24.10.13

Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy & tình bạn Duy - Khê



Đây là tác phẩm mới nhất của GS - nhạc sĩ Trần Văn Khê do NXB Thời Đại ấn hành.

Mở đầu tập sách này tác giả cho biết: “Với Phạm Duy, tôi có một tình thương yêu đặc biệt, thắm thiết chẳng kém anh em ruột thịt. Nhưng hai anh em chúng tôi, dầu đứng trên một lãnh vực âm nhạc Việt, nhưng mỗi người theo một hướng đi đặc biệt cho riêng mình và có những sinh hoạt khác hẳn nhau. Tôi gởi cả óc tim mình cho âm nhạc truyền thống, còn Duy đắm say và thật có duyên với nền tân nhạc của Việt Nam ở mỗi thời kỳ”.



Cả hai cùng sinh năm 1921. Từ tình bạn thắm thiết, GS Trần Văn Khê đã dành nhiều tâm huyết viết tập sách này, trong đó có nhiều chi tiết thú vị. Tác giả kể, có lần Phạm Duy nói với Trần Văn Khê: “Cậu học về âm nhạc dân tộc là để trở thành chuyên gia về môn này, còn tớ chỉ học để biết trong dân gian có những cách nào làm cho thang âm ngũ cung phong phú hơn và những giai điệu sáng tác trên hệ thống ngũ cung, tiền ngũ cung có phong phú đa dạng hơn, không bị nhàm chán mà không đi theo phương pháp của Âu Tây”.

Ngoài kỷ niệm riêng tư, GS Trần Văn Khê còn phân tích, nhận định về lãnh vực âm nhạc của Phạm Duy. Tác giả phân tích những câu, những đoạn nhạc mà ông cho rằng trong đó có sử dụng các thang âm ngũ cung, tiền ngũ cung… Với ca khúc Nụ tầm xuân, nhạc sĩ Trần Văn Khê phân tích: “Trước tiên tôi muốn đề cập tới một nhạc phẩm tiêu biểu mà tôi cho là rất đặc sắc trong cách sử dụng thang âm ngũ cung với một tinh thần sáng tạo của Phạm Duy. Đó là nhạc phẩm Nụ tầm xuân, dựa theo một câu ca dao rất quen thuộc của người Việt Nam:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vường cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em (đi) lấy chồng anh tiếc lắm thay…

Câu đầu “Trèo lên cây bưởi hái hoa”, Phạm Duy dùng thang âm ngũ cung dạng II (âm cơ bản La):
Hò - Xự - Xang - Xê - Cống
Mi Fa# La Si Do#
mà cách vận hành giai điệu cũng đi từ Hò lên Liu và trở xuống như bài Lưu Thủy đoản. Nhưng cách sáng tạo của Phạm Duy lại không đi từ thấp lên cao bằng con đường thẳng hay con đường vòng, mà là đi từng bực quãng 5 chồng chất (La-Mi, Mi, Ré-La, Mi-Si, Si, La-Mi, Mi...) để cho chúng ta có cảm giác đi lên từng nấc thang hay “trèo lên cây bưởi”, tay vin cây, chân leo lên từng cành để hái cho được bông bưởi trắng muốt.

Trèo lên, lên, trèo lên, trèo lên, lên, trèo lên
La - Mi, Mi, Re - La, Mi - Si, Si, La - Mi

Cách vận hành giai điệu từ thấp lên cao bằng những quãng 5 chồng chất là cách vận hành mà tôi chưa từng gặp trong dân ca Việt Nam. Khi hát nhạc Phạm Duy, chúng ta chẳng những theo giai điệu từ thấp lên cao mà có cảm giác “thấy” được người trèo lên cây bưởi. Đó là một biệt tài của Phạm Duy”.

