4.9.13

TRỊNH CÔNG SƠN: NGƯỜI HÁT RONG CỦA TÌNH YÊU VÀ HOÀ BÌNH

Bài 9:

Ngày 22/6 tới đây tên tuổi của Trịnh Công Sơn sẽ được vinh danh cùng với những tượng đài âm nhạc thế giới khác(Bob Dylan,Joan Baez,Harry Belafonte,Tam ca Peter-Paul-Mary)bằng giải thưởng âm nhạc hoà bình thế giới(WPMA).Bấy nhiêu cũng đã nói lên tầm vóc lớn lao và đặc biệt của nhạc sĩ họ Trịnh này trong nhạc Việt.Để đạt được điều này ông đã lãng du hơn 40 năm,trải dài qua nhiều giai đoạn của đất nước để làm một người hát rong xuất sắc nhất miệt mài tụng ca Tình yêu và Hoà Bình với những âm hưởng buồn đầy thân phận,ngôn ngữ triết lý mà hồn nhiên,trừu tượng mà xác thực.Và tôi gọi Trịnh Công Sơn là người hát rong là nhắc lại lời nói của anh:Tôi chỉ là tên hát rong đi qua miền đất này…



Khi bắt đầu ngồi viết về Trịnh Công Sơn(TCS),tôi cứ ngỡ mình sẽ khó viết cạn dòng vì có quá nhiều chuyện để viết về anh,vì anh là một trong những cây đại thụ của nhạc Việt mà tôi được duy nhất tiếp xúc thường xuyên khi còn công tác tại báo Sóng Nhạc mà anh là Phó TBT.Nhưng rồi chỉ qua vài mươi chữ tôi thấy mình trở nên…bất lực!Bởi tôi sực nhớ đến đã có hàng trăm bài viết,trang sách nói về anh quá đầy đủ và rất hay của rất nhiều tên tuổi lớn của Văn nghệ Việt Nam và cả những bộ Bách khoa danh tiếng trên thế giới mà tôi và hàng triệu người Việt đã đọc được gần đây.Vậy thì một bài viết nhỏ nhoi,bỉnh thường của tôi có ý nghĩa gì?có thừa thãi và sáo mòn,ăn theo lắm không?Nhưng trong chuyên đề về nhạc Việt này làm sao không thể không viết về anh,một diện mạo lớn và đặc biệt của âm nhạc Việt?Tôi chỉ còn một cách là trích dẫn một số cảm tưởng và nhận định về anh của những ngòi bút tên tuổi đó trong bài viết này.Mượn nó để thay cho những  suy nghĩ đơn sơ của mình.

Người ta nói đỉnh cao của sự tinh túy đấy chính là sự đơn giản.Văn Cao đã thấy điều đó trong các tác phẩm của họ Trịnh.Một sự đơn giản đầy cảm xúc mà nhiều người không theo nỗi trong khi có thể bắt chước những cái phức tạp mà vô cảm.

Trong âm nhạc của Sơn ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây.Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra.Nói như ns Nguyễn Xuân Khoát-một người bạn già của tôi”Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy đồ trong túi ra”.Cái quyến rũ của nhạc TCS ở chỗ không định ra trường phái nào,một triết học nào,mà thấm đẫm vào lòng người như suối tưới.Với những lời và ý đẹp độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca không hề thay đỗi.Và nếu tôi không lầm thì dấu ấn của Sơn đã ít nhiều in trên các tác phẩm của một số nhạc sĩ thời kỳ sau 75.

Sự trườu tượng và có vẻ như duy mỹ của anh không phải là sự làm dáng với ngôn từ và âm nhạc hay son phấn giả tạo.Bởi thế tình yêu,hoà bình trong tác phẩm anh thật gần gũi và tự nhiên đến xác thực dù nó có hiện lên một cách trườu tượng và đôi khi bóng bẩy.Hãy nghe Phạm Duy nói.

Nhạc thần thoại quê hương,nhạc tình yêu và thân phận con người của TCS có một tư tưởng chỉ đạo khá rõ,dù toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức tranh trườu tượng hơn tả thực.Cả nhạc lẫn lời,cả xác chữ lẫn hồn thơ nghe bảng lãng mơ hồ khó phân định cho đúng nghĩa,nhưng nếu nghe kỹ cũng tìm ra ý chính:Sơn muốn nói lên nỗi đau con người trong cuộc sống hiện đại,có tình yêu,có chiến tranh,có hận thù,có cái chết dễ dàng như chết trong mơ.Anh tụng ca tình yêu,anh chống bạo lực và chống chiến tranh.

