Trả lời phỏng vấn báo
Lao Động
Là một trong số ít những
người dám nói thật, nói thẳng về nạn đạo nhạc, nạn thương mại hóa ca khúc,
nhưng rốt cuộc, nhạc sĩ Trần Minh Phi đành rút lui vào im lặng, vì bị “bầm giập”,
hoài nghi. Khá lâu rồi, anh mới đưa ra nhìn nhận về tình hình nhạc Việt hiện đại.
Anh có thể cho biết suy nghĩ của mình trước những lời nhận xét của nhạc
sĩ Nguyễn Ánh 9 về showbiz Việt và thị trường âm nhạc hiện nay?
Đó là những nhận xét trung thực và thẳng thắn cần phải có
cho thị trường âm nhạc hiện có xu hướng tự ''đánh bóng'' lẫn nhau. Tôi tự hỏi tại
sao mỗi lần sự thật được gọi đúng tên là lại nổi lên “sóng thần” và “bão táp”
dư luận?
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét so với quy chuẩn nghệ thuật tử
tế của ngày xưa thì đâu có gì sai? Tôi cũng muốn bổ sung là, nếu lấy quy chuẩn
đó thì tất cả ca sĩ ăn khách hiện tại đều chỉ xứng là ca sĩ nghiệp dư hoặc là
thợ hát hết. Nếu như có ai đánh giá nhạc của Trần Minh Phi bây giờ mà đem ra thị
trường showbiz đều đáng bỏ thùng rác thì tôi cũng đồng ý, không phiền trách.
Vì thực tế nó là như vậy. Mình phải tôn trọng sự thật. Vì mỗi
thời mỗi khác nhau.
Cái đau đáu và ngán ngẩm lòng tôi là khi đọc thông tin nhạc
sĩ Nguyễn Ánh 9 xin lỗi Đàm Vĩnh Hưng! Tại sao một điều phải lại đi xin lỗi một
điều trái (?!). Phải chăng đó là một biểu tượng mới của xã hội đương đại? Mong
là không phải.
Thị hiếu của đám đông
bây giờ ra sao? Theo anh, có phải là do nuông chiều mà khó chữa? Hay vẫn có
cách đưa ra những tác phẩm hay để chinh phục họ không quay lưng với âm nhạc
đích thực?
Thị hiếu theo dân trí. Dân trí VN thấp thì thị hiếu thấp. Chữa
là phải chữa từ gốc. Lấy giáo dục làm gốc. Mà giáo dục VN cũng chưa được tử tế,
nên vấn đề càng rối!
Từ đó nhìn rộng ra, thực trạng nền ca khúc VN hiện nay theo
anh có đáng báo động không? Có đúng là thiếu vắng âm nhạc tử tế, người làm nhạc
tử tế?
Vấn đề này tôi đã từng nói 10 năm về trước, có báo động đấy,
nhưng ai nghe? Có nghe rồi cũng quên hoặc sổ toẹt vào nó thôi! Có nhiều người
làm nhạc hoặc những giá trị âm nhạc thiếu tử tế hiện đang được xem như là “người
hùng”. Hoặc định nghĩa “tử tế” đã lạc hậu, đã thay đổi (?!). Định nghĩa “người
hùng” đã mang khái niệm khác (?!).
Còn người làm nhạc tử tế? Vẫn có đấy, họ tử tế, nhưng chưa đủ
tài hoặc không có điều kiện, hoặc không đủ sức bon chen hay a dua theo đám đông
thời thượng đầy quyền lực sát sinh!
Vậy theo anh, thị trường
nhạc Việt sẽ đi về đâu?
Tôi không biết, nhưng chắc là không đi đến nơi nào đàng
hoàng tử tế được nếu không thay đổi tư duy và nâng cao dân trí cũng như văn hóa
ứng xử trong phê bình lý luận.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
nhấn mạnh: “Hồi xưa, người nhạc sĩ viết ca khúc từ những cảm xúc thật của họ, họ
viết ra để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cho mọi người chứ họ không viết nhạc để
bán. Ca sĩ bây giờ đa số chỉ chú trọng ăn mặc, make-up cho đẹp…, nhưng ít chú
trọng đến xúc cảm âm nhạc, không để tâm hồn vào bài hát”. Bằng kinh nghiệm của
mình, anh có thể nói rõ hơn về thực chất chuyện mua bán ca khúc và vì sao ca sĩ
có giọng, nhưng hát không hay hoặc mới nổi thì hát có hồn, càng về sau càng nhạt?
