20.10.13

Vài suy nghĩ về Trịnh Công Sơn



Tôi rất thích âm nhạc và thơ ca. Mặc dầu sanh sau đẻ muộn nhưng đối với những giòng nhạc Việt Nam thế hệ trước, tôi đã thích nhạc của nhiều người từ Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Lê Thương, Văn Cao, Trầm Tử Thiêng, Văn Phụng cho đến Ngô Thuỵ Miên, Từ Công Phụng, Lam Phương, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, v.v. Nhưng càng lớn và được học một ít về âm nhạc thì suy nghĩ của tôi khác đi từ từ. Tôi nhận thấy nhạc của một số người trở nên giá trị hơn, càng nghe càng thấy hay. Một số vẫn hay như cũ. Một số khác không còn được như tôi đã từng nghĩ, càng nghe càng thấy bớt hay. Nhạc của Trịnh Công Sơn tiếc thay, đối với cá nhân tôi, đã lọt vào nhóm thứ ba. Nhạc TCS hay, nhưng theo tôi cái “hay” và sự nổi tiếng của ông như được ca ngợi lâu nay là quá mức, và tôi sẽ giải thích ý kiến đó qua việc phân tích một vài khía cạnh trong âm nhạc của ông nhấn mạnh đến sự giới hạn trong ý tưởng.

Nhạc Trịnh Công Sơn có cái hay riêng. Sự phổ biến nhạc của ông và số lượng người yêu nhạc to lớn đã nói lên điều đó. Và âm nhạc của ông có ảnh hưởng không nhỏ trong văn hoá Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó tôi tin rằng cái “hay” hoặc sự phổ biến nhạc TCS một phần đạt được là vì lý do chính trị, vì người nghe có những điểm chung với ông nên dễ thông cảm và không khách quan, và quan trọng nhất là vì sự thưởng thức quá dễ dãi của chúng ta.

Tôi không phải là một “professional writer” nhưng muốn viết bài này vì ba lý do. Thứ nhất, tôi nhận thấy lâu nay chúng ta đã khen ngợi TCS quá đáng vì bị ảnh hưởng của những yếu tố trên. Tôi không muốn nhạc TCS phổ biến vì chính quyền đề cao ông. Không phải tôi thích nhạc ông vì trong đó nói tới hình ảnh một con đường tôi đã đi qua. Tôi cũng không ca ngợi vì quen biết với ông. Tôi phê bình cũng chẳng phải vì không thích ông. Tôi nghe nhạc của ông với cái nhìn khách quan của cá nhân, nghe bằng cảm xúc và suy nghĩ. Nghe đơn thuần bằng tình cảm như người Việt chúng ta lâu nay thì hay dở không còn chính xác và âm nhạc không phát triển được.

Lý do thứ hai là tôi không muốn giống như nhiều người … nghe mọi người nói nhạc của người này “hay” nhạc của người kia “dở” là hùa theo đồng ý mà không chịu tìm hiểu tại sao “hay”, tại sao “dở”. Tôi cảm giác có khá nhiều người như vậy trong xã hội Việt Nam. Nếu tiếp tục theo dấu chân đó thì âm nhạc không phát triển được.

Lý do thứ ba là tôi muốn bàn về một vài khía cạnh trong nhạc TCS và đưa ra ý kiến đánh giá cái hay và sự giới hạn của ông. Tôi công nhận khả năng của ông, nhưng bên cạnh đó tôi cũng muốn nói là TCS không hay như mức độ mọi người ca ngợi và khâm phục. Nếu không có thảo luận thì âm nhạc không phát triển được.


I. Vài Suy Nghĩ Về Nhạc

Mặc dầu phân tích phần lời là ý chính, tôi thấy cần nói lên vài nhận xét sơ về phần nhạc của TCS. Theo ý tôi thì phần nhạc của TCS kém, và tôi đặc biệt nhấn mạnh đến sự yếu kém trong tính sáng tạo, tính đa dạng, và sự phức tạp, v.v. Đó là một nhận xét chung. Để phân tích vấn đề kỹ thuật một cách chi tiết và khoa học trong âm nhạc TCS thì cần một bài viết khác.

Dĩ nhiên có người khen, có người không, nhưng tôi chưa thấy một nhà phê bình âm nhạc hoặc một nhạc sĩ có đủ thẩm quyền về âm nhạc nào nói rằng phần nhạc của TCS xuất sắc. Ngay cả những thính giả bình thường thôi nhưng nghe nhạc một cách nghiêm túc tôi quen biết cũng dễ dàng thấy được điều đó và nhận xét phần nhạc của ông không hay. Có thể mọi người sẽ nói rằng họ thích nghe nhạc của ông hoặc nói chung chung rằng nhạc của ông “hay”, nhưng chưa ai nói nhạc thuật của ông đặc sắc, sáng tạo, đa dạng, đáng khâm phục, hoặc sophisticated (theo tiêu chuẩn Việt Nam thôi).

Phần lớn mọi người nói về lời khi họ khen nhạc TCS. Nhạc sĩ tài năng và đáng kính Văn Cao trong một bài viết về TCS đã nhắc lại lời của Nguyễn Xuân Khoát, “TCS viết dễ như lấy chữ từ trong túi”. Câu này của Nguyễn Xuân Khoát chỉ nói về phần lời mà thôi và ý Văn Cao cũng vậy. Nguyễn Xuân Khoát có ý khen ngợi TCS viết lời dễ dàng, và Văn Cao cũng khen ngợi những điều hay đẹp trong lời nhạc TCS. Văn Cao cũng đã nói rằng TCS là ... nhạc sĩ thơ. Tôi không nhớ chính xác chữ Văn Cao dùng, nhưng ý là vậy, để nhấn mạnh về ý thơ trong nhạc, tức là phần lời chứ không phải nhạc thuật.

Trong khi đó, những người khen ngợi phần nhạc của ông cũng chỉ nói đi nói lại về cái hay trong sự đơn giản. Văn Cao cũng khen cái hay trong sự đơn giản của nhạc TCS và nhận xét nhạc TCS không phải loại “bác học”. Dùng chữ “bác học” thì nghe có vẻ to lớn. Thay vào đó tôi chỉ muốn nói về tính “sophistication”, “đa dạng”, và “sáng tạo” trong từng bài hát và trong toàn thể âm nhạc của TCS mà thôi. Nhạc TCS không đạt được những yếu tố đó.

Dĩ nhiên có nhiều nhạc phẩm đơn giản nhưng rất hay, và Trịnh Công Sơn đã có những nhạc phẩm đơn giản và hay. Tuy nhiên, hầu hết những nhạc phẩm của ông đều đơn giản như vậy, hay nói đúng hơn là đều đơn giản và giống nhau như vậy. Vậy thì còn gì là hay nữa? “Đơn giản” ... vài bài thôi chứ. Bài nào cũng “đơn giản” hết cho thấy một khả năng … “đơn giản” hay sao? Hay nói một cách chính xác hơn nhưng trung thực ... bài nào cũng “đơn giản” hết cho thấy một khả năng giới hạn.

Có người còn mạnh dạn nói rằng “Ông đã chọn cách viết đơn giản, đi thẳng vào lòng người.” Thứ nhất, tôi nghĩ rằng việc “đi thẳng vào lòng người” đó sẽ xảy ra nếu chúng ta nghe với một đầu óc “đơn giản” và ngay cả nghe với một … “con tim” đơn giản. Thứ hai, tôi không tin ông đã “chọn” cách viết đó. Không phải ông cố ý viết đơn giản đâu mà tại ông không có khả năng làm khác hơn được. Một nhạc sĩ tài ba là người có khả năng viết đơn giản hoặc phức tạp nhưng tất cả đều có thể đi vào lòng người được. Nếu TCS còn sống, hãy thử yêu cầu ông viết một nhạc phẩm “sophisticated” hơn một chút thử coi coi ông có làm được không?

Là người nhạc sĩ làm việc trong lãnh vực sáng tạo ai mà không muốn sáng tạo và tác phẩm của mình đa dạng. Tôi tin TCS cũng vậy. Khi còn sống tôi nghĩ ông cũng không vui khi mọi người nói nhạc của ông đơn điệu và giống nhau, và ông cũng cố gắng làm cho chúng khác đi, nhưng chắc sự thành công không nhiều, và thực tế là vậy đối với phần lớn nhạc của ông. Có nhạc sĩ nào thích người nghe nói những bài hát của mình giống nhau đâu. Nếu nói “TCS chỉ thích viết như vậy. Đó là chọn lựa của ông.” thì tôi tin rằng đó chỉ là một “excuse” cho sự giới hạn và là lý do trốn tránh mà thôi. Tôi đang nói về phần nhạc chứ không phải phần lời.

