4.9.13

TÂN NHẠC Ở SÀI GÒN

Máy hát với hai loại băng reel to reel(băng lớn) và cassette(băng nhỏ) đã theo quân đội Mỹ vào miền Nam,không những thế,đi kèm theo các khí tài chiến tranh là…một loại nhạc mới rồi đây sẽ làm mưa làm gió:nhạc Pop-Rock(mà người ta quen gọi là nhạc trẻ).




Trong khi đó hàng loạt đài phát thanh mọc lên khắp các vùng thị thành cũng như sự ra đời khá nhiều những nhà xuất bản đã tăng thêm sức sống cho TN.Chính những yếu tố này đã làm cho TN ở Sài gòn phát triển rất mạnh mẽ,và như bài trước đã nói,nó theo máy hát,đài phát thanh,nhạc tập tuôn chảy cả về nông thôn làm nên một sức sống toàn diện cho TN.Đến giữa thập niên 60 với sự xuất hiện của phòng trà ca nhạc thì TN ở Sài Gòn coi như đã trưởng thành toàn diện với những thế hệ ca sĩ,nhạc sĩ mới.

Nhạc băng,nhạc tập và đài phát thanh:đôi hia bảy dặm cho TN

Những cái tên Sony,Akai,Pionneer…đã trở nên quen thuộc với dân chơi máy hát.Những cuộn băng reel to reel hay cassette cứ quay đều những bài hát TN trên những thương hiệu toàn cầu đó.Lúc này là lúc các hãng băng phất lên như là một cộng sinh vừa là một động lực cho TN.Giai đoạn này phải kể đến 3 đại gia là Asia,Oria và Lê Văn Tài(về sau lấy tên khác là Việt Nam).Họ không chỉ thu thanh cổ nhạc như trước kia mà công việc chính của họ bây giờ là sản xuất TN.Đây là một công việc thu hoạch nhiều tiền.Một chương trình TN lúc đó(thập niên 60) bình quân có thể tiêu thụ từ một vạn đến vạn rưỡi đầu băng các loại(to hoặc nhỏ).(Tình hình tiêu thụ này cũng rất giống với nhạc Việt thuở được gọi là lên ngôi vào giữa thập niên 90 nhưng khoảng gần đây thì một chương trình bình quân chỉ còn tròm trèm…2,3 ngàn băng đĩa được có người mua!)Thấy có ăn nhiều hãng băng thay nhau ra đời:ShotGuns,Trường Sơn(của ca sĩ Duy Khánh),Nhã Ca,Sóng Nhạc(không phải của báo…Sóng Nhạc bây giờ),Hoạ Mi,Sơn Ca…làm cho thị trường băng nhạc TN thêm bùng phát và làm cho các bài hát thêm bay xa trong bầu trời đại chúng.

Ăn theo nhạc băng là nhạc tập.Đó là những tập nhạc in các bài hát đang ăn khách(bây giờ thường gọi là TopTen,Hit),đặc biệt là dạng nhạc bướm chỉ in một bài được ưa chuộng có khổ lớn như giấy A4.Ngọc Chánh lúc này là trùm sản xuất các nhạc in này.Thông thường một bài nhạc bướm ông có thể bán được một vạn bản như chơi.(Còn bây giờ?Khoảng 1,2 ngàn là hết cốt!)
Không thể không nhắc đến vai trò của các đài phát thanh trong việc góp phần bành trướng TN.Âm nhạc muốn phát hành và lăng-xê rộng rãi phải qua đài phát thanh.TN trong giai đoạn này cũng thế.Tuy nhiên nó chịu nhiều sự kiểm soát của chính phủ hơn.TN trên radio bây giờ chia làm ba bộ phận chính:Những bài hát thông tin tuyên truyền phục vụ chế độ đương quyền.Những bài hát thuộc dạng “tử tế” hơn nhưng có ít đất sống trên thị trường.Và cuối cùng-ít hơn-là các bài hát dạng thị trường,thương phẩm,nhạc yêu cầu.Tất nhiên,mạnh nhất trong các nhà đài lúc này là đài Vô Tuyến Việt Nam(Của chế độ VNCH).Biên tập TN cho các đài Phát thanh hồi đó là các tên tuổi:Nguyễn Hiền,Vũ Thành,Trần Dạ Từ…

Nhạc Trẻ (Pop-Rock)

Theo bụi trường chinh đổ bộ vào miền Nam Việt Nam của Mỹ là thứ âm nhạc đang khuynh đảo trên thế giới:Pop-Rock.Thập niên 60 đã chứng kiến Gíơi trẻ Sài Gòn cuồng nhiệt đón nhận nó và TN Sài Gòn có thêm một”thành viên”mới:Nhạc trẻ(một thuật ngữ đặc biệt ở Việt Nam mới có!).Cây đàn điện,dàn trống jazz,Amply lúc này thật là “hot”.Quần áo sặc sỡ,tóc dài làm biếng chải là sành điệu(theo phong cách của tứ quái Beatles).Ban đầu là nghe nhạc Pop-Rock Mỹ-Anh,sau đó là…a lê làm theo.Các ban nhạc trẻ ra đời ngày một nhiều:Enterprise,The Peanuts,CBC,The Uptight,The Hammers,The Dreammers…Ban đầu họ từ mày mò bắt chước từ các băng nhạc,nghe rồi đánh theo như cái máy,sau đó đi diễn chủ yếu cho lính Mỹ nghe.Chính những ban nhạc “bản sao” Âu-Mỹ này đã sản sinh ra một thế hệ ca sĩ mới rất nổi danh mà có người cho đến tận bây giờ còn là thần tượng của nhiều người:Tuấn Ngọc,Khánh Hà,Duy Quang,Elvis Phương,Paolo,Cathy Huệ,Vi Vân…Giai đoạn này người ta không thể bỏ quên Thanh Lan-một ca sĩ có giọng hát sang trọng,dễ thương trưởng thành từ lò đào tạo ca sĩ Việt Nhi với những bài nhạc Âu-Mỹ chuyển soạn lời Việt của Phạm Duy,và cô nàng Julie với giọng hát sôi nổi kiểu Rock khá độc đáo.