Mục đích nghệ thuật đã thay đổi. Khi xưa, nghệ thuật lấy
sáng tạo, lấy cái đẹp nội giới làm cứu cánh và xem vật chất là phương tiện.
Nay, nghệ thuật lấy đồng tiền làm mục tiêu, công việc sáng tác chỉ là phương tiện
bắc cầu đến xa hoa, phù phiếm và dục vọng thì cái hồn còn nơi đâu mà ở?
Nghệ thuật bây giờ không phải là nghệ thuật của tâm hồn mà
là nghệ thuật của dục vọng. Cho nên, đúng là một ca sĩ không cần làm rung động
trái tim mà chỉ cần khơi gợi được nhục cảm cho người xem là thành công. Ta cũng
không nên trách họ, họ là của đám đông, phải tuân thủ và chiều chuộng đám đông.
Nếu đám đông thích xúc cảm tâm hồn thì ca sĩ là nghệ sĩ. Đám đông thích kích dục
thì ca sĩ sẽ là những con rối sexy. Một xã hội ít tử tế thì làm sao có âm nhạc tử tế.
Anh từng nói, một nhạc
sĩ chân chính khó sống được giữa thời buổi bây giờ, vì sao?
Như trên đã nói, anh là người của đám đông. Anh cãi lại đám
đông có nghĩa là anh dọn đường cho mình về vườn thôi.
Trước đây, anh từng nói thật, cảnh báo về tình trạng đạo nhạc,
sáng tác chụp giật, nhưng cuối cùng, người bị tố lại trở thành “anh hùng làng
nhạc”. Có gì trái khoáy ở đây, theo anh?
Tôi nói điều này giống như lấy quá khứ ''đánh bóng'' lại
mình. Tôi đã ẩn dật, chờ thời mà thời dường như chưa tới (hay không tới). Không
có gì trái khoáy cả. Xã hội đã có thước đo, định chuẩn lẫn lộn vàng-thau thì
anh hùng với tội đồ có khi thay đổi vị trí cho nhau là chuyện bình thường.
Còn những tác phẩm
hay?
Vẫn có đấy, nhưng rất khó. Phải là một thiên tài hay nhân
tài lớn xuất hiện thì may ra mới thay đổi được lịch sử. Biết đâu vài năm ba năm
nữa sẽ có một Phạm Duy hay một Trịnh Công Sơn thứ hai xuất hiện?
Bên cạnh đó, vẫn còn
những cái mới đang xuất hiện trên thị trường, liệu anh có quá bi quan hay
không?
Những nhân tố mới, tử tế trong showbiz vẫn có, nhưng chỉ mới
manh nha và còn đang loay hoay tìm hướng nghệ thuật đích thực. Sân chơi “Bài
hát Việt” ra đời đã lâu thì có thể tạm đánh giá được nó: Đã giới thiệu được những
người viết mới có căn bản vững vàng về kiến thức và tư duy sáng tác hiện đại (về
đề tài, về hình tượng, về ngôn ngữ biểu đạt...), nhưng độ tinh tế về cảm xúc nội
tâm cũng như tính biểu cảm vẫn chưa đủ độ chín. Điều này nói lên một điều: Nhân
tài về sáng tác của mình còn thiếu và chưa đủ nội lực để tạo nên một “Bài hát
Việt” có bản sắc riêng và sự chinh phục về tâm hồn người nghe.
Ngoài ra, cũng còn những nhân tố mới nữa, nhưng tôi chưa dám
đưa ra nhận định hoặc hy vọng gì cả. Phải đợi chờ tháng năm thử thách thêm...
Cảm ơn nhạc sĩ!
Theo Minh Thi - Lao Động