4.9.13

NHÌN LẠI PHÒNG TRÀ CA NHẠC VIỆT



Sau năm 1945 người Việt bắt đầu biết đến thú vui mới:nghe nhạc ở phòng trà để thay thế cho một lối nghe nhạc đã hết mốt:hát ả đào của một lớp nho sĩ đã tàn phai.Nhắc lại bài trước đã nói phòng trà ca nhạc(PTCN)đầu tiên của Việt Nam ra đời bên bờ hồ Gươm-Hà Nội, dần dần sau đó PTCN phát triển mạnh hơn ở Sài gòn sau năm 1954.Chính nơi đây,gắn liền với mỗi phòng trà,là cái nôi sản sinh ra nhiều thế hệ ca sĩ Tân nhạc Việt, mỗi người một vẻ với từng phong cách âm nhạc khác nhau.Vì vậy, nói đến sử nhạc ca khúc không thể không nói đến PTCN.


                                                Hình ảnh một phòng trà xưa ở Sài gòn

Thuở ban đầu ở Hà Nội và cố đô Huế.

Sau quán Nghệ sĩ ở Hồ Gươm,Hà nội tiếp tục có thêm những PTCN mới. Có thể kể: Thăng Long (Hàng Bông)Tuyết Sơn(Thợ Nhuộm)Thiên Thai(Hàng Gai)…Ở Tuyết Sơn có ca sĩ Kim Tiêu rất nổi tiếng với các bài hát bất hủ của Văn Cao:Thiên Thai,Trương Chi. Còn ở Thiên Thai là nơi ca sĩ Thương Huyền thành danh với tầm cữ giọng hát khá rộng và gần bằng giọng ca Thái Thanh sau này.

Theo hướng Nam tiến PTCN tiếp tục mọc lên ở đất cố đô mà quán Tam Tinh được nhắc đến nhiều nhất với giọng ca của Ngọc Cẩm. Lúc này những bài hát”Top ten”của PTCN ở xứ Huế là các bài: Con thuyền không bến, Biệt ly, Bẽ bàng,Buồn tàn thu…Rồi chiến tranh bùng nổ khi thực dân Pháp quay trở lại Việt Nam, PTCN mới khai sinh lác đác và là hàng độc đã biến mất, để sau đó nó”phục hưng” trở lại ở Sài gòn.

Phát triển ở Sài gòn.

Sau 1954 một số lớn ca,nhạc sĩ ở miền Bắc vào Sàigòn lập nghiệp. Họ đã gầy dựng lại các PTCN du nhập từ Pháp.
PTCN phát triển mạnh hơn trước chủ yếu là nhờ có nhiều khách tìm đến nghe hơn. Trước kia ở Hà Nội,Huế một đêm đông lắm cũng chỉ có khoảng vài chục người nghe. Nhưng nay thời thế đã mỉm cười: con số lên đến cả trăm.PTCN mở cửa khắp nơi mà vẫn có khách. Tất cả nhờ vào sự phồn vinh của Sài gòn lúc ấy và một số lớn sĩ quan, binh lính VNCH đến đó để giải sầu. Tất cả tạo nên cái mốt: dân sành điệu phải đến phòng trà. Dù là sành điệu giả hay thật. Dù là nghe nhạc thật hay chỉ tìm cõi mơ, cõi tình, cõi dục hoặc chỉ là thói hãnh tiến của một lớp nhà giàu mới gặp thời nhờ chiến tranh thì tất cả đã giúp cho PTCN phất lên và Tân Nhạc nhờ đó có thêm đất để đơm hoa kết trái.




Xin điểm qua một số PTCN: Văn Cảnh(Calmete) Đức Quỳnh(Cao Thắng) Trúc Lâm(Ngô Tùng Châu) Anh Vũ (Bùi Viện)…Sau này, khi chế độ Ngô Đình Diệm cấm khiêu vũ thì một số vũ trường gia nhập thêm vào làng PTCN như: Tự Do, Baccara…Tuy nhiên có 5 phòng trà nổi danh nhất lúc đó là QueenBee, Tự Do, Rizt, Maxim,Đêm Màu Hồng chia nhau ”thống trị”với các ban nhạc lừng danh và các ca sĩ thuộc hàng sao mà nó lăng-xê nên (Các PTCN không chỉ do các nhạc sĩ, ca sĩ mở lên mà còn do những người ngoài giới như nhà văn Mặc Thu với Trúc Lâm, Kiến trúc sư Võ Đức Diên với Anh Vũ)

Cũng xin nói thêm một dạng PTCN đặc biệt nữa là phòng trà sinh viên. Dạng phòng trà này thường do sinh viên mở ra và phục vụ cho chính đối tượng sinh viên, học sinh là chính. Trong đó tên tuổi còn lưu lại ngày nay là quán Văn cạnh trường Đại học Văn khoa (ngày nay là trường ĐH Khoa học-Xã Hội-Nhân văn). Nó được nhắc tới nhiều vì chính nới đây có góp mặt giọng ca liêu trai Khánh Ly. Người cùng với Trịnh Công Sơn sau này tạo nên một hiện tượng lớn cho Tân Nhạc Việt.

