4.9.13

HIỆN TƯỢNG “NGHỆ SĨ” SAO CHÉP NHẠC VÀ NHỮNG NGỤY BIỆN CỦA NÓ: NHỮNG KÝ SINH TRÙNG CỦA SÁNG TẠO




Không thể bỏ qua những đóng góp đáng kể mà nhạc trẻ trong khoảng gần một thập niên trở lại đây đã mang đến những nét tích cực cho nền ca khúc Việt:Đáp ứng nhu cầu giải trí của đại bộ phận công chúng trẻ,góp phần tạo ra nhiều sân chơi âm nhạc cho HS-SV,kích thích sự phát triển của công nghệ ghi âm và kỹ thuật âm thanh,du nhập một số yếu tính hiện đại của nhạc phổ thông thế giới vào Việt Nam…

Tuy nhiên,những mặt tiêu cực khác dần dần xuất hiện với những vấn nạn lớn đã đẩy nền nhạc trẻ Việt Nam rơi vào khủng hoảng mà “biến cố tháng tư”vừa rồi là một sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử âm nhạc Việt Nam từ trước đến nay.Nó là kết cục nhân quả của sự lệch lạc trong quan niệm không rõ ràng giữa học hỏi,ảnh hưởng với sao chép,bắt chước;giữa hội nhập với lệ thuộc.Nó phản ánh rõ ràng một ý thức và trình độ về lý luận nghệ thuật thấp kém cũng như là sự thiếu vắng lòng tự trọng của một số tác giả viết ca khúc.Tất cả đã góp phần đẻ ra môt nền nhạc trẻ suy dinh dưỡng về sáng tạo và đầy dẫy những con ký sinh vào sáng tác của người khác.

Không chịu nhận mình là sao chép dù bài hát của mình đã được minh chứng cho thấy nó giống đến mức nghiêm trọng sáng tác của người khác;những tác giả viết nhạc sao chép gần đây-mà điển hình là Quốc Bảo-đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng lý luận trích dẫn của người Nhật:”Bắt chước để sáng tạo”(!?)và tự nhận mình là người theo trào lưu”Cắt,dán”của một số nhạc sĩ đương đại nổi tiếng trên thế giới để thanh minh cho những bài hát bị mang tiếng là “sao y” của mình.

Giữa cái”không chịu nhận” với cái”công khai bắt chước và cắt dán”đã cho thấy tư tưởng này hoàn toàn mâu thuẫn với nhau:Không chịu nhận là sao chép nhưng khẳng định là mình bắt chướccắt dán.Đây chỉ là sự khác từ nhưng đồng nghĩa.

Vậy thế nào là bắt chước-sáng tạo?và cắt,dán là gì mà có thể ngụy biện cho hai tác phẩm giống nhau?

Xuất hiện nhiều nhất trên báo mạng(báo điện tử) là tư tưởng cổ suý và ca ngợi cho kiểu sáng tác theo trào lưu”Cắt,dán”trong âm nhạc.Theo họ,có nghĩa là viết nhạc bây giờ chì là một công việc”Remix”(pha trộn lại)những chất liệu,ý tưởng,những sáng tạo của người khác thành một tác phẩm kiểu”đầu Ngô mình Sở”rồi ký tên mình.Họ kết luận đó là một phương pháp sáng tác hiện đại,tiên tiến biết tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại và gọi những người chống đối lại cách làm này là lực lượng bảo thủ và tri thức kém,ấu trĩ(!?).

Đây chỉ là một hành vi bóp méo và xuyên tạc rất thâm độc nghệ thuật cắt dán (Collage) đã được sử dụng trong hội hoạ của chủ nghĩa lập thể (Cubism) và trừu tượng (Abstract) ở đầu thế kỷ 20 bởi các nghệ sĩ tiền phong(avant garde).Sau này nó cũng đã ảnh hưởng đến một số nghệ sĩ đương đại khác trong âm nhạc.Cần phải khẳng định rằng “cắt dán” của những nghệ sĩ này được hiểu là một nghệ thuật sắp xếp để sáng tạo ra cái mới và phần tác phẩm được”cắt”chỉ là cái cớ,tạo hứng cảm hoặc làm đề dẫn cho nội dung ,và trong mọi trường hợp các tác phẩm đó đều ghi chú minh bạch xuất xứ của nó hoặc đề tên đồng tác giả(Trừ trường hợp dân ca hoặc những tác phẩm mà ai ai cũng biết.Ví dụ như”Happy birth day”hoặc”Happy Newyear”…).Hoặc ở một khía cạnh khác họ không lấy tác phẩm mà chỉ lấy thái độ để phản kháng lại một nền văn hoá mà họ cho là không còn phù hợp nữa(Theo kiểu phản văn hoá[counter-culture]của trường phái DaDa.Trường hợp này nếu ta có học hỏi,tiếp thu thì phải có tính phê phán và gạn lọc lại vì bối cảnh địa lý và lịch sử hoàn toàn khác nhau).

