4.9.13

NHẠC VIỆT CUỐI THẾ KỶ 20

Bài 10:

Sau 75,đất nước thống nhất,nhạc Việt lại hợp lưu.Tuy nhiên vẫn có một nhánh nhỏ và không phải là làn sóng nhạc tiêu biểu,tuôn chảy theo một đợt di cư mới của một bộ phận người Việt ra nước ngoài-chủ yếu là Hoa Kỳ-và vẫn được quen gọi là nhạc Hải ngoại.Trong nước nhạc Việt tíêp tục phát triển với một nội dung và diện mạo khác:Từ đấu tranh chuyển sang xây dựng và ca ngợi cuộc sống mới.Cho đến năm 95,nhạc tình,nhạc thương mại tái xuất hiện trên cái nền của chính sách mở cửa kinh tế của  chính phủ và xảy ra một cuộc đổi ngôi thú vị với những thành công lẫn vấn nạn của nó.Đó là khi nhạc Việt bước qua thiên niên kỷ mới…

Nhạc Việt hậu chiến-Nhựa sống mới,ít mật ngọt Tình ca

Từ hùng ca rồi cách mạng ca nối dài hai cuộc kháng chiến Pháp-Mỹ,đến giai đoạn hậu chiến và hoà bình chúng ta lại có một dòng ca nhạc tiếp nối hai dòng nhạc trên mà ta tạm gọi là xây dựng ca.Đó là một dòng nhạc khoẻ khoắn,yêu đời và hô to những khẩu hiệu xây dựng cuộc sống mới lẫn những lý tưởng mới.Cái Tôi với những dư âm chiến tranh cùng những bề bộn của một ngôi nhà vĩ đại đang xây tạm được quên đi để nói nhiều hơn đến cái Chúng Ta.Những nhạc sĩ trưởng thảnh trong chiến tranh nay vẫn tiếp tục những sáng tác mới:Phan Huỳnh Điểu,Nguyễn Văn Tý,Xuân Hồng,Hoàng Hiệp,Lư Nhất Vũ,Phạm Minh Tuấn,Phạm Tuyên,Hồng Đăng,Phan Nhân,Phó Đức Phương,Trần Kiết Tường… nối dài chất hào khí năm xưa và tình yêu trong đạn lửa được thay bằng tình yêu trên công-nông trường…Cả Trịnh Công Sơn cũng hoà nhịp rất nhanh trong dòng nhạc này với những bài hát mới mẻ khác hẳn những bài trước đây nhưng vẫn rất Trịnh:Em ở nông trường,em ra biên giới,Về giữa Trị An…

Nhạc của phong trào Thanh niên xung phong là một nhánh lá hồn nhiên rất đáng chú ý trong giai đoạn cuối thập niên 70 và trong thập niên 80,đó như là một sự nối dài của Du ca nhưng với một nội dung khác:Tình nguyện đi xây dựng tổ quốc.Các tác giả nổi bật:Nguyễn Đức Trung,Lã Văn Cường,Lê Văn Lộc…Họ là thế hệ nhạc sĩ sau năm 75.Cùng một thế hệ này là các nhạc sĩ khác tập hợp trong Câu lạc bộ sáng tác Thành đoàn TpHCM được thành lập năm 1978.Nơi đây,buổi đầu bên cạnh các nhạc sĩ của phong trào đấu tranh sinh viên,phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe năm xưa như Tôn Thất Lập,Trần Long Ẩn,Nguyễn Văn Sanh…là các gương mặt em út:Từ Huy,Nguyễn Ngọc Thiện,Nguyễn Văn Hiên…Chính họ sẽ là những nhân vật chính vào những thập niên 80 và kéo dài sang đầu thập niên 90 cùng với một số nhạc sĩ mới phía Bắc như Trần Tiến…đã đóng góp vào nền nhạc Việt một loại nhạc trẻ mới đầy nhựa sống,khi ấy tương đối là hiện đại nhất(So với những sáng tác khác chỉ còn biết khai thác chất liệu dân ca và những nhạc tính của Tân nhạc tiền chiến).Nhạc tình lúc này được viết rất hạn chế(Vì không được khuyến khích và cũng không có nơi để phổ biến).Tuy vậy một số bài tình ca nhẹ nhàng theo kiểu”Đoàn Chuẩn hiện đại”của Thanh Tùng được tung ra và rất được quần chúng hâm mộ,hoặc là nhạc về Hà nội và tự sự của Phú Quang,nhạc tình yêu Tây nguyên của Nguyễn Cường...