Theo truyền thống, nhạc Việt Nam bắt đầu phải có chất thơ trước. Âm nhạc theo sau. Viết nhạc theo phong cách đó rất dễ tạo nên những nhạc phẩm đơn giản. Trước tiên là chúng ta viết lời nhạc như bài thơ tự do với những câu ngắn có vần có điệu. Sau đó phát triển nó lên thành bài hát nương theo những giai điệu có sẵn trong thơ rồi mà thôi. Người viết chỉ việc gắn “notes” vào những chữ trong thơ rồi sửa đổi, thêm thắt một chút là có ngay một bài hát với giai điệu đơn giản. Chính vì vần điệu thơ không đa dạng thành ra những bài hát viết theo kiểu này sẽ tương tự nhau về giai điệu và nhịp điệu. Đó là một cách viết, và bằng cách sửa chữa đó mà người nhạc sĩ giỏi có thể làm nên những nhạc phẩm hay, nhưng người khá chỉ tạo nên những tác phẩm đơn điệu và giống nhau.

Việc phổ thơ cũng tương tự như vậy. Nhạc sĩ giỏi có thể phổ những bài thơ của người khác thành những nhạc phẩm hay. Người nhạc sĩ khá khi đụng phải một bài thơ của người khác với cách sử dụng ngôn ngữ lạ có thể sẽ gặp khó khăn. TCS chỉ phổ nhạc có hai bài thơ mà thôi (và lấy ý một bài thơ khác cho nhạc phẩm thứ ba “Con Mắt Còn Lại”). Trong bài “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu”, câu “Ừ thôi em về” ông đã phổ để hát thành “Ừ thối em về”. Người dễ dãi sẽ nói không sao. Tôi thấy đó là một vấn đề. Chữ “thối” làm câu thơ vô nghĩa và nghe không được “thơm” lắm.

Có thể vì cách viết nhạc như vậy mà nhạc TCS không hay, nhưng lời thì có nhiều chất thơ và tâm tình hay không? Hãy thử lấy những lời nhạc TCS và viết thành những câu ngắn thì sẽ thấy rằng nhiều bài là những bài thơ tự do rất hay. Tôi muốn nói rằng TCS là một nhà thơ tự do hay, nhưng người nhạc sĩ trong ông không hay.

Xin nhấn mạnh một vài điểm:

1.            Chắc chắn cũng có những nhạc sĩ khác viết những nhạc phẩm có phần nhạc tương tự nhau. Nhưng nếu kỹ thuật âm nhạc không “đơn giản” quá thì vẫn hay và không nhàm chán (dĩ nhiên có sự khác nhau tuỳ nhạc sĩ). Đồng thời nhiều nhạc sĩ không viết nhiều như TCS nên sự giống nhau không nhiều và rõ ràng như TCS.
2.            Nếu có những nhạc sĩ viết nhạc đơn giản quá hoặc giống nhau quá thì tôi cũng sẽ nhận xét là TCS và những nhạc sĩ đó ở cùng một “level”.
3.            Trong âm nhạc, nhiều người, đặc biệt những người được học về âm nhạc, tin rằng phần nhạc quan trọng hơn lời và nói lên nhiều về khả năng của người nhạc sĩ. Vì người Việt Nam chưa có được suy nghĩ như vậy nên nhạc Việt Nam (không bao gồm “traditional music”) chưa hay lắm và phát triển chậm.
4.            Âm nhạc là sự kết hợp giữa nhạc và lời. Nếu nhạc hay và lời đẹp thì sẽ tạo nên những tác phẩm đặc sắc. Trong đa số những nhạc phẩm của ông, TCS chỉ đạt được phần lời mà thôi chứ không được phần nhạc.
5.            Người Việt Nam lâu nay nghe nhạc thường chú ý phần lời nhiều hơn phần nhạc và nghe bằng con tim; vì vậy “hay”, “dở” không chính xác. Cũng vì chú ý nghe “lời” nhiều và đánh giá cao phần “lời” mà nhiều người nói một cách tổng quát nhạc TCS hay.
6.            Âm nhạc là sự kết hợp của nghệ thuật và kỹ thuật. Âm nhạc chắc chắn có “nhạc hay” và “nhạc dở”. Cá nhân tôi tin rằng nghệ thuật cũng có “hay” và “dở”. Tuy nhiên, nghệ thuật thì khó xác định chất lượng vì nó rất chủ quan, tuỳ thuộc vào sở thích, vào cái “taste”, vào văn hoá của mỗi người, v.v. Còn kỹ thuật thì chắc chắn có “hay” và “dở” vì kỹ thuật là khoa học, là nghiên cứu, là tiêu chuẩn, và khách quan. Giáo dục sẽ làm tăng khả năng thưởng thức nghệ thuật và phân tích kỹ thuật của người nghe.
7.            Một số người hay nói rằng âm nhạc là nghệ thuật nên không có hay và dở, và không cần phân tích mà chỉ có cảm nhận mà thôi. Đây là một cách lý luận/suy nghĩ rất tai hại và sẽ không làm âm nhạc phát triển được. Có thể có người suy nghĩ như vậy thật. Có người không “aware” đến vấn đề kỹ thuật. Nhưng cũng có người dùng điều đó như một “excuse” cho một cách thưởng thức, để biện minh cho những yếu kém trong âm nhạc, hoặc để trốn tránh vấn đề phân tích kỹ thuật nhằm hòng bảo vệ một niềm tin nào đó của mình về âm nhạc/nhạc sĩ/bài hát.

Tôi chỉ nói sơ về phần nhạc như vậy. Tôi sẽ phân tích chi tiết về phần lời và ý, phần mà mọi người cho là hay và là lý do chính khiến nhạc TCS phổ biến.


II. Những Nhận Xét Về Lời

Nói về lời thì tôi thấy lời nhạc TCS hay nhưng … cũng không hay. Hay vì trong nhạc của TCS có nhiều ngôn từ, hình ảnh rất hay, lạ, và sáng tạo. Tuy nhiên chúng chỉ hay nếu ông viết một số ít nhạc phẩm mà thôi. Đàng này ông viết rất nhiều và hầu hết những nhạc phẩm đó đều có những hình ảnh, ý tứ giống nhau hoặc tương tự nhau. Điều đó làm nhạc của ông mất đặc sắc và cho thấy giới hạn trong sáng tạo. Vì những suy nghĩ như vậy nên tôi vẫn thấy lời của TCS hay nếu tôi chỉ nghe một số bài mà thôi. Nếu nghe nhiều sẽ thấy giá trị của chúng giảm dần và trở nên nhàm chán.

Tôi xin nhấn mạnh một vài điểm:

1.            Tôi muốn nói tới sự trùng hợp trong ngôn từ, nhưng quan trọng hơn là sự trùng hợp trong hình ảnh và ý tưởng của những câu có ngôn từ tương tự nhau.
2.            Những nhạc phẩm của các nhạc sĩ khác nếu có sự trùng lặp trong hình ảnh thì cũng bớt hay. Nhưng tỷ lệ trùng lặp trong nhạc TCS rất cao. Nhiều nhạc sĩ khác lại có được phần nhạc khá đặc sắc, đa dạng bù đắp (dĩ nhiên có sự khác nhau tuỳ nhạc sĩ). Tôi đồng ý với lối nhìn của người Tây phương là trong âm nhạc, phần nhạc nên được đặc biệt chú trọng.
3.            Nếu có những nhạc sĩ viết lời trùng lặp nhiều thì tôi cũng sẽ nhận xét TCS và những nhạc sĩ đó cùng một “level”.
4.            Có người sẽ nói, “Nhạc sĩ Phạm Duy cũng có những hình ảnh trùng lặp.” Đúng, nhưng tôi thấy sự khác biệt là ở chỗ:
a.            Phạm Duy viết một số lượng rất lớn những nhạc phẩm và tỷ lệ trùng lặp này lại nhỏ một cách đáng ngạc nhiên so với số lượng bài hát (Khi có cơ hội tôi sẽ viết một số bài bày tỏ ý kiến về nhạc Phạm Duy).
b.            Trong cái tỷ lệ không lớn đó, những hình ảnh và ý tứ của những câu vẫn đẹp và không giống nhau quá để người nghe có thể nhàm chán được.
c.            Phạm Duy có rất nhiều những ý tứ, hình ảnh phong phú khác nhau trong nhạc chứ không phải chỉ có một số hình ảnh tập trung lập đi lập lại như trong hầu hết những nhạc phẩm của TCS.
d.            Điều rất quan trọng là phần nhạc của Phạm Duy thật đẹp đẽ, đa dạng từ giản dị cho đến phức tạp, từ dân ca cho tới ảnh hưởng Tây phương. Trong khi đó lời nhạc của ông rất đẹp, sáng tạo, rất nhiều chất thơ, nhiều triết lý sâu sắc. Đề tài và tư tưởng của Phạm Duy phong phú, nói về nhiều lãnh vực khác nhau. Âm nhạc là sự kết hợp giữa nhạc và lời. Nếu nhạc hay và lời đẹp thì sẽ tạo nên những tác phẩm đặc sắc. Đối với âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy đã đạt được cả lời và nhạc trong một số lượng lớn tác phẩm.

Tôi không bao giờ muốn so sánh Phạm Duy và TCS vì tôi luôn luôn coi hai vị này là ở hai levels khác nhau hoàn toàn. Tôi muốn đưa ra một ví dụ có tính so sánh như trên vì nghĩ rằng nhiều người hay so sánh TCS với Phạm Duy và có lẽ sẽ không tránh khỏi làm điều đó khi đọc bài viết này. Nếu phải so sánh tôi sẽ nói đơn giản rằng có một sự khác biệt rất lớn về chất lượng giữa TCS và không những Phạm Duy mà còn nhiều nhạc sĩ khác nữa như Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Lê Thương, Văn Cao, v.v. mặc dầu TCS có số lượng bài hát nhiều chỉ sau Phạm Duy mà thôi.


