6.10.13

NHẠC VIỆT VỚI HỌC THUYẾT”BẮT CHƯỚC ĐỂ SÁNG TẠO”


Học thuyết ”Bắt chước để sáng tạo” khởi nguồn từ điện ảnh Hàn quốc của đầu thập niên chín mươi. Thoạt  tiên, họ chấp nhận làm phim rập khuôn Âu-Mỹ rồi sau đó đủ nội lực và điều kiện thì họ bắt đầu xây dựng bản sắc riêng cho phim ảnh của mình. Sau sự thành công này, đến lượt nhạc pop xứ kim chi vào cuộc, nghĩa là cũng khởi đi từ một phong cách âm nhạc là nhân bản của Tây phương và một phần của Hồng Kông và Đài Loan để rồi sau đó lột xác thành một K-pop hãnh tiến gây mê tạo nên hiện tượng toàn Á.

                  Tứ đại thiên vương - Four Heaven Kings- từng tạo nhiều bản sao trong V-pop trước đây

VN cũng mau mắn tiếp thu thứ học thuyết thực dụng và đi tắt đón đầu này của điện ảnh Hàn quốc nhằm áp dụng cho nhạc pop thị trường nội địa. Ban đầu, nhạc pop VN chọn CantoPop của xứ Hồng Kông làm mẫu. Thời đó bắt đầu cách nay khoảng hơn hai thập niên. C-pop là loại nhạc đại chúng của Hồng Kông hát bằng tiếng Quảng Đông, nó là sự hòa trộn của âm nhạc Trung Hoa và nhạc pop Âu-Mỹ, đủ thể loại từ thứ nhạc cao cấp là jazz cho đến đại chúng là pop-rock, nhạc điện tử…. Thời gian này đi đâu cũng nghe canto-pop, và lúc ấy Tứ đại thiên vương của HK là thần tượng của giới trẻ VN; các ca sĩ nữ được mến mộ là Vương Phi, Trịnh Tú Văn, Trần Tuệ Lâm…cùng các nhóm Beyon, Thái Cực…Sau đó là trào lưu của MandoPop, đây cũng là một dòng nhạc nhạc đại chúng kết hợp giữa nhạc pop phương tây với nhạc Trung Hoa nhưng được hát bằng tiếng Quan Thoại thay vì Quảng đông, và cái nôi của nó  là Đài Loan. Những ca sĩ gây ảnh hưởng cho VN nhiều nhất là Lâm Chí Dĩnh, Vương Lực Hoành
Dĩ nhiên, lúc này các ca sĩ, cũng như các sáng tác của các nhạc sĩ VN chịu ảnh hưởng rất nặng hai phong cách nhạc pop trên, thậm chí nó còn chấp nhận là bản sao cấp thấp trong phong cách trình diễn và cùng với hiện tượng nhạc Hoa lời Việt đã tạo nên trào lưu "Tàu hóa" của V-pop. Giới trẻ lúc ấy nghe mê mệt Canto với Mando và chỉ nghe và luôn nghe các ca sĩ và các sáng tác khác trong nước mang màu sắc của chúng mà thôi. Ngay cả trong thời hoàng kim ngắn ngủi của V-pop vào những năm cuối thế kỷ trước, mà người ta xưng tụng là nhạc Việt lên ngôi thì tàn tích của 2 loại nhạc pop của Trung Hoa đại lục vẫn còn vương vấn không ít dấu ấn của nó, cho dù thứ nhạc đại chúng kia trong thời gian này bắt đầu suy tàn nhường chỗ cho cơn lốc nhạc pop khác chuẩn bị thổi bùng lên và lan tỏa từ Bắc Á là K-pop.

