26.10.13

YouTube chuẩn bị 'bán' nhạc: Tham vọng lớn vẫn còn che giấu


Thông tin này nếu xảy ra thì sẽ tạo nên sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp âm nhạc thế giới.

Lĩnh vực nhạc số đầy cạnh tranh sẽ trở nên thách thức hơn với sự góp mặt của một trong những thế lực internet mạnh nhất: YouTube.

Hơn 200.000 đồng cho dịch vụ nghe nhạc cao cấp

Billboard cho biết cuối năm nay, YouTube sẽ ra mắt dịch vụ âm nhạc trực tuyến trả tiền để cạnh tranh với Spotify và các kênh khác. Dịch vụ chủ yếu được cung cấp qua điện thoại di động, phí vào khoảng 10 USD (hơn 200.000 đồng) một tháng.

Hiện thông tin chi tiết về dịch vụ này vẫn chưa được tiết lộ rộng rãi cho truyền thông. YouTube không xác nhận lẫn phủ nhận, nhưng khẳng định "luôn muốn tạo ra những dịch vụ mới và tốt hơn". Mặc dù vậy, các báo lớn và uy tín nhất của Mỹ đều đăng thông tin này, cho thấy khả năng xác thực là rất cao.

Lâu nay, các cư dân mạng cả già lẫn trẻ vẫn sử dụng YouTube như một kênh âm nhạc miễn phí và theo yêu cầu. Người dùng có thể hoàn toàn chủ động lựa chọn âm nhạc để thưởng thức.


Hình ảnh tại một sự kiện âm nhạc của YouTube ở Los Angeles tháng trước.

Nhưng tham vọng của YouTube còn lớn hơn. Có trong tay sức mạnh công nghệ, YouTube cần thêm sức mạnh tài chính để khách hàng có thể thưởng thức âm nhạc và hình ảnh ngày càng cao cấp và tiện ích. Tham vọng này lý giải cho khoản phí 10 USD một tháng mà người dùng có thể sẽ phải trả.

Gọn nhẹ là xu hướng

Theo Billboard, ưu thế của dịch vụ thể hiện ở chỗ khách hàng có thể xem video hoặc nghe bản thu âm nhạc mà không bị quấy rầy bởi các hình thức quảng cáo.

Sẽ có tính năng lưu trữ (cache) nhạc để người dùng vẫn có thể nghe nhạc hoặc xem video trước đó khi không có mạng, hoặc muốn tiết kiệm chi phí vào mạng hay tiết kiệm pin.

Với dịch vụ này, cả album của nghệ sĩ sẽ được đăng tải thay vì chỉ một số bài hát chủ đạo. Như vậy, sẽ hạn chế được tình trạng đăng nhạc hỗn loạn trên YouTube hiện nay, có thể đưa lên những nội dung có hệ thống như cả album nhạc hoặc danh sách nhạc (playlist) được lập sẵn.

Dự án này cũng sẽ giúp cho các công ty thu âm, lâu nay vẫn than phiền vì YouTube trả tiền bản quyền thấp, sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn từ dịch vụ có trả phí.

YouTube là kênh truyền tải chủ đạo của âm nhạc đến mọi công chúng trên thế giới nên 2 phía (YouTube và các hãng thu âm) không thể nào không liên kết để đôi bên cùng có lợi.

Lượng truy cập qua điện thoại di động, theo thống kê của Google, chiếm 40% lượng truy cập vào YouTube nói chung. Nhưng mức giá quảng cáo trên di động và máy tính bảng thấp hơn nên nhiều hãng thu âm không bán nhạc cho YouTube để phát trên các thiết bị này.

Còn nếu đưa vào sử dụng dịch vụ trả tiền, YouTube sẽ có được những giấy phép cần có để phát cả video nhạc chính thức của ca sĩ lẫn những nội dung liên quan, chẳng hạn một video đám cưới có nhạc nền là một bài hát nổi tiếng.

Thành bại: tùy vào khả năng cạnh tranh

YouTube gia nhập khá muộn màng vào lĩnh vực nhạc số trả tiền, so với các thương hiệu khác Rdio, Rhapsody và Spotify. Hoặc, ngành công nghiệp cũng đang chờ một thương hiệu khác là Beats Music của nhà sản xuất Dr. Dre.

Giới chuyên môn âm nhạc dự đoán khả năng chiến thắng của YouTube trong lĩnh vực này phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh của hãng với đối thủ lớn Spotify, đồng thời vẫn phải duy trì phần nhạc và video miễn phí để thu hút khán giả.

Trong kế hoạch này còn có nguyên nhân chiến lược là YouTube cần phát triển một dịch vụ cao cấp, để phối hợp với nhiều sản phẩm khác của Google trong tương lai, gồm kính thông minh Google Glass.

Thông tin được báo chí đăng ngay trước lễ trao giải âm nhạc YouTube - YouTube Music Awards - lần đầu tiên (sẽ được trao vào ngày 3/11).

Giải thưởng này cũng gây bất ngờ vì đưa vào đề cử cả những video bắt chước của người hâm mộ, xếp cùng "chiếu" với những video chính thức của nghệ sĩ.

Đáng chú ý là hạng mục "Response of the Year" (Phản hồi của năm), với các đề cử đều là những video nhạc cover của người hâm mộ: Mirrors (Boyce Avenue ft. Fifth Harmony); I Knew You Were Trouble (Walk Off the Earth); Gangnam Style (Jayesslee); Radioactive (Lindsey Stirling và Pentatonix); Titanium/Pavane (ThePianoGuys).


Hạ Huyền- Thể thao & Văn hóa
Back To Top