Bởi quá yêu cuộc đời dù biết là“ở trọ”nên ám ảnh về chiến tranh,chết chóc đã đưa nhạc Trịnh vào hàng ngũ những nghệ sĩ phản chiến tài hoa và đáng quý nhất của những mái đầu xanh.Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận định như thế.

Trong bối cảnh của một cuộc chiến tranh quá dữ dằn và kéo dài,nỗi chết là một ám ảnh không rời trong tâm cảm quê hương của TCS,như trong Tình ca của người mất trí chẳng hạn:”Chết tình cờ,chết không hẹn hò,nằm chết như mơ…”Chính điều này đã khiến Sơn trở thành thần tượng nghệ thuật của tuổi trẻ một thời lửa đạn,và tên tuổi TCS được biết đến giữa những nghệ sĩ phản chiến của thế giới,đối diện với chính sách Mỹ ở Việt Nam.

Bửu Ý gọi nhạc tình buồn của TCS không làm ta uỷ mị.Tôi thấy nó là những giọt nước mắt để hồi sinh.Sự tưởng tượng khác thường của TCS đưa anh đi xa hơn thời đại,làm cho anh mang dáng vẻ tiên tri của một người viết nhật ký về tình yêu,quê hương và nỗi đau nhân thế bằng những bài ca không sáo mòn và không triết lý vụn.

Từ lâu lắm TCS được giới ái mộ trao tặng danh hiệu là kẻ du ca về tình yêu,quê hương vả thân phận…Nhạc của TCS không tuyền là nhạc,bài hát không chỉ là bài hát.Mỗi bài là một truyện ngắn,mỗi ca khúc là một chương khúc của truyện dài không có kết thúc,vẫn mở ra như một vết thương,một vết thương người,môt vết thương thời đại,vết thương thiết thân,phải cưu mang và lưu truyền…TCS chắp cánh cho tưởng tượng,và tưởng tượng len lõi vào mọi hóc hẻm của đời sống,khiến cho anh sờ mó đến sự vật nào là sự vật ấy dường như bớt thật và trở nên lung linh bằng một quầng mộng ảo.Cho nên anh đi trước người khác một bước:ngạc nhiên trước người khác,mừng reo hay tư lự cũng trước người khác…Tình yêu với TCS là diễm tình.Trước hết là phải đẹp,đẹp trong dang dỡ và tan vỡ.

Theo Thái Bá Vân,TCS viết đủ đề tài,đủ thân phận nhưng tất cả chỉ gói gọn trong hai chữ tình yêu.Tôi hiểu đó là một tình yêu thật,tự có,sinh ra từ những nỗi đau cao cả, chứ không phải một thứ tình yêu giả lập của hạng người thích tuyên ngôn yêu thương chỉ vì bệnh vĩ cuồng thích người khác (và tự mình) đề cao mình.

Quê hương với chữ Mẹ, chữ Em,chữ Bạn bè viết hoa là cái nền màu mỡ, bao la mà trên đó ươm nở những giai điệu nồng nàn,những lời ca bất ngờ,thơm thảo của TCS.Anh nhìn quê hương với đôi mắt nợ nần,và nghe quê hương trong từng tiếng tri âm.Cái mà ngày nào anh gọi tên là Chiếc lá thu phai,là Cát bụi,là Nắng thuỷ tinh, là Biển nhớ…và bây giờ anh gọi nó là Vẫn có em bên đời,là Huyền thoại Mẹ,là Bốn mùa thay lá,là Tình khúc Ơbai…Thẩy là vết sẹo âu yếm,giông bão trong lòng Việt Nam.Mỗi cử chỉ của TCS là một lễ nghi.

Còn tiếng vang của anh ở ngoại quốc?

Nghe phân tích nội dung nhiều bài hát,nghe chính cô gái Nhật tại Đại học Juissieu trong buổi bảo vệ luận án cao học về đề tài TCS vừa minh hoạ vừa ca vừa đệm đàn lục huyền cầm:tên TCS vang trong Đại học Paris ngang tầm với những nhạc sĩ danh tiếng Charles Brassens trong Đại học Sorbonne.(GSNS Trần Văn Khê)

Nhiều thi nhân Việt Nam ngày nay đã tìm hơi thở hùng ca của tổ tiên ngày trước để hát nỗi đau của mình.TCS nổi bật giữa những tài năng trẻ đó(Thời điểm của nhận định này là vào năm 1973-NV ghi chú).Bài hát của anh ngập tràn thành phố và thôn quê.TCS cất cao tiếng hát thi nhân mà đạn bom Không thể dập tắt được.(Bách khoa Le million)[Ngoài ra tên anh còn xuất hiện trong bộ Từ điển Bách khoa Pháp-Encycloclopédie de tous pays du monde]
Vâng,không chỉ đạn bom mà cả thời gian cũng không thể xoá nhòa tượng đài TCS trong nhạc Việt.Tôi xin dừng dòng trích dẫn ở đây và xin lạm bàn một vài điều nhỏ.