             Hikaru Utada bán đĩa chạy nhất J-pop và cũng tạo cơn sốt ở V-pop thập niên chín mươi

Thật ra, song hành và giao thoa với 2 phong cách pop của Trung Hoa đại lục nói trên, tính từ đầu thập niên chín mươi thì ở VN cũng chịu sự chi phối của màu sắc nhạc pop Nhật tức là J-pop. Tuy dòng chảy này không có mặt bằng rộng như Canto và Mando. Nó lan tràn mạnh nhất là khoảng 3 năm gần cuối thế kỷ hai mươi với dòng nhạc Dance và Techno với những tên tuổi như: TRF, Yuki Uchida, Hitomi…và tiếp sau đó nổi bật là Hikaru Utada. Phải nói thêm từ nửa cuối thập niên tám mươi, nhạc pop Nhật đã có chỗ đứng quan trọng trong nhạc Việt với những bản ballade hoặc sentimental rất được nhiều người nghe qua những bản Việt hóa xuất phát từ cộng đồng người Việt ở Hải ngoại rồi du nhập vào nước bởi những giọng ca Ngọc Lan, Khánh Hà…rất được công chúng ái mộ và thần tượng. Để rồi sau đó, một số bài hát của dăm ba nhạc sĩ Việt Nam khi bước vào thời kỳ lên ngôi ngắn ngủi năm ba năm gì đó còn bị dính nghi án là copy nhạc từ đó mà ra. Hay ít ra cũng chịu ảnh hưởng khá đậm đà.



Tuy nhiên, giữa biên độ giao thời nhạc Trung – Nhật - Hàn đó, VN cũng có một thoáng ngắn ngủi chịu tương tác từ nhạc pop của ông láng giềng Thái Lan. Nó hình như đã tạo nên mốt trong khoảng 1 năm đầu thế kỷ 21 ở một phần V-pop. Đó là những bài nhạc nhảy rất sung với tiết tấu trẻ trung rất thích hợp với trào lưu nhạc Dance lúc đó vừa manh nha.

Đến khoảng nửa cuối thập niên đầu của thế kỷ 21, nhạc Hàn bắt đầu thống lĩnh các kênh nghe nhạc của giới trẻ. Không chỉ âm nhạc, K-pop cùng với phim ảnh Hàn còn áp đặt lên cả một mảng văn hóa sống nhất là trong thị hiếu ăn mặc của tuổi teen VN. Và cho đến tận bây giờ cho dẫu nhạc Hàn có vẻ đã hạ nhiệt gây mê bớt so với lúc đỉnh điểm của một hai năm trước nhưng những nhân bản của nó vẫn đang sống khỏe sống mạnh trong một số phong cách sáng tác và trình diễn của các nghệ sĩ V-pop. Những cái tên tiêu biểu của K-pop chắc không cần nhắc đến trong bài này thêm dài dòng vì chúng đang nằm lòng trong đại đa số công chúng trẻ VN mê nhạc phổ thông.

Như vậy, đã hơn hai thập niên trôi qua, với triết lý “Bắt chước để sáng tạo” mà V-pop tiếp thu từ nghệ thuật đại chúng của xứ Kim chi thì có vẻ như chúng ta vẫn mãi là … bắt chước và chưa thoát ra được vị thế người học việc. Nhiều người kiên nhẫn nhất cũng đã sốt ruột cho cái anh học trò V-pop học hoài mà không tốt nghiệp nổi cho dù đã học qua rất nhiều”Thầy” của thế giới. Từ nhạc jazz,R&B,blue,rock,punk, hip hop,dance…của Âu Tây trải dài trước đây cho đến tận bây giờ cùng với các J-pop, C-pop, M-pop…và đang là K-pop thì chúng ta vẫn chấp nhận là bản sao hầm bà lằng của cái lẫu thập cẩm chưa nên hồn nên vóc kể trên. Trong khi K-pop chỉ mất chưa trọn một thập niên để từ là một bản sao pop thành một thương hiệu pop toàn cầu!

Điều gì đang xảy ra với học thuyết “Bắt chước để sáng tạo” phiên bản Việt?
đang phá sản hay là chấp nhận tiếp tục làm số kiếp luôn là bản sao của pop-ngoại lai nào đó nữa?


T.M.P
Back To Top