Nhạc trẻ của Sài gòn xưa cũng sống lại sau vài ba năm im tiếng nhưng dưới một tên gọi khác:Ca khúc chính trị,chủ yếu được nuôi dưỡng bởi các công ty,xí nghiệp của nhà nước như Sinco,Đại dương,Hy vọng…Chơi lại những kỹ thuật của các ban nhạc trẻ cũ nhưng với một nội dung cổ động và tuyên truyền cho những giá trị lao động và tinh thần cống hiến của con người mới(Do lúc này nước ta đang đóng cửa nên việc du nhập những giá trị tiên tiến mới của nhạc Pop-Rock bị đình trệ).Bước sang giữa thập niên 80 phong trào ca khúc chính trị mới trở lại với tên gọi là nhạc trẻ bằng những cuộc liên hoan Pop-Rock được lần lượt tổ chức,những cái tên tạo được ấn tượng:Trắng đen,Buổi Sáng,Da Vàng,Alpha,Ba con mèo…Nhưng nó cũng chỉ hưng thịnh không bao lâu.Giữa thập niên 90 nó bắt đầu bước qua bên kia triền dốc của cuộc chơi.

Tất cả bước tranh toàn cảnh trên hầu như chỉ diễn ra nhiều năng lượng nhất ở Sài gòn-một trung tâm ca nhạc mới của cả nước bắt đầu thành hình và định vị vững chắc khi bước vào thời đại của âm nhạc tiêu thụ.

Nhạc Hải ngoại-Hồi âm,dư ảnh và tan loãng

Dù trên mặt địa lý,âm nhạc Hải ngoại diễn ra ngoài biên giới Việt Nam nhưng nó vẫn được làm và phục vụ do-và cho-người Việt nên ta vẫn coi nó như một dòng nhạc Việt-một dòng nhạc Việt tích cực hay tiêu cực gì cũng thế khi được nhìn ở góc độ khách quan của lịch sử.

                  Tuấn Ngọc- Một trong những ca sĩ Hải ngoại được yêu thích nhờ giọng ca đẹp 
                                                         và gây ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhạc Hải ngoại là hồi âm,là dư ảnh của nhạc Sài gòn tạm chiếm(Xem bài Tân nhạc ở Sài gòn tạm chiếmNhạc Sài gòn xưa)khi theo chân những văn nghệ Việt sĩ lưu vong ra nước ngoài.Nó từng trở lại Việt Nam với tư cách”Ngoài luồng” và chiếm lĩnh một thói quen nghe nhạc ở quán cà phê,phòng khách và phòng ngủ trong gần hai thập niên.Bên cạnh một số bài hát mới được viết nên trong tâm trạng tiêu cực của người thua cuộc,xa nhà,mất quê hương,nhạc Hải ngoại như một khu vườn dĩ vãng của những bản tình ca cũ với những hoài niệm vàng son của nhiều thế hệ nghe nhạc,từ những bài lãng mạn thời tiền chiến cho đến những bài sinh ra trong thời đại nhạc vàng,bao gồm cả những bài tình tự quê hương bình dân với âm hưởng dân tộc vỗ về cho nỗi nhớ của những người tha hương.Tình cờ nó đáp ứng luôn cả nhu cầu của người nghe nhạc trong nước vì thời kỳ này những bản tình ca mới của Adam và Eva ít được viết ra.Nhạc Hải ngoại còn hấp dẫn người nghe nhờ những kỹ thuật âm thanh,phong cách biểu diễn hiện đại…”cầu viện”được ngay tại những quốc gia hàng đầu về âm nhạc,trong khi những kỹ thuật đó trong nước đã trở nên lạc hậu.

