4.9.13

Một vườn hồng đơn điệu hay vườn hoa đa sắc?

Đúng là chúng ta luôn luôn lấy nhạc Tây làm chuẩn mực(Xem bài”Tại sao nhạc Tây hay”và”Bằng cách nào tôn vinh bản sắc Việt”),không phải chỉ có ở nhạc trẻ bây giờ mà nó đã đương nhiên có từ cách đây gần ¾ thế kỷ tính từ thời kỳ tân nhạc.Mà cũng chẳng riêng gì ta mà các nền nhạc trẻ châu Á khác cũng lấy nhạc học của Tây nhạc làm chuẩn mực.

Vì thế hãy bắt đầu từ cái gì gần gũi hơn và đơn giản hơn, đó là so sánh với nhạc trẻ Việt với nhạc trẻ Á châu thôi(Hãy tạm quên Âu-Mỹ đi đã).


                                                        Một nhóm GirlsBand Châu Á

Các bạn cũng như tôi không thể chối cãi rằng nhạc Hoa,Nhật ,Thái,Hàn,Indo… đã đổ bộ vào Việt Nam và được giới trẻ tiếp nhận nồng nhiệt như thế nào(Dĩ nhiên là ở các mức độ khác nhau)thậm chí còn đi vào cả sáng tác của một số người viết nhạc trẻ.Nhưng nhạc Việt có bao giờ làm được việc đó hay không-nghĩa là tìm được chỗ đứng trong trong các nước châu Á khác?Trong khi đó chúng ta cũng thừa biết những nền nhạc trẻ kể trên chưa là cái đinh gì trong mắt dân nhạc Tây!

Tôi cũng tin như đinh đóng cột rằng các bạn trẻ của các nước châu Á cũng luôn cho rằng nhạc Tây luôn hay hơn nhạc của họ nhưng họ có được một niềm tự hào là nhạc của họ vẫn có đất dụng võ ở các nước láng giềng Á châu.

Ở châu lục của chúng ta cách đây khoảng một thế kỷ chưa có khái niệm người viết nhạc hay nhà soạn nhạc bởi vì âm nhạc chỉ được truyền khẩu là chính và các hệ thống nhạc học còn khá sơ sài và ít được đặt trên một cơ sở lý luận có tính hệ thống và khoa học cao nào cả.Tuy nhiên,không phải vì thế mà nền âm nhạc Á châu không gây ảnh hưởng gì đến nền nhạc Tây. Đã từ lâu cây đàn Violon được coi là Hoàng tử của dàn nhạc cổ điển Châu Âu thật ra có quê hương từ Ả Rập, đó chính là cây đàn Rabab.Còn đất nước Mông Cổ nổi tiếng về Thành Cát Tư Hãn hơn là âm nhạc cũng được nhạc Tây ve vãn qua việc một số nhạc sĩ Mỹ học hỏi lối hát đồng song thanh để ứng dụng vào các tác phẩm của mình.Chưa hết,nhóm Beatles kỳ vĩ của nhạc Pop cũng từng se duyên với nhạc cụ Shi-ta của Ấn độ trong một số bài hát của họ.Trong khi đó ngũ cung của Nam Dương đã từng là niềm cảm hứng của Debusy để ông đẻ ra chủ nghĩa ấn tượng trong âm nhạc,và còn nhiều minh chứng nữa mà hiểu biết của tôi không nắm hết…

Cho nên cũng rất khó thuyết phục và hơi mang tính tự ti khi cho rằng một nền âm nhạc trong quá khứ không có những thành quả nào thì tương lai của nó mãi mãi cũng gần là con số không.Thử quay lại với nền nhạc Mỹ.Có thể nói nhạc trẻ Mỹ đang thống trị thế giới nhưng đất nước này trong dĩ vãng không có một phát kiến lớn nào về nhạc học như Đức tự hào về “hệ thống thang âm bình quân luật”của J.S.Bach,hoặc cây đàn guitar của niềm hãnh diện Tây Ban Nha.Một sản phẩm của Mỹ tạo nên một cuộc cách mạng trong nhạc trẻ thế giới là nhạc Rock’n’Roll cũng lấy một phần từ nhạc dân gian châu Phi là Ragtime.Và sau này cả Rap,HipHop-những sản phẩm rặt Mỹ cũng có dây mơ rễ má với âm nhạc của lục địa đen.Trong khi đó Đức chưa bao giờ là đối thủ xứng đáng của Mỹ trong nhạc trẻ,Tây Ban Nha cũng ít cống hiến cho thế giới một guitarist Pop-Rock lừng danh thiên hạ nào như Mỹ đã sản sinh ra.
Vậy thì đừng tự ti đến mức độ xấu hổ cho rằng nhạc Việt có một nền nhạc học đơn sơ và chỉ có được cây đàn bầu bé nhỏ mà lại…bất tiện để rồi nguyện làm mãi kiếp nô lệ trong âm nhạc.

