30.10.13

Nhạc sĩ Đức Huy “bắt bệnh” nhạc Việt: Bơ trộn mắm tôm không thể là… món mới!


                                                            Nhạc sỹ Đức Huy. Ảnh: TL

"Nhạc trẻ thực sự là thảm họa bởi vì các bạn trẻ cứ nhắm mắt học theo người ta, pha trộn đủ màu, đủ mùi, đủ vị, kiểu như trộn bơ với mắm tôm, rồi hồn nhiên giới thiệu với công chúng rằng đó là món mới...", nhạc sỹ Đức Huy nói.

Phải truyền cảm hứng  tới người nghe
Thưa nhạc sĩ Đức Huy, vì sao hiện nay nhạc xưa lại "lấn át" nhạc trẻ?

- Thời bây giờ, nếp sống vội vã trôi đi quá nhanh. Sau những cuốn trôi đó, đến một lúc tách được khỏi tâm xoáy, tâm hồn con người ta sẽ lắng lại như một chu kỳ cần thiết. Có phải vì thế mà người ta thích sự trữ tình và chiều sâu của các nhạc phẩm bất hủ chăng?

Theo anh, nhạc xưa có những giá trị vượt thời gian chứ không phải chỉ bao gồm các bài nhạc tình lãng mạn, ướt át, ủy mị như một số người vẫn nghĩ?

- Kho tàng nhạc xưa sở hữu được những tố chất quý, kết hợp giữa sự sang trọng, tinh tế của âm nhạc và ca từ đậm chất Việt Nam. Điều này đã được chứng minh qua thời gian rất dài nên không lạ khi nó luôn là sự lựa chọn của cả người hát lẫn người nghe. Chắc chắn không chỉ những người có tuổi đâu mà tôi thấy giới trẻ cũng vẫn cảm nhận được giá trị của dòng nhạc này.

Những ca khúc trữ tình vang bóng ẩn chứa những giá trị vượt thời gian cần được làm mới lại để mang thêm những giá trị từ hơi thở thời đại?

- Nếu làm được điều đó thì thật tuyệt vời. Và chính điều đó sẽ duy trì sức sống của tác phẩm. Không còn gì sung sướng bằng khi được thụ hưởng những tác phẩm có nhiều sự sáng tạo hợp tác trên nguyên tắc nỗ lực cống hiến cho nghệ thuật. Đối với tôi bây giờ, tiêu chí quan trọng nhất là phải truyền cảm hứng tới người nghe.

“Sao” như bóng bơm căng, vỡ ra toàn… nước miếng!

Anh nghĩ sao về tình trạng danh xưng “ca sỹ” quá nhiều?

- Tôi làm âm nhạc đã 50 năm, trở lại Việt Nam cũng được 9 năm rồi. Tôi đã nghe quá nhiều những câu kiểu như "hiện tượng" đấy, "ngôi sao của thế hệ kế tiếp" đấy, thế nhưng tôi cứ chờ đợi mãi vẫn không thấy "sao" tỏa sáng.

Cuối cùng thì chỉ là những "ngôi sao tự phong" và được thổi phồng?

- Y như một quả bóng được bơm căng lên mãi, căng đến một mức độ không thể chịu đựng nổi nữa, thì sẽ vỡ tung. Tôi sợ lắm. Bởi vì khi đó bắn văng ra khắp nơi sẽ chỉ toàn là... nước miếng!

Có đúng là ở Việt Nam hiện đang xuất hiện những thứ khiến người nghe cứ tưởng là âm nhạc hiện đại nhưng thực ra thế giới đã có từ lâu rồi? 

- Có đấy! Đó thực sự là thảm họa bởi vì các bạn trẻ nhắm mắt học theo người ta, pha trộn đủ màu, đủ mùi, đủ vị, kiểu như trộn bơ với mắm tôm, rồi hồn nhiên giới thiệu với công chúng rằng đó là món mới. Tôi sợ nhất là đi đâu cũng lặp đi lặp lại những màn 12 cô cậu vừa nhảy vừa hát. Nhái Hàn Quốc làm gì khi mà chính Hàn Quốc cũng đi học mấy món đó từ Mỹ, đưa về đất nước của họ. Nếu muốn học, thì cần phải có kiến thức thực sự và tìm hiểu đến nơi đến chốn chứ không phải copy chụp giật, vội vã, chỉ để thỏa mãn thị hiếu cấp thấp và kiếm lời.

Thời đại “nhạc mỳ ăn liền”

Đã quá nhiều ý kiến kêu ca về sự đau đầu với ca khúc Việt hiện đại, rằng nhạc trẻ không ra chất Việt mà lai căng, sính ngoại, nhiều "chiêu" xào xáo, trơ trẽn, dung tục...?

- Trong lịch sử âm nhạc có thể nhắc tới ban nhạc Anh, The Beatles như một biểu tượng đã làm thay đổi cục diện âm nhạc của thế giới… Những năm 1960-1970, âm nhạc mà The Beatles đưa ra khiến công chúng ngỡ ngàng, vì quá mới mẻ, quá đột phá. Thế nhưng, sau khi phân tích kỹ thì các nhà nghiên cứu đã phát hiện các học hỏi mà The Beatles đã học từ âm nhạc của Beethoven, Bach... Tuy nhiên, The Beatles là các học trò giỏi, họ đã lấy được những tinh hoa văn hóa hàng đầu thế giới để xây dựng và bộc lộ nét tinh anh, hào hoa của chính mình.

Muốn dùng "chiêu", muốn xào xáo cũng được nhưng vấn đề là tay nghề "nấu nướng" của bạn cỡ nào? Cần phải thực sự nắm vững luật, để rồi sau đó mới có thể phá luật, chứ không phải “chưa học bò đã lo học chạy”, mới vừa có được một, hai ca khúc nổi lên mà đã tự mình nâng mình lên bậc sư phụ.

Những năm 1990 của thế kỷ trước, có khái niệm rất phổ biến về "phim mỳ ăn liền", còn hiện nay, xã hội chúng ta lại sản sinh ra "nhạc mỳ ăn liền"?

- Lỗi này thuộc về thời đại kỹ thuật số, ai cũng có thể tự đưa hình ảnh và âm thanh của mình lên mạng nhanh quá… Nhạc đại chúng thì không thể nào phản ánh được mức độ phát triển văn hóa, cho dù là ở một đất nước mà âm nhạc đại chúng phát triển như nước Mỹ.

Con trai có ngọc phải chịu đau đớn. Nghề nào cũng nhọc nhằn lắm chứ không phải chỉ có hào hoa với ánh đèn sân khấu đâu. Trước hết, hãy xác định trong chính lòng mình. Bạn chắc chắn về điều gì nhất? Nếu bạn chắc chắn muốn hiến dâng cả cuộc đời cho âm nhạc thì hãy đi trên con đường này. Chứ những thứ na ná như ngọc thật, kiểu như hạt trai giả bằng nhựa chẳng hạn, vẫn có thể lấp lánh để tô điểm cho cuộc đời đấy, nhưng chỉ được một thời gian nào đó thôi. Thật - giả sẽ phân minh. Và cho dù là không phân minh được đi chăng nữa, có thể cả triệu người đeo hạt trai giả và chỉ có một số ít những người sành đến mức phân biệt được trai thật thì đó thực sự là những con người "có giá", và giá trị thật thì bao giờ cũng rất cao.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!


Theo Gia Đình
Back To Top