18.10.13

Rầm rộ trào lưu quay lại nhạc xưa


Nhạc trẻ không chỉ bị lên án là dung tục, thậm chí nhiều nhạc sĩ còn "tố" không ít ca khúc "hot" đều được "chế biến" theo đơn đặt hàng bằng các công thức có sẵn hoặc “copy” một cách khéo léo màu sắc âm nhạc của các ca khúc đã ăn khách trên thị trường thế giới. Thế nên, gần đây có xu hướng rầm rộ quay lại với “nhạc xưa”.

"Nhạc sến" lại lên đời?

“Nhạc xưa” vẫn tiếp tục là sự lựa chọn của nhiều ca sĩ và các nhà tổ chức chương trình. Sắp tới, trong chương trình “Thay lời muốn nói” tháng 10/2013 (20 giờ 30 ngày 13/10 tại Nhà hát Truyền hình HTV, TPHCM), khán giả yêu nhạc xưa lại được thưởng thức các ca khúc vượt thời gian như: “Đường xưa lối cũ” (Hoàng Thi Thơ), “Nửa hồn thương đau” (Phạm Đình Chương), “Con đường tình ta đi” (Phạm Duy), “Ngày xưa Hoàng Thị” (Phạm Duy - thơ Phạm Thiên Thư), “Tuổi học trò” (Minh Kỳ - Dạ Cầm), “Em đi rồi” (Lam Phương), “Bản tình cuối” (Ngô Thụy Miên)... Chương trình sẽ có sự tham gia của các ca sĩ: Thanh Thúy, Quang Dũng, Đức Tuấn, Lệ Quyên, Quỳnh Lan, Mỹ Dung...

Nhạc xưa cũng đã từng nhiều lần trở đi, trở lại trong các chương trình “Tình khúc vượt thời gian”. Các ca sĩ Mỹ Tâm, Mỹ Lệ, Quang Dũng, Nam Khánh, Quang Hà, Hồ Trung Dũng, Phương Thanh, Cẩm Ly, Đoan Trang... ít nhiều mỗi người đều thử sức với nhạc xưa. Nhiều người chọn sản xuất album nhạc xưa để tạo dấu ấn lâu dài với khán giả.


Lý giải về chuyện hát nhạc xưa, ca sĩ Nam Khánh cho hay: "Nếu sống được bằng nhạc trẻ thì tội gì phải chuyển qua hát nhạc sến, nhạc xưa?... Không phải bỗng dưng nhạc xưa được gắn mác "sang" mà là bởi vì trong đó thực sự có chiều sâu nội tâm cả giai điệu và ca từ. Kể cả nhạc sến cũng có độ chân thành, chân thực rất đáng quý. Ca khúc mới bây giờ quá ít những bài có thể để lại được ấn tượng gì trong lòng người nghe. Đã không chân thành, chân thực, lại còn dung tục(?!). Vậy mà, muốn mua độc quyền ca khúc mới, ca sĩ phải trả tiền bản quyền rất cao, đầu tư cả mấy chục triệu mà chưa chắc khán giả đã yêu thích. Chỉ có ca sĩ ngôi sao mới trả được như vậy. Thế nên, lựa chọn tự nhiên của nhiều người là quay lại hát nhạc xưa".

Ca sỹ Đức Tuấn tiếp cận một cách chính thức kho tàng nhạc xưa đồ sộ với 9 album: “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Ngậm ngùi chiếc lá thu phai”, “Đức Tuấn hát tình ca Phạm Duy”, “Ảo ảnh” (album chung với Hồ Ngọc Hà), “Tiếng hát Trương Chi”, “Kiếp nào có yêu nhau”, “Kỷ niệm Phạm Duy”, “Lời tôi ru như mơ” và album “Requiem” sắp phát hành.
Trao đổi về lựa chọn của mình, ca sĩ Đức Tuấn bảo: "Số người dám lựa chọn hát nhạc xưa có thể ít hơn số người hát nhạc trẻ nhưng lại thành công và để lại dấu ấn hơn. Phải chăng điều này đã làm các nhạc sĩ hiện đại có phần nào chạnh lòng? Tôi là người hát nhiều loại nhạc và bằng nhiều thứ tiếng chứ không phải chỉ lựa chọn hát nhạc xưa nhưng tôi thấy nhạc xưa thực sự có những giá trị rất sâu sắc nhân văn trong ý tứ, ca từ, âm nhạc đẹp và bao giờ nhạc với lời cũng rất mượt mà với nhau. Thậm chí, mọi người cứ kỳ thị từ "sến" chứ tôi thấy cứ dùng từ đó cũng bình thường, thậm chí còn dễ thương nữa ".

Mỹ Dung: Khán giả chưa thích, tôi sẽ thử lại

Ca sỹ Mỹ Dung cũng từng giới thiệu tới khán thính giả album “Từ lúc em đi”. Khi được hỏi, Mỹ Dung nghĩ sao mà hát nhạc xưa và nếu người nghe thấy Mỹ Dung không hợp với dòng nhạc này thì sao? Mỹ Dung trả lời: "Phải thừa nhận rằng tôi rất thích các bài nhạc tình mà nó hơi “sến” một chút, nhưng dễ đi vào lòng người, từ ca từ đến giai điệu đều không lẫn vào đâu được. Đó là những bài hát về tình yêu rất mộc mạc, chân phương, dễ hiểu, dễ cảm, dễ đi vào lòng người. Giả sử có khán giả nhận xét tôi không hợp với dòng nhạc này, tôi nghĩ tôi sẽ nên thử thêm lần nữa với nhạc xưa để thể hiện được tốt hơn những bài tình ca để đời ấy, chứ nhạc trẻ bây giờ thực sự quá khan hiếm những bài đạt được nhiều yếu tố như đã kể trên".
Nhạc trẻ không chỉ bị lên án là dung tục, yếu tố thẩm mỹ thấp, thậm chí nhiều nhạc sĩ còn "tố" là cơ bản các ca khúc "hot" đều được "chế biến" theo đơn đặt hàng bằng các công thức có sẵn, copy một cách khéo léo màu sắc âm nhạc của các ca khúc đã "ăn khách" trên thị trường thế giới, nhằm đánh vào thị hiếu chuộng lạ, sính ngoại của một số lượng lớn khán giả trẻ. Có lẽ vì thế, đang có một trào lưu rầm rộ quay lại với… nhạc xưa!


Theo Gia Đình
Back To Top