31.10.13

Sao trên bầu trời đêm

1. Quá trình tích tụ của bóng đêm

Theo quy luật, nền âm nhạc của một quốc gia chuyển biến từ tình trạng cách ly sang xu hướng lựa chọn, sau đó hướng tới tính chất tổng hợp, cộng tồn, đan xen giữa yếu tố ngoại lai và duy trì, phát triển những đặc điểm truyền thống. Bước vào nền kinh tế thị trường với đặc điểm nhiều rủi ro, đời sống văn hóa, xã hội đất nước không tránh khỏi tổn thất về mặt tinh thần. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa đã thoát khỏi tình trạng bình quân chủ nghĩa, kéo theo tính chất phân tầng ngày một rõ rệt. Ðồng tiền nhanh chóng ngự trị, đóng một tiếng nói nhất định trong nhiều hoạt động văn hóa.

Khi đời sống kinh tế chuyển biến mạnh mẽ kéo theo một bộ phận diễn viên, ca sĩ hoạt động theo quy luật cung cầu của thị trường. Các đoàn nghệ thuật không còn là nơi duy nhất cung ứng sản phẩm. Thay vào đó, nhiều ca sĩ tự khẳng định vị trí hay đẳng cấp của mình qua các danh hiệu giống như “thương hiệu” trong hoạt động thương mại, như ca sĩ triển vọng, tài năng trẻ, ngôi sao, Nữ hoàng nhạc Pop, siêu sao, Diva, Idol… Những từ ngữ này trôi nổi ngoài thị trường, len lỏi vào thói quen hưởng thụ nghệ thuật của tầng lớp đại chúng. Họ ngày càng quan tâm nhiều tới những chương trình có sự xuất hiện của các ca sĩ mà bản thân ngưỡng mộ, tôn sùng thành Sao.


Hoạt động quảng cáo đóng vai trò đắc lực trong việc tạo nên vẻ hào nhoáng, sang trọng bề ngoài của sản phẩm. Văn hóa “bao bì” tô điểm, gia tăng thêm sức hấp dẫn cho buổi trình diễn nhằm lôi kéo nhiều người đến với nghệ thuật. Xuất phát từ đặc thù của thứ hàng hóa vô hình, “khách hàng” chưa nắm bắt được sản phẩm trước khi mua, nên quảng cáo trở thành chiếc cầu nối gắn kết giữa hai đầu hư vô của khoảng cách thời gian (trước và sau khi thưởng thức). Đứng trước nhu cầu thực dụng, quảng cáo tự vặn mình để chuyển từ phương thức đơn giản, như tờ rơi, loa phóng thanh, pano, băng rôn, đăng tin trên báo chí cho tới phát thanh, truyền hình, Internet, tin nhắn, Face book… Không gian càng rộng mở càng cần có sự tham gia của hoạt động quảng cáo, tiếp thị, trợ tiêu, khuynh hướng tiếp cận đối tượng thông qua nhiều kênh thông tin chuyển tải nhanh chóng, hiệu quả, đến được với số đông. Nhiều ca sĩ được tung lên thành sao, siêu sao, nữ hoàng, thần tượng… đều không nằm ngoài mục đích tăng thêm sức hấp dẫn cho sản phẩm. Biện pháp tiếp thị, giá trị thương hiệu trở thành công cụ hướng tới mục tiêu lợi nhuận của nhà cung ứng. Khách hàng được tôn lên thành Thượng đế, rồi từ chỗ giác ngộ quyền lợi đi đến vượt quá giới hạn, thậm chí trở thành người cầm cân nảy mực định đoạt số phận và cả giá trị ở tác phẩm!

2. Con dao hai lưỡi của công nghệ

Thế kỷ XX, loài người chứng kiến nhiều chuyển biến về mặt văn hóa mà một trong những sự kiện quan trọng ảnh hưởng tới đời sống là thành quả phát minh ra điện. Ðiện được áp dụng rộng rãi ở tất cả các ngành, trong đó có ngành âm nhạc, như sự xuất hiện của nhạc cụ điện tử, nhạc điện tử, kỹ thuật thu thanh, phát thanh, truyền hình… Những phương tiễn hỗ trợ trung gian, như âm thanh, ánh sáng, laser… có khả năng tạo hiệu ứng không gian ba chiều kết hợp với đạo cụ, nhả mù, giăng mây vẽ lên bầu không gian huyền ảo, lung linh sắc màu làm nền cho sự xuất hiện của nhân vật trung tâm dễ khiến người quan sát liên tưởng tới Thiên giới có tinh cầu lấp lánh.

Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành âm nhạc, thay đổi của công nghệ luôn tác động hai chiều lên sự thay đổi của bản thân nghệ thuật và cách thức thưởng thức. Sự ra đời của nhạc cụ điện tử kéo theo trào lưu âm nhạc điện tử. Sự ra đời của chiếc máy tính kéo theo sự thay đổi về kỹ thuật thu âm, phối khí, cùng nhiều thủ pháp biến ảo, đa năng đem đến hiệu quả âm thanh kỳ diệu. Hiện tượng hát nhép chỉ phổ biến vào giai đoạn có sự gia nhập của công nghệ thu âm tiên tiến. Hát nhép bị coi là hành vi lừa dối khán thính giả, vì không phản ánh trung thực năng lực của ca sĩ và biến họ thành “kịch sĩ”.

Nói chung, quá trình “công nghệ hóa” đã có nhiều đóng góp tích cực cho nghệ thuật âm nhạc. Điều cần phê phán là mặt trái của việc lạm dụng kỹ thuật. Vì, nó đẩy người làm nghệ thuật đến chỗ biến hoạt động sáng tạo thành công việc thuần túy kỹ thuật, dẫn đến tình trạng “sinh sản vô tính”, thậm chí “vô tội vạ” tác phẩm âm nhạc. Xuất phát từ chỗ lạm dụng công nghệ, nên trong hoạt động thực tiễn nhiều người rơi vào xu hướng lựa chọn giải pháp kỹ thuật, thay cho sáng tạo. Kỹ thuật giống như con dao hai lưỡi, một lưỡi đem lại khả năng chuyển tải, biểu đạt phong phú, một lưỡi tạo ra khuynh hướng bị lệ thuộc. Ưu điểm của công nghệ có thể vượt xa giới hạn thông thường của tự nhiên, người giỏi biết tận dụng, khai thác mặt tích cực, người bình thường coi nó như chỗ dựa; còn người dở lấy đó làm chiếc mặt nạ nhằm che đậy những cái không phải là nghệ thuật.

3. Ảo giác vô biên

Theo quan niệm truyền thống, âm nhạc chú trọng kênh nghe, người tiếp xúc có thể nhắm nghiền mắt khi thưởng thức để lạc vào thế giới tưởng tượng. Trên thực tế, do tác động của truyền hình, Internet… kênh nhìn đã làm thay đổi thói quen đó. Truyền hình có khả năng tác động tới khối lượng lớn khán thính giả. Sự thống trị của truyền hình làm thay đổi cả một “đồng sự” rất gần là báo chí. Báo chí từng bị ảnh hưởng truyền hình bởi cách phản ánh hiện thực giống như chiếc ống kính máy quay, quan tâm tới những hiện tượng diễn ra phía trước. Trong quá khứ người nghe nhạc tiếp xúc với tác phẩm trực tiếp trên sân khấu hoặc thông qua Đài phát thanh, máy cassete, băng từ, sau khi băng hình, đĩa hình, truyền hình, Internet xuất hiện, chúng dần thay thế địa vị độc tôn của băng tiếng, đĩa tiếng, yếu tố trình diễn bắt đầu được quan tâm nhiều hơn, rồi phát triển đến chỗ lẫn át những giá trị mang tính khởi phát, cốt lõi mang khía cạnh bản chất của nghệ thuật âm nhạc.

Không phải ngẫu nhiên mà quá trình “phù phép” đẩy một ca sĩ thường thường bậc trung lên thành ngôi sao trong công nghệ lăng xê cần tới sự trợ giúp của truyền hình. “Sao” muốn lên trời tỏa sáng trước tiên phải lên hình (TV) để công chúng biết mặt. Đặc trưng của nền kinh tế thị trường tất yếu dẫn đến thắng thế của số đông và truyền hình có được thế mạnh nhờ khả năng tác động đến số lượng công chúng đông đảo. Công nghệ lăng xê sử dụng truyền hình như một phương tiện chủ đạo nhằm tác động vào đám đông gây ảnh hưởng đến xu hướng lựa chọn, từ đó tạo ra thị hiếu. Đến ngay cả tổ chức khủng bố cũng không từ chối tác động của truyền hình bằng cách tạo ra hiện trường đổ nát, rồi thông qua phương tiện truyền thông chuyển đi những hình ảnh man rợ nhằm thực hiện ý đồ khủng bố tâm lý đối với công dân trên khắp hành tinh. Không hiếm ca sĩ ngôi sao cũng khủng bố thính giác của nhiều người bằng cách đó. Khán thính giả ngày nay khó thể tìm đâu ra những ngôi sao “dấu mặt”, một mình tỏa sáng âm thầm như thời hoàng kim của nghệ thuật Baroque, Cổ điển, Lãng mạn, Ấn tượng… trên thế giới. Gangnam style nổi đỉnh nổi đám khắp địa cầu năm 2012 cũng nhờ kênh chuyển tải bằng hình ảnh để lây lan nhanh chóng như tế bào ung thư di căn trên mạng.