Nhưng đến khoảng năm 95 nhạc Hải ngoại bắt đầu”thoái vị”trong nước và dần dần tan loãng tại xứ người.

Cơn sốt ngắn của Tình ca mới và cú sốc sau đó…

Đầu thập niên 90 nhu cầu về nhạc tình cho giới trẻ bắt đầu được quan tâm bằng một cuộc thi sáng tác ca khúc trẻ do Hội Liên hiệp thanh niên và báo Thanh niên tổ chức.Lúc này những bản tình ca không công-nông trường-nhà máy,không bộ đội-hải đảo-biên giới dần dần được phép và có đất để phổ biến.Đến khi đất nước mở cửa và bước vào nền kinh tế thị trường thì nhạc tình với tư cách là một sản phẩm tiêu thụ đã bùng nổ và tạo nên hiện tượng là”Nhạc Việt lên ngôi”vào năm 96,đẩy lùi nhạc Hải ngoại với những bài tình ca cũ,trả dĩ vãng về với dĩ vãng.Xuất hiện cùng với nó là một thế hệ viết nhạc mới,một đội ngũ ca sĩ mới hát cho một thế hệ nghe nhạc mới.

Dòng chảy tình ca mới này có gì không cũ?Đó là sự du nhập rất nhanh những yếu tố kỹ thuật và phong cách hiện đại của nhạc trẻ nước ngoài nhờ sự thông thương và giao lưu văn hoá không còn khép kín như hai thập niên trước nữa.Nhưng nội dung thì vẫn thế và nhạc tính do sự chi phối của thương mại vượt qua cảm hứng đã khiến những giá trị sáng tạo,những nét bản sắc trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết.Nhưng nó đã đáp ứng đúng nhu cầu của giới trẻ,của thị hiếu nghe nhạc thời đại mới:Từ văn hoá jean,văn hoá xe máy đến tình yêu của fastfood,mobile phone và internet.Bấy nhiêu cũng đủ để những bản tình ca mới tạo nên một hiệu ứng đặc biệt về mặt xã hội và sinh hoạt văn hoá đầy ấn tượng mạnh có thể so sánh với sự ra đời của Tân nhạc lãng mạn buổi đầu(Dĩ nhiên là chưa xét về mặt hàm lượng nghệ thuật).Còn lực lương sáng tác?Cũng rất đông đảo và đa dạng.Nhưng trong bài viết này tôi chưa muốn đề cập đến một ai trong thế hệ đó vì thời gian tác phẩm của họ còn quá ngắn.Một cái nhìn tổng kết hoặc sơ kết hay phân chia thứ lớp hoặc phong cách cho họ trong lúc này dễ sa vào lầm lẫn và nóng vội.Hơn nửa thập niên nữa sẽ có cái nhìn chính xác hơn về dòng chảy tình ca này.

Nhưng giai đoạn hào hứng này giảm nhiệt rất mau chóng khi bước sang thiên niên kỷ mới.Có lẽ”tiếng sét ái tình”nhạc trẻ mới đã dứt khi người ta tỉnh táo nhìn lại chân dung người tình.Ngờ ngợ rồi vỡ lẽ.Tất cả đã đưa đến “biến cố tháng tư” vừa rồi,một biến cố độc nhất vô nhị trong lịch sử âm nhạc Việt Nam với những cái tên gọi đáng buồn và hổ thẹn:”Đạo” nhạc,nhạc“nhái”.

“Khi lên đến đỉnh,cái ta thấy là vực thẳm”Phải chăng nhạc Việt đang đặt chân xuống triền dốc đó?Hay nó chỉ là một liệu pháp cú sốc để nhạc Việt nạp năng lượng mới cho một cuộc bứt phá mới ngoạn muc và thú vị hơn bất kỳ một giai đoạn nào trong quá khứ?

T.M.P

(Kỳ cuối : Bài 11-Tương lai nào cho nhạc Việt?)


Back To Top