Chuyện có đủ tài năng cho các cuộc
thi hay không giờ không còn là vấn đề ưu tiên đặt ra nữa vì kể từ ngày có cuộc
xâm lăng của truyền hình thực tế vào lãnh địa trước nay vốn tưởng chỉ đặc quyền
dành cho các tài năng thi thố, để biến mỗi buổi thi thành một tập phim truyền
hình đủ mọi tình tiết lâm ly.
Tuy nhiên, có một nghịch lý khó
giải thích từ phía người xem - đối tượng quyết định thành bại của mọi chương
trình - là vừa thích thú xem một chương trình hấp dẫn, tức là phải có nhiều kịch
tính, muốn vậy phải có dàn dựng, phải có thủ thuật hậu trường, nhưng đồng thời
lại đòi hỏi một cuộc thi minh bạch rõ ràng công khai và người chiến thắng phải
là người tài năng nhất (dù chưa chắc đã là yếu tố hấp dẫn nhất). Liệu một cuộc
thi có truyền thống như Tiếng hát Truyền
hình dù đã vài ba lần thay da đổi áo có đủ khí tiết để khẳng định uy tín
mình đã có bao năm qua? Liệu Vietnam
Idol có tranh thủ được cơn xuống nhiệt của để giành lại thế thượng phong như mùa gặp may có Uyên
Linh?đang bắt đầu khởi động
liệu có tiếp tục là con gà đẻ trứng vàng cho nhà sản xuất như The Voice mùa đầu hay không? Bốn cuộc
thi hát, cuộc gần về đích, cuộc đang lấy đà, cho chúng ta một hình dung khá thú
vị về diện mạo của đời sống nhạc Việt lúc này.
Những người chỉ trích Sao Mai là
cũ mòn không nghĩ tới thực tế đây chính là nơi các giọng hát dòng thính phòng
và dân gian tìm kiếm vận may đổi đời, bởi Idol hay The Voice không có chỗ cho họ.
Nhạc Việt bị chi phối bởi các cuộc thi
Sở dĩ nói rằng có liên quan đến
diện mạo nhạc Việt là bởi lúc này nhìn quanh quẩn thấy mọi chuyện dường như chỉ
toàn xoay quanh… các đêm thi. Báo chí chờ thi xong để viết bài, cũng chỉ là em
này lên phong độ, em kia gây thất vọng, giám khảo châm chọc nhau. Mà giám khảo
giờ cũng toàn ca sĩ ngôi sao nên lại càng trở thành nguồn tin giải trí được ưa
chuộng, mà cũng nhàn. Khi cuộc thi chấm dứt, thì có lẽ trừ trường hợp bé Phương
Mỹ Chi là một ngoại lệ do phần lớn các bài báo về em đều có ít nhiều lên quan đến…
tiền (chẳng hạn đồng hồ tiền tỷ, hét giá trăm triệu…), dễ “câu view”, còn thì
phần lớn dư luận cũng ngay lập tức quay đi tìm nguồn vui ở những cuộc thi khác,
không có nhiều thời gian bận tâm cho sự phát triển của ngôi sao vừa được cuộc
thi tạo ra. Nói các cuộc thi chi phối diện mạo nhạc Việt là thế.
Trong bối cảnh như vậy, những cuộc
thi hát kiểu Tiếng hát Truyền hình
(sau khi đã bình cũ rượu mới thành Ngôi
sao Tiếng hát Truyền hình rồi Ngôi
nhà âm nhạc) nay trở lại format thuở ban đầu đã được hai năm, liệu có còn sức
hút không? Trước đó không lâu, Sao Mai
2013 diễn ra khá âm thầm, chịu đủ mọi lời chê bai vì “thiếu hấp dẫn” và cuối
cùng tìm ra được những giọng hát khá xuất sắc nhưng vẫn chìm nghỉm giữa rừng
thông tin về những đôi co giám khảo - thí sinh của The Voice, vốn chẳng liên quan gì tới chuyện hát hay hát dở. Rồi tới
lượt The Voice bắt đầu nguội, là có
ngay những bài viết PR nhằm đánh bóng cho Vietnam
Idol ngày trở lại với hy vọng phục thù sau mùa trước bị “đè” cho bẹp gí. Có
vẻ những chuyện tranh cãi, so sánh, lườm nguýt lẫn nhau như vậy hấp dẫn công
chúng hơn là bản thân mỗi cuộc thi.
Vậy nên, giữa bối cảnh chen chúc
giành giật nhau như vậy, chuyện tìm ra người để đi thi không còn là ưu tiên
hàng đầu nữa. Cho dù dư luận hay có những băn khoăn rất chính đáng như là vét
đâu ra người thi hát thì thực tế chỉ ra người không bao giờ thiếu, chỉ thiếu
người hát hay thôi, mà tình hình hiện nay cho thấy hát hay không phải là yếu tố
tiên quyết cho các cuộc chơi kiểu này nữa. Mọi người đều hiểu rằng chất lượng
thí sinh sẽ theo chiều đi xuống, mà kể cả có đi lên bất chợt thì cũng chưa đủ sức
mà làm náo loạn dư luận vì dư âm mùa cũ chưa qua thì mùa mới cứ phải chờ đấy
đã. Cho nên việc cần làm là làm sao tạo độ “hot” cho cuộc thi. Và cái này thì mỗi
“nhà” có một công thức khác nhau, nhà ra công khai, nhà ngấm ngầm, chưa chắc ai
hơn ai.
