19.10.13

Âm nhạc trong thơ Hàn Mặc Tử


Một phần hết sức quan trọng trong việc tác thành giá trị và nghệ thuật của Hàn Mặc Tử là âm nhạc trong thơ của thi sĩ.

Người ta đã biểu đồng tình về chỗ phải công nhận rằng âm nhạc là nửa phần nếu không là phần lớn nhất trong giá trị của thơ. Phái tượng trưng của Stéphane Mallarmé thì lại đi xa hơn. Theo họ, thơ không có chi hơn là nhạc, nhạc trong những âm thanh đọc lên nghe bổng trầm, réo rắt vào tai đã đành, mà nhạc cả trong lối viết, lối dàn chữ trên mặt giấy, y những dấu hiệu trong một bản đàn.

Hàn Mặc Tử là nhà thi sĩ Việt Nam có cái nghệ thuật âm nhạc tài tình nhất. Trong suốt sự nghiệp thi ca, kể cũng đã là vĩ đại đối với đời ngắn ngủi của chàng, không có bài nào, đến cả không có câu nào làm ra mà không dóng theo âm điệu.

Đã đành rằng âm điệu, khi nó nằm trong lối thơ bảy chữ, bao giờ cũng phải là cái âm điệu đã được các thi sĩ nhà Đường tìm ra. Sự ấy hầu như đã thành một điều hiển nhiên bất di bất dịch, không còn bẻ bác được nữa. Cho nên hầu hết thơ bảy chữ của Hàn Mặc Tử, không kể bài thơ dài ngắn, đều đã theo luật bằng trắc của Đường thi.


Trong làn nắng ửng, khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng,
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang…
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,
Bao cô thôn nữ hát trên đồi,
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…
Một bài khác như bài Đà Lạt trăng mờ
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,
Trời mơ trong cảnh thật huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt,
Như đón từ xa một ý thơ.
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo;
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu.
Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được ?
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.
Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng,
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng !

(Thơ điên)

Hay là bài Đây thôn Vỹ Dạ
Sao anh không về chơi thôn Vỹ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo theo lối gió, mây đường mây;
Giòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó ?
Có chở trăng về kịp tối nay ?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?

(Xuân như ý)

Thì thật là những bản âm nhạc hoàn toàn, đọc lên ta có cảm tưởng êm như gió thông reo trong một buổi mai tốt trời, và mát đến thấy dịu cả làn da mái tóc.

Sở dĩ tôi đã lựa hai bài ấy làm tỉ dụ, không phải vì đó là những bài hay nhất của nhà thi sĩ mà chính vì trong mỗi bài ấy có một chỗ hỏng mà tôi chắc các bạn đọc không ai hề để ý đến. Trong bài Đà Lạt trăng mờ cái vần thứ nhất là không ăn nhập đâu hết. “Đầu” không thể vần với “mơ” với “thơ” được.

Cũng như bài thứ hai; câu thứ nhất:
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Câu ấy là một câu nói thường, chứ không thể là một câu thơ, “Vỹ” cũng không vần với “lên”, với “điền” hay với “ngọc” được.
Như thế, vì sao người đọc thơ lại không thấy trái tai ? Là vì âm nhạc của bài thơ đã quán hết cả, áng hết cả, che chở hết cả chỗ sơ xuất. Tôi cam đoan rằng khi làm ra bài Đà Lạt trăng mờ, thi sĩ đã không biết rằng đã lỡ để cái vần “đầu” lơ chơ lỏng chỏng. Khi làm, nhạc thơ reo lên một lần với chữ thơ, cả bốn câu cùng tuôn ra một lượt không nghĩ lượng đắn đo gì hết. Ấy chính là dấu hiệu của thiên tài.

