4.9.13

TÂN NHẠC:KHỞI THỦY CHO NHẠC VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI



Nền nhạc Việt hiện đại được đánh dấu bằng việc ra đời của âm nhạc cải cách(Hay còn gọi là Tân nhạc-trong bài viết này tôi dùng thuật ngữ Tân nhạc (TN) để nói đến âm nhạc cải cách của cha ông chúng ta và chỉ đóng khung lại trong phạm vi ca khúc-một thể loại thân thuộc nhất của người Việt).Nghiên cứu và ôn lại Tân nhạc cũng là một cách tốt nhất có thể thấu hiểu và nhận diện lại một cách sâu sắc hơn nền nhạc Việt hôm nay,thấy rõ hơn con đường nào sẽ mở ra tương lai cho chúng để kế thừa và tiếp tục tiến trình hiện đại hoá nhạc Việt lên một tầm cao mới.

Tân nhạc hoài thai trên sân khấu cải lương

Ta biết rằng TN bắt đầu hình thành phôi thai với phong trào dùng nhạc Tây để soạn lời Việt.Người khởi xướng trong phong trào này là Tư Chơi(Nghệ sĩ Huỳnh Hữu Trung).Khoảng năm 1934 Tư Chơi đã dựa theo hình thức Opérrette(Một hình thức ca kịch như opéra nhưng có qui mô nhỏ hơn)để viết nên những ca kịch vui bằng cách lấy những điệu nhạc Tây để soạn lời Việt.Chúng đã được Tư Chơi cho phụ diễn trên các đoàn cải luơng thời đó như Phước Cương…Ông còn dùng những bài hát bình dân của Tây để viết những bài ca có nội dung yêu nước.Chẳng hạn như bài:”Hời hợi đồng bào tỉnh dậy mau.Tỉnh dậy mau.Nườc ta đã mất rồi!...” theo điệu bài frère Jacques của Pháp.Các ca sĩ KimThoa,Ái Liên là những người ủng hộ và hát những bài này cho Tư Chơi.
Nhưng qua năm 1938 thì những bài nhạc kiểu này không còn mấy hấp dẫn nữa.Người nghe,nhất là những người nặng tình dân tộc muốn có một loại nhạc”thuần Việt” không phải mượn nhạc Tây để đặt lời,khi hát lên nghe đầy đủ linh hồn của quê hương từ lời ca cho đến ca từ,nhất là phải 100% made in Việt Nam.Trước đòi hỏi mang tính lịch sử đó,TN bước sang một bước ngoặt mới

Tân nhạc của người Việt buổi đầu

Lịch sử ghi nhận một thanh niên Huế,có giọng hát ténor được liệt vào hàng đầu Đông dương lúc bấy giờ tên là Nguyễn Văn Tuyên,đang làm việc cho Pháp ở Sài Gòn,đã tự mình viết ra những giai điệu đầu tiên theo nhạc học của châu Âu.Thật ra,Nguyễn Văn Tuyên đã được sự cố vấn và giúp đỡ của một nhà thơ công tác tại đài phát thanh Radio Indochine là Nguyễn Văn Cổn.Thi sĩ này đã giúp NVTuyên soạn lời cho các bài hát cũng như đưa thơ của mình cho NVTuyên phổ nhạc;đi vận động các giới chức sắc ủng hộ và tổ chức các buổi diễn thuyết kết hợp trình diễn các bài hát TN tiên phong.Chính ông Cổn cũng là người đặt cho loại nhạc Việt mới này cái tên Âm nhạc cải cách.
NVTuyên đã có 2 cuộc vận động và giới thiệu TN ra miền Bắc tại Hà Nội và Hải Phòng.Lúc đó,Hai bài hát”Bông Cúc Vàng”và’Một kiếp hoa”rất được hoan nghênh nhưng cũng có đó đây những ý kiến phản bác hoặc chê bai.Tuy nhiên báo giới lại hoàn toàn ủng hộ ông và trong số ra ngày 7-8-1938(có tài liệu ghi ngày 6/7),tờ báo lớn Ngày Nay đã cho đăng các bài hát của NVTuyên và hết lời ca tụng nó.
Những bài hát của NVTuyên chưa được coi là xuất sắc về mặt nghệ thuật lắm,phải đợi đến khi một lớp tác giả TN mới ra đời ở Hà Nội,Hải Phòng,Nam Định… thì TN mới thật sự là những bản nhạc Việt có dấu ấn sáng tạo.Dương Thiệu Tước ở Hà Nội cùng với các nhạc sĩ trẻ bấy giờ như Thẩm Oánh,Lê Yên,Văn Chung… trong ban nhạc Myosotis đã cho ra đời hàng loạt bài hát lẫy lừng thời bấy giờ như:Tâm hồn anh tìm em,Thuyền mơ(Dương Thiệu Tước)Bóng ai qua thềm,Trên thuyền hoa(Văn Chung)Khúc yêu đương,Hồ xuân(Thẩm Oánh)Cô lái thuyền mơ(Dzoãn Mẫn)…Ở Nam Định thì có Đặng Thế Phong tài hoa với “Con thuyền không bến”được xem như là một tác phẩm đặc sắc nhất cho đến bây giờ nhờ kết hợp nhuần nhị ngũ cung Việt với nhạc Tây(mà người viết bài này sẽ có một phần riêng bàn về sáng tạo của ông trong một bài khác về những gương mặt TN)