Cũ và mới - Ai hơn ai?
Những người chỉ trích Sao Mai là
cũ mòn đã không nghĩ tới thực tế đây chính là nơi các giọng hát dòng thính
phòng và dân gian tìm kiếm vận may đổi đời, bởi Idol hay The Voice không có chỗ
cho họ. Hàng loạt các giọng hát xuất thân từ những trường nhạc từ cấp tỉnh
thành tới quốc gia tìm thấy ở Sao Mai một cơ hội lớn.
Thị trường âm nhạc dù luôn ồn ào
hay phát sốt về các ngôi sao nhạc thị trường với nhà này xe nọ, scandal nọ kia
những vẫn có một thị phần đáng kể cho các giọng hát ở những dòng chính thống
(kiểu Việt Nam), và những ngôi sao của các dòng này cũng có được mức thu nhập
cao chẳng kém gì các sao “phía bên kia”. Các giọng hát đi ra từ Sao Mai như Trọng
Tấn, Anh Thơ, Tuấn Anh, Tân Nhàn, Thành Lê, Phương Thảo… đều đã trở thành những
ngôi sao trong dòng nhạc của họ, rất đắt show trong nước (nhất là khu vực phía
Bắc) và nước ngoài (nhất là Nga và Đông Âu). Đó là chưa kể tới các giọng hát
dòng nhạc nhẹ sau đó đã thành công hơn ở các sân chơi khác, kiểu Sao Mai Điểm hẹn, và giờ cũng đã lên tới
tầm ngôi sao. Vậy nên suy cho cùng, Sao Mai vẫn có đủ lý do để phải tồn tại mà
không nhất thiết phải biến mình thành một show “thực tế”, không chừng còn mất hết
cả những gì đã tạo dựng.
Tiếng hát Truyền hình TP.HCM đã từng làm được những điều như vậy, ở
giai đoạn đầu, và sau này kể ra cũng có thể coi như một đối trọng của Sao Mai,
dành cho thị trường phía Nam. Đây là nơi được các thí sinh nhạc viện chọn để
thi, vì ít nhất nó còn duy trì lối chấm
điểm kinh viện, không phải kiểu thích-không thích như với các chương trình truyền
hình thực tế. Nhưng Tiếng hát Truyền hình mấy năm gần đây “mất thiêng” chính vì
nó đã có một giai đoạn ngắn đánh mất sự kiên định như Sao Mai để giành giật thị
phần với nhóm truyền hình thực tế, mà lực thì không đủ mạnh bằng phe “ngoại nhập”.
Trở lại với format cũ đã thành
truyền thống cũng có thể là một lựa chọn khôn ngoan khi mà khán giả đang dần
bão hòa với những gì họ từng hân hoan chào đón mấy năm trước, nhưng Tiếng hát
Truyền hình sẽ hơi mệt vì gần như làm lại từ đầu, lấy lại niềm tin của những
khán giả vẫn còn chờ đợi những giọng hát hay được phát hiện...
Còn ở phía các show thực tế, sự yếu
thế của The Voice với The Voice Kids là dễ hiểu bởi tâm lý có
mới nới cũ thông thường, năm sau The
Voice Kids có thua X-Factor thì
chắc cũng không ai ngạc nhiên. Người thi không thiếu, như đã nói, và nhìn hình ảnh
minh họa hàng ngàn thí sinh đến sơ tuyển Idol năm nay thì biết, vấn đề bây giờ
là làm sao “đánh bóng” được tên mình, bằng đủ mọi chiêu thức, trong nỗ lực
chung là giành giật khán giả truyền hình, là vinh danh trên bảng rating.
Trở lại chuyện thi hát và diện mạo
nhạc Việt, sự kiên định của Sao Mai, dù mang tiếng “áo gấm đi đêm” kể ra rất giống
nỗ lực của các ngôi sao ca nhạc gạo cội, sẽ âm thầm theo đuổi con đường của
mình bất chấp những hào nhoáng trào lưu nhất thời; Tiếng hát Truyền hình nào có
khác gì những ngôi sao từng dao động trước mãnh lực thị trường và nay bình tĩnh
nhận ra chân giá trị nên phải quay về lặng lẽ gây dựng những gì mình từng có
trước đây. Hàng loạt show thực tế, suy cho cùng nào có khác gì sự ồn ào của nhạc
thị trường, nơi mà tài năng thực sự không phải là ưu tiên hàng đầu cho cuộc cạnh
tranh gay gắt, mà phải là “chiêu”. Chiêu gì thì ai cũng đã biết hết rồi. Ván
bài đã lật ngửa rồi. Công chúng có bực tức thất vọng thì cũng đã “trót” xem rồi,
sẽ vẫn tiếp tục tham gia cuộc chơi cho đến hết.
Nguyễn Minh - Thể thao & Văn
hóa Cuối tuần