4.9.13

“MỘT LỜI NHẮN” CHO “NHỮNG LỜI THƯA”



Lý ra tôi không tranh luận với Q.B làm gì vì không muốn làm một việc thừa khi mọi sự đã có “vật chứng” và “bằng chứng” nói lên rất rõ trắng đen nằm ở đâu.Trong âm nhạc nghe là đủ,nghe là hiểu(đơn giản vì nhạc viết ra là để nghe.Nghe để thưởng thức.Nghe để phê bình)Thế nhưng khi Q.B bắt đầu cao giọng dùng ngôn ngữ làm xiếc,cũng như trưng ra nhiều thứ học thuật ghi chép được ở đâu đó để tung hoả mù và lớn giọng đề cao cá nhân mình như một tài năng âm nhạc lớn cùng với phát biểu cho rằng mọi ý kiến đóng góp cho anh  đều là kém hiểu biết và tồi…thì tôi không cưỡng lại được châm ngôn của Hàng Công:”Biết mà không nói là bất nhân.Nói mà không hết là bất nghĩa”.Vì vậy tôi xin đươc nói.

    Theo tôi,một số hiểu biết của các bạn trên banyeunhac.com về âm nhạc thật là đáng nể khi phân tích khá hay về những bài hát giống nhau,nhưng tôi cũng xin được góp ý là các bạn chưa phải đạo lắm khi lại đóng vai một kẻ nặc danh trong lúc đang làm một công việc đòi hỏi phải chịu trách nhiệm chính danh(vì vậy các bạn đã đặt mình vào chỗ bất lợi khi đang ở thế thượng phong)Tôi đã tìm nghe lại rất kỹ những bài hát đó và buộc mình phải khách quan mà nói rằng:Phần lớn nếu những tác phẩm đó của Q.B là… vô tư thì việc sáng tác bài hát chỉ còn là thủ công và nạn đạo nhạc sẽ có một ngoại lệ để biện minh cho những nhạc phẩm copy!Tôi xin tranh luận từng phần một về từng điểm lý luận của Q.B thanh minh cho sự giống nhau của hai bài hát.

  1. Phần giai điệu chỉ là một thành tố, trong khi hòa âm, các phương tiện thu âm, giọng hát và hiển nhiên, ca từ, nhiều khi lại đóng vai trò chính trong việc diễn đạt cảm xúc.

Q.B đưa ra quan niệm như thế.(Hãy gạt bỏ bớt phần ca từ đi vì chúng ta đang phân tích đến yếu tố nhạc mà thôi)Tôi e rằng anh đã quá hốt hoảng khi đứng trước sự thật là có một số bài của anh có giai điệu na ná những bài hát khác mà vội đánh trống lãng.Bởi vì thành tố quan trọng của âm nhạc(trong ca khúc) chính là giai điệu và tiết tấu.Trong khi đó chúng ta biết rõ rằng một bài hát có thể có hàng chục lối hoà âm phối khí khác nhau.Vì vậy nói “hoà âm nhiều khi lại đóng vai trò chính” là buồn cười.Một giai điệu đẹp sẽ là một đắc dụng để sinh ra những hoà âm đẹp,còn vế ngược lại sẽ là một sự khiên cưỡng khó chịu.Có khi một giai điệu đẹp chỉ cần một nền hoà âm đơn sơ minh hoạ là đủ.Nếu quan niệm như Q.B thì nhiều nhạc sĩ hoà âm chỉ làm mỗi công việc là đi tìm giai điệu đẹp của ai đó rồi đặt vòng hoà âm của mình vào,tổ chức phối khí là có thể đứng tên cho toàn bộ bài hát đó!?(Bạn có chấp nhận một số giai điệu của Trịnh Công Sơn được hoà âm công phu lại rồi ký tên tác giả hoà âm?)Nhưng than ôi điều mà ai cũng biết rằng linh hồn và cũng là phần sáng tạo tối thượng nhất của ca khúc chính là giai điệu.Một giai điệu vô hồn thì không thể có một nền hoà âm,một phương tiện thu thanh hay giọng hát kiệt xuất nào có thể tạo nên cảm xúc được(Nếu có cũng chỉ cứu lấy được một phần rất nhỏ thôi)
Và đây là một minh chứng cho thấy chính Q.B tự phản biện mình qua những dòng sau:
“Tình Ca” được viết trên một nền phối khí có sẵn, đó là bản remix không giai điệu của cặp bài trùng xuất sắc Jam & Lewis. Bản mp3 được upload trên một website dành cho các DJs quốc tế, và đương nhiên, royalty-free (miễn tác quyền) cho members”… “Còn cảm hứng chủ đạo của “Tình Ca” thực ra nằm ở câu hát “Sẽ đánh thức tình em đấy, chắc em không ngại” chứ chẳng hề ở đâu khác; và nó chẳng hề vơi đi khi không có bản remix kia.”
Một nền hoà âm có thể free chứ một giai điệu không thể free được(ngoại trừ dân ca)cho thấy chưa bao giờ và không bao giờ một nền hoà âm là một thành tố quan trọng hơn giai điệu,và Q.B cũng tự khẳng định như thế:”nó chẳng hề vơi đi khi không có bản remix kia.”.

