20.9.13

ĐỐI THOẠI GIỮA MỘT NGƯỜI NGHE VÀ MỘT NHẠC SĨ.

                           Âm nhạc bản chất là một nghệ thuật trừu tượng

Người nghe(NN): Với tư cách là người nghe tôi không muốn các nhạc sĩ bảo rằng tôi phải nâng cấp dân trí hay thị hiếu của mình để nghe các tác phẩm âm nhạc có trí tuệ hay những ca khúc nghệ thuật có sáng tạo cao. Tôi chỉ cần bài hát làm tôi cảm xúc là được rồi, chẳng cần lý tính gì ở đây cả!

Nhạc sĩ(NS): Cái đầu tiên chúng ta có nên khoanh vùng âm nhạc lại không?

NN: Nghĩa là sao?

NS: Thì âm nhạc là một khái niệm mênh mông lắm, như đại dương vậy. Tôi tin rằng khi anh nói đến chuyện nghe nhạc thì dường như anh chỉ nghĩ đến việc nghe những ca sĩ hát những ca khúc trên băng đĩa, trên internet hay trên trên các đài truyền thông phải không?

NN: Đúng vậy!

NS: Thế điều gì làm anh thích ở một bài hát?

NN: Chúng tôi nghe nhạc để cảm nhận chứ không cần phải hiểu, cho nên nghe bài hát có gì đó làm rung động hay dễ nhập tâm chúng tôi là thích thế thôi.

NS: Nghĩa là bài hát sẽ khêu gợi cho anh một cảm xúc gì đó vừa mơ hồ vừa rõ ràng?

NN: Chính xác!

NS: Anh vừa nói đến sự cảm nhận mà không cần hiểu. Nhưng anh có khi nào bực mình vì lời bài hát làm anh chả hiểu gì hết cả không?

NN: Anh hỏi thế để gài bẫy?

NS: Không đâu. Tôi chỉ muốn nói, thực ra âm nhạc ban đầu không cần lời nói, nó chỉ cần âm thanh trầm bổng, tiết tấu nhặt khoan là đủ để đánh thức những cảm xúc cũng như những tưởng tượng của người nghe.

NN: Thì rõ rồi, những bài hát có giai điệu và âm điệu hay là đủ làm chúng tôi khoái.

NS: Vậy tại sao các anh không nghe nhạc không lời hay những bản hòa tấu mà lúc nào cũng phải nghe những ca khúc có lời đi kèm với nốt nhạc?

NN: Thì ít ra lời lẽ cũng mang đến cho chúng tôi một thông điệp hay cái gì gì đó về mọi vấn đề của cuộc sống một cách cụ thể chứ!

NS: Âm nhạc bản chất là một nghệ thuật trừu tượng, nhưng ở lĩnh vực ca khúc thì ca từ lại làm thêm cái việc cụ thể hóa cái trừu tượng đó đi. Như thế nhạc sĩ đã tước đoạt đi một phần tưởng tượng của người nghe rồi.


NN: À, mà ca từ hay cũng mang đến cho chúng tôi một sự cảm nhận tốt và dễ chịu trên cái nền âm điệu của bài hát. Mà tôi nghĩ ca khúc chỉ cần có thế. Với nhạc không lời như thính phòng hay giao hưởng thì có thể mình cần phải có hiểu biết để cảm thụ chứ ca khúc thì không.

NS: Vậy có thể thấy bạn sai lầm rồi. Ngay trong ca khúc cũng có hàng trăm thể loại và phong cách biểu hiện khác nhau. Vậy tôi hỏi bạn, khi nghe một bài hát làm cách nào bạn phân biệt được thế nào là một bài jazz và thế nào là một bài country. Hay ngay trong một bài rock, bạn có biết bài nào là rock metal và bài nào rock country?

NN: Tôi nói rồi. Tôi không cần lý tính xen vào. Bài nào hay là tôi nghe cho dù nó rock hay pop hay jazz cũng được!

NS: Cũng giống như ăn bất kỳ món nào ngon là bạn ăn thôi, phải không?

NN: Đại khái thế.

NS: Bạn có nghe đến nghệ thuật ẩm thực? Bạn ăn như thế chẳng qua ăn để mà sống chứ không phải là đang sống để thưởng thức hương vị của cuộc sống.

NN: Chuyện ăn uống khác chuyện nghe nhạc nhé!

NS: Về bản chất cũng gần như nhau thôi. Mỗi dân tộc sẽ có khẩu vị riêng thì trong âm nhạc cũng vậy. Nhưng nếu bạn được hướng dẫn và giáo dục một cách kỹ lưỡng thì bạn sẽ nhận ra trong mỗi khẩu vị và phong cách sẽ có cái ngon và hay riêng, nếu mình cảm thụ được nó thì nó sẽ mang đến nhiều phong vị lý thú mà trước đó mình không hề cảm nhận được.

NN: Vậy theo anh sự cảm nhận cũng cần phải được học hay đào tạo à?

NS: Đúng rồi. Bạn không thấy có những bài hát theo thời gian trong cuộc đời bạn sẽ được cảm nhận khác nhau sao. Ngoài sự tích lũy kiến thức hay văn hóa nó còn là sự trải nghiệm của mỗi người.

