HNSVN như tên gọi của nó và như
điều lệ Hội đã viết: “Hội NSVN là
tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những nhạc sĩ sáng tác, những nhà
nhiên cứu, lý luận phê bình và những nghệ sĩ biểu diễn có uy tín cao trong giới
âm nhạc chuyên nghiệp và trong cả nước”-
thì có thể thấy rằng nó là nơi tập trung tinh hoa âm nhạc của cả nước, nơi hội
tụ của những tài năng sáng tác của nhạc Việt, cũng như là lý luận phê bình.
Thế nhưng, trong thực tế khoảng một
thập niên trở lại đây, nhiều vấn đề thị phi cũng như đánh giá thấp về Hội từ từ
nảy sinh trong các hội viên rồi dần lan tỏa ra cả xã hội, và người ta đặt dấu hỏi
có thật nó là nơi hội tụ tinh hoa nhạc Việt hay không, nó có liên đới gì trong
sự suy thoái của nhạc Việt gần đây hay chăng?
Thử mổ xẻ ngắn gọn vài nhát về mặt
tổng quan để tìm hướng cho những câu hỏi”cần lời giải thích trên”
-Hội chuyên nghiệp hay hội nghiệp dư, phong
trào?
Với tổng số 1582 hội viên (HV)
tính đến tháng giêng 2013,trong đó chiếm đa số là chuyên ngành sáng tác, đã cho thấy số lượng tinh hoa thật… khủng. Theo như
cách kết nạp máy móc và giáo điều trước đây, là ai có bằng cấp hẳn hoi-đại học
hoặc cao đẳng-về âm nhạc cộng thêm vài ba tác phẩm có chỗ đứng trong xã hội hoặc
được giới chuyên môn đánh giá cao mới đủ điều kiện để trở thành HV. Rồi sau đó,
sau nhiều lần được góp ý, Hội nhận thấy rằng sự trọng bằng cấp như vậy trong
sáng tạo nghệ thuật là gần như ấu trĩ nên khoảng từ mấy năm đầu thế kỷ này tiêu
chuẩn bằng cấp âm nhạc đã được xóa bỏ mà chỉ yêu cầu là học vấn có trình độ đại
học hoặc cao đẳng về mọi ngành nghề. Điều này là ổn, vì thực tế có không ít những
tài năng tuy không đến trường lớp nhưng có sự nỗ lực tự học và hơn hết không gì
chứng minh rõ rệt tài năng bằng tự thân tác phẩm. Chắc không ai thắc mắc Văn
Cao hay Trịnh Công Sơn và nhiều nữa những tài hoa nhạc Việt trong quá khứ có bằng
âm nhạc gì không mà người nghe chỉ quan
tâm có cảm thấy sướng lổ tai khi nhạc họ vang lên mà thôi.
Tuy nhiên, sau đó với tư tưởng
hình như là xã hội hóa sao đó mà chất lượng HV mới kết nạp ngày càng hỗn tạp.
Trong một số trường hợp nó phớt lờ hai tiêu chuẩn: uy tín và chuyên nghiệp.
Không khó để thấy nhiều người gần đây không hề có tác phẩm nào được xã hội công
nhận lẫn giới chuyên môn coi trọng nhưng vẫn được gắn mác nhạc sĩ VN. Về cái
chuẩn xã hội thì khỏi bàn, vì thực tế đại đa số nhạc sĩ của Hội từ lâu đã bị xã
hội xa lánh, “không nghe, không biết”,nên chỉ còn cầu vào cái uy tín trong giới
thôi nhưng cũng không dễ với tới được. Còn về chuyên nghiệp? Đâu khó gì để tìm
ra những “nhạc sĩ” không làm việc nào có liên quan đến âm nhạc cả. Họ có viết
là để viết cho có, để cho thấy mình là hội viên. Tác phẩm hằng năm họ gửi về Hội
để dự thi và cũng nhằm”báo cáo”là đang hoạt động âm nhạc.
