28.9.13

TRÀO LƯU “PHỐI NGẪU DỊ CHỦNG” TRONG NHẠC VIỆT HIỆN NAY


Gần đây, có trào lưu kết hợp các loại hình âm nhạc với nhau trong nhạc Việt để tạo nên một loại hình mới. Dễ thấy nhất là sự phối ngẫu giữa cổ điển với âm nhạc đương đại như nhạc cổ điển với nhạc pop hay dance, technic, rock… hoặc “bác học hóa” nhạc nhẹ dưới hình thức trình diễn ca khúc với dàn nhạc giao hưởng, hay là sự hợp hôn giữa dân gian với phương tây như cho chèo đứng chung với jazz…

      Hãy chơi jazz cho đạt...

  ...Rồi hãy nghĩ đến kết hợp với chèo!

 Những sự kết hợp này thật ra chẳng phải là avant garde - tiên phong  gì ghê gớm đâu vì trên thế giới những sự phối màu âm nhạc này đã được thực hiện từ lâu, từ Âu sang Á; nó là một sự mở đường cũng như là mở rộng thêm không gian sáng tạo từ ít nhất là  4,5 thập niên rồi và hình như đã gợi ý cho thể loại worldmusic ra đời trong thập niên tám mươi của thế kỷ trước thì phải: Kết hợp tất cả phần còn lại của âm nhạc thế giới - ngoài trừ nhạc pop Âu-Mỹ, nhạc cổ điển - với nhạc dân gian bản địa.

Tuy nhiên, ở Việt Nam trong cái âm quyển bùng nhùng và hỗn tạp của quá nhiều loại nhạc rẻ tiền và dễ dãi. Một số nghệ sĩ như bị bế tắc trong lối ra của sáng tạo, cũng như khát khao muốn chứng minh mình là một thứ âm nhạc tử tế, và nhất là  khẳng định mình có học và sang trọng hơn cái loại âm nhạc đang bị bêu riếu kia, đã tìm dến sự “hợp hôn dị chủng” trên như một sự quyết tâm ly khai và tách mình ra cái ao tù âm nhạc ba xu. Đó là một nhận thức tích cực và đầy trách nhiệm nghệ sĩ của họ .Nhưng vấn đề đặt ra cho nghệ thuật sáng tạo là: ngoài cái được gọi là…sang và sành điệu, cái chân trời họ đi đến để tạo ra một âm quyển mới có khi lại bùng nhùng và hỗn tạp!

Vì sao?

Nói về tính tiên phong, thử nhớ lại câu chuyện của Christopher Columbus-Người tìm ra Châu Mỹ dù thực tế ban đầu ông vẫn lầm châu Mỹ với Ấn độ - và quả trứng gà. Chuyện thế này: Ông đố mọi người để quả trứng gà sống đứng được. Mọi người chịu thua. Ông đập bể một đầu trứng gà và dễ dàng làm điều đó. Mọi người không phục vì cho rằng làm thế ai chả làm được. Nhưng ông chỉ ra giá trị của nó nằm ở chỗ quan trọng hơn: ai là người đầu tiên đã nghĩ ra ý tưởng đó và thực hiện!

Vâng, giá trị tiên phong là vậy và nó đã thuộc về quá khứ từ lâu trong trường hợp nhạc Việt nói trên. Cho nên, đánh giá trào lưu phối ngẫu dị chủng trong âm nhạc Việt bây giờ chỉ còn xét đến tính hiệu quả nghệ thuật của nó mà thôi.

Sự tình là, dường như đã tồn tại một hội chứng” điếc không sợ súng” hoặc” chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng” trong nhạc Việt hiện tại. Vì thực tế, với nội lực của mình các nghệ sĩ chúng ta chưa chạm đến đỉnh cao của bất cứ thể loại âm nhạc nào: Hát cổ điển chưa ra, chơi jazz chưa đạt, nhạc pop tay ngang, technic phang bậy.Cho nên, mọi sự phối ngẫu trên nếu may không cho ra quái thai thì cũng cho ra đời những đứa con èo uột hay chết non! Những loại hình nghệ thuật giả lập như thế có thành công lắm chỉ mang đến một tích tắc của cái lạ tai, lạ mắt; một chớp mắt tò mò rồi…hết, nhường chỗ cho cái lùng bùng ba rọi.

Một ví dụ nôm na cho dễ hiểu và vui tai: Nếu bạn làm món pate gan chưa ngon, và bạn làm mắm tôm cũng vậy. Thì bạn có nên làm món thứ ba tạm gọi là “pa-mắm” kết hợp giữa hai món dở kể trên không? Chắc không rồi, vì nó tất yếu sẽ dở hơn. Có khi là “kinh lắm!”. Cái bạn băn khoăn nhất là làm sao cho pate ngon, mắm tôm tuyệt vời trước đã, phải không?

Vì vậy, trước tiên hãy làm cho chín, cho đạt, cho ngộ đạo và cho sáng tạo từng thể loại âm nhạc đã rồi hãy nghĩ đến chuyện du lịch xa hơn. Nếu không, hành trình âm nhạc đó chắc chắn sẽ lạc đường, sẽ mất hướng và làm nản lòng người đi lẫn người dõi theo.

Mong là âm quyển nhạc Việt đừng có thêm những thanh âm quái thai bên cạnh những đứa con bụi đời.


T.M.P
Back To Top