14.9.14

Thực thi quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: 20 năm cho một cách tiếp cận cũ

(TBKTSG) - Mới đây khi nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), cũng là tác giả của ca khúc nổi tiếng “Trên đỉnh Phù Vân” thân chinh đến hai địa điểm tổ chức chương trình biễu diễn “Liveshow Đêm nhạc Khánh Ly” để làm “trắng đen” tiền tác quyền một số ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được sử dụng ở chương trình này, mới thấy dường như 20 năm qua, kể từ thời điểm luật hóa về quyền tác giả vào Bộ luật Dân sự (1995), đạo luật cơ bản của Việt Nam, việc thực thi quyền tác giả cũng như quy tắc hành xử trong lĩnh vực này vẫn còn sơ khai.

Vấn đề gây tranh cãi có lẽ không phải là Công ty Đồng Dao, đơn vị tổ chức chương trình không đồng ý trả tác quyền khi sử dụng tác phẩm của Trịnh Công Sơn, mà vấn đề là phải trả bao nhiêu và trả khi nào. Sự việc tranh chấp dường như trở nên rắc rối hơn khi Khánh Ly công bố bút tích có sự đồng thuận với chính tác giả, nhạc sĩ này.
Dường như 20 năm qua, kể từ thời điểm luật hóa về quyền tác giả vào Bộ luật Dân sự (1995), việc thực thi quyền tác giả cũng như quy tắc hành xử trong lĩnh vực này vẫn còn sơ khai.

Sử dụng tác phẩm âm nhạc đã công bố có “xin-cho” trước?

Quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (2009) được hiểu rằng tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép trước, nhưng phải trả tiền tác quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả. Mức nhuận bút theo quy định pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa các bên.

Nghị định 61/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhuận bút cho tác phẩm âm nhạc từ 9,5-19% mức lương tối thiểu. Nếu tính toán dựa trên mức lương cơ bản quy định hiện hành, mức nhuận bút cho một ca khúc dao động trong khoảng 256.500-513.000 đồng một ca khúc sử dụng cho mỗi lượt biểu diễn.
Nghị định này cũng quy định nhuận bút cho tác phẩm có thể được tính theo tỷ lệ phần trăm doanh thu, với mức trích từ 15-21% doanh thu buổi diễn để trả cho toàn bộ các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm (bao gồm: biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ, nhạc sĩ phối khí, nhạc sĩ chuyển thể, họa sĩ, thiết kế...), không có tỷ lệ ấn định riêng cho tiền tác quyền sử dụng các tác phẩm âm nhạc trong chương trình.

Xin phép trước thì trả bao nhiêu tiền tác quyền?

Như vậy, ngoại trừ tổ chức phát sóng, các đơn vị, tổ chức sử dụng, khai thác thương mại, có ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của một tác phẩm âm nhạc đều phải xin phép và trả tác quyền. Lý lẽ của các đơn vị khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc nói riêng, công chúng nói chung vẫn chưa quen và khó đồng thuận với việc có cảm giác bị đối đãi “độc quyền” về quyền tác giả. Vì rằng họ không chấp nhận cung cách “thuận mua, vừa bán”, có cả sự tùy hứng làm giá tác quyền như cách buôn bán hàng hóa thông thường. Vì rằng nếu hạch toán dựa trên doanh thu thì một khi chương trình không bán được vé thì trung tâm hoặc chủ sở hữu quyền có chia sẻ rủi ro không.

Những tranh cãi căn bản như vậy cho thấy nhận thức xã hội về thực thi quyền tác giả đặt trong mối dung hòa chung, trong đó có tính chuyên nghiệp của một tổ chức quản lý tập thể bảo vệ quyền tác giả âm nhạc chưa có cải thiện đáng kể sau nhiều năm hoạt động.

Nên miễn cơ chế xin - cho, nhưng phải trả tác quyền

Cũng cần nhìn nhận rằng việc đơn vị tổ chức thực hiện các chương trình biểu diễn có sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi chưa có sự đồng thuận của các đồng chủ sở hữu là hành vi xâm phạm quyền tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Cái lệ “tiền trảm hậu tấu” trong lĩnh vực tác quyền âm nhạc không phải là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam. Trong nhiều năm qua, những bài toán đơn giản khi phản ánh tính bất cập của lĩnh vực này khi so sánh giữa cát xê của một ca sĩ hát bài “đinh” so với nhạc sĩ sáng tác ca khúc đó, độ “vênh” nhiều khi là vài triệu đến vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng. Do vậy, đạt được sự đồng thuận trong quan hệ giao dịch dân sự, tôn trọng quyền tác giả, chủ sở hữu bản quyền là hành xử tối thiểu của đơn vị tổ chức, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cho dù họ nhân danh vị nghệ thuật phục vụ công chúng hay vì mục đích thương mại.

Nên thu tác quyền bao nhiêu là đủ?

Theo danh mục công bố trên trang web của VCPMC, việc sử dụng bài hát đối với các chương trình ca nhạc/nhạc sống không thường xuyên, mức thù lao được tính theo doanh thu buổi diễn. Suất diễn được tính theo công thức: 5% x (75% số lượng ghế x bình quân giá vé) và không thấp hơn 400.000 đồng/tác phẩm/lượt biểu diễn. Mức thu 5% trên cũng do phía trung tâm đơn phương ấn định.

Ở nhiều nước việc thu nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc cũng được thực hiện thông qua tổ chức phi lợi nhuận do các nhạc sĩ, người soạn nhạc và nhà xuất bản âm nhạc điều hành với cơ chế minh bạch hơn và mang tính định lượng thay vì theo kiểu cảm tính như ta.