Trong khi đó những “tác phẩm”Việt nam được bảo vệ bởi lập luận này cho thấy chỉ là sự cóp nhặt đơn thuần,không có dấu vết sáng tạo và tệ hại là không ghi rõ xuất xứ phần tác phẩm bị cắt,đó là một sự lập lờ khộng đàng hoàng nếu không muốn nói là vi phạm bản quyền.

                                      Nhạc Việt đa phần là sao chép từ phong cách biểu diễn 
                                                                    cho đến bài hát

Đây là một luận lý ngụy biện và mang động cơ mỵ dân.Tại sao khi chưa bị vạch trần những tác phẩm mang dấu vết sao chép ra cho công chúng biết thì những tác giả này hoàn toàn im như thóc không hề tuyên ngôn tuyên cáo gì về những kiễu cách ”sáng tác” đó,cũng như những ngọn nguồn vay mượn mà luôn miệng khẳng định : đó là sáng tạo là cảm hứng của tôi?cho đến khi bị phát hiện họ mới vội vã “núp vào” trường phái và trào lưu của thế giới,bóp méo ý nghĩa của nó đi dưới cái vỏ học giả,học thuật rồi mới chịu trưng nó ra để hòng đánh lạc hướng dư luận.

Tương tự như vậy,để tăng thêm “giá trị” của những tác phẩm sao chép họ còn đưa ra tuyên ngôn”Bắt chước để sáng tạo”rút ra từ một quan điểm của người Nhật.

Đây chẳng qua cũng là một kiểu cách trích dẫn xuyên tạc và bóp méo ý nghĩa của ngữ nghĩa.Tinh thần câu nói này của người Nhật thâm thuý hơn nhiều:”Bắt chước để sáng tạo ra cái-không-còn-giống-như-cái-bắt-chước”(Tôi xin nhấn mạnh)Trong khi đó những bài hát”bắt chước để sáng tạo “của Việt Nam hoàn toàn chỉ là những tác phẩm nhái lại rất thô thiển hoặc tệ hơn là song sinh,là đạo nhạc.Khộng còn cách gọi nào khác lịch sự hơn.

Có tác giả có cả chục bài bị giống nhau như thế và họ lại “tự hào” tự nhận mình có “chủ tâm sao chép” như là một phong cách sáng tác đương đại.Không thể bình luận gì hơn về một “nhân cách sáng tạo”rẻ tiền và một “kiểu học hỏi” bệnh hoạn như vậy.

Nếu thật sự một dân tộc như người Nhật chỉ biết bắt chước đơn thuần như “khỉ và vẹt” thì đất nước họ chỉ là một quốc gia lệ thuộc chứ đừng nói là một trong những cường quốc hàng đầu của thế giới.

Điều nguy hiểm cho nhạc trẻ Việt Nam bây giờ là đối với một số tác giả bài hát việc giống nhau giữa các tác phẩm không còn vì thiếu tài năng hay bản lĩnh dẫn đến việc”cầm nhầm”của người khác,mà đó là “phong cách”là”kỹ năng”có chủ tâm.Họ quan niệm rằng thế giới này đã có quá nhiều sáng tạo nên chúng ta dại gì mà không ăn theo,ăn sẵn những sáng tác trong kho tàng văn hoá của nhận loại(?!)

Rõ ràng khi bệnh hình thức đã hết thuốc chữa.Tâm hồn đã chai sạn cảm xúc.Sự sáng tạo đã cạn kiệt.Trí óc đã biến thành một máy tính.Sự thực dụng lấp đầy lãng mạn.Nhưng tham vọng về danh lợi quá cao và quá tự yêu mình bằng cách lợi dụng và nhân danh nghệ thuật.Những”nghệ sĩ”sao chép trong âm nhạc Việt hiện nay đang là biểu tượng cho cái gì nằm ngoài ý nghĩa cao đẹp của “Nghệ thuật” và “Sáng tạo”?

Những ký sinh trùng của sáng tạo.Chỉ có thể nói như thế và buộc lòng phải gọi họ như thế.

T.M.P
Back To Top