25.9.13

SỰ PHÁ CÁCH HAY PHÁ NÁT DÂN CA?


Thật ngạc nhiên khi nghe thí sinh Hà Linh hát dân ca quan họ Bắc Ninh trong The Voice : Người ơi, người ở đừng về. Và càng kinh ngạc hơn khi nghe được những lời tụng ca của báo giới và cả những vị giám khảo.

HLV The Voice nói bằng lương tâm nghề nghiệp hay vì cái gì khác ngoài lương tâm trong trường hợp Hà Linh đã phá nát dân ca Quan họ Bắc Ninh?!

Đó là những lời ca như : Nghe nổi da gà, đẳng cấp Diva, một sự phá cách sáng tạo…nói chung đó là những lời khen mà có lẽ những Diva hàng đầu thế giới mới xứng đáng nhưng lại được dành cho một thí sinh chưa có khẳng định bề dày và cống hiến nghệ thuật nào nổi trội ngoài sự phát hiện bình thường trong một cuộc thi. Nhưng thật sự cô ấy đã hát như thế nào?

Dân ca đã bị cưỡng bức! Dân ca đã bị bóp méo qua cái gương dị dạng nhân danh sự phá cách sáng tạo!

Tôi cho rằng đó là sự “phá nát” dân ca chứ không phải là “phá cách”. Một “Người ơi, người ở đừng về” thể hiện một sự tinh tế và thầm kín, cũng như sự da diết mà chịu đựng, kìm nén của người phụ nữ phương đông đằm thắm đã bị diễn dịch lại như một kiểu gào thét bên ngoài mà trống rỗng bên trong, cũng như một kiểu yêu cuồng sống vội, thiếu kềm chế của phụ nữ phương tây thời hiện đại. Hát dân ca như vậy không phải là tử tế và càng không phải là sáng tạo. Mà nói đến “đẳng cấp Diva” thì có lẽ danh xưng này đã bị lạm phát phi mã.

Có lẽ đây là hiệu ứng của câu chuyện ngụ ngôn: Ông vua cởi truồng! khi mà ông thoát y 100% thì mọi người không muốn mình thể hiện là người ngu dốt vẫn khen tụng ông đang mặc chiếc áo thật đẹp!(mà thật ra lời khen đó mới chính là định lượng sự ngu dốt!)

Thiên hạ cũng thế. Nghe các HLV The Voice khen ríu rít thì mọi người cũng theo đuôi và kéo theo một số  có khả năng hạn chế về âm nhạc bị mất mất định hướng và bị hút theo bản năng bầy đàn đã tạo nên một sự định lượng về thị hiếu rất tầm thường và nông cạn về thẩm mỹ âm nhạc nói chung và dân ca nói riêng. Nguy hiểm hơn là sự lẫn lộn vàng thau trong thẩm định nghệ thuật của các HLV, mà trong đó có những người có học hành cao về âm nhạc, đã đặt ra câu hỏi: họ nói bằng lương tâm nghề nghiệp của mình hay nói vì một cái gì ngoài lương tâm?

Nhạc tử tế được hát như vậy thì có còn tử tế cho nghệ thuật và sáng tạo?
Và cơn lốc tụng ca quá đà của báo giới như vậy, có thể hiện một sự tỉnh táo và trung thực trong thẩm định và đánh giá nghệ thuật hay không?
Và những thí sinh như Hà Linh có bị thui chột năng khiếu không, khi bị tung lên hàng sao ảo bởi những lời khen mê muội theo kiểu thùng rỗng kêu to?


T.M.P
Back To Top