18.10.13

Tự Bạch


"Với tôi, giọt lệ phụ nữ là một thứ acid đặc biệt ăn mòn khủng khiếp mọi thứ, nhất là trái tim đàn ông, ngoại trừ chính đôi má mịn màng của nàng. Nước mắt - đó là món trang sức trên đôi má hồng đào, nhưng lại là nhát dao khoét vào trái tim tôi", nhạc sĩ Trần Minh Phi thổ lộ.

Ba mẹ tôi là người Huế. Tôi cũng được sinh ra tại Huế, nhưng xa Huế từ khi còn ẵm ngửa, theo ba mẹ vào Nam sinh sống. Tôi hấp thụ hai tính cách Trung Nam, vừa khó tính, lo xa, vừa bộc trực, thẳng thắn. Khi còn đi học, tôi là một học trò trung bình, dốt toán và kém văn, không có gì nổi bật ngoài cái tật nhút nhát và hay mơ mộng. Cô giáo rất cưng vì cô bảo tôi dễ thương như con gái. Bạn bè khen tôi vẽ đẹp, làm thơ hay, nhưng lạ lùng vì khi lớn lại chẳng theo nghề hội họa hay thi ca. Học điện ảnh và kinh tế rồi chẳng bao giờ đụng tới nó. Đi học nhạc thì thày khuyên nên học thứ khác. Vậy mà giờ đây tôi đang sống bằng nghề bán nhạc và bán chữ. Tôi không biết cuộc đời hiểu lầm tôi, hay tôi đã nhầm lẫn quá nhiều cuộc đời này?

Mọi người ưu ái gọi tôi là nhạc sĩ, nhưng thâm tâm tôi nghĩ mình chỉ là người viết ca khúc. Tôi không đến trường lớp học nhạc mà chỉ tự mình tìm tòi học hỏi, viết ca khúc như viết nhật ký để một ngày kia bỗng thấy vài bản nhạc của mình được mọi người yêu thích. Nhưng dòng đời xô đẩy, tôi buộc lòng viết nhạc để kiếm sống.

Đôi lúc tôi buồn khi nhìn mình như một con rối, chạy theo bao ham muốn với hư danh tháng ngày. Tôi từng làm báo 10 năm, cười đau khóc hận cũng nhiều, nhưng có lúc tự dưng buông bút vì thấy sao nhiều người ghét mình dù mình chẳng ghét ai. Chẳng qua tôi chỉ dám nói thật, nói thẳng chính kiến của mình về những gì chướng tai, gai mắt mà quên không pha ít gia vị bợ đỡ ai. Tôi cứ tự hỏi lòng mình có gì hèn nhát khi làm điều đó không?

Tôi ước mơ được làm nghề gì đó để sống, còn âm nhạc để cuộc đời thêm hương hoa. Tôi khao khát trong khô hạn ước mơ rằng âm nhạc không phải là cái mặt nạ để người ta diễn trò con rối dưới đôi tay kim tiền, cùng những tấm huy chương danh lợi. Vậy mà có những lúc tôi phải đeo mặt nạ làm con rối cho nhiều người làm theo.

Tôi là người viết nhạc may mắn thành danh, có nhiều bài hát được ưa chuộng, nhưng chưa có ca khúc nào tôi thực sự yêu nó thật nhiều. Tự đáy sâu lòng, tôi đã nghĩ thế.

Tôi vẫn tự nhủ mình phải làm sao "bơi lội" thật tử tế, thật chân thành trong dòng sông ca khúc nho nhỏ của mình. Phương châm sáng tác của tôi là đơn giản, chân thật không màu mè, khoe khoang kỹ thuật nhưng không tầm thường và phải có cá tính. Nhạc của tôi lấy trái tim làm cứu cánh chứ không phải sợi dây thanh quản.

Tôi là người nhạy cảm và trẻ hơn so với tuổi, rất đa tình và sợ nước mắt phụ nữ. Trái tim tôi biết rung động từ năm lên mười tuổi. Người đó là cô giáo của tôi. Những buổi chiều tan trường tôi hay tò tò đi theo cô, để cô quay lại xoa đầu và nựng vào má. Tiếp đó là cô bạn học chung lớp, thường chơi xích đu và tắm mưa chung. Sau này, kỷ niệm đó đi vào trong ca khúc Chiếc xích đu ngày thơ của tôi. Lớn hơn, tôi quen cô bạn thường hay ăn kem và hay ôm mèo. Tôi viết bài hát đầu tay Góc phố dịu dàng từ ám ảnh ngọt ngào đó.

Những người con gái, những người đàn bà đến với tôi vì điều gì? Dường như sự hào nhoáng, sự hứa hẹn một cái gì rực rỡ, một điều gì lung linh vật chất, sự mơn trớn dễ dàng của cuộc sống khiến họ đến với tôi qua ánh hào quang tưởng tượng, đúng hơn tưởng rằng đang bao bọc lấy tôi. Ảo tưởng vè tôi tan tành, tôi cũng tan tành ảo tưởng về họ.

Với phụ nữ, khi đang thăng hoa trong ảo tưởng, tôi trở nên rất đỗi dịu dàng. Nhưng khi vỡ mộng, tôi là kẻ thô bạo dù trái tim đang đau đớn như Giai nhân và quái vật.

Thời của tôi đã qua, đúng hơn là giai đoạn sáng tác của tôi đã qua. Hiện tại, tôi đang đi tìm giọng hát mới cho những ca khúc tôi đã viết và sẽ viết. Hạnh phúc biết bao khi có ca sĩ của riêng mình. Cuộc tìm kiếm dù mơ hồ nhưng vẫn tiếp tục. Tôi cũng đang tìm cảm hứng cho mình và bòn rút từng giai điệu từ trái tim, như tên nhà giàu bòn rút từng đồng xu cắc bạc. Cho đến khi gặp giọng hát đó, âm nhạc của tôi sẽ tái sinh.

(Theo Đẹp)

Việt Báo (Theo_VnExpress.net) (Theo_VnExpress.net)
Back To Top