9.10.13

ĐÔI ĐIỀU VỀ IDOSING - NHẠC MA TÚY SỐ

Gần đây rộ lên về một mốt nghe nhạc mới trong giới trẻ với cái nhãn Idosing mà ở Việt Nam được gọi bằng cái tên đáng sợ: Ma túy số! Vậy thực chất đây là loại nhạc gì và vì sao gọi nó gắn liền với “cái chết trắng”? qua những sự mô tả nghe thật khiếp: gây ảo giác , gây nghiện, làm tê liệt thần kinh…và cuối cùng có thể dẫn người nghe rơi vào vòng ma túy thật.

                                               John Cage - phù thủy của âm nhạc tiếng ồn

Từ âm thanh của John Cage…

Tìm được gần một chục bài idosing này để tìm hiểu, theo người nghe trên mạng cho là những “liều ma túy nhạc số” tiêu biểu, tôi nhận thấy đây không phải một loại âm nhạc gì qúa mới - mà nhiều người thích cổ điển cho đó là tiếng ồn trần tục chứ không phải là âm nhạc- vì nó đã được một nhạc sĩ người Mỹ định nghĩa lại về âm nhạc từ thập niên năm mươi của thế kỷ trước. Người đó là John Cage. Ông này rất nổi tiếng và gây tầm ảnh hưởng lớn không chỉ trong âm nhạc đương đại mà còn còn hắt bóng sáng tạo của mình qua các nghệ thuật thị giác , thi ca và cả nhảy múa nữa.

Với J.C thì âm nhạc không chỉ là kiểu thức âm nhạc thuần túy như trước đây , mà cả âm thanh của tự nhiên và đời sống đều có thể gọi là âm nhạc hoặc sử dụng để tạo âm nhạc. Lúc này, nhiều người cấp tiến rất ủng hộ "phong cách âm nhạc tiếng ồn này" nhưng cũng có rất nhiều nhà phê bình nghiêm túc gọi đó là sự báng bổ âm nhạc và cho nó chẳng khác gì một rừng âm thanh điên cuồng và hỗn loạn hoặc tự nhiên chủ nghĩa bôi bẩn tai nghe của thính giả.

Để thể hiện quan điểm sáng tác mới về âm nhạc cũng như mở rộng sự thâu nạp mọi âm thanh trên đời này vào cái gọi là nghệ thuật thính giác, J.C đã tạo nên một cuộc cách mạng về âm nhạc qua một số tác phẩm tiêu biểu như: Composition entilted 4’33 (sáng tác đặt tên là 4’33, viết năm 1952), Những hình ảnh tưởng tượng No 4(1951). Ở 4’33, được đọc là 4 phút 33 giây- ban nhạc thính phòng và người chỉ huy  đứng ngồi yên lặng như tượng hoặc ở phiên bản khác chỉ duy nhất một pianist ngồi thảnh thơi trước cây đàn piano, tất cả đều không diễn tấu một nốt nhạc nào. Bây giờ âm thanh tự nhiên và ngẫu nhiên hoặc những khoảnh khắc yên lặng của khán phòng cũng như xung quanh chính là âm nhạc của tác phẩm kéo dài đúng 4’33” này! Còn trong Những hình ảnh tưởng tượng No 4, ông cho 12 cái radio mở cùng lúc trên 12 kênh khác nhau với những tần số âm thanh chênh lệch. Nếu lấy quan điểm âm nhạc cổ điển thì đây không có thể nào gọi là âm nhạc mà chỉ là một sự mô tả và thể hiện âm thanh rất tự nhiên chủ nghĩa. Phong cách này J.C vì thế được gọi là trường phái ngẫu nhiên. Cần nói thêm rằng, không phải sáng tác nào của ông cũng nằm trong 2 cách biểu hiện trên, ông vẫn có những tác phẩm có cấu trúc âm thanh tổ chức như âm nhạc nhưng ông đã sử dụng các loại vật liệu khác nhau để can thiệp vào âm thanh truyền thống của các nhạc cụ như bộ dây, bộ phím , bộ gõ…để tạo nên những âm sắc lạ lùng và có khi rất quái .