A. Những Cái Hay

Nét đặc biệt nhất trong nhạc TCS theo tôi thấy là chúng có rất nhiều chất thơ với vần điệu dễ nhớ, đơn giản, có sự sáng tạo trong ngôn từ và lời đẹp, và có nhiều tính chất tâm tình. Chính vì vậy nhạc của ông dễ nghe và dễ làm chúng ta thích và nhớ. Chúng ta, những người Việt Nam rất thích thơ và sống trong một môi trường nhiều thơ, vè, ca dao, dĩ nhiên thích nghe và thích hát những bài hát như vậy.

Một trong những bài của ông tôi rất thích và cho thấy nhiều về cái hay trong sự đơn giản là “Lời Mẹ Ru”. Lời (và nhạc) bài này giản dị, dễ nghe, nhẹ nhàng như một cơn gió trưa hè, như một bài thơ, một bài hát ru với những hình ảnh đơn sơ nhưng ngọt ngào tình mẹ con và gần gũi:

“Lời mẹ ru con đến những khu vườn …
Ru con khôn lớn í … a…
Trong mộng cười ngon, ru mộng con thơm…
Con ngủ giấc tròn cho mẹ ngồi trông”

Sự mới lạ và sáng tạo trong cách dùng từ của TCS cũng là điều nhiều người khen ngợi và tôi cũng có cùng nhận xét. Chúng ta có thể tìm thấy những từ ngữ hoặc cụm từ ngữ này khá dễ dàng ví dụ như:

“Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa”

Câu này thoạt nghe thì không hay lắm vì có vẻ khô khan. Nhưng nghĩ lại thì thấy rất ấm áp và ngọt ngào. Quê quán là cái để “nghĩ”, “thấy” hoặc “nhớ” về nhưng TCS đã “nghe” vì ông bất chợt nghe được giọng nói của người con gái cùng quê, và giọng nói đó làm ông “nghe” được và “thấy” quê hương ông. Đó là một cách dùng chữ sáng tạo và lạ.

Hoặc:

“Để mắt em cười tựa lá bay”

“Mắt cười” mà như “lá bay” sao? TCS muốn nói tới hình ảnh phản chiếu của những chiếc lá nhìn thấy được trong đôi mắt trong sáng của cô gái, hay ông muốn nói ánh mắt cười của cô long lanh, lém lỉnh, nhảy múa vui cười như những chiếc lá đang nhảy múa? Cả hai hình ảnh đối với tôi đều rất đẹp và thú vị.

Chất thơ trong nhạc TCS là điều khá rõ ràng và dễ thấy. Lời TCS phần lớn là những câu thơ tự do ngắn nhưng có vần điệu hoặc trong vài trường hợp là những câu đường luật hoặc lục bát. Chúng ta chỉ việc lấy lời một bài hát nào đó của TCS và ngắt nó thành những câu ngắn rồi xếp chúng lại trên dưới với nhau thì sẽ thấy rõ điều đó. Những hình ảnh đẹp đẽ, kỹ thuật so sánh, nhân cách hoá, v.v. trong lời sẽ càng làm cho lời nhạc của ông gần với thơ hơn nữa. Tôi chỉ muốn đưa ra hai ví dụ mà thôi:

“Chiều đã đi vào vườn mắt em
Mùa thu qua tay đã bao lần
Ngàn cây thắp nến lên hai hàng
Để nắng đi vào trong mắt em”

Và:
“Em hai mươi tuổi em là nắng
Em hai mươi tuổi em là mưa
Sài Gòn nắng mưa em ngày ấy
Còn là hạt bụi giữa hư vô...

Đi trong chuyện cũ ngày xưa
Trong lòng thương nhớ cơn mơ lạ kỳ
Đi trong hạnh phúc quê nhà
Chuyện ngày xưa ấy bỗng là chiêm bao”

Tính chất tâm tình trong nhạc TCS cũng nhiều và có lẽ vì vậy nhiều người cảm thấy gần gũi với nhạc của ông. Ông có khá nhiều nhạc phẩm như vậy ví dụ như những bài hát nói về đường phố có mưa rơi, có bụi bay, v.v. Những hình ảnh đó làm người nghe dễ liên hệ với chính họ:

“Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng…
Nhớ quán ăn quen, nhớ ly chè thơm
Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng
Phố em qua gạch ngói quen tên”

Hoặc tâm sự về cuộc đời như:

“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng …
Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng”    

Những bài như vậy rất dễ làm xúc động nhiều người Việt Nam, những người nhớ nhiều về kỷ niệm, thích sự lãng mạn, và hay nghĩ tới sự đau khổ.

Ngôn ngữ là cái hay trong nhạc TCS: dễ nghe, nhiều chất thơ với hình ảnh đẹp, cách sử dụng từ ngữ sáng tạo, và tính chất tâm tình. Những yếu tố đó có lẽ là lý do nhiều người khen và thích nhạc TCS.


B. Những Điều Không Hay

TCS có những cái hay trong lời nhạc, nhưng đối với tôi lời nhạc cũng cho thấy sự giới hạn của TCS. Những từ ngữ, hình ảnh, ngay cả hình ảnh sáng tạo, đặc trưng của ông đã được sử dụng lập đi lập lại quá nhiều. Đó chính là giới hạn của TCS - sự sáng tạo bị ngừng lại, và ông chỉ loay hoay với những ý tưởng, hình ảnh cũ trong không biết bao nhiêu bài hát của ông. Vì vậy mà bao nhiều bài hát của ông đều có “cái gì đó” hao hao giống nhau. Nếu ý tưởng bị trùng lặp (điều này xảy ra thường xuyên ở những mức độ khác nhau tuỳ nhạc sĩ) mà nhạc hay và phong phú thì nhạc phẩm vẫn có thể hay. Đằng này phần nhạc của TCS không có gì đáng chú ý.

Bây giờ tôi sẽ nói rõ hơn “cái gì đó” là những cái gì và xin được bàn về sự trùng lặp trong nhạc TCS và điều đó làm lời nhạc của ông trở nên nhàm chán. Tôi sẽ phân tích lời trong 130 nhạc phẩm phổ biến của TCS mà thôi. TCS viết nhiều hơn 130 bài nhưng đây là những bài phổ biến nhất. Tôi sẽ không phân tích những bài hát “Da Vàng” vì đề tài và mục đích của chúng khác biệt với những bài khác.

Trước tiên tôi xin nói chung về một số ngôn từ (specific) và hình ảnh (với nghĩa rộng) mà TCS đã sử dụng nhiều lần trong nhiều bài hát. Tìm hiểu lời nhạc TCS tôi đã khám phá ra những từ và hình ảnh này, và mặc dầu đã biết trước, tôi cũng rất ngạc nhiên vì sự lập đi lập lại quá nhiều của chúng. Ví dụ như hình ảnh “ra đi” hoặc “bước đi” có tỷ lệ khoảng 60%, tức là cứ mỗi 1.7 bài thì có 1 bài TCS nói về sự “đi”, “bước đi”. Tức là chưa viết hết 2 bài thì hình ảnh “ra đi” hoặc “bước đi” đã lại được TCS sử dụng để nói tới một sự ra đi, một người đi, hoặc một sự đi về. Đối với tôi đây là tỷ lệ quá lớn. Xin viết một số câu dẫn chứng:

“em đi về nơi ấy”, “người ngỡ đã đi xa”, “người đi phiêu du từ đó”, “em đi bằng bước chân vui”, “em đi bống về em về bống đi”, “ta đi bằng nhịp điệu”, “đi về giáo đường”, “đi nhẹ vào đời”, “buồn đi trong đêm khuya”, “đi loanh quanh cho đời mỏi mệt”, “bước chân nghe quen”, “bước chân về giữa chợ”, “bước chân em xin về mau”, “tôi đưa em về chân em bước nhẹ”, “còn tôi bước hoài”, v.v.

Hoặc ví dụ về “con đường”, “lối đi”, hoặc “đường” tượng trưng cho “đường đời”. Tất cả đều nói lên một ý, một hình ảnh … một cái “path” để đi đến một nơi nào đó, để bắt đầu từ một điểm nào đó, hoặc không đi tới đâu cả, hoặc để đứng lại trong một lúc nào đó, làm gì đó trên nó. Tỷ lệ là 52% hay là cứ mỗi 1.9 bài thì có 1 bài có hình ảnh con đường.

“đường đi suốt muà nắng lên thắp đầy”, “đường chạy vòng quanh”, “những mặt đường nằm câm”, “đường phượng bay mù không lối vào”, “từng con đường nhỏ trả lời cho tôi”, “đường trần rồi khăn gói”, “đường đời xa lắm nhé”, “người tình kia mất con đường về”, “đường trần đâu có gì”, “bên đường xe ngựa ngược xuôi”, “có đường phố nào vui”, “ru trên đường em đến”, v.v.

