7.9.13

Thực trạng Phê bình âm nhạc Việt: Góc nhìn từ sự kiện Ns. Nguyễn Ánh 9 & C.s Đàm Vĩnh Hưng

                                      Phê bình âm nhạc thấy gì sau ánh hào quang sân khấu?

Nếu không có ngòi nổ từ sự kiện trên thì PBAN Việt vẫn ngậm tăm và ngậm bồ hòn.
Bắt đầu(hay tái hồi thì đúng hơn)những kêu gọi và cổ xúy của báo chí và dư luận để vực dậy phê bình.
Nhưng hậu sự kiện trên là gì?
Sẽ trở lại như xưa!
Bởi vì bản chất của nó khó thay đổi.
Hãy thử phân tích.

1/ 4 "có" và 3 "không".

Khoa học và nghệ thuật phê bình VN còn kém nhận thức về bản chất tự do. Đó là tự do của cánh diều chứ không phải là tự do của cánh chim trời. Nó còn quán tính của tập quán Nho và Khổng giáo cho nên dẫn đến sự ràng buộc của những vấn đề sau:

-4 “Có”:

Xã hội và cộng đồng thường chỉ tin tưởng và công nhận 4 tiêu chuẩn: trọng quyền, trọng thế, trọng bằng và trọng niên.

Người ta chỉ muốn nghe lời phê của người đang có quyền lực hay ít ra là đã từng có quyền. Sau đó là họ tin vào những người có thân có thế (địa vị xã hội và mối quan hệ tốt). Rồi đến người có bằng cấp hay hàm học vị. Cuối cùng là lão niên(Vì người già nói đúng sai gì cũng như cha như bác mình nói mà thôi!)
Còn ngược lại, họ dành sự khả nghi và kỳ thị với sự chụp mũ trên quan điểm đánh giá: “trục trặc tư tưởng hoặc động cơ cá nhân”. Cho nên hệ quả vô tình dẫn đến:

-3 “Không”:

Không trọng tuệ, không trọng chân và không trọng tư.

Ý kiến phê bình hay nhận xét thường bị bỏ qua những tri thức, tư duy logic. Rồi lờ đi sự thật và chân lý ẩn chứa trong đó, và sau cùng từ ý kiến của cá nhân đó sẽ bị quy chiếu về động cơ cá nhân cho dù nó có vô tư hoặc khách quan hay không nếu như người phê bình thiếu 4 điều kiện “Có” kể trên.

Hãy ví dụ Ns. Nguyễn Ánh 9 không phải là một lão làng của âm nhạc VN mà là một nhạc sĩ trẻ hoặc trung niên thì chưa chắc ông đã được sự ủng hộ to lớn của xã hội như vậy. Và Đàm Vĩnh Hưng sẽ là người thắng thế như những va chạm trước đây trong showbiz! Thực tế đã chứng minh nhiều trường hợp như vậy.

Rồi khi cổ xúy và kêu gọi phê bình thức tỉnh, báo giới lại chạy đến nắm áo những vị quan văn và được những quý ông này đưa ra những lời cảnh báo và phiền trách tình hình phê bình âm nhạc nước nhà mà lẽ ra với quyền chức trong tay lâu nay các vị phải chịu một phần trách nhiệm về vấn nạn đó! Thế nhưng họ nói như lỗi thuộc về những nhà phê bình chân chính mà trước đây khi nói ra sự thật thì những người này phải chuốc họa vào thân mà không một ai quan tâm hoặc tìm cách cải thiện tình hình.(Đáng buồn là hiếm thấy có vị nào trong họ trước đây dám nói một sự thật nào dù họ có quyền)

Mà ở VN bằng cấp, học vị thì luôn là một dấu hỏi về chất lượng. Vì sự học đa phần là để tiến thân chứ không phải là để làm giàu kiến thức hay tìm kiếm những phát minh hay phát kiến. Cho nên VN đứng trong top những quốc gia có tỷ lệ tiến sĩ cao trên đầu dân nhưng lại ở trong nhóm chót bảng những nước nghèo phát minh, sáng kiến!

Người già thì thường yên thân, an phận cũng như ít còn động lực thay đổi. Cho nên trông mong một ý thức phê bình mạnh mẽ ở họ là một điều may rủi.

Trái khoáy và vô ích là khi có ai đó vô quyền, vô thế, vô bằng và ít tuổi mà dám nói lên một sự thật. Một tư tưởng phê phán thường vướng vào chỗ bị cộng đồng đương chức, đương quyền, đương thế, đương vị và đương lão niên có định kiến và hồ nghi, hoặc nếu không thì lơ đi coi như không có!
Một sự hoang phí về tri thức và chân lý cho xã hội quá mức.

Bong bóng mau vỡ như công luận về phê bình

2/ Ngậm tăm-bong bóng và bụi phủ:

Nền phê bình cũng như Xã hội vì ngại đụng chạm, ngại tìm chân lý, ngại tiên phong tìm con đường mới và thích yên phận thủ thường nên thường im lặng với mọi vấn đề nan giải. Họ thường chọn chém gió vỉa hè những vấn đề đại sự từ kinh tế- chính trị cho đến văn hóa-xã hội một cách vô trách nhiệm và mang tính xì hơi bánh xe hơn là trên sự phát biểu của một công dân, một tư cách pháp nhân với ý thức trách nhiệm và xây dựng cho cộng đồng cao trước công luận.

Nhưng khi có một scandal nào đó thì tất cả như một thùng thuốc nổ được giải thoát, bùng lên như một đầu đạn hạt nhân dư luận rồi tắt ngúm ngay sau đó và trở lại câu chuyện râm ran to nhỏ trà dư tửu  hậu.
Nó cũng tựa như cái bong bóng được thổi to lên rồi vỡ tung. Sau đó lại là…ngậm tăm. Rồi phủ bụi quên lãng, chờ đến một dịp nào đó được kích nổ bằng một scandal khác.

Có thể nói thực trạng phê bình nghệ thuật nói chung và âm nhạc VN nói riêng sẽ mãi mãi như chuột chạy trên bánh xe, nếu như những bản chất trên không được mổ xẻ, nhận thức và thay đổi.

T.M.P


Back To Top