Sáng tạo hay tạo tác là một khái
niệm bao trùm nghệ thuật như khí quyển bao trùm trái đất. Nó luôn là phương
châm, là cứu cánh, là mục tiêu tối thượng của nghệ sĩ chân chính. Sáng tạo ra
tác phẩm hướng tới tính duy nhất- chối bỏ tính lặp lại. Tạo tác nhằm tìm ra độc
bản- khước từ nhân bản. Cho dù với lý do gì: vị nghệ thuật hay vị nhân sinh, giải
trí hay trí tuệ…đã nói đến sáng tạo là nói đến những yếu tính trên cho dù có thể
chấp nhận ở những mức độ đậm- nhạt, đặc- loãng khác nhau.
Có câu ngạn ngữ-Người đầu tiên nói: em đẹp như một bông hồng,
đó là một thi sĩ. Người thứ hai nói: em đẹp như một bông hồng, đó là một người
bình thường. Người thứ ba nói: em đẹp như một bông hồng, đó là một con lừa!
Trong sáng tạo khi đã làm cái thứ
hai như cái thứ nhất thì đã là sao chép rồi, và tiếp cái thứ ba, thứ tư, thứ n
là thuộc tầng cấp tầm thường. Khi đó nó không chỉ không phải là tạo tác mà là: một
- ấu trĩ nghệ thuật, hai- muốn thể hiện,khoe mẽ hơn là khai phóng tâm hồn, ba-
lái buôn, nghĩa như mượn danh sáng tác để sống bằng thương mại.
Thật ra, những cấp độ từ “sáng tạo”
rồi “thể hiện” và “thương mại” nếu nằm trong một chu trình liên kế hữu cơ với
sáng tạo mở đầu thì sự thể hiện, khoe mẽ và thương mại -nếu có- thì không có gì
là tầm thường cả; vì suy cho cùng sự thể hiện,khoe khoang và mưu cầu lợi danh đều
là nhu cầu tự nhiên của nhân loại. Nếu
không, tất cả những điều còn lại mà
không có sáng tạo làm tiên đề đều như một
xác chết nghệ thuật bốc mùi khó chịu.
Buồn Nôn là gì? Ai mà không biết
đó là một phản ứng sinh lý khi vì nhiều lý do mà thức ăn không thể hoặc chậm tiêu hóa trong dạ dày đành phải nôn ra. Hoăc là một cái gì làm ta chán ngấy và tởm lởm cùng cực.Hay
là một sự cố ý kích thích thực quản-như tự móc họng- để nôn. Khi viết một tác
phẩm âm nhạc hay trình diễn chẳng hạn mà người ta bảo chúng ta đang “nôn” ra một
bài hát, một bản nhạc chứ không phải là tạo tác thì chắc chúng ta cũng hiểu người
ta đánh giá như thế nào về phẩm chất “nghệ thuật” của nó: Chúng ta chỉ du nhập
vào đầu, vào tiềm thức mọi thứ sáng tạo đã có mà ta đã chủ động hay bị động tiếp
nhận, để rồi không thể hay không biết cách tiêu hóa chúng đi và đành nôn ngược
trở ra mọi thứ hầm bà lằng i xì như ban đầu hoặc không nguyên vẹn mà trộn lẫn
gây khó nhìn và khó ngửi vô cùng. Tội tình là, có khi chúng ta lại tự hào đó là
sáng tạo của chúng ta!? Còn trường hợp tự móc họng mà nôn? Một- cố tình lấy cắp
của sáng tạo người ta rồi ký tên lại hay xào nấu gia công , tái sắp đặt để đánh
lừa thiên hạ và đứng tên mình. Hai- với sự tỉnh táo rợn người, tác giả cố ý huy
động cái gì có thể có về mặt kỹ thuật để tương hết lên tác phẩm như một
showroom nhằm phô trương, “khoe của” về sự học như một trưởng giả học làm sang.
Khi đó, kỹ thuật lấy thịt đè bẹp nghệ thuật khiến nó cũng buồn nôn!
Vì vậy, người làm nghệ thuật vì một
sự khai phóng nội tâm và khai mở thần trí của mình trong một ý thức tự trọng
sáng tạo thường không chấp nhận sự “nôn” trong nghệ thuật vậy đâu. Dù là bị nôn
hay tự móc họng mà nôn. Thà họ không viết gì nữa, không sáng tác nhạc nữa,không
trình diễn nữa còn hơn là do muốn thể hiện, khoe mẽ mình đang làm nghệ thuật để
nôn ra những thứ bốc mùi mà chính họ là người đầu tiên phải ngửi rồi sau đó là
làm xung quanh phải buồn nôn vì chính cái chúng ta đã nôn ra làm chán ngấy cả
không gian âm nhạc! Chỉ có, vì những mục
đích tầm thường, ai đó mới chịu được những cơn nôn trong suốt cuộc đời nghệ sĩ
của mình. Đáng tiếc, là vẫn có những khán thính giả- chắc do có vấn đề hay trục
trặc về giác quan nên ngửi sự nôn mà vẫn thấy dễ chịu và có khi lại nhìn lầm những
bãi nôn kia là những thức ăn hảo hạng và đậm đà hương vị.
Còn riêng tôi, trong rất nhiều
trường hợp khi nghe, khi thấy các sản phẩm âm nhạc đương đại, đương thời trong
không gian nhạc Việt không hiểu sao tôi lại nhớ đến”Buồn nôn” của Jean-Paul
Sartre. Và vì buồn nôn nên tôi mới viết những dòng này, mong sao cho hết buồn
nôn.
T.M.P