…Đến thanh âm của electronic

Electronic ở đây ám chỉ đến một thể loại nhạc Dance bao gồm rất nhiều phong cách như: Techno, House, Trance, Electronica, Ambient, Hamster dance…và nhiều cành nhánh nữa. Cái chung của tất thảy loại nhạc này là sử dụng âm thanh điện tử, được tạo ra trên máy móc rồi sau này trên computer-dĩ nhiên là theo từng loại mà liều lượng và âm sắc đậm nhạt sẽ khác nhau. Đây có thể xem là những đứa con âm nhạc của kỹ nghệ âm thanh phát triển tột bậc và thừa hưởng có chủ đích từ cuộc cách mạng âm thanh trong âm nhạc của J.C. Ngoài âm thanh máy móc và quái dị, nó thông thường còn được trình diễn bởi một tempo nhanh trên một nền trống và bass dập liên hồi với những loop-vòng lặp lại- chảy đi chảy lại, được phát ra với một âm thanh cực lớn như muốn nổ tung lồng ngực mà tín đồ của nó bảo như thế mới bốc và sung.
Có thể thấy rằng idosing chẳng qua là hậu duệ của các thể loại nhạc nói trên, hoặc là tổng hợp và đưa thêm nhiều phát kiến về âm thanh của máy tính và khai thác hết sức hiệu ứng Binaural được phát minh từ đầu thế kỷ XIX. Theo nguyên lý này nếu 2 âm thanh khác nhau được đưa vào 2 tai theo 2 tần số lệch nhau không nhiều thì sẽ tạo nên một hiệu ứng nghe như một âm thanh được phát ra ngay trong đầu người nghe. Và để tạo được hiệu quả tột đỉnh thì phải dùng tai nghe với một âm lượng cực đại.

Theo như những phân tích trên, ta thấy bản chất idosing là một loại âm nhạc mới trên mẫu số của ông J.C và âm thanh digital theo phong cách electronic. Bởi vì trong những tác phẩm của nó thâu nhận đủ loại âm thanh từ động vật, thiên nhiên cho đến chủ đạo là các âm thanh số - đặc biệt là các âm thanh phát kiến của hệ điều hành Windows - và điện tử được pha chế thành những âm sắc khô khan và quái đản cũng như đầy hơi hướng ảo. Tempo nhanh, trung bình hoặc chậm đều có nhưng phát ra bằng một tần số âm thanh có cường độ cao mới đạt chuẩn. Nó không phải là một thứ ma túy như cách đặt tên là ma túy số. Nếu nói đến khái niệm âm nhạc tạo ra ma túy thì có lẽ nhạc Rock và Rap đều dính phải. Và những môi trường nghe nhạc nhạy cảm như ở các vũ trường, các hộp đêm… mới dễ dẫn đến ma túy đi kèm- tiếc là những thể loại nhạc này đích thị thanh niên phải nghe ở những nơi đó mới sành điệu!

Cho nên, lý do chính của idosing gây tác hại là ở chỗ hiệu ứng âm thanh tác động tiêu cực đến các tế bào thần kinh, cũng như liều lượng âm thanh khủng sẽ làm hỏng thính giác và ảnh hưởng đến vỏ não. Ngay khi chúng ta nghe Mozart hay Beethoven ngày này qua ngày khác với một lượng âm thanh vượt ngưỡng của tai và 2 bán cầu não bằng tai nghe thì cũng sẽ gây tác hại gần như vậy chứ không riêng gì idosing. Các nhà khoa học đã chứng minh tác hại của tai nghe thế nào chắc ai cũng đã từng nghe nói đến. Điều này đặc biệt càng nhạy cảm hơn với người bẩm sinh có thần kinh yếu. Vì vậy, dễ hiểu là có người bảo nghe rất ép phê trong khi có người nói cũng không đến nỗi như vậy.

Ta có thể kết lại, bản chất âm nhạc không tạo ra ma túy mà còn do tính cách con người cũng như môi trường và sự giáo dục. Khi nhạc Rock và Rap ra đời nhiều người cũng bảo nó xúi tuổi trẻ đến với chất gây nghiện và ảo giác. Nhưng thực tế thì sao? Hàng tỷ người đã nghe Rock, Rap nhưng vẫn có những thế hệ là tín đồ của nó vẫn khỏe mạnh và an lành như thường đó thôi. Và bây giờ đến idosing, có thể khác hơn một chút trong hiệu ứng âm thanh nhưng bản chất nó vẫn vậy. Gọi nó ma túy là hơi oan!

T.M.P


Back To Top