13.9.13

CHÉN ĐẮNG PHÊ BÌNH AI DÁM UỐNG?


Nhà phê bình phải chấp nhận mình là một người cô đơn và ít ai ưa, và càng chân chính họ càng không được ưa.

                                   Nhà phê bình chân chính là một chiến binh đơn độc

Có ai trên đời này lại thích chê, hoặc bị chê mà thấy vui trong lòng? Không thấy buồn là đã một người bản lĩnh và đáng nể rồi,mà đó là với lời chê đúng! Dù người ta nói: Ai chê đúng là thầy của ta.

Cho nên người bản lĩnh và có văn hóa thì tuy buồn nhưng họ lại cho đó là dịp may để nhận ra gót chân Achilles của mình, và nếu lời phê không chính xác thì họ sẽ phản biện trong tinh thần tranh luận lành mạnh có khoa học và logic của sự việc. Nhất là tôn trọng con người của nhau.

Còn ngược lại, người không có thiện chí tiếp thu và thiếu văn hóa phản biện thì sẽ có cách hành xử là tấn công vào nhân cách người phê bình, đánh vào nhân phẩm người khác chứ không lấy vấn đề lý luận ra để chứng minh  ai đúng ai sai. Thường họ kết luận người phê bình bằng ngôn từ thế này: ngu dốt, vô học, có ý đồ vùi dập cá nhân, lên mặt dạy đời, ra vẻ ta đây…chẳng khác nào một cuộc chửi lộn hè chợ. Chưa kể sau đó là các hành động và vận động ráo riết để cô lập hoặc tẩy chay người phê bình nếu như đối tượng bị phê là người có chút quyền, chút thế. Đôi khi cũng không cần vận động, chỉ cần một vấn đề bị mổ xẻ của nhà phê bình tuy chỉ đụng đến một cá nhân nhưng nếu đó lại là vấn đề phổ quát thì nó như hành vi bứt dây động rừng, sẽ kéo theo một đám đông liên quan khác chống lại nhà phê bình với mục đích triệt tiêu cái gai khó chịu đó.

Mà trong thời đại các quan hệ còn quan trọng hơn công nghệ thì người phê bình thường đánh mất rất nhiều mối quan hệ hoặc nếu không mất thì nó trở nên ít suôn sẻ. Cho nên họ càng ngày càng cô đơn, và thậm tệ hơn công việc làm ăn của họ còn đình trệ hoặc chấm dứt.

Nhà phê bình phải trả giá như thế nhưng nếu vấn đề họ đưa ra được nhìn nhận và thu về những thay đổi tốt đẹp và tích cực cho xã hội hay cộng đồng thì họ ít ra cũng được có một phần thưởng tinh thần quý báu. Nhưng chua xót có khi là ngược lại, vấn đề vẫn như cũ và người bị phê có khi lại được tôn vinh còn người phê thì bị hoài nghi và đánh giá là có vấn đề về tư tưởng hay nhân cách!

Làm phê bình sẽ nhận được kết quả như vậy thì xin hỏi có ai dũng cảm đeo gông vào cổ không, và nếu can đảm dám làm thì những cái gông kia cũng làm nhà phê bình chết dần chết mòn đi trong một tuổi thọ nghề rất ngắn ngủi. Để rồi họ mất tất cả và trở thành người cô đơn và bị cô lập.

                          Từ chiến binh cô độc họ trở thành người cô đơn trong xã hội

Nhưng thỉnh thoảng như gió trở mùa, họ nghe buốt đau xương tủy khi thỉnh thoảng xã hội lại gào lên lúc gặp phải sự bê bối nào đó trong nghệ thuật bị đổ bể: Nhà phê bình ở đâu???

Nhà phê bình đang bị chà bị đạp bẹp nhí dưới chân cái xã hội đang gào to: Nhà phê bình ở đâu???

Sao không nhìn xuống chân cái số phận bị số đông giày xéo bấy lâu nay để nắm tay kéo họ lên và trao cho họ cơ hội và môi trường bình đẳng để họ nói lên đúng sự thật mà không bị đeo cái gông nào vào đầu vào cổ?

Sao không làm thế , sao lại gào to : Nhà phê bình ở đâu???

Họ vẫn ở đây!

Nhưng chén đắng uống mãi thì làm sao sống đàng hoàng để viết tử tế?!


T.M.P
Back To Top