Nhưng đến một lúc thi sĩ bỏ cả niêm luật, không cần câu kéo ngắn dài, không cần đến cả ý tứ mạch lạc của lời thơ nữa. Người đọc có thể hiểu hay không hiểu cũng mặc.
Bây giờ nhà thơ chỉ cần có dóng âm thanh của những chữ, sắp đặt lại đôi tí cái bản nhạc đã reo đâu tự trong lòng

Ta không nhấp rượu
Mà lòng ta say
Vì lòng nao nức muốn
Ghì lấy đám mây bay…
Té ra ta vốn làm thi sĩ,
Khát khao trăng gió mà không hay.
Ta đi bắt nắng ngừng, nắng reo nắng cháy
Trên sóng cành – sóng áo cô gì má đỏ hây hây.
Ta rình nghe niềm ý bâng khuâng trong gió lãng
Với là hơi thở nồng nàn của tuổi thơ ngây
Gió nâng khúc hát lên cao vút
Vần thơ uốn éo lách rừng mây.
Ta hiểu ra rồi trong một phút
Lời tình chới với giữa sương bay,
Tiếng vàng rơi xuống giếng
Trăng vàng ôm bờ ao…
Gió vàng đang xao xuyến,
Áo vàng hỡi chị chưa chồng đã mặc đi đêm,
Theo tôi đến suối xa miền
Cởi thơ, cởi mộng, cởi niềm yêu đương.
Mây trôi lơ lửng trên dòng nước
Đôi tay vốc uống quên lạnh lùng
Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ
Đầy mình lốm đốm những hào quang

Hàn Mặc Tử là người đầu tiên đã tìm ra cái mà ta có thể gọi là quy luật cho lối thơ tám chữ. Trước nhà thi sĩ ấy lối thơ tám chữ làm ra còn lổn chổn, mặc dù ý thơ có thể đẹp, lời thơ có thể xinh, nhưng mới đọc lên nghe vận lủng củng không xuôi. Với Hàn Mặc Tử, âm nhạc lối thơ tám chữ đã trở thành vững chãi, rõ ràng. Ấy là nhờ sự tìm ra được chỗ ngắt hơi (cesure) trong lối thơ tám chữ phải nằm sau chữ thứ ba.
Chỉ trừ một vài câu, một vài câu thôi, trong ấy thi sĩ muốn đổi giọng cho thơ thêm sức mạnh, tỉ dụ như:

Thơ trong trắng – như một khối băng tâm
Luôn luôn reo – trong hồn trong mạch máu,
Cho vỡ lở – cả muôn ngàn tinh đẩu,
Cho đê mê – âm nhạc và thanh hương
Chim hay tên ngọc – đá biết tuổi vàng,
Lòng vua chúa – cũng như lòng lê thứ…
Còn bao nhiêu thơ về lối tám chữ của Hàn Mặc Tử đều vâng theo lệ ấy cả. Lệ ấy, ở đây, rõ rệt đến nỗi trong hầu hết các câu, thi sĩ đều đã dùng những dấu phết, dấu hỏi, dấu cảm thán để tỏ ra chỗ ngắt hơi của mình:

Thượng thanh khí – tiết ra nguồn tinh khí,
Xa xôi đời – trăng mọc nước huyền vi,
Đây miên trường – vĩnh cửu tề phi
Cao, cao vượt, – với hai hàng bóng vía,
Trời nhật nguyệt, – cầu vồng bắt tứ phía
Ôi Hoàng Hoa ! – hồn phách đến nơi đây ?
Đàn cung bực, – gió vồn lên âm điệu,
Sững lòng chưa ? – Say chấp cả thanh bai
Sang chơi thôi ! – Sang chơi thôi ! Mà ai ?
Thu đây rồi ! – Bước lên cầu ô thước
(Đừng cho lòng bay xa – THƯỢNG THANH KHÍ)
Hơn nữa, ba chữ đầu của mỗi câu thơ, thi sĩ thường hay dùng những chữ thuộc bình thanh, nhiều nhất là chữ đầu và chữ thứ ba thuộc trường bình thanh (không có dấu) còn chữ thứ hai thì thuộc đoản bình thanh (có dấu huyền). Những câu như sau này là năng gặp nhất trong thơ Hàn Mặc Tử:

Chim ngàn trăng đem tiếng lạ về ca
Ca cầm ca tơ đồng vọng dan ra…

đọc lên nghe nhịp nhàng nhè nhẹ, dập dìu như chiếc lá gió đưa.
Những câu như câu sau này thì thật là những bản đàn dạo thật tình, nghe rõ ràng như là như những tiếng tơ đồng rời khỏi các đầu ngón tay của nhạc sĩ mà đồng dâng lên, phương phi làm sao mà sang trọng làm sao ?

Đây vườn trăng tình căng lên muốn đứt
Thương toàn thương đương vây muôn giây hường…

Nhờ đâu thi sĩ đi tới được một kết quả hoàn toàn như vậy ? Ấy là do sự lựa chữ, phần nhiều là chữ bằng và văn vần với nhau, nó chồng chất lên nhau theo từng nhịp chặt chẽ.
Cũng như câu:

À hả hả ! Say sưa chê chán đã !
Ta là ta, hay không phải là ta !