TCS thật sự chỉ là một người viết ca khúc, là một melodist tạo ra một sườn giai điệu với ca từ và thế là hết(Văn Cao cũng thế,Phạm Duy cũng gần như vậy).Vậy có thể nào gọi đó là một bài hát thô khi chưa có bóng dáng của hoà âm và phối khí?(Như một lập luận nông cạn và phiến diện của ai đó)Những bài ca của TCS hầu hết chỉ thật sự nghe hay nhất và đúng tinh thần TCS nhất khi chỉ được đệm với cây đàn guitar thùng cùng vài ba hợp âm đơn giản,nó không cần “kiến trúc sư” của hoà âm-phối khí kiểu thợ thuyền và khoe khoang hoặc cóp nhặt kỹ thuật để “khí nhạc hoá ca khúc”một cách máy móc(có khi nó còn bị…phá hoại bởi một kiểu cách hoà âm như thế).Anh là một nhạc sĩ vĩ đại của Việt Nam và có vị thế đáng nể trọng trong dòng nhạc Pop của thế giới chỉ nhờ vào việc viết những giai điệu và ca từ đơn giản,tài hoa và đầy xúc cảm của mình,trong khi vô vàn nhà“kiến trúc sư âm nhạc”chỉ là ngọn cỏ dưới những giai điệu của TCS.

TCS hoàn toàn xứng đáng tạo ra một dòng chảy”Sơn Pop”nhưng anh không bao giờ thiếu khiêm tốn tự nhận như thế.Anh hiểu sự vinh danh đó hãy để cho quần chúng,lịch sử và nhân loại trao tặng.

T.M.P

(Kỳ sau:Bài 10-Nhạc Việt cuối thế kỷ 20)

Bài liên quan:



Giọng ca, kỹ xảo mới là một nửa thành công
 Trần Minh Phi thực hiện, Source: Thế Giới Mới


Ðã có nhiều ca sĩ thể hiện các bài hát trong suốt 40 năm sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như Khánh Ly, Lệ Thu, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam... và để lại những ấn tượng đẹp cho người nghe. Từ góc độ tác giả, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng giọng ca, kỹ xảo mới chỉ quyết định một nửa thành công, phần còn lại là sự cảm nhận, tri thức và sự rung cảm của ca sĩ.

Kể từ tác phẩm đầu tay Ướt mi, đến nay Trịnh Công Sơn đã có hơn 40 năm rong chơi, lãng du và triết luận cùng âm nhạc và trở thành một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc hiện đại Việt Nam. Nhân dịp này, chúng tôi đã cùng trò chuyện với anh về nghệ thuật ca hát và nhất là về những giọng ca tiêu biểu từng "đi qua" tác phẩm của Trịnh Công Sơn

Trần Minh Phi (TMP): Cho dù sau này nhiều ca sĩ đã cố gắng thể hiện khá tốt những phong cách khác nhau về các nhạc phẩm của anh nhưng người nghe đều có chung một nhận xét, Khánh Ly mới đúng là một cặp "đối ngẫu" lý tưởng với âm điệu của anh. Là tác giả, anh nghĩ sao? 




Trịnh Công Sơn (TCS): Ðúng là chỉ có Khánh Ly mới thể hiện đúng tâm trạng bài hát của tôi nhất, nhưng không phải tất cả những bài nào của tôi Khánh Ly cũng đều hát hay nhất. Tôi muốn nhắc đến Lệ Thu, người hát hay nhất Hạ trắng và Xin mặt trời ngủ yên, Bạch Yến thì hát hay hơn hẳn Khánh Ly bài Lời buồn Thánh. Có một nghịch lý tôi muốn đưa ra đây để thấy sự cảm nhận rất vô chừng ở mỗi người. Chẳng hạn, có một cô sinh viên Hà Nội cho biết cô chỉ thích nghe nhạc tôi do Khánh Ly hát nhưng cũng có một phụ nữ lớn tuổi, hiện sống ở nước ngoài, từng mê Khánh Ly hát nhạc tôi, khi có dịp về nước và nghe các ca sĩ sau này hát nhạc tôi thì tỏ ra rất thích thú và cho rằng họ có một cách hát nhạc Trịnh Công Sơn mới, hiện đại và rất hay.