Bên cạnh truyền hình, một công cụ đa năng có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa đó chính là mạng Internet. Mạng Internet có thể coi như một môi trường văn hóa rộng lớn, tập hợp bao la vạn tượng mọi dạng thức văn hóa từ thượng đẳng cho đến hạ cấp. Cái gì người ta cũng có thể tung lên mạng. Vì, đóng vai trò đa năng, nên mạng Internet kiêm luôn chức năng giáo dục. Tất nhiên, chất lượng của mọi loại hình giáo dục trên mạng ra sao thật khó thể kiểm soát, chỉ có thể dựa vào năng lực phán đoán cùng kỹ năng lựa chọn của người tiếp xúc. Và điều này, cả nền văn hóa và giáo dục nước nhà vẫn chưa trang bị được cho người sử dụng. Trên thực tải ảo của băng thông rộng hiện lên một môi trường âm nhạc đa tạp, tác động vào tầng lớp đại chúng gây ra hiện tượng cộng hưởng trên diện rộng dẫn tới tình trạng ô hợp như hiện nay.

Như đã nói, môi trường văn hóa và lĩnh vực giáo dục nước ta đều chưa làm được nhiệm vụ thiết lập hệ thống phòng thủ tâm lý bên trong mỗi cá nhân nhằm ngăn chặn những dạng thức văn hóa cấp thấp trong xu hướng lựa chọn. Thực trạng giáo dục nặng về lượng, nhẹ về chất góp phần tạo ra những khiếm khuyết trong quá trình trưởng thành của công chúng. Mục tiêu đào tạo toàn diện càng nhấn mạnh bao nhiêu, sự khiếm khuyết, bất túc càng lộ rõ bấy nhiêu mà một trong những thiết sót lớn là chưa trang bị hệ thống giá trị: Chân – Thiện – Mỹ. Trong ba cột trụ của tòa thành trì văn hóa gần như bị hủy hoại đến điêu tàn này, hệ chuẩn mực thẩm mỹ xếp ở vị trí cuối cùng, khởi đầu từ giáo dục Mầm non cho đến bậc Đại học. Hậu quả của nó đã để lại trên chính năng lực phán đoán thẩm mỹ của đại chúng.

