một không gian, trong một thời điểm. Nó vô tình xóa đi một phần tâm huyết ban đầu, cho người ta có cảm tưởng “vị tư lệnh” của chương trình này có chút động cơ cá nhân muốn đánh bóng tên tuổi mình theo cái kiểu: bắt quàng người sang làm họ. Nhưng điều đó không qua mắt những ai có hiểu biết về âm nhạc và chỉ tạo hiệu ứng ngược khi đem con vịt đặt cạnh con thiên nga!

-Tham vọng trình diễn lại những tác phẩm cổ điển với dấu ấn riêng đã cho người nghe có hiểu biết một sự hụt hẫng. Đừng nghĩ làm mới cổ điển là đơn giản vì nó sẽ dễ phá hỏng tinh thần và phong cách của nó đi. Chắc những người thực hiện cũng biết đến một tính chất căn bản và quan trọng của âm nhạc là: “Lặp lại có thay đổi” và “Thay đổi trong thuần nhất”. Khi chơi lại, cover những tác phẩm nổi tiếng thì phải dựa trên cái nền tư duy đó để khẳng định được phong cách riêng của người mới nhưng vẫn giữ được tinh thần của cái cũ. Đó là điều cực khó, và trên thế giới này số lượng nghệ sĩ làm được điều đó cũng không nhiều, nhất là với những tác phẩm được coi là kinh điển của nhân loại. (Tuy nhiên, nếu chỉ so với một số giọng ca trước đây ở VN từng thể hiện cũng như nội dung ca từ Việt hóa thì cũng đủ cho thấy sự non nớt hơn nhiều cho dù được ca tụng  là những giọng ca và nhạc sĩ hàng đầu VN đương thời. Nếu thế, thì nhạc Việt đang bước lùi chăng?)

Có lẽ “Cửa sổ âm nhạc” đúng là chỉ một khoảng không gian nho nhỏ và hạn hẹp để nhìn ra bầu trời âm nhạc ,không chỉ về góc nhìn mà còn về cách thể hiện và trình diễn, như những người thực hiện nó đã đề ra. Người thưởng ngoạn nếu sành điệu và có trình độ thưởng thức cao nên tìm đến những chương trình của những nghệ sĩ hàng đầu thế giới mới thỏa lòng. Còn ở đây, nên chấp nhận như một sân chơi ao nhà để cố gắng tạo nên một ngọn diêm  lặp lòe soi đường trong bóng tối của showbiz Việt hiện nay.

Chỉ mong, một vài điều gì nói trên nếu nằm trong khả năng thay đổi và sửa chữa được của những người thực hiện sẽ không xuất hiện trong cửa sổ số 3.


TMP
Back To Top