Các ngôi sao của PTCN

Đi đôi với Đêm Màu Hồng là Ban Thăng Long với tiếng hát hai bát độ(Sòl-Sól)của Thái Thanh dù không qua lớp luyện thanh nào cả. Họ là một ban nhạc gia đình đúng nghĩa với 4 anh em Phạm Đình Chương (người nổi tiếng với bài nhạc xuân bất hủ: Ly rượu mừng) Phạm Đình Viêm, Thái Hằng và Thái Thanh. Đây là ban nhạc hát bè số một lúc ấy với các nhạc phẩm: Tình Hoài hương, Tình ca (Phạm Duy), Đợi anh về (Văn Chung),Tiếng dân chài (Phạm Đình Chương)…Sau này Thái Thanh sẽ trở thành sao ở vai trò solist mà các tác phẩm ngoại quốc dịch lời Việt mà bà hát như: Trở về mái nhà xưa(Back ro Sorriento)Mối tình xa xưa(Célèbre Valse)Dòng sông xanh(Danube blue)…đã trở thành kinh điển.

Khánh Ly cũng mở phòng trà lấy tên mình sau khi thường xuất hiện ở quán Văn. Khách trí thức rất thích đến nghe bà chủ Khánh Ly hát nhạc Trịnh. Nơi đây giọng ca Khánh Ly càng ngày càng huyền hoặc bay xa.

Ca sĩ Lệ Thu với giọng hát man mác buồn như thu được dân nghe nhạc mến mộ tìm đến ở phòng trà QueenBee (ngày nay vẫn còn đó là một vũ trường) của ca sĩ Ngọc Chánh. Lệ Thu nổi lên với bài”Ngậm ngùi”.

Ban nhạc The Dreams với giọng pha rock của Julie Quang là hàng hiệu của Rizt. Nơi đây ông chủ của nó cũng là một giọng ca có hạng: Jo Marcel với giọng ca rất nam tính và mùi. Tuy mang tên Tây nhưng ca sĩ này là chánh gốc Việt.


                                                                     Ca sĩ Thanh Lan

Các PTCN còn lại là những nơi cho ra lò các giọng ca Thanh Thúy,Thanh Lan, Lệ Thanh, Kim Vui…Giọng ca Thanh Thúy được coi là giọng ca…ma tuý vì cái buồn não nề của nó.Trái lại Thanh Lan thì “teen” hơn với chất nhí nhảnh, dễ thương. Chị trưởng thành nhờ sự đào tạo của lò Việt Nhi do nhạc sĩ Nguyễn Đức hướng dẫn với các bài hát quốc tế lời Việt mà đáng nhớ nhất là ”Bang bang”(Khi xưa ta bé)…và một số bài nhạc Việt nhẹ nhàng khác như Thu Vàng(Cung Tiến)…

Một nét đặc biệt của Tân nhạc Việt là các lò đào tạo ca sĩ thường tạo ra các tên tuổi của mình có chữ đầu giống nhau.Theo tư liệu người viết bài có được thì chữ Ngọc xuất hiện trước(Ngọc Thanh,Ngọc Hà…) rồi đến Minh (Minh Tần,Minh Trang,Minh Diệu…) Sau đó là Phương (Phương Hồng Hạnh,Phương Hồng Quế…)

                                                                          ***

Ngày nay PTCN ở Sài gòn vẫn còn tồn tại nhưng không nhiều nữa. Chắc chắn sự xuất hiện của các sân khấu ca nhạc tạp kỹ với giá cả bình dân và các dạng nhạc dành cho giới trẻ phong lưu trong các quán bar kèm nhảy nhót và lắc lư của các nữ vũ công gợi cảm đã kéo bớt người nghe về các hướng. Tuy nhiên, có thể thấy rõ một điều là các giọng ca ngày xưa ở các phòng trà đều có cá tính riêng (chuyện đẳng cấp chưa bàn tới) và khi nổi tiếng ở PTCN thì họ cũng gần như đương nhiên nổi tiếng ở ngoài xã hội. Ngày nay, công thức đó ít đúng. Nếu bạn đi nghe ở PTCN thường xuyên sẽ không khó nhận thấy nhiều giọng hát còn hay hơn những”ngôi sao”đang tung hoành trên thị trường nhưng họ vẫn là người của bóng tối (bóng tối phóng trà và bóng tối tên tuổi). Đó là sự khác nhau của công nghệ lăng-xê và tính chất nghe nhạc bằng lỗ tai đã chuyển sang “nghe” nhạc bằng mắt(còn tai để nghe nói chuyện và nghe điện thoại di động!). Tân Nhạc thời trước có những giá trị thật,ảo rất tỏ tường nhưng bây giờ thì...

T.M.P

(Kỳ sau:Bài 4-Những gương mặt Tân Nhạc:Đặng Thế Phong)

Back To Top