21.5.14

Ghi chép từ sau một trang sách


MỖI CUỐN SÁCH MỘT BẦU TRỜI

Cái khác nhau của chúng ta và người dân ở các nước phát triển rất dễ nhận thấy nơi công cộng.
Trong lúc chờ đợi ai đó hay điều gì ở bến xe, ga hàng không, rạp hát, quán xá, công viên... thì người Việt thường đọc báo còn người nước ngoài thì đọc sách.
Người Việt thường cầm tạp chí và tờ báo trên tay. Người nước ngoài mang theo cuốn sách
Đó là hình ảnh tôi thường gặp, và tôi chợt hiểu thêm một điều vì sao nước tôi lạc hậu và thấp kém.
Cái khác nhau căn bản này về văn hóa đọc đã góp phần đưa đến 2 vị thế khác nhau khá xa giữa đất nước chúng ta và họ trên mọi lãnh vực.

Theo thông tin trên một tờ báo:" thống kê hàng năm dựa trên báo cáo của các thư viện gửi về Bộ VHTT-DL, người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (tức là chưa được 1 cuốn sách). Tỉ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn. Nông dân đọc 0 cuốn sách/năm!
Trong khi đó chỉ so sánh với nước tầm tầm bậc trung trong khối Asean là Malasia thì dân họ cũng đọc được 2 cuốn sách/năm.

Nhưng đọc sách thì cũng phải đúng cách mới có hiệu quả.
Đọc mà không suy nghĩ, không phản biện, không liên tưởng, không tưởng tượng thì cũng giống như ăn đồ bổ mà không tiêu hóa được thì cũng bằng không!
Đọc nhiều cuốn mà cưỡi ngựa xem hoa hay kéo tay ga tốc độ cao thì ném sách vào sọt rác tốt hơn.
Có những cuốn sách đọc đi đọc lại thấy càng hay và yêu nó hơn. Thấy cái miệng giếng tâm hồn và tri thức dần bớt hẹp. Bầu trời ngày một rộng mở.
Mỗi cuốn sách như tấm gương ngày mỗi sáng, phản chiếu cái Tôi u mê của mình.
Có lẽ nên bớt bà tám, bớt anh hùng bàn phím, ném đá theo bầy, bớt lá cải thông tin đầu đường xó chợ để có chỗ cho những trang sách mở rộng tâm hồn và tri thức của chúng ta chăng?


KHOE!

Khoe là một bản năng của con người.
Rồi từ bản năng nó đi lên những nhu cầu cao hơn: Giao lưu, chia sẻ và khẳng định cái TÔI
Người ta khoe sắc, khoe tài cũng như người ta khoe trí, khoe của và khoe hạnh phúc
Không có nhu cầu khoe cũng không có nghệ thuật
Thi sĩ khoe thơ, nhạc sĩ khoe nhạc, nhà văn khoe văn chương, họa sĩ khoe tranh, đạo diễn khoe phim…
Nhờ họ khoe mà công chúng có cái để xem và thưởng thức, rồi khen hoặc chê bai…
Khoe không có gì xấu
Khoe thân cũng tốt
Nếu thân thể tôi đẹp tại sao tôi không khoe như nhạc sĩ khoe bài hát, thi sĩ khoe thơ trên mạng!?
Khoe với mục đích gì thì mới rõ là nó tốt hay xấu
Anh nghệ sĩ khoe tác phẩm với động cơ tầm thường tất nhiên là tệ hơn một mỹ nhân khoe thân với mục đích tốt đẹp
Khoe đúng nơi đúng lúc thì khoe mới có văn minh
Ngược lại, là cái khoe tăm tối lắm!
Vậy nhân loại hãy khoe đi, và hãy cùng nhau khoe. Nhưng trước hết hãy suy nghĩ về 3W : WHY, WHEN, WHERE


NHỮNG SƯ THẬT KHÓ CHỊU. NHỮNG CHÂN LÝ ĐÁNG GHÉT

Người không có trí tưởng tượng như kẻ suốt ngày ở nhà với mẹ.

Người đi nhiều mà không suy nghĩ không bằng kẻ ít đi mà suy nghĩ nhiều
Người thông minh viết ít suy nghĩ nhiều. Người không thông minh viết nhiều suy nghĩ ít.
Người khôn ngoan đọc ít hiểu nhiều. Người bại não đọc nhiều hiểu ít.

Người ta thích ở nhà mình nhưng lại thích suy nghĩ theo người khác
Người ta nói bằng miệng của mình, viết bằng tay của mình nhưng lại xài não của người khác.

Không có hành động hay việc làm xấu hay tốt mà chỉ có mục đích của nó tốt hay xấu.

Cái áo đẹp mà có một vết mực nhỏ: Nếu không để ý vết mực thì nó vẫn là cái áo đẹp. Nếu lưu tâm đến vết mực thì cái áo chỉ là một đống mực. Không ai là cái áo không một vết mực. Chỉ khác nhau là vết mực ít hay nhiều trên áo mà thôi.

Ta nói yêu chân thật ghét giả dối. Nhưng ai chân thành chê ta, ta lại bực. Ai giả dối khen mình, mình lại vui. Văn hóa like trên mạng là vậy đó. Like chưa hẳn là thích mà like vì hắn đã like cho mình. Không like chưa hẳn là không thích mà không like vì hắn chả bao giờ like cho mình.

Người ta thường quyết liệt nói: ném đá cho nó chết. Nhưng cũng hay khẩn cầu: Hãy tha thứ cho tôi.

Nhân loại đang cưa một cành cây mà mình đang làm tổ trên đó: Bạo lực, chiếm đoạt, tranh giành và chiến tranh.

Hầu hết người ta yêu người khác là yêu mình qua lăng kính người mà mình nói yêu.

Người ta lấy đa số quyết định thiểu số nhưng nhân tài và thiên tài luôn thuộc về số ít.


NHỮNG SỰ THẬT HIỂN NHIÊN. NHỮNG CHÂN LÝ KHÓ ĐỔI

Phụ nữ đẹp: Bộ phận không nhỏ
Phụ nữ tốt: Không phải thiểu số
Phụ nữ vừa đẹp vừa tốt: Mò kim đáy bể

Một mỹ nhân tốt là người không lấy nhan sắc của mình để đổi lấy ví tiền đàn ông vì đàn ông chân chính không dùng tiền mua chuộc phụ nữ. Họ cũng không lấy lòng tốt của mình để "dìm hàng"nhan sắc người khác, vì một nhan sắc không lòng tốt tự thân nó đã ném đá chính nó rồi. Cũng không lấy nhan sắc mình để giễu cợt lòng tốt người ta vì một lòng tốt không nhan sắc cũng đã tự biết thương hại bản thân.


Thân thể bốc mùi có thể lấy nước hoa, sáp thơm mà giấu. Nhân cách bốc mùi không giấu ai được. Cho nên nhiều người rất thơm, là sứ giả của các thương hiệu nước hoa nhưng gặp họ ta lại buồn nôn trong lòng. Không nôn ra ngoài vì lịch sự nhưng họ lại bất lịch sự trưng bày sự bốc mùi giá trị của mình.

TMP
Back To Top