Thì trừ một hai chỗ không kể, còn mỗi chữ đều có một vần với nó cả, xa gần tùy theo nhịp, làm câu thơ thành ra linh động như một con chim nhảy nhót từng tầng nhánh để lên đến một ngọn cây cao.
Riêng về một phương diện âm nhạc của thơ, ảnh hưởng của Hàn Mặc Tử trong làng thơ Việt Nam hiện cũng đã to tát rõ ràng lắm.

Hàn Mặc Tử là một nhà thơ biệt lập hẳn ra một cõi, một cõi nguy nga đồ sộ, ngát hơi hương và vang tiếng nhạc, từ trên ấy, người cho chiếu xuống cái nước non thanh tú là làng thơ Việt Nam những luồng ánh sáng đầy phép lạ, có cái tài lực biến hóa được những vật đã chạm đến.

Rồi đây, khi văn thơ Hàn Mặc Tử đã được in ra, đã được truyền bá một cách phổ thông thì làng thơ Việt Nam sẽ có thay đổi lớn nữa, sẽ bước vào một con đường mới, để chiếm thêm nhiều lãnh thổ tốt đẹp, quy tụ nhiều khí hậu thần tiên. Chúng ta sẽ được đưa vào những động Đào Nguyên mới lạ, sẽ được chở bay dạo trên những thượng tầng không khí chỉ có đầy trăng là trăng, những cõi đời Đao Ly và Đâu Suất vô vàn diễm ảo.

Cuộc mạo hiểm hoàn toàn thành công, Lindberg đã vượt qua Đại Tây Dương bằng một cái cất cánh. Tha hồ cho các phi công kế tiếp sau theo gương đó mà đi chinh phục những bầu trời xa lạ khác.

Sau đây chúng ta sẽ thấy xuất hiện những danh từ, thành ngữ do Hàn đã chế tạo ra. Cách diễn tả trong văn chương sẽ phong phú, hùng cường ra nhiều. Lối hành văn sẽ đổi khác, nóng sốt hơn, tha thiết hơn, dày đặc hơn và linh động hơn lên, như một mặt bể dưới cơn dông hay một bãi chiến trường khi hỗn chiến.
Hàn Mặc Tử là người đầu tiên trong thế kỷ thứ XX mở một cuộc cải cách lớn cho văn chương Việt Nam và thành công một cách vinh quang rực rỡ.

Còn như muốn tổng hợp lại mà phê bình Hàn, thiên tài, thân thế và thi nghiệp Hàn, thì tôi thấy không còn chi đúng hơn là mượn câu của Walt Witman, nhà thi sĩ Mỹ đã được nhắc đến ở trang đầu sách, khi tác giả tập Lá cỏ (Feuilles d’herbe) phê bình Edgar Poe:

“Có một lần, trong giấc chiêm bao, tôi thấy một chiếc tàu đi giữa biển, lúc nửa đêm, trong cơn bão. Đó không phải là một chiến hạm lớn hay một chiếc thương thuyền nào oai nghiêm, cương quyết lướt phong ba, mà nó lại giống như một chiếc ghe mành như tôi từng thấy thả neo đưa nhẹ theo làn nước quanh thành Nữu Ước hay trong eo bể Long Ích Lăng, mà bây giờ thì nó vượt vùn vụt, không kể đường lối, buồm tan cột gẫy, giữa dông tố dữ dội, và gió, và sóng ban đêm. Trên cầu tàu, một hình dáng mảnh khảnh, cao cao, xinh đẹp, hình dáng của một kẻ trầm sâu, hắn hình như đang tìm sự vui sướng trong cơn kinh khủng, trong bóng tối và trong sự tàn phá mà chính hắn là cả vừa trung điểm tâm, cả vừa người bị đưa ra làm mồi. Con người trong giấc chiêm bao ma quái ấy, có thể biểu tượng cho Edgar …? cho thiên tài ông, thân thế ông, và thi phẩm ông, những thứ ấy, toàn thị cũng là những giấc chiêm bao ma quái nữa”.

Trần Thanh Mại
Nguồn: Hàn Mặc Tử – thân thế và thi văn, 1941


Back To Top