Một số hình ảnh khác cũng có tỷ lệ lớn đáng … phàn nàn ví dụ như: cứ 2.2 bài thì có một bài có “gió”, cứ 2.4 bài thì ông lại đề cập tới “mưa”, 2.2 bài thì “bàn chân”, hay “lá cây” được nói tới; cứ viết 2.3 bài thì có một bài ông viết về “nắng”; cứ mỗi 3 bài thì trong một bài “môi” hoặc “giòng sông” được nhắc tới, v.v.

Đây là một ví dụ khác về “bàn tay”, “ngón tay”. Tỷ lệ là 1 / 2.6:

“bàn tay chắn gió mưa sang”, “chập chờn lau trắng trong tay”, “chiều qua bao nhiêu lần tay mời”, “tay măng trôi trên tóc vùng dài”, “bàn tay ngắt hoa từ phố nọ”, “dài tay em mấy thưở mắt xanh xao”, “ngủ đi em tay xanh ngà ngọc”, “tay ôm quanh tình người”, “đêm mưa lạnh từng ngón sương mù”, “cho tay em dài gầy thêm nắng mai”, “biển hẹp tay người lạc lối”, “xin năm ngón tay em thiên thần”, v.v.

Một ví dụ nữa ... “mưa” với tỷ lệ 1 / 2.4:

“mưa vẫn mưa bay trên hàng lá đổ”, “trong lòng phố mưa đêm trói chân”, “em đứng lên gọi mưa vào hạ”, “em hai mươi tuổi em là mưa”, “mưa có buồn trong mắt em”, “có khi mưa ngoài trời”, “thôi ngủ đi em mưa ru em ngủ”, “ru khi mùa mưa tới”, “em ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa”, “lời hẹn thề là những cơn mưa”, “trời còn làm mưa rơi mênh mang”, “ngoài hiên mưa rơi”, “tôi xin làm mưa bay”, “bên sông chiều mưa tới”, v.v.

Những người ủng hộ ông sẽ nói rằng tuy những hình ảnh chung chung giống nhau nhưng ý khác nhau tuỳ trường hợp ví dụ như “em hong tóc bên hồ” khác với “lùa nắng cho buồn vào tóc em” mặc dầu đều nói về “tóc”. Đúng là hai câu này khác nhau, và dĩ nhiên TCS có nhiều câu khác nhau khi nói về một đề tài, nhưng tôi sẽ bàn về câu và cụm từ sau. Lúc này, điều tôi muốn nói ở đây là ông đã nói về ... “tóc” quá nhiều trong những nhạc phẩm của ông.

Tôi thấy rằng TCS không kiếm ra được những ý tưởng mới để diễn tả tâm tư, tình cảm trong những bài hát của mình, và ông cứ phải dùng đi dùng lại một số hình ảnh trong nhiều bài hát. Cũng được đi, nhưng điều tôi muốn nói ở đây là những tỷ lệ 2:1 hoặc 3:1, 4:1 là những con số cho thấy chu kỳ lập đi lập lại quá nhanh ... quá nhanh, quá nhiều. Sự sáng tạo của ông bị ngưng lại. Những phân tích sau này về trùng lặp trong ý, câu, hoặc cụm từ, ngay cả những câu, ý đại diện cho sự đặc trưng của TCS sẽ làm rõ hơn nữa điều tôi muốn nói. Hiện tại tôi xin liệt kê một danh sách những ngôn từ, hình ảnh bị lập đi lập lại với chu kỳ nhanh nhất và hầu hết những ca khúc của ông đều chứa đựng những hình ảnh nhất định này:

Đi/Bước đi: 1.7; Đường phố: 1.9; Gió: 2.2; Ngón chân/Bàn chân: 2.2; Lá cây: 2.2; Nắng: 2.3; Ngày tháng: 2.3; Mưa: 2.4; Tay/Ngón Tay: 2.6; Nghe/Lắng nghe: 2.8; Môi: 3; Bầu trời: 3; Sông/Giòng Nước: 3; Phố/Phố xá: 3.2; Chim chóc: 3.6; Hoa/Đoá Hoa: 3.6; Mây: 4; Ngồi: 4; Nụ Cười: 4.5; Mắt/Ánh mắt: 4.5; Mặt Trời: 4.5; Tóc: 4.5; và Đứng: 4.8.

(Còn những từ ngữ, hình ảnh khác như “Cát”, “Đá”, “Bụi”, “Sỏi”; “Áo”, “Lụa”; “Vai”; “Biển”, “Sóng”; “Sương”; “Suối”; “Đồi”; “Núi”; “Trăm năm, ngàn năm”; “Tiếng cười”; “Lửa”; “Nến”; “Tấm lòng”; v.v. cũng có tỷ lệ trùng lặp khá cao.)

Đó là sự trùng lặp đối với một số hình ảnh chung nhất định và cho thấy sự bó hẹp, sự “không thoát ra được” trong ý nhạc TCS. Hầu như bài nào cũng có “đường phố”, cũng có “tay thon”; hầu như bài nào cũng có “tóc”, có “mưa”, bài nào cũng có “bàn chân”, “lá cây”, “em ngồi, tôi ngồi, ta ngồi”, v.v.

Để thấy rõ hơn sự giới hạn, chúng ta hãy nhìn vào sự trùng lặp trong ý và hình ảnh chi tiết của những câu có cùng một ngôn từ. Dĩ nhiên TCS có nhiều câu rất khác nhau khi nói về một hình ảnh, nhưng ông cũng có nhiều câu giống nhau. Hãy xem xét những câu hoặc cụm từ sau đây xem sao (trường hợp những hình ảnh giống nhau được lập lại nhiều lần trong cùng một bài hát thì tôi chỉ đưa ra một ví dụ cho mỗi bài mà thôi):

“nghe trời gió lộng”
“thoáng nghe gió lạnh”
“lặng nghe gió đi về”
“đêm nghe gió tự tình”
“nghe gió than hoài”
“từng đêm nghe gió ru ơ hờ”
“lặng nghe gió đêm nay”
“nghe mưa tủi hờn”
“nghe mưa bão”
“nghe tiếng mưa trên đàn”
“trên tình ta nghe giọt mưa”

“lắng nghe con sông nằm kể”
“nghe sóng âm u dội vào đời”
“tôi nghe sa mạc nối dài”

Những câu trên giống nhau vì chúng đều nói về một chuyện: “nghe mưa” ... gì đó, “nghe gió”... gì đó. Hơn nữa, “nghe gió lộng” và “nghe gió lạnh”; hoặc “nghe gió tự tình”, “nghe gió than”, và “nghe gió ru”; rồi “nghe gió đêm nay”, “từng đêm nghe gió”, và “đêm nghe gió” còn làm chúng giống nhau hơn nữa. Rồi“nghe sông nằm kể” và “nghe gió tự tình” cũng như nhau thôi.

Những câu trên còn tương tự nhau vì chúng dùng chung một công thức: [“nghe” + một từ về thiên nhiên + một số từ liên hệ diễn tả việc nghe tiếng thiên nhiên] (đây là lý do tôi bao gồm câu “tôi nghe sa mạc nối dài” trong nhóm này). Sự khác nhau có được là do những hình ảnh thiên nhiên và những chữ bổ túc. Từng câu thì khác nhau, nhưng tổng quát về ý tưởng thì tương tự nhau. Tôi không nói đó là dở. Tôi muốn nói rằng ông sử dụng chúng nhiều quá nên mất hay và cho thấy sự không sáng tạo trong ý tưởng.

Còn những hình ảnh và ý liên quan tới “đôi môi” thì sao? Tôi thấy những câu sau đây giống nhau khá nhiều:

“môi em cho ta một cánh hồng”
“miệng môi hồng đỏ như đoá hoa vông”
“môi em hồng như lá hư không”
“đoá hoa hồng cài hôn lên môi”
“bên đôi môi hồng đào”
“còn gì đâu môi xưa hồng”
“môi em hồng nhạt”
“làm hồng chút môi cho em nhờ”
“hồng đi nhé môi cười giữa ngọ”
“đời trần gian có môi hồng”
“bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng”
“hồng má môi em hồng sóng sa”
“đường xanh quá môi e ngại hồng”

“đôi môi em là đốm lửa hồng”
“môi em là đốm lửa”
“ngủ đi em đôi môi lửa cháy”
“nhớ mặt trời đầu môi”
“nắng có hờn ghen môi em”
“nắng như môi hoàng hôn trên phố”

Quá nhiều bài hát có những câu như vậy thì tôi thấy kém sáng tạo và nhàm chán. Ngay cả khi nhìn vào những câu nói về “môi” chứa đựng sự so sánh hoặc diễn tả lạ và sáng tạo, chúng ta cũng sẽ thấy một sự trùng hợp ví dụ như:

“nắng có còn hờn ghen môi em”
“nắng như môi hoàng hôn trên phố”
“nhớ mặt trời đầu môi”
“ngủ đi em đôi môi lửa cháy”
“đôi môi em là đốm lửa hồng”
“môi em là đốm lửa cuộc đời đâu biết thế”

Những câu trên cho thấy sự dùng từ hay và đáng được khen. Tuy nhiên sự sáng tạo và mới lạ bị lập đi lập lại nên mất chất đặc biệt. Nghe một câu thì thấy hay và lạ. Nghe hai câu cũng còn thấy hay. Nhưng rồi lại có những câu như vậy trong nhiều bài hát nên tôi thấy hết hay và không khen được nữa. Không những “môi”, mà còn “nắng” và “lửa” cũng bị lặp lại cùng với nhau trong những câu này để nói về một ý. Trong những câu trên ta thấy TCS đã chỉ dùng hai hình ảnh lập đi lập lại “nắng” (và “mặt trời”) và “lửa” ... “nắng ghen môi”, “nắng hôn môi”, “môi là lửa”, “mặt trời đầu môi” ... để nói về một tính chất của “môi”. Hãy tưởng tượng nếu TCS chỉ có 1 hoặc 2 bài có câu như vậy thôi thì câu đó sẽ đặc biệt biết chừng nào. Và với ví dụ này tôi muốn nói là mặc dầu ông có trên 40 bài hát nhắc về “môi”, tôi chỉ đánh giá khả năng sáng tạo về “môi” của ông dựa trên khoảng 5 bài mà thôi. Đọc tới đây chắc quý vị cũng thấy hiện thêm lên trong đầu những hình ảnh khác... “mặt trời”, “đốm lửa”, “ngọn nến” đâu đó trong những nhạc phẩm khác rồi phải không?