Phát triển và rẽ nhánh:Tình ca và Hùng ca.

Bước qua năm 1944,TN đã phát triển khá mạnh và nên hình nên vóc tạm đầy đủ.Nó thể hiện qua việc chia nhánh TN thành hai giòng chảy nhạc tìnhnhạc hùng.

Lưu Hữu Phước cùng Hoàng Quý là những người khởi xướng và cầm chịch thông qua hai nhóm là Tổng hội sinh viên ở Hà Nội và Đồng Vọng ở Hải Phòng với những bài ca hướng đạo và lịch sử ca:Bạch Đằng Giang,Bạn đường…(Lưu Hữu Phước)Bóng cờ lau,Nước non Lam Sơn…(Hoàng Quý).Đây có thể xem như sự khơi nguồn cho giòng nhạc truyền thống cách mạng sau này,đóng góp cho di sản ca khúc Việt một diện mạo riêng,độc đáo kể từ cuộc kháng chiến chống Pháp rồi trưởng thành mạnh mẽ ở miền Bắc và các chiến khu miền Nam trong giai đoạn thực dân mới của Mỹ quốc(Trong bài viết này xin tạm ghép luôn nhạc cách mạng vào giòng hùng ca cho đến khi có hiệp định Geneve 1954)

Nhạc tình,ngoài những nhạc sĩ trong nhóm Myosotis kể trên và Đặng Thế Phong thì ở Hải Phòng xuất hiện thêm một tài hoa nữa là Lê Thương với các ca khúc vang danh thiên hạ như:Bản đàn xuân,Nàng Hà Tiên,Thu trên đảo Kinh Châu,Bên bờ Đà Giang…Đặc biệt bài Thu trên đảo Kinh Châu được viết trên thang âm Nhật là nổi tiếng nhất vì tính phổ biến đại chúng của nó(Có tư liệu còn khẳng định dù mang âm điệu Nhật nhưng bài này đã đưa vào làm nhạc mục của hát Quan họ Bắc Ninh).Đất Hải Phòng còn cống hiến thêm cho TN một đệ nhất nhạc sĩ tình ca là Văn Cao-một nghệ sĩ đa tài(Thơ,Hoạ,Nhạc)nhưng khá lận đận-với những tình ca mùa thu thuộc vào hàng đẹp nhất và buồn nhất của nhạc Việt(Buồn tàn thu,Thu cô liêu,Suối mơ…)(Cả hai cây cây đại thụ này sẽ được nhận định chi tiết hơn trong loạt bài kế tiếp)

Đến năm 1945 và sau đó,TN Xem như đạt gần tới đỉnh điểm phát triển của nó.Đã trãi qua những thử thách và thu lượm được khá nhiều kinh nghiệm,TN còn được quãng bá rộng thêm ra nhờ những công cụ kỹ thuật hiện đại như:máy hát,đài phát thanh,in ấn(nhạc tập)…Các hình thức đại nhạc hội cũng nở rộ thêm nhiều khiến TN trở thành một trào lưu cuồn cuộn với những thành quả và hệ luỵ của nó.
Và qua thập niên 50 TN như quả chín rộ trên cành-bên cạnh hùng ca,cách mạng ca và tình ca còn có thêm một góc nhỏ,tạm goi là nhạc hài hước của Trần Văn Trạch.TN được dùng phụ diễn cho chiếu bóng(lúc đó đã du nhập và bành trướng mạnh ở thị thành)và được nhận diện dưới nhiều”đẳng cấp”khác nhau:nhạc thương phẩm,nhạc bình dân,nhạc thời trang…(Ta thấy nó cũng có gì đó tương tự với nhạc trẻ bây giờ:phát triển,chia nhánh rồi phân tán và loạn phát)

Lúc này TN không còn quanh quẩn trong phố thị nữa mà đã tràn về thôn quê một cách mạnh mẽ.


(Kỳ sau:Bài 2-“Tân Nhạc ở Sài Gòn tạm chiếm”)
Back To Top