Với những người yêu nhạc chắc hẳn sẽ tự rút ra nhiều bài học hữu ích từ phân tích của Giáo sư Trần Văn Khê. Qua đó ta thấy nhạc sĩ Phạm Duy không chỉ giỏi về phần viết ca từ mà còn là một người biểu diễn sáng tác của mình như một ca sĩ chuyên nghiệp. Sinh thời, khi đọc bản thảo Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy & tình bạn Duy - Khê, nhạc sĩ Phạm Duy đã trả lời qua email cho bạn: “Rất cảm động khi đọc bản thảo của Khê. Khê đã viết ra những lời giải thích rõ ràng về con người Phạm Duy, kể cả xấu tốt... Moa vừa đọc vừa khóc đó Khê ơi!”.

Có thể nói, với tập sách thú vị này công chúng lại có dịp hiểu hơn nữa về tài năng và con người của nhạc sĩ Phạm Duy.


(Nguồn: GN-phunuonline.com.vn)
=======================
Lời mở đầu sách của GS Trần Văn Khê

Sinh ra cùng một năm Tân Dậu với Nhạc sĩ Phạm Duy, tính theo dương lịch thì hai anh em tôi – “hai con gà” chào đời vào tháng 7 (Trần Văn Khê) và tháng 10 (Phạm Duy). Duy là người bạn rất thân trong cuộc đời tôi, nhứt là trong cuộc đời âm nhạc. Công việc của Duy ít nhiều có mối dây liên kết về dân tộc tính trong âm nhạc đối với công việc nghiên cứu và niềm đam mê của tôi. Với Phạm Duy, tôi có một tình thương yêu đặc biệt, thắm thiết chẳng kém anh em ruột thịt. Nhưng hai anh em chúng tôi, dầu đứng trên một lãnh vực âm nhạc Việt, nhưng mỗi người theo một hướng đi đặc biệt cho riêng mình và có những sinh hoạt khác hẳn với nhau. Tôi gởi cả óc tim mình cho âm nhạc truyền thống, còn Duy đắm say và thật có duyên với nền tân nhạc của Việt Nam ở mỗi thời kỳ.

Nhiều lần trong đời, tôi đã từng viết bài nói chuyện về những người bạn nhạc sĩ thân thiết cả về tân nhạc lẫn cổ nhạc của tôi như Lưu Hữu Phước, Lê Thương, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Vĩnh Bảo, Võ Đức Thu…, và về sau này thỉnh thoảng có một vài bài nhận định về người nhạc sĩ đàn em của chúng tôi là Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên với Phạm Duy, vì những hoàn cảnh về thời cuộc, về khoảng cách địa lý, về công việc làm mỗi người mỗi khác…, nên anh em chúng tôi ít có dịp gặp nhau, nhưng không vì thế mà không hiểu nhau. Bản thân tôi cũng đã từng viết về những sáng tác của Phạm Duy, nhưng các bài viết đó giới hạn trong việc bình luận, phân tách nhạc ngữ, lời ca… và cũng chỉ là những bài viết có tánh cách học thuật, trao đổi về nghề nghiệp chứ ít khi có những bài đi sâu vào cá tánh và tâm hồn của Duy, hoặc kể lại những kỷ niệm, hoặc có tánh chất thân mật, sâu sắc về tình bạn của hai anh em. Tôi cho rằng đó là một sự thiếu sót lớn nếu không nói ra được những khía cạnh riêng biệt của Duy trong lòng tôi!

Ngày nay, trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, tôi vẫn còn cơ hội gặp lại Phạm Duy và nhờ ơn trên sắp đặt, hai anh em chúng tôi lại cùng sống trong một đô thị, cùng chung một bác sĩ chăm lo sức khỏe, cùng có dịp đem sức tàn của chúng tôi để tiếp tục phụng sự âm nhạc Việt Nam. Tuy rằng mỗi người một cách thể hiện, nhưng tất cả đều cùng chung một tấm lòng yêu thương vô bờ bến với quê hương, con người và văn hóa Việt Nam.

