Nhạc
Bolero xuất hiện ở Việt Nam vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, như vậy nó
đã có tuổi đời khoảng hơn 60 năm, nghĩa là ra đời sau Tân nhạc Việt (1938) hơn
2 thập niên. Gọi là nhạc bolero vì nó được viết theo tiết điệu bolero của Mỹ
latin. Gốc rễ của nó chính là từ Tây Ban Nha đã lan tỏa sang các nước nam Mỹ
rồi sau đó thâm nhập toàn thế giới. Điều đặc biệt là khi du nhập vào VN và tuôn
chảy khi ào ạt lúc thâm trầm thì dòng nhạc này không bao giờ…lạc hậu trong thú
nghe nhạc của người Việt! và điều thú vị hơn hết nó chứng minh được một điều vô
địch của nó so với tất cả các thể loại nhạc phương tây khi đặt chân vào VN:
Việt hóa thành công để có dân tộc tính cao nhất.
Vì
sao như vậy?
Hãy
bắt đầu từ bản chất của bolero. Nó đơn giản thế này: tiết điệu êm đềm dễ chịu
như sự mơn trớn. Giai điệu dễ nhớ dễ nghe theo dòng chảy thính giác của cảm xúc
từ man mác đến thật buồn. Nó là sự lãng mạn đơn sơ cho nên gần gũi với tất cả
mọi người.
Cái
chất buồn của nó vô tình rất gần với cái chất oán trong cải luơng cũng như dân
ca nam bộ, cũng như dòng chảy nhịp nhàng của nó rất gần với tổ chức tiết tấu
của nhạc tài tử miền nam. Người đầu tiên nhận ra điều này là nghệ sĩ Viễn Châu, nên sau này ông đã sáng tạo ra hình thức tân cổ giao duyên rất đặc trưng cho
văn hóa nam bộ. Nghĩa là ông tạo nên sự kết nối khéo léo và hài hòa giữa các
bài tân nhạc Việt theo phong cách bolero với cải lương.
Góp
vào sự Việt hóa đầy dân tộc tính này là sự sáng tạo của nhạc sĩ qua cách viết
giai điệu thoát khỏi màu sắc phương tây nhờ vào đặc trưng là các chùm ba trưởng
và ba thứ, cũng như sự kết hợp giữa thất cung và ngũ cung với sự đan cài nổi
bật các quãng 4. Ngoài ra một đóng góp quan trọng nữa là do sự thể hiện của các
ca sĩ tiêu biểu của nhạc bolero. Đó là lối hát rung (vibra), thấp hoặc cao hơn một hai comma(*) so với nốt chuẩn, hay đó là sự kéo dài âm tiết tạo nên chất nhừa nhựa như trong lối ca mùi
của cải lương…
Nhạc
bolero vì thế là một chiếc áo lý tưởng rất đúng size cho thẩm mỹ và thị hiếu
của người Việt, đặc biệt là vùng đồng bằng nam bộ-quê hương của cải lương.
Nó
còn được người ta gọi giễu cợt là nhạc máy nước rồi nhạc sến. Sến tức là chỉ
mấy cô marie sến, tức là mấy cô hầu gái (bây giờ gọi là oshin) thường hát nhạc
này khi chờ lấy nước ở vòi nước công cộng vào những năm đầu nhạc bolero ra đời
(Còn vì sao là marie sến thì cứ vào google là khắc biết). Có lẽ sự giễu cợt này
hình thành từ đó và bolero bị đánh đồng là loại nhạc riêng của tầng lớp này nên
nhận được ít nhiều sự khinh miệt của một số người học rộng và nhất là những
nhạc sĩ tự cho mình là trí thức cao.
Đó
là một sự khinh miệt và phân biệt hẹp hòi không nên có.
Từ
lâu đã có ý kiến của các nhà văn hóa cũng như nhạc sĩ nên gọi đó là nhạc trữ
tình quê hương. Còn theo tôi cứ gọi nó là nhạc bolero như chúng ta vẫn gọi các
thể loại khác là nhạc pop, rock, jazz, hiphop, world music…
Mà
thật ra các thể loại nhạc trên khi được du nhập vào VN cho đến nay chưa có nhân
vật nào làm được điều mà bolero đã làm được: Việt hóa để thuần Việt.
Có
thể bạn thích nghe hay không thích nghe loại nhạc này hoặc phong cách nhạc kia,
nhưng người có văn hóa cao không ai lại đi miệt thị một thể loại âm nhạc nào
cả. Nhất là khi nó đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc tính.
Ở
một thời điểm nào đó mà tự dưng cả xã hội ùn ùn thi nhau nghe bolero, làm như
trên đời này không còn thứ nhạc gì khác thì đó cũng là điều bình thường và hợp quy
luật nhân sinh. Điều bất thường ở chỗ là ngày nay có nhiều nhạc sĩ có học thức
rất cao nhưng lại viết nhạc xa rời quần chúng hay chỉ khoe khoang kỹ thuật và học thức hiện đại mà
không sống thật với âm nhạc nên tác phẩm vô hồn. Vì thế xã hội đương đại không
có gì hoặc ít có gì để nghe nên họ tìm về dĩ vãng thì lỗi đầu tiên phải thuộc về giới nhạc sĩ
chúng ta. Hãy biết xấu hổ về điều đó để thay đổi. Hay ít ra là suy nghĩ tìm cách cho quần chúng hưởng thụ thêm nhiều loại hình âm nhạc hay , gần gũi và nhất là có cảm xúc chân thành và nhân văn.
Thú
thật, bolero Việt không phải là loại nhạc tôi thường nghe. (Thật ra là không
thích nhiều bài nhưng chỉ thích một số ít. Đó là còn tùy vào ca sĩ có thể hiện hết
cái hồn bolero không, và điều quan trong đó phải là những bài bolero tinh túy
trong hàng ngàn bài hay dở vàng thau lẫn lộn. Nói chung, phải hay phải cảm xúc
trước đã).Nhưng có một điều tôi thích nhất ở bolero là nó như một người bạn chân
chất, mộc mạc và nhiều cảm xúc. Có thể nó không kiêu kỳ, không cao siêu, không
trí thức nhưng mình được thấy mình là chính mình, được sống thật một cách tự nhiên khi nghe nó rủ rỉ bên
tai.
Nó cũng như đứa con xa quê lên tỉnh thành ăn học nên người rồi có lúc được trở về làng cũ bên mái nhà tranh của mẹ già thân yêu.
Nó cũng như đứa con xa quê lên tỉnh thành ăn học nên người rồi có lúc được trở về làng cũ bên mái nhà tranh của mẹ già thân yêu.
Khi đó tôi thấy mình thật dễ chịu dù có chút giật mình : sao mình bình dân thế nhỉ? À mà có chết ai đâu?!
T.M.P
T.M.P