Sự đảo lộn 180 độ trong quan niệm của Q.B cho thấy anh đang nguỵ biện với chính mình!

  1. Khả năng trùng hợp hòa âm giữa hai hay nhiều bài hát là rất lớn; vin vào vòng hòa âm giống nhau để kết luận hai tác phẩm ăn cắp của nhau là lý luận tồi, kém hiểu biết.

 Hoà âm tuy không phải là thành tố quan trọng như giai điệu trong ca khúc nhưng nó vẫn đóng vai trò là một sản phẩm âm nhạc(hiểu theo nghĩa phải lao động bằng chất xám).Cho nên cũng rất tối kỵ cho việc hai bản hoà âm giống nhau như đúc nhất là với những bản hoà âm có đường hoà âm đặc biệt,mang nhiều yếu tố tim tòi,sáng tạo trong vòng công năng cũng như cách tạo hợp âm và cả cách giải quyết mối liên kết theo chiều ngang của hàng hợp âm(vì vậy mới có khái niệm hoà âm hay,hoà âm dở)Ta có thể sáng tác trên một nền hoà âm hay của các bài hát giá trị trên thế giới bằng cách lột bỏ giai điệu của nó đi(nhưng rất dễ xảy ra sự tương đồng về giai điệu)như vậy sau khi có một ca khúc mới ta không cần phải làm thêm công việc hoà âm nữa. Điều đó có nên không và các nhạc sĩ hoà âm sẽ phản ứng ra sao khi có một lối hoà âm ăn sẵn như thế?Nói ăn cắp e quá nặng nhưng ăn sẵn thì khá hợp lý hơn.

Nói tóm lại,chỉ cần một kiến thức cơ bản về hoà âm là có thể nghe hai bản hoà âm giống nhau là biết nó giống nhau vì trùng hợp(đường hoà âm đơn giản,cơ bản và bình thường)hay vay mượn,sao chép(đường hoà âm độc đáo,tính sáng tạo cao).Trong trường hợp Q.B, những bản hoà âm này có chất lượng sáng tạo cao theo đúng chuẩn nhạc Âu-Mỹ hiện đại mà các nhạc sĩ hoà âm Việt còn phải học hỏi nhiều.

3. Xu hướng “nhại lại”, “cắt dán” của trào lưu post-modernism

Nhiều năm trước tôi đã không lạ gì về phương pháp viết bài hát của Q.B. Đó là lối sáng tác theo mô hình và công thức đã được thiết kế sẵn theo từng thể loại thậm chí theo từng kiểu giọng.Mô hình và công thức đó được tham khảo và lấy làm chuẩn mực từ rất nhiều ca khúc đa thể loại và đa phong cách của Âu-Mỹ đã được Q.B làm đầu ra cho tác phẩm của mình theo kiểu sản xuất công nghiệp.Có một vài lần trò chuyện về nghề nhạc ,Q.B đã một phần hé lộ với tôi như thế.Lúc đó tôi có nói bóng gió với anh rằng tôi rất thán phục kiểu làm việc cần mẫn như con ong thợ của anh nhưng đứng về mặt cảm xúc nghệ thuật thì nên coi lại,và tôi cũng lưu ý anh hãy coi chừng trường hợp”tẩu hoả nhập ma”có thể khiến giai điệu của anh sẽ dẫm chân lên giai điệu của người khác.Lúc đó ns Đoàn Xuân Mỹ(người thời đó hay đàm luận với tôi và Q.B về âm nhạc do chúng tôi cùng cộng tác một thời gian ngắn với trang âm nhạc của báo Tuổi trẻ chủ nhật mà anh Mỹ phụ trách)cũng là người nêu lên quan ngại đó với tôi,bởi vì:”Sáng tác vừa không phải là một hành vi sao chép một công thức lại vừa không phải là một trò gieo xúc xắc. Việc ấy đòi hỏi tri thức về văn hoá và tư duy độc lập”(nhà soạn nhạc và nghiên cứu âm nhạc Trung quốc Chu Văn Trung-lấy từ nguồn Giai điệu xanh)