Thế họ cần cái danh”Hội
viên hội nhạc sĩ” để làm gì? Câu trả lời có ngay: tự sướng và để lòe bà con
chòm xóm, xóa đi cái mặc cảm nhạc sĩ không tên,không bài – không khai sinh được
đứa con tinh thần của mình trong lòng xã hội thì khai sinh nó qua cái thẻ HV
cho bớt tủi- cũng như tạo nấc thang để trèo lên trong môi trường làm việc có
liên quan đến văn hóa!
Câu hỏi tiếp theo lại nổi lên: Thế
sao Hội lại kết nạp dễ dãi và vô ý thức đến thế? Câu trả lời thuộc về “thâm
cung” nhưng cũng có thể thấy lờ mờ là có vẻ như nạn tham nhũng, hối lộ nó cũng
di căn vào cả nơi tưởng như thuộc về giới tinh thần và nhiều chất “sĩ” này. Chẳng
hạn, có những đại gia mê nhạc mà không có năng khiếu ,đang kinh doanh hay là
giám đốc gì đó(chỉ mê nhạc và tập tễnh mấy ca khúc kiểu phong trào thôi nhé, có
người còn chép lại sáng tác mình chưa ổn) một ngày kia bỗng chiêu đãi bạn bè, đồng
nghiệp để rửa thẻ hội viên HNSVN thì mọi người đừng ngạc nhiên chi cho mệt và
cũng đừng kinh ngạc là năm sau ông đại gia mê nhạc lại hoan hỉ báo tin vui bên
bàn nhậu hoành tráng về giải thưởng âm nhạc mà HNSVN vừa trao! Điều đáng nói,
trường hợp trên không phải là cá biệt. Những trình độ như thế mà có đam mê viết
nhạc lẽ ra là đối tượng của các câu lạc bộ sáng tác của các nhà văn hóa quần
chúng mới phải.
-Tháp ngà tự huyễn hoặc.
Từ khi nhạc Việt bước chân phiêu
lưu vào thị trường thì HNSVN cũng bắt đầu từ từ xây lô cốt để sống riêng trong
một tháp ngà âm nhạc để tự huyễn hoặc mình và khước từ dấn thân. Họ tôn vinh lẫn
nhau bằng cái giải thưởng thường niên, chỉ có sự quan tâm của hơn ngàn HV qua bản
báo cáo của Hội gửi đến các HV. Để phổ biến chúng, may ra là có các đài truyền
thông của nhà nước thực hiện như những báo cáo văn nghệ nhạt nhòa xa rời cuộc sống,
nếu có , phần lớn cũng chỉ là nhạc”minh họa chính trị” từ các cơ quan xí nghiệp,
tỉnh thành và trung ương cũng như theo đuôi các phong trào do chính phủ phát động
với những nhạc phẩm “hô khẩu hiệu tuyên truyền” một cách hời hợt, khô cằn và
trên hết là vô cảm, vô hồn. Ít nhiều nó đã làm xấu mặt dòng nhạc đỏ trước đây về
tính chân thành nghệ thuật. Những bài nhạc đỏ hiện đại đó không có nổi cuộc sống
khỏe mạnh trong lòng xã hội đương đại hay chết ngay khi vừa mới ra đời.
Thế nhưng, trong cộng đồng hội
viên HNSVN không ít người như ở trên mây khi cho rằng âm nhạc họ là cao cấp
không phải là hàng chợ ngoài thị trường kia. Không ai thấy cái hay của tác phẩm
họ là vì mọi người không đủ sức để hiểu(Đọc thêm bài: “Những tuyên bố…ngố” của
cùng tác giả đã đăng trên cùng trang). Thật là oái ăm cho nhạc Việt. Một đằng, ở
cái chợ trời âm nhạc với đủ thứ bát nháo, thiên hạ chê nhiều hội viên của Hội
là giáo điều, hủ nút và xa rời cuộc sống thì bên trong tường lũy của hàn lâm và
tự sướng thì người ta lại ngày đêm miệt thị xã hội ngoài kia là suy thoái và vô
học!
Thế thì ai đúng , ai hay?
Hình như chả ai cả. Có vẻ một anh
là đầu, một anh là đuôi của một cái xác nghệ thuật đang trong vòng đánh hơi của
những chú kền kền truyền thông sắp gần đuối vì kinh tế suy thoái?
T.M.P