NN: Ha ha sai rồi nhé! Tôi thì có những bài hát tôi nghe suốt đời không chán. Mỗi lần nghe nó đều đưa tôi đến một vùng hồi tưởng đẹp hư hư thực thực nào đó…

NS: A, cái này nhiều lúc cũng do chính bài hát là một vật trung gian của kỷ niệm. Nó vừa là chứng nhân vừa là một sự phản xạ có điều kiện mà nó vô tình đã tạo ra cho bạn. Ví dụ thế này, có thể cây bút này với mọi người là một vật không đáng quan tâm ngoài trị giá của nó là 50 ngàn đồng. Nhưng với bạn nó còn hơn thế và kỳ lạ thay nó còn mang đến cho bạn cảm xúc nữa. Vì sao vậy? Vì nó là vật kỷ niệm của người yêu bạn đã tặng bạn vào thời điểm mà hôm sau cô ấy bị tai nạn và qua đời. Bạn hiểu phần nào vấn đề rồi chứ. Có những bài hát bạn cho là hay nhưng thật ra nó cũng rất bình thường nhưng vô tình nó đã gắn liền với một sự kiện hay không gian và thời gian nào đó trong quá khứ của bạn. Khi đó bạn có thể nghe nó một cách có ý thức hay vô ý thức thì nó đều ở lại trong tiềm thức bạn cho đến khi bạn nghe lại nó hoặc một bài hát nào có âm điệu tương tự, và thế là cảm xúc quá khứ trong tiềm thức bạn trổi dậy và làm trái tim bạn thổn thức . Bạn tưởng bài hát đó hay nhưng thật sự là cảm xúc quá khứ bạn áp đặt lên bài hát đó thôi.

NN: Hừm, vậy ý anh là gì? Bài hát chỉ là phương tiện hay là chất dẫn truyền à?

NS: Đúng vậy. Cho nên khi nghe một giai điệu hoàn toàn mới mẻ và lạ tai có thể sẽ làm cho bạn không cảm xúc, nhiều khi không phải do bài hát dở mà do bạn không thấy được cái hay của nó vì bạn quen nghe nhạc thụ động!

NN: Nghe thụ động là sao?

NS: Nghĩa là nghe theo thói quen đã hình thành nếp cảm xúc ngoại biên âm nhạc mà chỉ bị chi phối bởi hoàn cảnh nghe nhạc thôi. Nghiã là bạn không phải thưởng thức cái hay cái đẹp của âm nhạc mà bạn chỉ nghe vì nhu cầu giải tỏa cảm xúc tiềm thức.

NN: Ý anh nói, muốn nghe chủ động, để thưởng thức đúng nghĩa thì chúng ta phải được học để hiểu về âm nhạc à?

NS: Anh thấy được vấn đề rồi đó. Anh có đồng ý với tôi, ngay khi đến với một người bạn, nếu anh hiểu họ thì anh mới thấy họ đáng mến và gần gũi hơn là khi không hiểu gì hết về họ không? Âm nhạc cũng vậy thôi. Nghe bằng cảm nhận là hành vi nghe thụ động và như vậy không phải là thưởng thức. Muốn khám phá được giá trị của nó thế nào thì mình phải nghe chủ động. Vì vậy anh phải khám phá thế giới âm nhạc bằng sự hiểu biết nhất định của mình thông qua việc học. Cho nên không phải nghe giao hưởng mới cần học mà nghe ca khúc cũng cần phải học , tất nhiên giữa 2 cái nền học vấn đó sẽ có sự cao thấp khác nhau. Nhưng phải có một mức cơ bản nhất định nào đó.

NN: Nhưng tôi vẫn thích nghe mà không cần lý tính.

NS: Bạn ơi, khi được học để nghe thì khi nghe lý và tình sẽ nhập làm một. Cái này sẽ dìu dắt cái kia và cái kia hướng dẫn lại cái này. Như bạn đã học lái xe thành thục thì khi ngồi sau tay lái bạn sẽ lái bằng cảm giác chứ không bằng những cố gắng kỹ thuật như buổi ban đầu.

NN: Này, nói cho anh biết! tôi không ưa nghe cái lối ngụy biện của mấy tay nhạc sĩ tự cho mình là có học rồi viết nhạc dở ẹc mà bắt chúng tôi phải nghe. Không nghe được thì bảo chúng tôi dốt không thấy được cái hay của tác phẩm!

NS: Thế thì các anh càng phải học để chỉ ra cái dở ẹc đó của nhạc sĩ.Chứng minh cho họ thấy các anh không nghe nhạc họ là vì họ bất tài chứ không phải các anh mù nhạc! Chứ bây giờ với một kiến thức âm nhạc mù mờ thì họ bảo các anh dốt là cũng có phần đúng cho dù chưa bàn đến việc họ viết nhạc có hay và sáng tạo không?

Tôi kể bạn nghe chuyện ông Picasso. Một người chê tranh lập thể của ông là xem chả hiểu đẹp quái chỗ nào vì hình thù và đường nét tranh quá dị hợm. Picasso hỏi: Thế ông có hiểu tiếng Trung Hoa không? Ông kia bảo: không! Picasso từ tốn nói: Vậy ông phải học mới hiểu được cái người Trung Hoa kia đang nói cái quái gì khó hiểu quá nhé!
………….
Phần còn lại của cuộc đối thoại như thế nào là tùy bạn....


T.M.P


Back To Top