Phòng trà ca nhạc

Phòng trà ca nhạc đã xuất hiện lần đầu tiên ở Hà Nội(1946)với cái tên Quán Nghệ sĩ ở đường Bờ Hồ.Lúc này các nhạc sĩ Dương Thiệu Tước,Thẩm Oánh…là cộng tác viên.Nhưng phải đợi đến sau 1954,tại Sài Gòn,phòng trà ca nhạc mới thịnh hành và đóng góp vao việc phát triển TN,như là một cái nôi làm toả sáng nhiều thế hệ ca sĩ và là một trong những mảnh đất để cho các nhạc sĩ phổ biến ca khúc của mình.Chẳng hạn,với những phòng trà ca nhạc thế hệ đầu ở Sài Gòn đã giới thiệu đến công chúng những cái tên quen thuộc:Nguyễn Hữu Thiết-Ngọc Cẩm,Tâm Vấn,Mộc Lan,Anh Ngọc,Thái Thanh…Và còn nhiều nữa những cái tên và chi tiết về các phòng trà ca nhạc Sài Gòn cũng như buổi đầu của nó ở Hà Nội,nhưng đó là nội dung của một bài viết khác mà chúng ta sẽ có dịp quay lại sau trong chuyên đề này.

Các xu hướng của TN Sài Gòn và các nhạc sĩ mới

Góp phần vẽ nên một bức tranh hấp dẫn và đa dạng này của TN là các nhạc sĩ với các tác phẩm,các xu hướng của mình.Họ là:Cung Tiến,Phạm Đình Chương,Vũ Thành,Hoàng Trọng,Văn Phụng,Ngọc Bích,Hoàng Thi Thơ,Trần Ngọc,Y Vân,Anh Bằng,Trùc Phương,Duy Khánh,Trần Thiện Thanh(Nhật Trường)Đỗ Lễ,Lam Phương,Phạm Thế Mỹ,Trầm Tử Thiêng,Anh Việt Thu,Lê Uyên Phương,Ngô Thuỵ Miên,Từ Công Phụng,Nguyễn Ánh 9,Vũ Thành An,Lê Hựu Hà,Nguyễn Trung Cang,…(Trong đó xuất sắc và nổi bật nhất là Phạm Duy và sau đó là Trịnh Công Sơn mà tôi xin hẹn sẽ dành cho ông trọn một bài viết.)
Các tác giả trên chia nhau ra đứng trên các lãnh địa âm nhạc khác nhau như:Tình ca quê hương(Hoàng Thi Thơ…phát triển các làn điệu dân ca để viết các bài hát bình dân trữ tình)Nhạc bán cổ điển hoặc Tân cổ điển (Cung Tiến,Nghiêm Phú Phi,Văn Phụng…ảnh hưởng từ các nhạc sĩ lãng mạn châu Âu như schubert,Chopin,Schuman,Lizt…)Nhạc Trẻ(Lê Hựu Hà,Nguyễn Trung Cang…học tập từ Pop-Rock Âu-Mỹ)Nhạc hài hước(Trần Văn Trạch với nhóm AVT viết mới dân ca thành các bài bình dân vui nhộn và châm biếm)Nhạc khiêu vũ cổ điển(Hoàng Trọng…viết theo các điệu nhảy Tango,Pasodoble…)Nhạc nhảy hiện đại,danh từ lúc này hay gọi là”Kích động nhạc(Khánh Băng…)Nhạc tình và thân phận(Trịnh Công Sơn…)và còn nữa…
Ngoài ra,TN Sài Gòn thời điểm này bên cạnh hiện tượng gọi là sự suy thoái của âm nhạc của các bài hát rẻ tiền với các ca sĩ diễn nhiều hơn hát(nhưng cũng chưa phải lipsync như bây giờ,chẳng qua là trình độ khoa học kỹ thuật lúc bấy giờ chưa cho phép!)còn xuất hiện những phong trào ca nhạc rất tích cực như:Phong trào du ca do Nguyễn Đức Quang,Ngô Mạnh Thu làm đầu đàn,hoặc những phong trào nhạc phản chiến(Trịnh Công Sơn,Miên Đức Thắng),phong trào”Hát cho đồng bào tôi nghe”(Tôn Thất Lập…)
Giai đoạn này xuất hiện một danh từ mới ám chỉ đến những bài tình buồn đang trở nên một mốt nghe nhạc khổng lồ:Nhạc Vàng.Nhạc Vàng được hiểu theo hai nghĩa tán thưởng(Vàng son,có giá trị như vàng)hoặc chê bai(Vàng vọt,yếu đuối,uỷ mị).Rồi chia ra “Vàng sến”(Chủ yếu là các loại nhạc viết theo điệu Bolero,lời ca bình dân học vụ,được xem la Việt hoá”nhuyễn”nhất)với”Vàng sang”.Vì thế nhạc Vàng ôm hết vào mình từ các bài tình ca tiền chiến cho đến các tình khúc mới viết có nghệ thuật hoặc kém sáng tạo nhưng chỉ tội một cái là nó buồn.Buồn muốn …chết.Thế thôi.


(Kỳ tới:Bài 3-Nhìn lại Phòng trà ca nhạc Việt)
Back To Top