Ở Pháp việc thực hiện thu phí tác quyền thông qua Hiệp hội Tác giả, nhà soạn nhạc và biên tập viên âm nhạc Pháp (SACEM). Nhiệm vụ chủ yếu của tổ chức này là thu tác quyền, phân chia lại cho những người sáng tác và xuất bản âm nhạc tại Pháp và trên thế giới sau khi trừ đi phí hoạt động với tỷ lệ rõ ràng là 84,3-15,7. SACEM cũng minh bạch bảng giá cụ thể đối với từng hình thức tổ chức sự kiện, như dạ hội, khiêu vũ, liveshow... Tổ chức này có cơ chế chiết khấu 20% nếu đơn vị tổ chức chi trả trước khi sử dụng. Việc thu phí và tái chi trả cho tác giả, nhà sản xuất âm nhạc được thực hiện trung bình từ 3-2 tháng. Sự minh bạch, rõ ràng trong hình thức thu chi đã giúp SACEM bảo hộ thành công hơn 80 triệu tác phẩm âm nhạc trên toàn thế giới.

Tại Mỹ tác giả thông thường chuyển nhượng bản quyền tác phẩm cho một hãng thu âm hoặc nhà sản xuất nào đó trở thành người được ủy thác nắm giữ bản quyền tác phẩm. Các cá nhân, tổ chức khác khi sử dụng các tác phẩm này không phải xin phép trước mà chỉ trả tiền sử dụng theo quy định. Hầu hết các tổ chức bảo vệ quyền âm nhạc ở nước ngoài đều đưa ra các khung giá chung, nhưng cụ thể cho từng loại hình thử sử dụng tác phẩm mà không phải thỏa thuận cho từng sự vụ cụ thể tính chi tiết theo từng suất diễn như cách VCPMC đang áp dụng.

Mô hình quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc nên vì ai?

Thu phí tác quyền đơn giản chỉ là không xin phép, không đồng ý “giá bán” áp giá thì không được sử dụng tác phẩm. Tuy nhiên, hoạt động của một tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, phi lợi nhuận, hẳn phải khác một tổ chức dịch vụ tư nhân thuần túy vì lợi nhuận. Không phải vô duyên vô cớ mà cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích hỗ trợ các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, hiệp hội băng đĩa ghi âm, âm nhạc, điện ảnh... có các trung tâm bảo hộ tác quyền tương ứng do chính hội viên bầu bán, sáng lập.

Sinh thời, gần 20 năm trước, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng như gần 40 nhạc sĩ hàng đầu Việt Nam khác cũng từng ủy quyền cho Copyrico, một công ty cung cấp dịch vụ bản quyền tác giả tư nhân đầu tiên ở Việt Nam đứng ra thu tiền bản quyền cho nhạc sĩ từ băng đĩa, biểu diễn, ấn phẩm xuất bản. Copyrico cũng dấn thân hơn hai năm cho công cuộc pháp lý này, trước khi mô hình tương tự với tên gọi khác của Hội nhạc Sĩ Việt Nam ra đời, nhân danh nhạc sĩ và vì quyền lợi nhạc sĩ hội viên.

Xã hội kỳ vọng những người trong cùng một “sân chơi” hiểu được phương thức hài hòa quyền lợi giữa tác giả, chủ sở hữu tác phẩm với người khai thác, sử dụng tác phẩm. Khi và chỉ khi dung hòa được quyền lợi giữa các chủ thể tưởng là đối trọng này, mà không tự cô lập mỗi bên bằng cách “đánh đố” nhau chuyện “con gà quả trứng” thì công chúng mới kỳ vọng được thưởng thức tác phẩm âm nhạc trọn vẹn.

Về lâu dài, VCPMC nên là đầu tàu cho cách hành xử có tình có lý. Một chương trình biểu diễn vi phạm tác quyền thì nên có đơn kiện ở tòa án, trọng tài thụ lý cũng có thể bị tạm đình theo trát tòa. Bằng con đường tài phán, trung tâm có chính danh để bảo vệ cho toàn bộ nhạc sĩ Việt Nam chứ không hẳn cho mỗi nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn.

Ở góc độ này, Việt Nam vẫn cần có nhiều “án lệ” quan trọng như vụ án “Tạm biệt chim én”, “Tướng cướp Bạch Hải Đường”, nhạc sĩ Lê Vinh với “Hà Nội và Tôi”... trong lĩnh vực quyền tác giả. Để làm được điều này, xã hội cũng cần chuyên môn hóa từ cơ quan quản lý, tư pháp, cho đến luật sư, luật gia, thừa phát lại, thi hành án...

Có phân công và chuyên môn hóa trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả này, Việt Nam mới hy vọng sản sinh tiếp nhiều nhạc sĩ tài hoa. Có như vậy mới tránh được việc bảo vệ tác quyền manh mún, tránh trong con mắt nhân gian hình ảnh một nhạc sĩ tài hoa như Phó Đức Phương thành “Người đòi tiền tác quyền...thuê xuyên thế kỷ”.

Trên bình diện xã hội, mỗi cá thể mà tự đóng vai hoặc bị phân công nhầm vai sẽ là sự lãng phí, tăng chi phí, giảm thiểu hiệu quả xã hội. Hậu quả, xét cho cùng công chúng mộ điệu âm nhạc Trịnh Công Sơn mới là người bị thiệt hại.

Châu Huy Quang - Luật sư điều hành hãng luật Rajah & Tann LCT Lawyers
Nguồn:http://www.thesaigontimes.vn/119918/Thuc-thi-quyen-tac-gia-am-nhac-Viet-Nam-20-nam-cho-mot-cach-tiep-can-cu.html

Back To Top