Phàm đã là con người sống trên cõi đời này ai ai cũng phải có thầy có
giáo - có sư có đạo, nhỏ học chữ - lớn học nghề.
Nhỏ thời câu chữ làm đầu
Lớn thời bút mực mai
sau rỡ ràng
Ví bằng không đỗ bảng
vàng
Học nghề học nghiệp an
nhàn tương lai
Những câu tục ngữ như “không thầy đố mầy làm nên” hay “nhất
tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nữa chữ cũng là thầy) đã ăn sâu vào máu huyết của các bậc trưởng
thượng từ rất lâu rồi, bởi “muốn cho hay chữ phải yêu mến thầy” mà! Và cứ thế, nền văn hóa tôn sư trọng đạo ấy đã
sừng sững trong lòng tất cả mọi người trên mảnh đất cong hình chữ S này từ
nghìn xưa đến nay. Và không ít những tấm gương sáng về tình thầy trò, nghĩa sư
đệ trong các điển cố - điển tích ngày xưa.
Thế nhưng vào thế kỷ 21 bây giờ lại có một nghề nghiệp rất vinh quang, mang tính
đại chúng và lấp lánh ánh kim tiền nhất lại rất ít, hay đúng hơn là không muốn nhắc đến thầy của
mình. Đó là nghề nhạc, nhạc hay nhạt không rõ nhưng ta chỉ biết đó là nghề của
những người có tính hay quên! Không biết trên thế giới ra sao nhưng ở Việt Nam
ta thì nhiều nghệ sĩ - nhạc sĩ - ca sĩ mắc bệnh hay quên lắm. Ngày xưa thì sao?
Có bạc bẽo như bây giờ không? Chúng ta hãy cùng quay về quá khứ để tìm hiểu về
con đường trở thành ca sĩ - nhạc sĩ của đàn anh, đàn chị vào thập niên 50-60.
Thầy trong trường nhạc – Sư chốn giang hồ thuở xưa
Tại Sài Gòn hồi thập niên 50 - 60 muốn trở thành ca sĩ, nhạc
sĩ chơi ban nhạc hay nhạc sĩ sáng tác – độc tấu đều phải biết nhạc lý cơ bản. Bằng
bất cứ hình thức gì, từ việc tự mày mò với các quyển sách dạy guitar, piano của
các nhạc sĩ trong nước tự soạn hay dịch thuật, cho đến việc lân la làm quen với
các nhạc sĩ ngõ hẻm với những đêm chập chùng điệu boléro cùng các ca khúc buồn
não và tiếng trống vỗ trên mặt bàn hay ghế đẩu. Anh chị nào có điều kiện thì
vào Quốc gia Âm nhạc học với các giáo sư âm nhạc từ Pháp, Phi Luật Tân, và các
giáo sư trong nước. Còn một con đường để đến với nghề âm nhạc nữa là học với
các thầy tư nhân, thường là những ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng mở lớp đào tạo ca sĩ
tại nhà. Đôi khi tiền không thành vấn đề, chủ yếu là nhạc sinh ấy có năng khiếu
hay không. Thầy thấy ưng bụng là nhận dạy (gọi là đệ tử ruột) – Sau này ra đời
biết giữ gìn uy tín và danh dự của sư phụ hay không đó là điều quan trọng nhất.
Cuối cùng là các ca nhạc sĩ xuất thân từ gia đình có truyền thống âm nhạc như: Gia đình Phạm Duy (ban nhạc
The Dreammers - Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường, Thái Hiền, Thái Thảo),
gia đình Chí Mìng (ba anh em A Chúng – A Lục – A Ngũ đều chơi trống), gia đình
nhạc sĩ Lữ Liên (Ca sĩ Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Anh Tú, Thúy Anh, Lưu Bích), gia
đình ông Tô (Ngọc Hưng, Ngọc Hoan, Ngọc Hiếu, Ngọc Hải đều là saxonist lừng
danh tại Sài Gòn), gia đình nhạc sĩ Xuân Mỹ (Xuân Hiếu, Xuân Thông đều là
saxonist trẻ nổi tiếng hiện nay), gia đình nổi tiếng nhất về piano là Võ Đức
Thu, Võ Đức Tuyết, Võ Đức Hảo, Võ Đức Xuân v.v… chủ yếu các gia đình âm nhạc có
truyền thồng lâu năm đó hầu hết đều chơi trống, kèn và piano.
Vào thập niên 50 - 60, các lớp nhạc không nhiều. Những lớp
có bảng hiệu thì hầu như chỉ dạy các nhạc sinh thích dạo chơi trong khu vườn âm
nhạc trong thời gian nào đó mà thôi. Còn những lò chuyên nghiệp thì không có bảng
hiệu mà chỉ hoạt động tại nhà là chính yếu.
Học vì yêu âm nhạc
Với khoảng thời gian ngắn từ ba tháng trở lên, các thầy thường
sử dụng sách bán ngoài thị trường cho gọn gàng dễ hiểu. Piano thì lấy Methode
Rose, guitar thì chọn sách của nhạc sĩ Lan Đài, Nam Phong để dạy. Guitar cổ điển
thì dùng sách của nhạc sĩ Hoàng Bửu, Trần Văn Phú hoặc quyển Guitar Carruli… Cốt
yếu để nhạc sinh có thể về nhà đệm guitar và hát nghêu ngao, hay lả lướt vài ca
khúc quen thuộc bằng piano cho vui cửa, vui nhà. Học hát thì chủ yếu là học lấy
hơi nhả chữ cho đẹp, học bài tủ vài ca khúc Việt Nam hay ngoại quốc quen thuộc
là xong. Cá biệt có vài nhạc sinh học cho vui sau này kiên trì học với thầy giỏi
hơn để trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp. Một trong những cơ sở dạy nhạc nổi tiếng
thời đó là lớp nhạc Trúc Giang ở đường Trần Bình Trọng quận 5.
Học ra nghề
Vì nỗi đam mê tột cùng với âm nhạc và sự khát khao được trở
thành ca nhạc sĩ chuyên nghiệp, một số bạn trẻ khác đã tìm đến (hoặc do các thầy
phát hiện trong các buổi văn nghệ học đường – các dạ vũ cuối năm của các trường
trung học) các nhạc sĩ hay các lò luyện hát để thọ giáo. Và 90% các tài năng trẻ
đó khi đã được chọn rồi thì đều ra nghề và nổi tiếng trong giới âm nhạc thời bấy
giờ. Giáo trình – giáo án không là điều bận tâm của các thầy vì mỗi người đều
có phương pháp riêng biêt để dạy các ca sĩ, nhạc sĩ tương lai của mình. Hiếm có
nhạc sinh nào không thành tài sau thời gian học hành tại các lớp nhạc tư nhân
nêu trên.
Theo Hữu Thạnh- ANVN26