Nhạc Việt đương đại trong hơn một thập niên này có một chu kỳ rất quen thuộc và có cùng một kịch bản ...ổn định, đó là: Hàng năm, khi mà Showbiz không còn chuyện gì đáng nói thì nó lại rộ lên cái chuyện ai đó dính "nghi án đạo nhạc".
Nó mãi là nghi án vì dư luận có ồn ào thế nào, báo chí có lên tiếng ra sao thì cuối cùng như cơn bão, nó cũng tan trong êm đẹp không gợn chút hổ thẹn như trời xanh mây trắng nhởn nhơ. Và, những "bị cáo" chợt vụt lên hoặc tiếp tục là những ngôi sao sáng của showbiz! Để rồi xuân thu nhị kỳ, "điệp khúc" đạo nhạc lại nổi lên cao trào rồi trở về dấu lặng, rồi lại cao trào...
Muốn hiểu tại sao như vậy, phải xem lại hơn một thập niên, kể từ cột mốc "Tình Thôi Xót Xa". Lúc đó, vụ đạo nhạc này đã được xử lý đến nơi đến chốn bởi Hội Nhạc sĩ Việt Nam và sau đó là "Tuổi 16" do Hội Âm Nhạc Tp HCM giải quyết. Tuy nhiên, không hiểu sao hàng loạt vụ đạo nhạc khác được khui ra tiếp theo lại rơi vào im lặng. Rồi một thời gian sau, trong những "bị cáo" đó có người đã trở thành sao, người nghiễm nhiên trở thành giám khảo ngồi chấm điểm bài hát của người khác trong những game show và những cuộc thi tầm cỡ quốc gia!
Một tờ báo lớn của cả nước còn rầm rộ làm một chuyên đề nhiều kỳ để nhằm mục đích gỡ tội và minh oan về chuyện đạo nhạc năm xưa, như gửi đi một thông điệp rằng: Hãy trả lại danh dự cho người bị kết án oan trong vụ đạo nhạc mang tính lịch sử: Tình Thôi Xót Xa!
Điều đó như một lời động viên và cổ vũ rằng: Đạo nhạc ư? Không có gì quan trọng. Nó chỉ là sự ảnh hưởng thôi, mà trong bất kỳ giai đoạn âm nhạc nào, tác giả kỳ cựu nào cũng đều có thể có. Cái gọi là "đạo nhạc" được quy kết bởi những bộ óc bảo thủ hay định kiến mà thôi.
Đạo nhạc còn được "vinh danh" mới là điều không thể tin nhưng rất thật. Đó là khi, một giải thưởng được cho là "Grammy của Việt Nam" đã trao cho một ca sĩ-nhạc sĩ mà từ phong cách trình diễn, tạo hình cho đến các "sáng tác"
hầu hết đều là bắt chước, sao chép và "đạo" một cách ung dung và ngạo nghễ, mặc cho anh này là nhân vật chính của liên tiếp 2,3 vụ bê bối về đạo nhạc gây dư luận lùm xùm cả nước trước đó!
Chính quan niệm và cách tôn vinh lệch lạc này đã làm vấn nạn đạo nhạc trở nên "kháng thuốc", nhất là trong các tác giả trẻ sau này. Họ nhìn những tấm gương đạo nhạc của người đi trước, là dù có bài đạo nhạc thế nào thì con đường công danh sự nghiệp vẫn vùn vụt đi lên, tiền tài danh vọng vẫn mỉm cười.
Thế là mượn chiếc áo "học hỏi, tiếp thu tinh hoa thế giới", các nhạc sĩ bắt đầu cho phép mình dễ dãi và ăn sẵn trong sáng tác, từ mượn beat, vòng hoà âm đến mượn câu nhạc, đoạn nhạc của người khác một cách bừa bãi nhưng vẫn ung dung cho rằng đó là chuyện bình thường hoặc nguỵ biện:" Với 7 nốt nhạc, bao nhiêu người viết thế nào cũng phải trùng".
Phải nhìn nhận rằng, mỗi thời đại đều phải có một ngôn ngữ âm nhạc riêng của nó và nền âm nhạc chúng ta là một nền âm nhạc chỉ luôn đi sau người khác và học hỏi họ là chính. Tất cả, từ nền tân nhạc Việt ra đời cách đây gần 90 năm cho đến nay, âm nhạc chúng ta chịu ảnh hưởng từ rất nhiều nền âm nhạc khác : Tây, Tàu, Hàn, Nhật đều đủ cả theo từng mức độ khác nhau. Nhưng có những thời kỳ mà âm nhạc Việt vẫn mang được cá tính và bản sắc trong những yếu tố vay mượn từ bên ngoài, bên cạnh đó là những cảm xúc chân thành đã làm nên một diện mạo nhạc Việt ít nhiều đều có đường nét và có hồn.
