Giữa thời đại
thị trường thì nghệ thuật khó thoát được số phận của hàng hóa. Hoặc ít ra nó
cũng phải thỏa mãn cái tiêu chí tìm đi tìm được đồng tiền để tái sản xuất ra
nghệ thuật. Vậy tìm được sự bắt tay này có khả thi không và biên độ giao thoa của
cái bắt tay đó có thể tối đa hóa đến tỷ lệ là bao nhiêu hạn mức? Âm nhạc là nghệ
thuật nên cũng phải đối diện với bài toán khó đó.
Cưa đổ kim tiền hay cuốn theo dòng nuớc tiền bạc?
Bản chất của
nghệ thuật và thương mại rõ ràng từ khởi thủy đã không ăn nhập gì nhau nên tìm
cho nó một sự đồng điệu quả là nan giải mà có người còn cho rằng bất khả thi.
Nghệ thuật là
thế giới của cái Tôi lẻ loi,nó có hướng đến xã hội thì cũng thông qua lăng kính
chủ quan và không hề bị áp lực bởi đám đông. Còn thương mại thì ngược lại, mục
tiêu tối thượng là đám đông nhu cầu khách quan sau đó mới tính đến cái nội tại
tự nó.
Cho nên thuở
xa xưa, nghệ sĩ không phải quan tâm đến chuyện tác phẩm hay sản phẩm có bán được
không vì họ đã được bổng lộc của vua chúa để tồn tại. Hoặc sau này là nhà nước đóng
vai trò là bầu vú sữa của nghệ thuật. Cho nên họ yên tâm bay nhảy và hát ca
trong lăng kính của mình.
Mọi sự đã đảo
lộn khi thế giới trở thành một thị trường khổng lồ và mọi thứ muốn hay không đều
phải có cái bảng giá (tiền) của mình!
Khi đó nghệ
thuật phải bắt tay với thương mại.
Nhưng bắt tay
thế nào để tạo ra một sự bình đẳng đối tác hoặc bạn bè, chứ không phải là biến
nghệ thuật thành kẻ tôi đòi hay nô lệ của thương mại như đang xảy ra là một thảm
họa thời đại đáng tiếc.
Nhiều nghệ sĩ
chân chính loay hoay với cái “sĩ” của nghệ thuật và cái “kim” của thương mại. Rồi
tất cả đều nhận ra dường như chân lý một phần không nằm trong tay họ mà nằm
trong cái nền văn hóa và tòa nhà giáo dục đang được xây nên trong thời đại mà họ
đang sống.
Rõ ràng khi
cái bắt tay giữa quan niệm “sĩ” và “kim”(tiền) này đạt đến mức tối ưu thì người
ta sẽ không nói phân biệt nghệ thuật chân chính và nghệ thuật thương mại nữa và
chỉ có một thứ nghệ thuật như khởi thủy.
Nhưng đó có lẽ
là điều hoa mộng nhất như giấc mơ về xã hội lý tưởng cộng sản.
Cho nên chúng
ta chỉ mong đạt được nhiều nhất tỷ lệ giao thoa giữa nghệ thuật và thương mại để
khoảng cách giữa 2 thứ nghệ thuật kể trên không quá xa và tạo nên một đối trọng
ưu thế hay ít ra là tương đồng cho nghệ thuật chân chính khi bước chân vào guồng
quay của thị trường.
Có nghĩa là một
xã hội có dân trí càng cao và một thị hiếu thẩm mỹ càng sâu thì khoảng cách giữa
nghệ thuật và thương mại càng gần,rồi tiệm cận, giao thoa và càng giao thoa hơn
nữa hướng đến tính lý tưởng của nghệ thuật chân chính và đáp ứng điều kiện hàng
hóa mà không xấu hổ là chạy theo đồng tiền.
Hãy bắt đầu khởi hành về hướng mặt trời
Vậy hành
trình đi tìm sự bắt tay lý tưởng giữa nghệ thuật và thương mại có lẽ đầu tiên
là phải leo lên chiếc xe dân trí-giáo dục để khởi hành về hướng mặt trời.
T.M.P