Một ví dụ khác nữa:

“nắng vàng lạc trên lối đi”
“đường đi suốt muà nắng lên thắp đầy”
“có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ”
“bao đường phố em qua nắng lên đứng chờ”
“nắng lên phố xưa”
“có nắng vàng nghèo trên lối đi xa”

Không phải chỉ hình ảnh “nắng” một cách chung chung được nói tới trong những bài hát này mà ta thấy tất cả đều chỉ có một ý: nắng trên con đường hoặc một con đường nhiều nắng. Sự khác nhau hiện diện là do những chữ như “lạc”, “lên thắp đầy”, “lên đứng chờ”, v.v. “Nắng vàng nghèo” tôi thấy không hay và nghe rất gượng. Tôi thích ý tưởng của câu“Bao đường phố em qua nắng lên đứng chờ”, nhưng phải chi TCS đừng có nhiều những câu khác về “nắng” và “đường phố” thì tốt biết mấy. Sự lập đi lập lại hình ảnh và ý trong những câu trên được thực hiện bởi sự lập đi lập lại của hai chữ “nắng” và “lối đi” hoặc “đường đi”.

Hoặc:

“đường quạnh hiu tôi đã đi qua”
“còn một mình trên phố”
“đường phố buồn mọi người đi vắng”
“ta như con đường dài vắng người”
“có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ”

Những câu trên đều dùng hình ảnh “đường phố” bên cạnh những chữ khác để nói lên một ý: sự cô đơn, vắng lặng trên con đường và trong lòng người. Dĩ nhiên những chữ khác đó cũng cùng một ý: “quạnh hiu”, “một mình”, “đi vắng”, “vắng người”, và “quạnh quẽ”.

Còn rất nhiều ví dụ khác. Tôi chỉ liệt kê ra đây một số và không phân tích nhiều thêm. Xin nói rõ là những ví dụ này bao gồm những câu cho thấy sự giống nhau từ gần như y hệt cho tới tương tự về ý tưởng. Trước nhất là ví dụ liên quan tới “chân”.

Bước chân nhẹ: “bước chân nhè nhẹ”, “chân người rất nhẹ”, “chân em bước nhẹ”, “đi nhẹ”, “chân ai rất nhẹ”, “đời nhẹ nâng bước”, v.v. cũng đều để diễn tả chân … bước nhẹ. Tôi không thấy chúng khác nhau.

Rồi “bàn chân trong phố”, “bàn chân qua phố”, “phố quen bàn chân”, “phố in dấu chân”, “chân nhuộm phố phường”, “chân qua phố”, “chôn chân nhớ phố”, v.v. Tất cả cũng chỉ cùng một ý.

Hay: “bước chân âm thầm muà hạ”, “em qua công viên bước chân âm thầm”, “bàn chân âm thầm nói”, v.v.

Rộng hơn chút nữa là những câu khá khác nhau nhưng đều có chung mục đích diễn tả một trạng thái nào đó của bước chân ví dụ như vận tốc: “chân người bước chầm chậm”, “không còn bước ngập ngừng”, “đi không nhanh chân không vội vàng”, “chân chim rộn ràng cùng diều tung tăng”, v.v.

Hoặc rộng hơn nữa là những trạng thái khác nhau của chân: “rượu tàn phai dưới chân đi ơ hờ”, “bàn chân xưa qua đây ngại ngần”, “chân chim rộn ràng”, “những bước chân mềm mại”, “lạnh lùng bước chân”, “chân đi nằng nặng hoang mang”, “bước ngập ngừng”, v.v.

Hay ý tưởng bước chân về đâu đó, nhiều khi là một nơi mơ hồ: “bước chân em xin về mau”, “bước chân về gác nhỏ”, “bước chân về giữa chợ”, “chân nhuộm phố phường em về biển xa”, “chân đưa tôi về biên giới mới”, “chân về đâu đó của em”, “khi bước chân ta về”, “hồng đi nhé chân về giữa ngọ”, v.v.

Từng câu này, nhiều ít, có ý nghĩa khác nhau, nhưng đối với tôi, cùng ý tưởng và công thức. Ví dụ như “chân ngập ngừng”, “chân ngại ngần”, “chân ơ hờ”, “chân nằng nặng”, “chân hoang mang”, “chân mềm mại”, “chân lạnh lùng”, “chân rộn ràng”. Hoặc “chân về gác nhỏ”, “chân về giữa chợ”, “chân về biển xa”, “chân về biên giới”; “chân về” ... đâu đó ... để diễn tả một bước chân trở về, một người trở về, hoặc một sự trở về. Và sau khi “trở về” hoặc “bước về” sẽ là một hình ảnh hoặc một cảm giác nào đó được nói tới. Tất cả đều cùng một ý tưởng.

Những câu đó cũng có câu khác nhau và có câu hay, nhưng tại sao lại nhiều ... “chân ... ...” đến như vậy? Đó là một số ví dụ về “chân”, “bước”, “đi”. Tôi chỉ phân tích sơ như vậy. Cũng tương tự, có rất nhiều ví dụ cho những cụm chữ, hình ảnh, và ý tưởng khác. Sau đây là một vài ví dụ khác:

Tóc bay trong gió hoặc gió làm tóc bay: “tóc gió thôi bay”, “gió hôn tóc thề”, “gió mừng vì tóc em bay”, “tóc em bay trong chiều gió lộng”, “tóc em gầy trong gió”.
Hình ảnh tóc liên hệ với thời gian: “tóc uá là nhờ những tháng âu lo”, “chợt một chiều tóc trắng như vôi’, “ru bạc tóc thôi”, “tóc nào còn xanh”, “rừng ơi xanh hoài mái tóc”.

Hình ảnh chim bay xa để nói lên sự chia xa: “bóng chim qua”, “chân chim qua trời”, “trời in dấu chim xa nguồn”, “mặt trời quên dấu chim”, “bóng chim cuối đèo”, “dấu chim bay”, “em như chim bay”.
Hình ảnh “em” và chim: “em cùng lá tung tăng như chim đến”, “ru em cánh nhạn”, “em đến nơi này tựa như cánh én”, “em như chim trắng”, “ngày mai em như chim bay”.

Hình ảnh ngón tay, bàn tay và sự buồn bã: “năm ngón đưa vào cô đơn”, “từng ngón tay buồn”, “tay che lệ nhoà”, “tay buồn không bàn tay”, “trên hai tay cơn đau dài”, “tay xôn xao đón ưu phiền”, “tay trơn buồn ôm nuối tiếc”.
Ngón tay, cánh tay dài, thon, gầy: “tay măng trôi trên vùng tóc dài”, “xin cho tay em còn muốt dài”, “dài tay em mấy”, “sống có đôi tay thật dài”, “cho tay em dài gầy thêm nắng mai”, “ngón tay em gầy”, “em gầy ngón dài”.

Bầu trời và âm thanh, tiếng hát: “giữa trời dòn vang tiếng cười”, “ngồi hát mây bay ngang trời”, “tiếng hát tan trong trời gió lên”, “hát bên trời gian dối”, “lời ru như tiếng hát trên trời”, “lời ru vang vọng một trời”.
Trời với gió: “nghe trời gió lộng”, “trời buông gió”, “hát tan trong trời gió lên”, “trời buồn gió cao”, “đất trời lặng gió”, “gió trời lênh đênh”, “nhặt gió trời mời em giữ lấy”, “sương ở miền xa gió ở đất trời”, “gió cuốn đi tận cuối trời”, “đứng bên trời gió lộng”.

Hình ảnh hoa hồng hoặc sắc hồng của hoa: “môi em cho ta một cánh hồng”, “môi hồng đỏ như đoá hoa vông”, “đoá hoa hồng cài lên tóc mây”, “còn gì đâu những đoá hoa hồng”, “yêu đoá hồng bé dại”, “loài hoa trắng hồng”, “con sông nằm chờ những đoá hồng”, “hoa trên đồng xanh một sớm mai rất hồng”.