Nhưng giai đoạn hơn một thập niên nay thì khác. Sự vay mượn, sao chép quá đậm đặc đã xoá mờ đường nét và hồn vía Việt trong âm nhạc. Rồi nó bước một bước sa lầy hơn là ăn sẵn cái của người ta bằng những quan niệm sáng tác dễ dãi và thiếu tự trọng. Thêm sự chi phối của một thị hiếu nghe nhạc xuống cấp trầm trọng trên một mặt bằng dân trí thấp, nhạc Việt giai đoạn này trở thành những loài cỏ dại vô giá trị nhưng sức hãnh tiến và lũng đoạn lại rộng khắp và bén rể sâu.
Đáng buồn hơn, lại có những nhạc sĩ kỳ cựu, đang ngồi trên những cái ghế đánh giá và định hướng nhạc Việt lại có những lý luận nguỵ biện vô tình làm bình phong cho đạo nhạc phát triển ổn định:" Cảm giác giống nhau nhưng chúng không giống nhau, bởi vì cái giống nhau đó là do đặc tính của mỗi loại nhạc quy định"
Trong thực tế, với mỗi hình thức âm nhạc, chúng luôn luôn có một đặc trưng riêng về giai điệu, tiết nhịp, hoà âm. Nhờ vậy, chúng ta nghe qua là phân biệt được nhạc này là Jazz, nhạc kia là Rock, nhạc nọ là Dance. Vân vân và vân vân. Nhưng cũng giống như người da vàng, da trắng hay đen. Mỗi chủng tộc đều có những nét chung mà con người trong chủng tộc đó vẫn có nhưng mỗi cá nhân họ là không thể giống nhau như 2 anh em sinh đôi. Sự giống nhau mang tính cá biệt đó nếu có cũng chỉ là vô cùng hi hữu, có một không hai. Trong mỗi thể loại âm nhạc cũng vậy. Chỉ cần dựa trên những nét chủ đạo của giai điệu, vòng hoà âm cá biệt, cấu trúc riêng, tiết nhịp nằm ngoài mẫu số chung và mô hình vận hành các tuyến giai điệu là người ta có thể nhận ra sự lấy cắp lẫn nhau trong cùng một nét đặc trưng riêng của mỗi thể loại nhạc.
Vì thế, sự giống nhau ở trong âm nhạc của mỗi thể loại là nằm trong tính phổ quát. Còn về cá tính để có độc sáng là không thể giống nhau được. Những người viết nhạc theo "chủ nghĩa ăn sẵn" thường cố tình đánh đồng hai phạm trù đó để nguỵ biện hoặc tung hoả mù.
Nói cho công bằng, việc đạo nhạc ngoài cố tình ra, một phần là do đạo mà không biết. Tức là người viết nhập tâm một bản nhạc, giai điệu nào đó rồi trong vô thức nó bật ra một "sáng tạo" mà cứ ngỡ là của chính mình. Nhưng sau đó-phần nhiều- sự thiếu chính trực cũng như là không biết hổ thẹn, họ vẫn lờ đi và cố"chịu đấm ăn xôi" để bảo toàn danh lợi mình nhờ đó mà có.
Tóm lại, chính cái thế kiềng ba chân: Đạo đức nghề, sự dung túng của một số bộ phận truyền thông và thị hiếu nghe nhạc xuống cấp của đa phần giới trẻ đã giúp cho đạo nhạc vững vàng trong các cơn bão dư luận, từ đó nó luôn ổn định và trở nên bình thường trong tư duy của một số nghệ sĩ và một bộ phận công chúng tự cho mình là một thế hệ viết và nghe nhạc mới, tiên tiến chứ không phải là "hỏng" hay "đạo" như "lực lượng bảo thủ" quy kết!
Có lẽ, khi ba chân kiềng trên còn hiệp đồng tồn tại, đã đến lúc nhạc Việt phải thoả hiệp sống chung với "đạo", và đó cũng là bản sắc của nhạc Việt đương đại chăng?
Trần Minh Phi