Trần Minh Phi (TMP): Ba bốn năm trước đây, anh đã có ý định "độc quyền" Hồng Nhung cho các bài hát của anh và nhiều người còn cho rằng anh muốn tạo ra một Trịnh Công Sơn - Hồng Nhung để làm quên đi một Trịnh Công Sơn - Khánh Ly.

TCS: - Tôi đã viết riêng cho Hồng Nhung một số bài. Nhưng Hồng Nhung hát cho rất nhiều tác giả.

TMP: Trong số những ca sĩ sau này hát nhạc anh như Cẩm Vân, Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Ngọc... anh thấy ai hát hay nhất nhạc của anh?

TCS: - Mỗi người hát hay một số bài. Có bài Linh hát hay. Có bài Lam hát đạt. Có bài thì Cẩm Vân xuất sắc. Có bài tôi chỉ thích nghe Nhung hát.

TMP: Còn hiện nay, trong các ca sĩ Việt Nam, anh đánh giá ai cao nhất?

TCS: - Tôi thấy chỉ có Mỹ Linh là tạo được ấn tượng tốt nhất cho tôi trong việc sáng tạo ra những phong cách khác nhau cho mỗi bài. Ví dụ như bài Thì thầm mùa xuân. Với bài này, Mỹ Linh đã tạo ra một cách hát độc đáo mà sau này nhiều ca sĩ hát theo y như vậy. Nếu có ai cố hát khác đi thì thấy không hay, không thích nữa.

TMP: Hiện tại ông nghĩ gì trước hiện tượng có khá nhiều ca sĩ đến tập bài mới ngay tại phòng thu rồi một, hai tiếng sau... ghi âm luôn mà không quan tâm tới việc "nhập" và hiểu tình cảm, nội dung của bài hát.

TCS: - Tôi đưa ra đây một tấm gương lao động nghệ thuật của Khánh Ly để thấy rằng trước khi muốn hát một bài thành công thì người ca sĩ phải trải qua một quá trình hóa thân vào tác phẩm đó như thế nào.
Nhớ dạo tôi mới viết bài Một cõi đi về mấy tháng trước khi 30-4-1975. Sau này, có dịp đi Mỹ, tôi gặp Khánh Ly và đưa cho cô bài hát này. Tôi nhớ Khánh Ly cầm và lẩm nhẩm bài hát này từ 7 giờ tối hôm trước đến... 7 giờ sáng hôm sau. Cô đã thức trọn đêm, "vật lộn" với bài hát nhờ sự giúp sức của thuốc lá, cà-phê đen. Vậy mà cô vẫn cho rằng vẫn chưa "thấm" bài mấy. Người ca sĩ phải làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm như vậy mới tạo ra những nét sáng tạo riêng trong từng bài hát đồng thời thể hiện chính xác tâm trạng bài hát của nhạc sĩ.

TMP: Ðêm sinh nhật của anh ngày 28-2 vừa rồi anh đã hát tuyệt hay bài Tiến thoái lưỡng nan chỉ trên những hợp âm rải nhẹ của cây organ. Khó có ca sĩ nào thể hiện bài này hay hơn như anh đã hát.

TCS: - Trong các cuộc thi sắc đẹp, sắc đẹp chỉ chiếm khoảng ba hoặc bốn mươi phần trăm, phần còn lại thuộc ứng xử tức là thuộc phạm trù trí tuệ và tâm hồn. Ca hát cũng vậy. Giọng ca, kỹ xảo chỉ mới là phân nửa, phân nửa là do sự cảm nhận, tri thức và rung cảm của người hát quyết định.

TMP: Câu hỏi cuối, hơi xa đề một chút: hiện nay anh có ấp ủ sáng tác một bài hát nào không và nhắm đến ca sĩ nào?

TCS: - Theo lời đề nghị của một ca sĩ nổi tiếng người Nhật, Mozu, tôi đang chuẩn bị bắt tay viết chung với anh một bài hát và sẽ do nữ ca sĩ - cũng người Nhật - Mayami hát. Nó sẽ được trình diễn trong Hội diễn âm nhạc tại Osaka vào tháng 7-1999 sau đó sẽ đến lượt Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

TMP: Xin cảm ơn anh.

 




Back To Top