Những nghệ phẩm lớn nhỏ đủ loại của bạn tôi, tôi nghe rất nhiều và cũng đã từng chia sẻ với bạn những cảm tình chân thật. Khi hoan nghinh triệt để, lúc phủ nhận hoàn toàn, khi thương yêu nồng thắm, lúc giận dữ không nguôi, nhưng rốt cuộc lại cũng như trong bài “Ví dặm” của Nghệ Tĩnh: “Giận thì giận, mà thương thì thương”.

Trước khi trở về Việt Nam sanh sống, tôi đã từng đọc qua rất nhiều bài viết trong và ngoài nước của các tác giả ở đủ mọi lãnh vực về tài nghệ của Phạm Duy, rất toàn diện, sâu sắc, tinh vi. Nên trong những lúc gặp gỡ sau này, khi đã hội ý cùng bạn, tôi rất muốn ghi lại những cảm tưởng của tôi về một số nhạc phẩm rất đậm màu dân tộc mà Duy đã sáng tạo. Những nghệ phẩm từng đi sâu vào lòng người đó mang đầy hơi hướng dân ca ba miền, có cách sử dụng ngôn ngữ âm nhạc truyền thống để sáng tác những nhạc phẩm mới mà vẫn rất đậm đà tính dân tộc Việt Nam. Trong lúc này, nói về nhạc Phạm Duy, tôi không chỉ ghi lại những cảm tưởng chung chung, mà sẽ phân tích trong chi tiết những câu, những đoạn nhạc mà tôi cho rằng trong đó có sử dụng các thang âm ngũ cung, tiền ngũ cung, đôi khi có vài điệu thức dân tộc, nhứt là cách vận hành giai điệu phù hợp theo cách làm của cha ông chúng ta ngày xưa đã sử dụng và chắt chiu để trao lại cho thế hệ mai sau.

Cũng trong dịp này, tôi sẽ nhân câu chuyện giữa Phạm Duy và tôi, giới thiệu rành rẽ hơn về ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam, về cách sử dụng thang âm ngũ cung trong âm nhạc truyền thống dân gian và nghệ thuật, những chi tiết nhỏ để nói rõ rằng không phải chỉ dùng ngũ cung là có được bản sắc Việt Nam, vì trong ngũ cung cũng có rất nhiều loại, nhiều cách xây dựng, cách phát triển và chỉ ra phong cách của Việt Nam là như thế nào, để không phải khen ngợi bạn tôi là người khéo áp dụng cái cổ để sáng tác cái mới mà nêu rõ ra những sáng tạo của Phạm Duy đã làm giàu thêm cho nhạc ngữ Việt Nam.

Nhưng trước khi đi vào tài nghệ đặc biệt của Phạm Duy, tôi muốn ghi lại những điểm giống nhau và khác nhau trong cuộc đời của chúng tôi, trong sự ưa thích, trong sự gặp gỡ những con người trong từng giai đoạn, thời điểm khác nhau, trong một số công việc phải làm để mưu sống, đôi khi rất xa với lý tưởng và mục đích của cuộc đời chúng tôi, hay trong những chuyến đi “xuyên Việt”, những cuộc ngao du “khắp bốn biển năm châu”… ngang qua quãng đời của hai anh em chúng tôi từ lúc ấu thơ đến khi trưởng thành. Trong đoạn viết về dân tộc tính trong sáng tác của Phạm Duy, tôi sẽ nhân dịp đó đưa các bạn đi vào thế giới âm nhạc cổ của dân tộc để các bạn thấy rõ những nét đặc thù trong ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam. Và phần kết, tôi sẽ nêu rõ vị trí của Phạm Duy trong văn hóa Việt Nam, qua quan điểm của tôi.

Hy vọng các bạn sẽ cùng đi hết cuộc hành trình này với hai anh em chúng tôi.

Bình Thạnh, ngày 06-12-2011
GS.TS. Trần Văn Khê


Back To Top