19.10.13

NHỮNG TUYÊN BỐ…NGỐ?!


Xin bắc cầu từ câu tuyên bố của một đạo diễn điện ảnh Việt Nam vì nó như một mẫu số chung trong âm nhạc vậy. Ông này khi bị một khán giả chê phim mình không hay thì rất tự tin bào chữa, đại ý: Rất tiếc là người khác không thấy cái hay của phim tôi. Rồi sau đó hùng hồn dẫn chứng: Rất nhiều phim hay vẫn bị chê đó thôi. Những phim đoạt giải Oscar vẫn bị chê!

Thưa ông đạo diễn, đúng là phim Oscar vẫn có người chê và khi ra rạp nhiều khi lại chợ chiều hơn cả mấy phim ruồi bu. Trong nghệ thuật nó tréo ngoe thế đó. Như tranh Van Gogh hay Picasso, nhiều người ở VN vẫn chê tranh như con nít vẽ. Nhạc của Bela Bartok, Stravinsky hay John Cage có người nghe qua còn…mắng là ồn ào và hỗn tạp! Thế nhưng ai chê? Đó là những khán thính giả bình thường, ít am hiểu nghệ thuật thôi nhé. Chứ đi hỏi những nhà chuyên môn trên thế giới thì họ còn đánh giá cao hơn cả kim cương, châu báu. Thế thì ông hãy chịu khó mà lắng nghe những nhà chuyên môn cao và thực chất – tránh những nhà chuyên môn dỏm nhé - hoặc đi tìm cho phim mình một giải thưởng tương tự như Oscar- mà không, chỉ cần cái giải thưởng tầm châu Á thôi, rồi hãy tự tin phát biểu về trình độ người khác là không đủ để hiểu mình, không thì câu nói của ông chỉ thể hiện sự cuồng tưởng về mình hay nói đơn giản là… ngố về nghệ thuật- hay như ông khoe là mới đi học điện ảnh ở Mỹ về nên coi trời bằng vung và đương nhiên là mình đã đạt tầm “thiên tài” để không ai hiểu nổi mình?

Ở trong địa hạt nhạc Việt hiện nay cũng phảng phất nhiều tuyên bố “nhân bản”ngố như vậy. Đối trọng lại với dòng chảy nhạc chợ, nhạc “si-đa”* là một mảng nhạc tự nhận là nhạc nghệ thuật, nhạc sáng tạo và tất nhiên được  gắn nhãn “thiên tài”: nhạc để cho ngày sau - vì bây giờ không ai hiểu, như tuyên bố của một nhạc sĩ là trưởng ban văn nghệ gì đó của VTV. Trong mảng nhạc”thiên tài” này, một phần lớn là những sáng tác được giải thưởng của Hội nhạc sĩ VN. Họ tự tin rằng Hội đã là một danh hiệu lớn nên không cần công chúng có thích hay không, và cái giải thưởng của Hội tất nhiên là một dấu đóng chất lượng cao rồi.

Nhưng thực tế thì sao?

Ngay trong chính những Hội viên của Hội cũng đâu có phục và đánh giá cao những  giải thưởng thường niên của Hội, và không ít người nhận xét rằng nếu cho tuyển chọn lại những bài đoạt giải cao nhất khoảng một thập niên trở lại đây thì cũng khó mà tìm ra được mấy bài nghe lọt lỗ tai giới chuyên môn. Đó là chưa kể đến tính mặt trận hay hữu hảo mà mấy vị trong hội đồng nghệ thuật thường hay dùng cho tai nghe của mình. Trước, có nhạc sĩ là thân cận của mấy vị thì năm nào cũng có giải, không to thì nhỏ. Sau, anh đó thất thế không có điều kiện theo “hầu”thì lạ thay không thấy anh có thêm giải thưởng nào nữa. Mà chuyện này không chỉ có một anh! Rồi có một chuyện kỳ kỳ là những vị trong hội đồng nghệ thuật lại có giải thường xuyên về cái giải mà mình hạ bút phê.

Có thể thấy cơ cấu giải thưởng thường lệ như sau: Giải cao phần lớn cho hội đồng và thân tín hay thuộc hạ của hội đồng. Giải trung bình cho những nhạc quan** ở các địa phương, giải này thường xoay tua hằng năm. Giải khuyến khích cho những nhạc sĩ là đại gia thường là “mạnh thường quân hết lòng vì chúa” và một phần nhỏ là “vô tư”cho các nhạc sĩ không phe phái nhưng cũng phải hợp “gu”mấy vị.

Những giải thưởng như thế làm sao trông mong được về chất lượng nghệ thuật của chúng để mạnh miệng mà tuyên bố là nhạc trình độ cao, không ai hiểu-nó thuộc về tương lai!?Chẳng qua, đó là những phát biểu mị dân, bao che, lấp liếm cho những giải thưởng thiếu thực chất. Chắc không ai thiếu tầm mà không biết đó chỉ là những tuyên bố ngố. Nhưng có vẻ họ hơi có chút coi thường trình độ của rất nhiều hội viên khác thì phải?

T.M.P
===========
* Ám chỉ nhạc xào nấu từ những bài hay nước ngoài

**Những nhạc sĩ đứng đầu hoặc ở trong ban chấp hành các hội văn nghệ địa phương
Back To Top