Nghe tiếng mưa rơi: “nghe mưa tủi hờn”, “thềm đá nghe mưa”, “nghe mưa bão”, “con đường nằm nghe nắng mưa”, “nghe mưa nơi này”, “nghe tiếng mưa trên đàn”, “mưa nghe từ độ trái tim em buồn”, “nghe quanh đời mưa bão”.
Một ý tương tự khác đã được nói tới ở trên là “nghe gió”. “Nghe mưa” và “nghe gió” cũng đã là hai ý tưởng giống nhau rồi. Những ví dụ khác có thể là hình ảnh mưa rồi nắng, nắng rồi mưa, hoặc mưa trong nắng, nắng trong mưa: “mưa lâu hoặc cơn nắng dài”, “mưa rồi chợt nắng,“nắng mưa em ngày ấy”, “ngày mưa hay nắng”, “cơn mưa là nắng vô thường”, “đêm khua nắng sớm hay cơn mưa”, “mưa nắng ở trong mắt người”, “nắng ngời nhìn mưa bay”, “thành phố vẫn nắng vàng, vẫn mưa”, “từ khi nắng hay mưa vội vàng”, “yêu em bao ngày nắng, bao ngày mưa”, “bướm hoa và chim cùng mưa nắng”.

Mắt buồn: “nắng qua mắt buồn”, “mưa buồn bằng mắt em”, “mưa có buồn trong mắt em”, “buồn trong mắt nai”, “mắt buồn mi thơ ngây”, “mắt ưu phiền”, “nước mắt rơi cho tình nhân”, “đi quanh từng giọt nước mắt”, “mưa ngoài trời là giọt nước mắt em”, “lau khô dòng nước mắt”.     

Hoặc ví dụ những đơn từ khá đặc trưng trong nhạc TCS nhưng được áp dụng nhiều lần với những chữ khác để tạo nên cụm từ: “tay gầy”, “vai gầy”, “ngón gầy”, “tóc gầy”, “em gầy”, “cánh gầy”, “thân gầy”, “hoa gầy”, “nắng gầy” (tôi thấy hình ảnh “tóc gầy” và “nắng gầy” gượng quá).           

Hoặc những câu sau đây với từ kép “trăm năm”, “ngàn năm” thì quý vị nghĩ thế nào? Tôi thấy chúng giống nhau trong ý tưởng ... một điều vô định, một cuộc đời, một sự tồn tại, v.v.: “trăm năm vào chết một ngày”, “nghe tiếng trăm năm”, “thấy bóng trăm năm”, “cuồng điên mơ trăm năm”, “bù đắp cho trăm năm”, “rọi suốt trăm năm”, “một trăm năm như tiếng thở dài”, “trăm năm về chốn xa xăm”, “còn đứng như trăm năm”, “trăm năm vô biên”, “quanh em trăm năm khép lại”, “trăm năm bỗng quay về”, “một lần là trăm năm”, “từng chiếc bóng trăm năm”, “từng tiếng khóc trăm năm vây người”.

Và: “quê hương nghìn năm vẫn là”, “nghìn năm nhớ ai”, “từ nghìn năm xưa”, “một ngàn năm trước”, “một ngàn năm nữa”, “ru mãi ngàn năm”, “cho thêm ngàn năm”, “nhớ ngàn năm trôi qua”, “ngàn năm ru em”, “miệt mài ngàn năm”.

Và sau đây là hai ví dụ rất thú vị: “bỏ trăm năm sau ngàn năm nữa” và “trăm năm ở đậu ngàn năm”.

Như đã nói ... nhiều câu nghe hay và khác nhau chứ, nhưng tại sao lại nhiều ... “trăm năm”, nhiều “gió trời”, nhiều “tay dài”, nhiều “ngón gầy” như vậy? Còn những ví dụ khác nữa, nhưng tôi không có thì giờ đưa ra. Tôi thấy rằng lời nhạc TCS có những hình ảnh và ý tưởng giống nhau rất nhiều. Tôi xin nhắc lại một lần nữa và nhấn mạnh, “Nếu xét từng câu riêng biệt thì mỗi câu có thể hay và ý tưởng có thể lạ và đẹp; nhưng vì TCS đã lập đi lập lại ý tưởng, hình ảnh tương tự nhau nhiều quá nên tôi thấy chúng bớt hay, trở nên nhàm chán, và cho thấy sự giới hạn trong khả năng sáng tạo.”

Bây giờ tôi sẽ tiếp tục chứng minh rõ hơn nữa tại sao tôi nghĩ nhạc TCS nhàm chán và sự sáng tạo của ông chỉ nên tóm gọn trong một số lượng bài hát nhỏ mà thôi. Tôi sẽ đưa ra ví dụ những bài hát có nhiều (chứ không phải một) hình ảnh và ý tưởng bị lập đi lập lại. Những hình ảnh và ý tưởng này có thể rất giống nhau hoặc giống nhau với nghĩa rộng.

Như đã nói, TCS chỉ tập trung vào một số hình ảnh nhất định và sử dụng chúng khá nhiều. Tìm kiếm trong lời nhạc TCS, chúng ta sẽ thấy rằng ông có nhiều bài hát có những combination của những hình ảnh đó giống nhau. Dĩ nhiên những nhạc sĩ khác cũng có sự trùng lặp trong những combination khác nhau; nhưng đối với trường hợp TCS thì khác vì:

1/ cá nhân từng hình ảnh đơn độc tự nó đã lập đi lập lại nhiều trong nhạc của ông rồi mà những “combination” cũng trùng lặp nhiều nữa thành ra tôi thấy quá mức;
2/ sự trùng lặp xảy ra tóm gọn trong một số từ ngữ và hình ảnh nhất định, mà trong đó có những hình ảnh rất đặc trưng TCS, nên sự kém sáng tạo càng rõ ràng;
3/ sự trùng lặp xảy ra tóm gọn trong một số từ ngữ và hình ảnh nhất định nên nhạc dễ trở nên nhàm chán hơn.

Vì TCS tập trung vào một số hình ảnh như vậy nên tìm kiếm sự trùng lặp không khó. Tuy nhiên vì số lượng bài hát nhiều và chúng ta có thể có rất nhiều những “combination” khác nhau nên việc tìm kiếm và liệt kê chúng trở nên khó khăn. Tôi chỉ đưa ra 3 ví dụ với “combination” 3 hình ảnh mà thôi. Những hình ảnh này được chọn “randomly”. Trong trường hợp những hình ảnh giống nhau được lập đi lập lại nhiều lần trong cùng một bài hát thì tôi chỉ đưa ra một ví dụ mà thôi. Nếu nghe những bài hát với tất cả sự trùng lặp trong từng bài thì sẽ còn chán hơn nữa. Tôi biết rằng TCS có rất nhiều bài mà trong đó một vài hình ảnh được lập đi lập lại nhiều lần trong mỗi bài. Dĩ nhiên nếu bài hát nói về một chủ đề ví dụ như “con đường” trong “Có Những Con Đường” thì sự lập đi lập lại hình ảnh con đường là tất yếu. Trường hợp đó thì không tính.

Nói về hình ảnh “Nắng”, “Bàn Tay, Ngón Tay”, và “Nghe”:

Chiếc Lá Thu Phai: “để lòng theo chút nắng bên ngoài”, “lau trắng trong tay”, “nằm nghe giữa trời”
Chiều Một Mình Qua Phố: “có khi nắng khuya chưa lên”, “bao nhiêu lần tay mời”, “bước chân nghe quen cũng buồn”
Gọi Tên Bốn Muà: “em đi về giọt nắng nhấp nhô”, “mưa lạnh từng ngón sương mù”, “nghe xót xa hằn trên tuổi trời”
Lời Mẹ Ru: “ru con trưa nắng”, “lời mẹ ru đêm vang ngón tay hồng”, “nghe ru nỗi niềm”
Một Cõi Đi Về: “mây che trên đầu và nắng trên vai”, “đôi tay nhân gian”, “nghe chân ngựa về chốn xa”
Mưa Hồng: “trời ươm nắng cho mây hồng”, “trên hai tay cơn đau dài”, “người nằm xuống nghe tiếng ru”
Mưa Mùa Hạ: “em sang từ nắng thưở nào”, “mưa mềm bàn tay em”, “mưa nghe từ độ trái tim em buồn”
Nhìn Những Muà Thu Đi: “đưa em về nắng vương nhè nhẹ”, “tay trơn buồn ôm nuối tiếc”, “nghe hồn mình trên ấy”
Như Cánh Vạc Bay: “nắng có hồng bằng đôi môi em”, “lá hát từ bàn tay thơm tho”, “nghe nghìn giọt lệ”
Rơi Lệ Ru Người: “chưa nói với bình minh hay trưa nắng”, “đôi tay em dù ưu ái đời”, “nghe ra quanh tôi đêm dài”
Tình Xót Xa Vừa: “phơi tình cho nắng khô mau”, “đôi tay vẫn còn ôm mịt mùng”, “đêm nằm nghe lá than van”
Tôi Ru Em Ngủ: “nắng thắp trên cao”, “em hôn lên tay mình”, “nghe tình chợt buồn trong lá xôn xao”
Từng Ngày Qua: “nắng phơi trên đầu cỏ non”, “đời trần gian có tim người có tay chờ”, “nửa đêm có khi nghe lời trăn trối”

Tất cả những nhạc phẩm trên đều nói về “nắng”, “bàn tay/ngón tay”, và “nghe”. Dưới đây là hai ví dụ khác.