                  Sáng tác phải là một hành vi văn hóa và tư duy độc lập mới đáng được tôn vinh

Và hôm nay chuyện tất đến đã đến…

Còn trào lưu “nhại lại” và “cắt dán”?Một trào lưu nghệ thuật không thể nắm lấy bản chất nó qua vài từ hiểu theo nghĩa đen.Cũng có thể tin rằng sự “nhại lại”  hoặc “cắt dán” được đưa vào một ý niệm nghệ thuật chứ không phải theo lối “thủ công”và họ lấy thái độhành vi chứ không hẳn là tác phẩm để phản kháng lại một thời đại,xã hội quá rập khuôn và máy móc.Bởi vì đề cao trào lưu này theo kiểu sao chép đầu Ngô mình Sở thì thật tội nghiệp cho lao động của nghệ thuật sáng tạo quá.Và nghe Q.B qua một số bài nghi án,tôi đã thấy rõ anh “nhại lại” và “cắt dán”theo kiểu một người thợ hơn(dù là một người thợ giỏi nghề) là một cảm thức nghệ thuật hoặc đưa ra một thái độ xã hội ngoài “tác phẩm”nhại lại của mình
Tôi nhớ và mọi người còn nhớ hơn tôi khi anh đã từng viết báo phê bình lối viết bài hát nhái và sao chép nhạc Hoa,Hàn,Thái…của một số nhạc sĩ trẻ .Anh nghĩ sao khi tôi biện hộ dùm là họ cũng chỉ là con dân của trào lưu post-modernism( nhại lại và cắt dán)đáng kính của anh?Tuy nhiên ,cũng phải thừa nhận cách nhại lại và cắt dán cùa anh tinh vi và công phu hơn các tác giả trẻ kia nhiều,và đối tượng”nhại lại” của anh là các tác phẩm có giá trị cao chứng tỏ anh có thị hiếu thẩm mỹ cao hơn họ.

Có một điều rõ rệt như ban ngày mà chính Q.B đã đưa ra qua các biện minh về các bài hát của mình. Đó là:chủ tâm lấy nhiều chủ đề âm nhạc khác để biến tấu và phát triển trong nhiều bài hát của mình.Chính ở chủ tâm này cho thấy anh ít nghiêng về cảm xúc của nghệ sĩ mà lại ngã về hướng tinh xảo của người thợ hơn.Một nhạc sĩ dựa trên một chủ đề rồi phát triển thành một tác phẩm hoàn chỉnh của mình là chuyện bình thường và chấp nhận được nếu”quang minh chính đại”theo 3 điều kiện sau:
-Đừng quá lạm dụng trong nhiều sáng tác của mình(vay mượn quá nhiều cảm hứng của người khác cho thấy mình là người ít cảm xúc và ít khả năng tìm ra một chủ đề âm nhạc hay nên cần phải nhờ sự”mở đường” của người khác)
-Nếu chủ tâm vay mượn chủ đề thì phải nói rõ xuất xứ chứ không nên để mọi người có thắc mắc rồi mới dẫn chứng dễ bị hiểu là “mập mờ đánh lận con đen” (ở nước ngoài người ta có thể đi kiện nếu chủ đề âm nhạc bị người khác lấy mà không xin phép hoặc không ghi rõ nguồn gốc). Q.B không rạch ròi chuyện này trước đây.
-Thủ pháp phát triển như thế nào để cho thấy tính sáng tạo của mình ở phần phát triển tiếp theo của âm nhạc,khi đó chủ đề vay mượn chỉ còn là cái cớ để cảm hứng và sáng tạo của mình được khẳng định.Còn nếu ngược lại thì cái án đạo nhạc khó lòng buông tha.Nghe kỹ lại Q.B thì sự phát triển của anh ăn theo quá nhiều hấp lực của chủ đề nên hiệu quả sáng tác thì ít mà phóng tác thì nhiều.
Tôi chỉ có thể đứng về phía Q.B trong trường hợp bài “Còn ta với nồng nàn”với”Swan Lake”(Hồ Thiên Nga)của Tchaikovsky.Kết tội bài này là không đúng,bởi vì đúng như anh nói”nó chỉ là cái cớ cho bài phối khí”. Điều này nhiều nghệ sĩ Âu-Mỹ cũng đã từng làm với Romance hay Letter for Élyse.Và tôi cũng đính chính dùm báo Phụ Nữ TPHCM luôn khi so sánh bài”Promise me”(B.Craven hát) với bài “Còn ta với nồng nàn” mà thật ra là na ná với bài “Cám ơn một đoá xuân ngời”.Cách đây mấy năm khi Q.B mời Mỹ Linh hát thì Linh cũng đã đưa ra nhận xét là”giống một bài ngoại quốc nào đó”.


Tôi nghĩ Q.B thường nhắc đến hai chữ tình yêu thương khi bị người khác phê bình,tôi mong sao trong những bài phê bình của anh sau này cũng cố gắng làm được như thế thì mọi người sẽ quên đi  một Q.B trước đây thường phê bình kẻ cả,ngạo mạn và rất ác khẩu đối với những đối tượng bị anh phê bình.Tôi cũng tin Q.B vẫn và sẽ còn nhiều tác phẩm hay khác mang dấu ấn rõ rệt của anh hơn. Tôi xin hẹn không ngại ngần rằng sẽ có lúc viết môt bài ca tụng anh qua những gì anh dám nhận,sữa chửa để hoàn thiện mình hơn,bởi vì chúng ta là con người chứ đâu phải thánh nhân, đúng không?

T.M.P
Back To Top