4.10.13

NHẠC VIỆT VÀ BÀI TOÁN CUNG-CẦU


     Đưa giáo dục âm nhạc cộng đồng thành quốc sách là nâng cấp nhu cầu âm nhạc của quần chúng

Để tìm ra phần nào đáp số cho vấn đề loạn phát âm nhạc giải trí và nghệ thuật hiện nay của nhạc Việt có lẽ tối ưu nhất là dựa trên bài toán cung-cầu.Thật vậy, chỉ có lý thuyết kinh tế này may ra mới phù hợp trong một xã hội tiêu thụ và khi mọi thứ đã trở thành thị trường-dù đó chỉ mới là một thị trường hoang sơ.

Hãy thử nhìn lại vấn đề nổi trội nhất là dư luận kêu ca về sự nhiễu loạn cũng như sự rẻ tiền và cả suy đồi trong biểu diễn và sáng tác của hầu hết nhạc thương mại hiện nay. Nhưng trớ trêu là, người ta cứ chỉ trích, cứ than phiền thì thiên hạ cứ vô tư xem và sẵn sang mở hầu bao nuôi sống nó và cả làm phồn thực cho nó, mặc kệ lạm phát vẫn nhảy múa phụ họa cho bài ca kinh tế suy thoái! Nếu chúng ta cứ tiếp tục chỉa mũi dùi duy nhất phê phán vào một showbiz hỗn độn và nhiễu nhương thì e rằng quá bất công và giáo điều,kinh viện. Vì thực tế là đã tồn tại một nhu cầu giải khát thị hiếu tầm phào đó cho nên nó mới nảy sinh cái nguồn cung cấp và đáp ứng tào lao hoàn toàn theo đúng quy luật thị trường.

Bây giờ thử hình dung cái nhu cầu đó teo đi thì sao? Dễ thấy là là cái nguồn cung sẽ tóp! Đơn giản như một bài toán cộng một con số nguyên. Như vậy, không cần chỉ trích, không cần những biện pháp hành chánh hạ sách thì showbiz cũng dần trở nên tử tế! Nhưng đó là lý thuyết! Vì cái nan giải là nằm trong vấn đế xử lý nhu cầu thấp kém đang là thứ cỏ dại tranh dành đất sống với nhu cầu nghệ thuật như một loài hoa đẹp nhưng yếu ớt.

Nhổ cỏ là nhổ tận gốc. Cái gốc phải nhổ đi bây giờ của suy thoái nhạc Việt là cải tạo cái gốc nhu cầu trũng và lùn kể trên. Nói thẳng là dân trí, mà cụ thể đầu tiên là dân trí về âm nhạc. Vì sao vậy ? Vì thực tế có cả những nhóm xã hội là dân trí thức, có học cao nhưng nhu cầu âm nhạc vẫn là những chú xitrum mới đáng lo. Bởi họ chỉ được trang bị tri thức về khoa học tự nhiên, về kiến thức kiếm tiền, về kinh nghiệm quan hệ thực dụng nhưng bị bỏ hoang về tri thức nghệ thuật và âm nhạc. Suy cho cùng cũng không trách họ nhiều được, vì « không được giáo dục nghệ thuật thì làm sao hiểu được nghệ thuật » là gì ? Cho nên, trái bóng nằm trong chân của một quốc sách giáo dục để tạo ra một sản phẩm giáo dục toàn diện và cân đối về cả khoa học tự nhiên và nhân văn xã hội. Cân đối về trí óc lẫn tâm hồn.

Đó chắc chắn là cả một hành trình vạn dặm và phải đợi thời gian tính bằng thế hệ. Nhưng để không quá muộn thì phải bắt tay thực hiện ngay từ bây giờ, và vai trò của truyền thông tử tế(để phân biệt với những nhóm truyền thông bạc lẻ và ba phải thường theo truyền thống được gọi là truyền thông lá cải) là rất quan trọng trong vấn đề nhắc nhở, định hướng nhu cầu âm nhạc đàng hoàng để trước tiên người nghe có ý thức nghe nhạc cũng như là ý thức về văn hóa hằng ngày : Hút thuốc lá nơi công cộng, say xỉn, xả rác ngoài đường, lái xe vô ý thức giao thông… là không văn hóa văn minh, thì nghe nhạc tầm phào cũng có trình độ văn hóa tương tự những hành động nói trên mà luật pháp đang điều chỉnh.


 Khi nhu cầu nghe nhạc được cải thiên và nâng cấp lên một đẳng cấp mới thì vấn đề giải quyết tiếp theo là sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ trong nước cũng phải khổ luyện và mở rộng chiều kích hơn. Vì thú thật, vẫn tồn tại một thứ ngụy biện trong giới nghệ sĩ âm nhạc đang được cho là chính thống và là đỉnh cao, đó là : sáng tạo của họ là hay, là đích thực sáng tạo, là đỉnh, là chạm nóc mà người nghe chưa hiểu và đánh giá được vì…thiếu trình độ âm nhạc.

Thật buồn khi nghe tư duy ngụy biện đó ! Vì họ quên mất rằng trong cái hỗn mang và loạn phát thị hiếu nói trên thì ở VN này vẫn có, tuy ít ỏi, những người nghe có học và hiểu biết. Nhưng, cũng chưa ai công nhận cái thứ âm nhạc bề trên kia là có sáng tạo và trình độ cao cả. Và cả một nền âm nhạc đỉnh cao ở thế giới ngoài kia cũng chưa cho nhạc cao cấp của chúng ta một vị trí nào trên bản đồ âm nhạc của thế giới ! Chả lẽ họ cũng không có trình độ để thưởng lãm nhạc cao cấp VN ?

Có một thực tế chắc đúng rằng, nếu tỷ như dân trí âm nhạc của đại đa số người Việt một ngày nào đó được nâng cao lên để có thể nghe nhạc tinh tế và hiểu biết hơn thì chắc chắn họ sẽ không tìm nghe nhạc Việt !Cho dù đó là nhạc tử tế ! Vì khi trình độ càng cao thì người ta càng khó tính trong việc lựa chọn và đánh giá âm nhạc để nghe nhằm thỏa mãn nhu cầu sâu sắc đó. Mà những tác phẩm và trình độ biểu diễn âm nhạc cao cấp ở VN hiện nay không có đủ hoặc quá nghèo nàn tiêu chuẩn sáng tạo cho dù trong quá khứ và hiện nay nó cũng có vài ba điểm sáng tinh hoa nhưng quá ít và nhất là cũng không quá siêu !

Và lúc đó,chuyện gì xảy ra ? Nhu cầu cao mà nguồn cung lại quá thấp !Một sự mất cân đối lại tiếp tục và tạo nên bi kịch mới cho nhạc Việt.

Những viễn cảnh trên được vẽ nên để chứng minh một điều : Ngay bây giờ chúng ta phải có kế hoạch nâng cấp nhu cầu thị hiếu lẫn nguồn cung ứng âm nhạc đỉnh cao để trong một vài thế hệ nữa nhạc Việt mới thật sự khởi sắc, vừa tử tế vừa sáng tạo.

T.M.P


Back To Top