Nói về “Môi, Miệng”, “Trời, Bầu Trời”, và “Giòng sông”:

Chiều Trên Quê Hương Tôi: “nắng như môi hoàng hôn trên phố”, “một trời mưa bay”, “trên sông mờ xa sương khói”
Có Nghe Đời Nghiêng: “miệng môi ốm o lời thề”, “trời đất kia có hay ta về”, “người ra đi bến sông nằm lạnh”
Đoá Hoa Vô Thường: “một bờ môi thơm”, “xa gần đất trời rộn ràng”, “chiều em ra đứng hát đầu sông”
Khói Trời Mênh Mông: “còn gì đâu môi xưa hồng”, “ta nhìn khói trời mênh mông”, “trên sông những cánh bèo xanh”
Lặng Lẽ Nơi Này: “tình yêu mật ngọt trên môi”, “trời cao đất trộng một mình tôi đi”, “sông cạn đá mòn”
Níu Tay Nghìn Trùng: “từ bờ môi hát lên nhè nhẹ”, “ngủ quên giữa trời mênh mông”, “chiều rơi trên sông”
Tình Sầu: “tình cho nhau môi ấm”, “tình xa như trời”, “dòng sông nước cuốn”
Tuổi Đá Buồn: “đoá hoa hồng cài hôn lên môi”, “trời còn làm mưa rơi mênh mang”, “như giòng nước hiền”
Vàng Phai Trước Ngõ: “đường xanh quá môi e ngại hồng”, “đường về xa trời đất mông lung”, “giòng sông nắng cho bờ bến rộng”

Nói về “Bàn Chân, Bước chân”“, “Lá Cây”, và “Mưa”:

Chiều Trên Quê Hương Tôi: “tiếng chân về đó đây”, “giọt chiều trên lá”, “sẽ mưa lâu hoặc cơn nắng dài”
Diễm Xưa: “bước chân em xin về mau”, “mưa trên hàng lá đổ”, “chiều nay còn mưa sao em không lại”
Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên: “trong lòng phố mưa đêm trói chân”, “vòm lá me xanh”, “trong lòng phố mưa đêm trói chân”
Khói Trời Mênh Mông: “em lại thấp thoáng bàn chân”, “bên sông cỏ lá buồn tênh”, “đời còn bay những cơn mưa phùn”
Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui: “đợi em về bàn chân quen quá”, “thảm lá me vàng lại bước qua”, “chọn nắng đầy chọn cơn mưa tới”
Mưa Hồng: “gót chân mòn trên phiếm du”, “ngoài kia lá như vẫn xanh”, “người ngồi xuống cơn mưa đầy”
Nắng Thuỷ Tinh: “qua công viên bước chân âm thầm”, “sao lá thu không vàng”, “mùa thu mưa bay cho tay mềm”
Nguyệt Ca: “như chân ai lần về”, “vườn xưa lá xanh tươi”, “đêm khua nắng sớm hay cơn mưa”
Như Cánh Vạc Bay: “suối đón từng bàn chân em qua”, “lá hát từ bàn tay thơm tho”, “mưa có buồn trong mắt em”
Rồi Như Đá Ngây Ngô: “đôi khi bỗng nghe bước chân”, “thấy trên lá khô một giòng suối”, “có mưa giữa khuya hồn mộng vu vơ”
Tình Yêu Tìm Thấy: “từ khi có đôi chân vào đời”, “màu hoa lá quen như mặt người”, “từ khi nắng hay mưa vội vàng”
Tuổi Đời Mênh Mông: “mùa cây trái níu chân em về”, “em cùng lá tung tăng”, “bướm hoa và chim cùng mưa nắng”

Đó là 3 ví dụ nói lên sự trùng lặp của 3 hình ảnh trong nhiều bài. Còn nhiều ví dụ khác nữa cho những “combination” khác. Xin lưu ý là những hình ảnh trong từng “combination” trên vẫn có thể sắp xếp lại để tạo nên những “combination” mới ví dụ như “môi/miệng”, “mưa”, và “bàn tay/ngón tay”, và chúng ta sẽ lại gặp nhiều sự trùng lặp mới. Chúng ta cũng có thể có những “combination” với số lượng hình ảnh khác nhau.

Chính vì sự trùng lặp không những chỉ xảy ra đối với một số ngôn từ thôi, mà còn xảy ra đối với hình ảnh và ý tứ, và nhiều bài hát còn có nhiều hình ảnh và ý tương tự nhau thành ra TCS có nhiều bài hát giống nhau.

Cuối cùng tôi xin đưa ra một ví dụ khá thú vị là bài “Đoá Hoa Vô Thường”, nhạc phẩm dài nhất của TCS. Tôi muốn nói rằng rất nhiều những ngôn từ, hình ảnh, ý tứ thông dụng của TCS, được nói tới trong những bài hát của ông, đều tập trung trong nhạc phẩm này. Đó là một điều thú vị, nhưng tôi không ngạc nhiên. Tôi liệt kê ra đây một số câu:

“một bờ môi thơm”, “thấy trên đường xa”, “tìm lại trên sông những dấu hài”, “gió muà thu ân cần”, “dáng em ngồi trước sân”, “gót hồng em muốn quay về”, “chiều em ra đứng hát đầu sông”, “nụ cười mong manh”, “từ đó hoa là em”, “tìm ngày tinh khôi”, “em đi đứng bên đời líu lo”, “một chút mây phù du”, “chim hót tên là ái ân”, “sen hồng một nụ”, “em ngồi một thưở yêu nhau”, “từ đó em là sương”, “chiều em đứng cuối sông”, “tìm trên non ngàn một cành hoa khôi”, “cho lời kinh đến núi non”, “áo xưa em là mây”, “ngựa hý vang rừng xa”, “tìm em xa gần đất trời rộn ràng”, “vọng xuống đất trời kia”, “từ đó ta ngồi mê”, “đợi gió vô thường lên”, “tìm chim trong ngàn ngậm hạt sương bay”, “ta là đêm nở đoá hoa vô thường”, “tìm trong sương hồng”, v.v.

Đây là một bài hát hay và tôi rất thích, nhưng ước gì những bài hát khác của ông đừng có nhiều hình ảnh trong bài này quá, hay là bài này đừng có nhiều hình ảnh trong những bài khác thì ... hết xẩy. Trường hợp tương tự cũng xảy ra đối với một số bài hát khác của TCS, nhưng hình như bài này chứa đựng những hình ảnh phổ biến nhiều nhất.

Ý kiến của tôi về sự trùng lặp ngôn từ, hình ảnh, ý tứ trong nhạc TCS là như vậy. Tôi có thấy sự sáng tạo khi phân tích từng câu riêng biệt. Nhưng sau khi phân tích từng câu riêng biệt, tôi còn nhìn vào ý tưởng và sự sáng tạo một cách tổng quát nữa trong tất cả những nhạc phẩm phổ biến của ông. Và khi nhìn như vậy thì tôi hiểu rõ tài năng của ông hơn, và hiểu tại sao bây giờ tôi không còn thích nhạc TCS như trước đây và tại sao tôi không đánh giá tài năng của ông cao lắm.


III. Một Vài Suy Nghĩ Về Số Lượng Nhạc Phẩm

Xin nói qua về số lượng bài hát của TCS. Tôi biết chắc ông viết nhiều hơn 130 bài, nhưng không biết chính xác là bao nhiêu. Có nhiều cá nhân, tài liệu, websites nói rằng ông viết trên dưới 500 bài. Có nơi còn nói ông viết gần 600 bài. Nhưng cho tới giờ tất cả đều không cung cấp được số lượng ca khúc đó. Số lượng hình như cứ tăng dần sau khi ông qua đời. Không hiểu tại sao lại có chuyện như vậy? Riêng tôi sưu tầm được gần 200 bài. Quý vị nào có con số tương tự thì xin cho biết, xin cho bài hát chứng minh, và chứng minh chúng là những nhạc phẩm của ông. Không biết số lượng khoảng 600 bài ...

-              Có phải mọi người nghe nói nhưng chưa thấy chúng không?
-              Có bao gồm những tác phẩm ông viết dở dang không?
-              Có bao gồm những bài hát ông viết được một chút và không cảm thấy hài lòng nên bỏ chúng rồi hay không?
-              Có bao gồm những bài thơ hoặc lời nhạc nhưng chưa có phần nhạc không?
-              Có bao gồm những giai điệu nhưng chưa có lời không?
-              Có bao gồm những bài hát ở mức độ như “Tình Khúc Ơ Bai” không? (Nếu ông đã coi “Tình Khúc Ơ Bai” là một nhạc phẩm thì chắc những nhạc phẩm khác tương tự như vậy ông không bỏ chúng đi dễ dàng đâu.)