Chúng ta đã nghe quá quen thuộc đến các cụm từ “nền văn hoá toàn cầu”,hoặc”đa văn hoá”, đó chính là một trong những xu hướng to lớn nhất của nhân loại đã và đang diễn ra .Tính đa văn hoá hoặc toàn cầu hoá này xuất hiện do sự giao thoa và giao lưu giữa các nền văn hoá nhưng hoàn toàn không có nghĩa cho phép một nền văn hoá này xoá sổ một nền văn hoá kia theo kiểu cá lớn nuốt cá bé mà ngược lại nó lại làm giàu có thêm cho mỗi nền văn hoá khi hoà quyện và thẩm thấu vào nhau như nền âm nhạc đương đại của Mỹ là một minh chứng.Cho nên làm gì có chuyện nhạc thuần Việt hay thuần Tàu,thuần Mỹ trong bức tranh toàn cầu hoá về văn hoá đó(chữ “thuần tuý”này nên hiểu theo nghĩa tương đối để chỉ một thứ âm nhạc của một quốc gia,một sắc tộc nào đó)nhưng cũng không thể có một nền âm nhạc của nước nhỏ này lại chấp nhận lấy một một nền âm nhạc của nước lớn khác làm nên diện mạo văn hoá của mình. Đó là một sự tự sĩ nhục.

Cái cuối cùng chính là tài năng và sức mạnh văn hoá của người nhạc sĩ sẽ quyết định.Vâng,nhạc Tây rất hay và rất tuyệt.Nhưng chúng ta phải biết tự nhủ mình rằng chính ra do tính sáng tạo và tài hoa của chúng ta còn quá kém để đánh thức,chấp cánh cho các làn điệu dân ca Việt cũng như chưa biết cách thâu tóm âm nhạc của họ để kiến tạo nên một nét âm nhạc đặc thù của chúng ta,tuy chưa hay được như Tây nhưng cũng nên hình nên vóc của một bản sắc đủ tư cách hội nhập một cách bình đẳng với”một muc tiêu gần”là âm nhạc của các nước trong khu vực châu Á.Thế thì làm một nhạc sĩ chân chính đâu phải là đơn giản như uống môt ly cà phê,nhâm nhi ly trà,và việc sản sinh ra vô khối nhạc sĩ như hiện nay sẽ chấm dứt khi người viết nhạc ý thức một cách nghiêm túc và đầy trách nhiệm về sáng tạo của mình.
Có thể ở giai đoạn, thế thế hệ này công việc kể trên là bất khả,nhưng chúng ta không được phép cho ta cái quyền phủ định bản thân và phải biết hun đúc tinh thần sáng tạo để truyền lại cho thế hệ sau và sau nữa cho đến khi việc làm đó trở nên khả thi.

Để kết thúc bài này,tôi xin kể chuyện về một vườn hoa. Ở đấy có rất nhiều loại hoa khác nhau nhưng đẹp nhất vẫn là hoa hồng được gọi là nữ hoàng của các loài hoa.Một ngày kia các loài hoa khác đều muốn mình trở thành hoa hồng vì muốn được gọi là nữ hoàng.Thế là vườn hoa trở nên một vườn hồng đơn điệu vì chỉ thuần là một loài hoa.Thương đế bèn quyết định trả mỗi loài hoa trở lại hình bóng cũ.Còn loài hoa nào yêu hoa hồng thì ngài cho chúng hôn phối với nhau để tạo nên một loại hoa khác tuy vẫn còn nét hồng hoa nhưng thực sự là một loài hoa mới.Từ đó vườn hoa trở nên tuyệt vời hơn vì tính đa sắc và đa hương của nó.

Nền âm nhạc vừa bản sắc vừa đa văn hoá của thế giới cũng tương tự như vườn hoa đó.

T.M.P
Back To Top