4. Bóng tối vô tri

Âm nhạc vốn là hoạt động sáng tạo, không thể tách rời khỏi bối cảnh văn hóa. Trong xu hướng hội nhập, âm nhạc bị xoáy theo cơn lốc của thời đại công nghệ, cộng hưởng với một nền kinh tế thị trường nửa vời có xu hướng biến mọi sản phẩm thành hàng hóa tạp nham nhuốm màu chợ trời. Xét ở khía cạnh nào đó, âm nhạc cũng giống như tôn giáo, trong điều kiện “vô thường” tất yếu nảy sinh vô vàn biến thái, mà ở đó, mỗi sở thích đi kèm với một vị Thượng đế. Ðó là nguyên nhân dẫn đến sự thúc đẩy quá trình chuyển hóa bối cảnh, kéo theo quy luật “phủ định” lẫn nhau giữa các trào lưu âm nhạc và thị hiếu. Đám đông vây quanh thần tượng để khỏa lấp nỗi niềm cô đơn của nhân vật trung tâm trong xã hội hiện đại là những cá nhân vô danh. Từ sự vô tri của đám đông làm nền cho những cá nhân hữu danh tỏa sáng một cách hư ảo trên nền trời tối của âm nhạc, tương phản giữa danh và thực, giữa ánh sáng giả tưởng và giá trị hiện hữu. Vô tri và ảo giác là hai thành quả góp phần tôn vinh nhiều ca sĩ tên tuổi thời gian qua. Các giá trị ảo khởi phát từ tổ chức quan phương xuống tới thị trường bề bộn, từ cơ sở đào tạo ra ngoài chốn dân gian sôi động, nhiều nghệ sĩ được phong danh hiệu quyền uy khi trình độ nghề nghiệp đã sa sút, lấy quan nghiệp thay cho sự nghiệp, lượng hóa thành tích, ca sĩ thể hiện đẳng cấp bằng số lượng CD phát hành, thường xuyên xuất hiện trong chương trình hoành tráng, có thời lượng phát sóng vào giờ vàng, có lực lượng fans đông đảo… Tư duy kỷ lục làm cho nhiều người hoa mắt, kể cả những người làm văn hóa. Tất cả sản phẩm đều bị quy chiếu bởi tiêu chí “số lượng”. Hơn 10 năm trước, tác giả Nguyễn Bỉnh Quân có viết một bài với nhan đề “Nếu nghệ thuật là điện” đăng trên Tạp chí Tia sáng, sau in trong tập sách “Một góc nhìn của trí thức” tập ba, Tạp chí Tia sáng và Nhà xuất bản trẻ phát hành. Giả sử lĩnh vực nào cũng là điện thì tai nạn “nghề nghiệp” chắc chắn sẽ không kém gì tai nạn giao thông xảy ra trên đường phố. Bóng tối vô tri chính là một trong những nguyên nhân làm méo, biến dạng nhiều giá trị. Mặc dù đời sống đã có nhiều tiến bộ vượt bậc về công nghệ, nhưng vẫn không khỏa lấp được khoảng trống hư vô của những giá trị nghệ thuật đích thực làm nền cho một đời sống âm nhạc trưởng thành, vươn tới đỉnh cao. Các khái niệm như Diva, Idol… chưa có khả năng dẫn dòng sông âm nhạc nước nhà hòa vào đại dương âm nhạc mênh mông của thế giới. Tư duy “kỷ lục” khó thể giúp cho đời sống âm nhạc thoát khỏi khung cảnh ảm đạm của buổi hoàng hôn, vì thiếu nhân tố nội dung, chất lượng nghệ thuật. Nhiều người làm âm nhạc kết hợp với truyền hình tổ chức những chương trình pha trộn giữa sân khấu và sân chơi. Ranh giới mong manh giữa hai sân này xóa nhòa dễ tước mất vai trò kiểm soát của lý trí, mặc cho cảm tính bốc đồng. Trước sức ép của những tiếng reo hò, la hét, tung hô cổ động cộng hưởng bởi đám đông, đến ngay cả cơ quan thẩm định hay dở là thính giác của mỗi cá nhân cũng đi vắng, khiến cho sân khấu biến sắc, nhuốm màu sân vận động. Bản thân ca sĩ cũng bị choáng ngợp, phỉnh lừa bởi sức mạnh trong sự tâng bốc của đám đông. Nhiều người rơi vào vòng tròn ác tính của môi trường giả tưởng, tự dãn nở, trương phình theo chiều biến của cái tôi đáng ghét. Việc tiếp thu, du nhập nhiều khái niệm mới, như Nữ hoàng, Thần tượng, Diva, Ngôi sao, Siêu sao… tô điểm cho đời sống âm nhạc thêm phong phú, nhưng nếu không khu biệt được giữa danh và thực, lạm dụng mỹ từ bóng bảy dễ dẫn tới ngộ nhận, làm hỏng âm nhạc lẫn công chúng. Ngôi sao vốn là hồi quang phản chiếu xuất hiện trên nền tối của bóng đêm. Thần tượng là hóa thạch của những vị thần huyền thoại, còn Diva chỉ có trong cổ tích. Tất cả đều cùng chung một đặc điểm là không có khả năng ca hát, chỉ có ca sĩ mới biết hát. Ca sĩ có người hay kẻ dở, hạng giỏi hạng xoàng… phản ánh khía cạnh bản chất nghề nghiệp. Thói quen sử dụng “bao bì” núp bóng mỹ từ nhằm đóng gói cho sản phẩm kém chất lượng gây ô nhiễm bầu không khí âm nhạc. Khi mặt trời trí tuệ chiếu sáng bằng những giá trị đích thực sẽ xóa đi bóng đêm tăm tối và các vì sao cũng đi di trú, biến mất. Bởi: “Có thì có tự mảy may. Không thì cả thế gian này cũng không”(1).

_____________________________________________________

(1)Hai câu đầu trong bài Kệ:“Hữu không” của thiền sư Nhất Đạo Hạnh.


Lê Hải Đăng-hoinhacsi.org
Back To Top