Ở đây tôi rất muốn phân biệt một lần nữa sự khác nhau giữa chất lượng và số lượng. Giả sử ông có số lượng khoảng 500 bài đi nữa, nhưng sự không phổ biến của phần lớn những ca khúc đó cũng làm tôi phải suy nghĩ về chất lượng những bài hát (trong khi đối với những bài đã nổi tiếng rồi, tôi cũng vẫn còn e dè về chất lượng). Nếu có số lượng lớn nhưng trong đó nhiều bài không đặc sắc và nhiều bài giống nhau quá thì chúng ta có cần phải suy nghĩ gì không?

Tôi muốn đưa ra ba trường hợp: a/ Số lượng ít nhưng chất lượng cao, b/ Số lượng cao nhưng chất lượng khá, và c/ Số lượng cao và chất lượng của một số lớn nhạc phẩm cũng cao. Các bạn có thể xếp ba trường hợp này theo thứ tự 1, 2, 3 từ tài năng nhất cho tới kém nhất và tự hỏi xem nếu bạn là một nhạc sĩ thì bạn sẽ thích ở vị trí nào. Thứ tự có lẽ sẽ là: 1-c, 2-a, và 3-b. Cá nhân tôi có một suy nghĩ như sau:

1-c: Phạm Duy
2-a: Cung Tiến, Văn Cao, v.v.
3-b: T. C. Sơn

Chính vì vậy tôi không bao giờ nghĩ TCS ở cùng level với một số nhạc sĩ khác như Phạm Duy, Cung Tiến, Văn Cao, v.v. Sự so sánh trong bài viết này chỉ để phục vụ mục đích làm rõ ý của tôi mà thôi. Viết được một nhạc phẩm hay với đúng ý nghĩa khó lắm, không dễ đâu ... những gì chất lượng đều đòi hỏi khả năng và sự làm việc tim, óc rất nhiều (ngoại trừ một vài trường hợp rất hiếm hoi khi cảm xúc đến bất chợt và người nhạc sĩ có thể viết được một ca khúc ngắn khá hay một cách khá dễ).

Nhận xét cuối cùng... có một số người nói TCS đã viết một trường ca (dở dang hoặc hoàn tất tuỳ thuộc từng source) tên Dã Tràng nhưng tác phẩm này bị “thất lạc”. Tôi có một vài thắc mắc vì việc “thất lạc” nghe convenient quá. Nếu thất lạc một tác phẩm lớn và công phu như vậy sao ông không viết lại? Chẳng lẽ ông lại quên hết những gì đã viết? Chẳng lẽ ông không còn hứng thú viết lại tác phẩm có thể là hay nhất, công phu nhất của đời ông? Hay là ông chỉ mới có ý tưởng hoặc chỉ mới viết được một ít rồi khả năng không cho phép ông tiếp tục được nữa (more likely?)? Nếu có ai kiếm được Dã Tràng thì xin cho mọi người được biết và chứng minh đó là tác phẩm của ông.

Theo nhận định chủ quan của tôi, căn cứ trên những ca khúc, về khả năng kỹ thuật âm nhạc của ông thì TCS khó có thể viết được một bài trường ca. Nếu có thì không biết dài ngắn bao nhiêu; và sự lập đi lập lại của lời, sự đơn điệu của nhạc sẽ ở mức độ nào. Nếu có thì có hay hay không? Nếu nhìn vào nhạc phẩm “Đoá Hoa Vô Thường”, nhạc phẩm dài nhất của ông, thì đã thấy sự lập đi lập lại và trùng lặp với những bài hát khác quá nhiều rồi. Với khả năng đó của ông, được phản ánh qua những tác phẩm được gọi là hay và phổ biến nhất, thì tôi cho rằng ông khó có thể viết được một bài dài hơn “Đoá Hoa Vô Thường” mà hay. Thành ra khả năng đó càng không cho phép ông viết được một bài trường ca (theo tiêu chuẩn những bài “trường ca” VN mà thôi).

Tôi vẫn thắc mắc về số lượng thực sự của nhạc TCS. Nếu chỉ nghe nói thôi mà không thấy hoặc nếu gom tính cả những bài hát bị “thất lạc”, “chưa kịp công bố”, hoặc “đang viết dở dang” thì tôi e ngại rằng tôi không bao giờ tin vào những con số đó.


IV. Kết Luận

Tôi nhận thấy nhạc TCS hay vì ý nhạc thơ, lời sáng tạo và đẹp, có tính tâm tình, v.v., nhưng có lẽ chúng ta chỉ nên lựa ra một số bài và thấy chúng hay mà thôi. Chúng ta cũng nên thấy rằng tài năng của ông cũng chỉ tóm gọn trong một số bài như vậy. Tôi không tin sự phổ biến nhạc phẩm đồng nghĩa với tài năng âm nhạc; chúng ta cũng không nên dùng số lượng nhạc để nói lên tài năng. Và có lẽ chúng ta cũng nên nhìn kỹ vào lý do của sự phổ biến để nhờ đó có thể phân tích và đánh giá chính xác hơn sự hay, dở trong nhạc của ông. Ngoài những lý do chính trị, đồng cảm, có những điểm chung nên không khách quan, v.v., sự thưởng thức dễ dãi là lý do quan trọng để nhạc TCS phổ biến.

Sự phổ biến của nhạc phẩm và nổi tiếng của một nhạc sĩ không hẳn đồng nghĩa với nhạc phẩm xuất sắc hoặc người nhạc sĩ tài năng. Nhiều người đã nối kết sự phổ biến nhạc phẩm với tài năng tác giả và nói rằng “Bao nhiêu người yêu nhạc TCS đã chứng minh được tài năng của ông.” Không hắn như vậy đâu. Lý do là vì “chất lượng hay không, tài năng hay không” tuỳ thuộc rất nhiều vào “cách” (hoặc khả năng?) thưởng thức âm nhạc của một dân tộc. Xin ví dụ một trường hợp: nhạc sĩ Cung Tiến và âm nhạc của ông không thể nào phổ biến và có ảnh hưởng đối với nhiều người Việt Nam như TCS và nhạc TCS, nhưng về tài năng âm nhạc thì tôi biết rằng Cung Tiến còn hơn TCS vài bậc (tôi đã so sánh ở đây).

Ca khúc của TCS kém phần nhạc, có phần lời hay (nhiều câu) nhưng lại giảm giá trị vì ý tứ bị lập đi lập lại và bó hẹp. Lời của TCS chỉ tóm gọn vào một số ý tưởng nhất định. Trong khi đó âm nhạc của ông cũng ở trong trường hợp tương tự là chúng giống nhau quá nhiều. Không những vậy, chúng còn “đơn giản” và giống nhau. Chính vì vậy mà nhạc của TCS nghe bài nào cũng tương tự nhau và dễ nhàm chán. Những điều đó nói lên nhiều về khả năng của TCS. Sự sáng tạo và tài năng của TCS nên được thấy và đánh giá dựa trên những yếu tố đó nữa. Kết luận của tôi là nhạc của TCS (nhìn tổng quát về cả lời lẫn nhạc) và tài năng của ông ... khá nhưng không xuất sắc. Tôi chỉ lựa ra một số bài của ông để nghe và thấy hay. Ngoài một số trong những bài hát “Da Vàng” tôi rất thích, trong 130 bài phổ biến nhất của ông được tìm hiểu có lẽ tôi sẽ lựa ra khoảng 20 bài.

Chất lượng nhạc phẩm và khả năng của TCS cần được công nhận, nhưng không đáng để ông đạt được mức độ ca ngợi và khâm phục như ông đã và vẫn đang được. Ông có khả năng và nên được xếp vào đúng level của ông. Hãy đặt TCS vào vị trí đúng của ông. Xin đừng nâng ông lên quá cao và xếp ông ngang hàng với Phạm Duy, Cung Tiến, Văn Cao, Phạm Đình Chương, v.v. Dĩ nhiên tôi hoàn toàn không đồng ý với một số người cho rằng TCS là … “thiên tài”. Không những vậy tôi còn thấy mắc cở khi nghe như vậy. Những người khen ngợi ông quá mức có thể vì quen biết ông, có thể vì mê nhạc của ông quá mà tôn sùng, có thể vì không khách quan, có thể vì thấy nhiều người thích nhạc TCS thành ra muốn nói rằng “Tôi cũng giống như bạn. Chúng ta biết nghe nhạc.” và cũng có thể vì muốn một bài viết hoặc một bài nói chuyện nào đó của họ về TCS nghe thêm phần … quan trọng. Xin lỗi nhé nhưng một vài người Việt Nam chúng ta lâu nay hình như hay có thói quen … “ăn to nói lớn” như vậy. Những chữ như “thiên tài” xin được để dành cho những người như Bach, Mozart, Beethoven, v.v.

Trên đây là những lời nói thẳng thắn và khách quan của một cá nhân thuộc thế hệ con cháu TCS với những suy nghĩ có lẽ hơi khác với nhiều người nhưng chắc chắn cũng giống nhiều người khác. Hy vọng nhận được sự đồng cảm của những người yêu nhạc. Hy vọng những người thích nhạc TCS không cảm thấy bị xúc phạm.


MusicHunger2003-dactrung.net
Back To Top